QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:06 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Pháo binh nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Ngày 9-10-2009, Trường Sĩ quan Pháo binh được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định tuyên dương “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về các thành tích mà Nhà trường đã đạt được, nhất là những cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện nay, Nhà trường đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong tình hình mới.

  

Từ năm 1998, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Pháo binh cấp phân đội có trình độ đại học; theo đó, lưu lượng học viên tăng lên, các đối tượng đào tạo ngày càng mở rộng hơn,...; trong khi đó, chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, hệ thống giáo trình, tài liệu, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, phương tiện dạy học,... còn nhiều hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dạy tốt, học tốt, công tác tốt”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.

Nhà trường đã tập trung vào việc xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT đặt ra. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát tổng thể, nắm số lượng và chất lượng, xác định thực trạng đội ngũ giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo phù hợp. Trên cơ sở đội ngũ hiện có, căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Nhà trường đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, như: kết hợp chặt chẽ công tác quy hoạch cán bộ với việc tạo nguồn; gửi cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội để chuẩn hóa về mặt kiến thức; đồng thời, chủ động mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tại chức về phương pháp sư phạm, kỹ năng sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại. Công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên của Nhà trường được tiến hành theo phương châm: cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng giáo viên mới ra trường, cán bộ đi trước bồi dưỡng cán bộ đi sau. Hằng năm, Nhà trường đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý tốt; đưa cán bộ đi thực tế để hoàn thiện chức danh ở các đơn vị cơ sở, thực hiện luân chuyển cán bộ và động viên tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn công tác, giảng dạy. Nhà trường cũng rất coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức nghiệp vụ với rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người dạy và người học, khắc phục những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến bản chất, uy tín của người cán bộ, giáo viên,... Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường đã không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên của Nhà trường có trình độ đại học trở lên (trong đó có 38,9% sau đại học; 1 phó giáo sư, 1 Nhà giáo Nhân dân và 7 Nhà giáo Ưu tú); toàn trường có 6 giáo viên dạy giỏi cấp bộ, 245 giáo viên dạy giỏi cấp trường và hàng trăm giáo viên dạy giỏi cấp khoa... Đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Để không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT, Nhà trường đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với các đối tượng. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về đổi mới quy trình, chương trình, nội dung GD-ĐT, Nhà trường đã chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo của các đối tượng cho phù hợp với từng bậc học, ngành học; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình; bảo đảm sự hợp lý về hệ thống kiến thức trong đào tạo. Nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng được xây dựng theo hướng giảm thời gian lên lớp lý thuyết, số lần thi, kiểm tra; tăng thời gian thực hành, thảo luận, nhưng vẫn đáp ứng được tính toàn diện, liên thông, thống nhất và chuyên sâu theo chuyên ngành, đảm bảo cho người học vừa tích lũy được trình độ nhận thức lý luận, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vừa nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật; sau khi ra trường, đảm đương được chức danh ban đầu và phát triển cao hơn.

 Về phương pháp dạy học, Nhà trường đã chỉ đạo các khoa giáo viên kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại; lấy người học làm trung tâm, chú ý phát huy khả năng độc lập, sáng tạo của học viên. Trong quá trình lên lớp, đội ngũ giáo viên đã thực hiện tốt nguyên lý: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa truyền thụ kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện; ứng dụng tốt công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả tính năng các phòng học chuyên dùng để truyền tải nội dung bài giảng, góp phần nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu của các đối tượng.

Với chức năng là một trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự pháo binh, Nhà trường luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực bám sát thực tế, xác định những vấn đề có tính cấp thiết để lựa chọn đề tài nghiên cứu có giá trị đối với công tác GD-ĐT của Nhà trường nói riêng và của Bộ đội Pháo binh nói chung. Những bài học kinh nghiệm trong tác chiến của lực lượng pháo binh trong các cuộc kháng chiến trước đây được nghiên cứu để vận dụng vào điều kiện hiện nay; trong đó, một số đề tài đã được đưa vào ứng dụng trong huấn luyện. Riêng từ năm 1998 đến nay, Nhà trường đã triển khai 143 đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học (17 đề tài, chuyên đề cấp bộ, 136 cấp trường, khoa), hàng trăm đề tài, chuyên đề cấp tiểu đoàn; biên soạn được 97 giáo trình, tài liệu; năm 2008, 2009, Trường đạt giải nhì và giải nhất trong hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp Binh chủng... Hiệu quả từ công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống tài liệu, giáo trình cho từng đối tượng; cùng với các điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện dạy học,... ngày càng được bổ sung, làm cho chất lượng GD-ĐT của Nhà trường tăng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Cùng với nâng cao chất lượng GD-ĐT, Nhà trường đã thường xuyên chú trong xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị trung tâm trong từng giai đoạn, Nhà trường tập trung kiện toàn các tổ chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; trong đó, lấy xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh làm khâu then chốt. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng cấp trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IX) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; giữ vững nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng; đẩy mạnh việc chuyển sang làm theo tấm gương của Bác trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,... Qua đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cả về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, Nhà trường thống nhất phân cấp quản lý, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; tăng cường biện pháp quản lý hành chính trong rèn luyện kỷ luật của bộ đội; nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của cán bộ, chiến sĩ; duy trì chặt chẽ các chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đơn vị an toàn tuyệt đối. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều quy định nhằm thống nhất thực hiện trong toàn Trường, như quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện; về sử dụng xe pháo huấn luyện, xe chuyên dùng; về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; về phân cấp quản lý, giải đáp các nội dung đơn, thư trong đơn vị; về cấm uống rượu, bia say, uống rượu, bia buổi trưa và trong giờ hành chính; v.v. Các quy định này đều được quán triệt sâu rộng đến từng đối tượng và được tổ chức thực hiện nghiêm trong toàn Trường, đưa lại những hiệu quả thiết thực.

 Đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” là niềm vinh dự, tự hào đối với mọi cán bộ, giáo viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên Trường Sĩ quan Pháo binh. Đồng thời, đây còn là nguồn động lực tinh thần quan trọng để mọi thành viên của Nhà trường nâng cao chất lượng GD-ĐT, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Nhà trường phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới.

Đại tá, PGS, TS. TRẦN QUYẾT TIẾN

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)