Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:02 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 15-4-1945, Trường Quân chính kháng Nhật, nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 (SQLQ1) được thành lập theo Nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Là một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu lục quân cấp phân đội, 65 năm qua, Trường SQLQ1 đã đào tạo 77 khóa, có 72 khoá ra trường, với gần 10 vạn học viên tốt nghiệp; trong đó, có 11 khoá đào tạo hệ đại học, với 5.997 học viên tốt nghiệp; đào tạo 944 giáo viên quân sự, 237 học viên cao đẳng, 563 học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, 11.611 học viên năm thứ nhất cho các học viện, trường sĩ quan; tổ chức học văn hóa cho 1.224 học viên cử tuyển,... Ngoài ra, Trường còn thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hơn 4 ngàn cán bộ cho các nước bạn. Năm 2009, Trường được bổ sung nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu cấp phân đội, trình độ cao đẳng với đối tượng là trung đội trưởng, quân nhân chuyên nghiệp (801) binh chủng hợp thành của quân khu 1, 2, 3, 4 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Các khóa học đều hoàn thành tốt chương trình, nội dung theo đúng kế hoạch; học viên tốt nghiệp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đào tạo theo bậc học, có năng lực chỉ huy, quản lý, huấn luyện cấp phân đội. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, khá ngày càng cao (từ năm 2000-2006: 59,54%, từ năm 2007-2009: 69,62%). Đa số học viên ra trường đều xác định và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; vận dụng có hiệu quả những kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn của đơn vị. Thực tế khẳng định, đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo, bồi dưỡng tại Trường đều có chất lượng bảo đảm, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cả trong chiến tranh giải phóng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; hàng vạn đồng chí đã trở thành cán bộ trung, cao cấp, giữ các trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và Quân đội; nhiều người trở thành tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), Nhà trường cũng còn có những hạn chế nhất định. Nội dung, chương trình đào tạo có thời gian chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nâng cao năng lực thực hành cho học viên; vận dụng phương pháp dạy-học tích cực chưa thật đồng bộ; chất lượng một số giờ giảng và việc tổ chức cho học viên tự học kết quả chưa cao; trình độ học vấn của cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có mặt còn hạn chế... Thực tiễn cho thấy, một số học viên ra trường còn lúng túng trong chỉ huy, quản lý và huấn luyện bộ đội; tác phong, phương pháp công tác có mặt còn hạn chế; hiệu quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị chưa cao....
Trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Nhà trường đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Đề án thành lập Trường Đại học Quân sự Trần Quốc Tuấn và Đề án đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ Khoa học Quân sự với chuyên ngành Nghệ thuật Quân sự cấp phân đội. Để làm được điều đó, Nhà trường tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thực hiện tốt việc quán triệt nhiệm vụ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi lực lượng trong Trường đối với nhiệm vụ GD-ĐT, xem đó là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng GD-ĐT của Trường. Theo đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Nhà trường thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng và công tác GD-ĐT, trọng tâm là Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, Nghị quyết số 33-NQ/ĐU của Đảng uỷ Nhà trường; đồng thời, tăng cường giáo dục cho mọi cán bộ, giáo viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, chiến sĩ nhận rõ công tác GD-ĐT là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà trường. Trên cơ sở đó, từng người đề cao ý thức, trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, trọng tâm là huấn luyện quân sự, rèn luyện kỷ luật, xây dựng Nhà trường chính quy; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng và thực hiện tốt các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hướng vào xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và tổ chức công tác tuyển sinh quân sự thực sự nghiêm túc, khách quan.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, theo hướng: “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển của Quân đội, sát với đối tượng tác chiến, điều kiện địa hình, thời tiết, phù hợp với vũ khí, trang bị và sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đổi mới phải vừa đáp ứng được mục tiêu chung, vừa cụ thể hóa được cho từng đối tượng và chuyên ngành đào tạo; chú trọng cả dài hạn và ngắn hạn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo theo chức vụ gắn với trình độ học vấn tương ứng, trọng tâm là chức vụ ban đầu; đảm bảo kiến thức liên thông, không dàn trải, tránh trùng lặp; học viên tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhiệm đến cấp tiểu đoàn mới phải đào tạo lại. Trước yêu cầu mới, Trường coi trọng xây dựng chương trình, nội dung cho các loại hình đào tạo; trọng tâm là xây dựng chương trình chuẩn đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu lục quân cấp phân đội, bậc đại học (hệ 4 năm). Chương trình, nội dung GD-ĐT thường xuyên được bổ sung, cập nhật những kiến thức mới về vũ khí, trang bị, về chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao...; chú trọng huấn luyện cho học viên phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nhất là công tác tư tưởng đối với bộ đội và các nội dung công tác của bí thư chi bộ, bí thư Đoàn Thanh niên,... Trên cơ sở nghiên cứu thực tế của các đơn vị trong toàn quân, Nhà trường chỉ đạo từng khoa chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết trong chương trình, nội dung giảng dạy mà khoa phụ trách; đẩy mạnh công tác biên soạn tài liệu, giáo trình, đề cương bài giảng.
Cùng với đó, Nhà trường tích cực đổi mới phương pháp GD-ĐT theo hướng: lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của người học, gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính; tích cực bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn và phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo cho học viên. Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng tự học của học viên, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực hiện chức trách được giao; đồng thời, đề cao trách nhiệm, phát huy hiệu quả trợ giáo của đội ngũ cán bộ đại đội, trung đội trong tổ chức, duy trì hoạt động tự học của học viên. Nhà trường coi trọng đổi mới phương pháp dạy-học các môn khoa học xã hội và nhân văn, nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ, tin học; duy trì nghiêm túc các chế độ rèn luyện, luyện tập của học viên, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trang bị kiến thức với rèn luyện ý chí quyết tâm, sát với thực tế chiến đấu... giúp cho học viên có sức khỏe dẻo dai, không lùi bước trước khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Cùng với đó, Nhà trường duy trì nghiêm chế độ hội thi, hội thao và các hoạt động ngoại khóa; qua đó, củng cố, bổ sung kiến thức, khắc phục những nội dung còn yếu, còn thiếu và rèn luyện kỹ năng thực hành theo chức vụ cho học viên. Nhà trường coi trọng thực hiện đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên, đảm bảo các yêu cầu: khách quan, trung thực, phản ánh đúng trình độ của người học; lấy kết quả học tập, rèn luyện của học viên làm thước đo chất lượng GD-ĐT của từng đơn vị. Để đảm bảo nâng cao chất lượng GD-ĐT, Nhà trường tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, giảng đường chuyên dùng, thao trường, bãi tập và nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, thư viện điện tử...
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển sinh, bởi nguồn đào tạo của Trường chủ yếu được tuyển chọn qua các kỳ tuyển sinh quân sự hằng năm (chỉ có một số ít thuộc diện cử tuyển, là con em các dân tộc ít người). Để lựa chọn được những thanh niên có đủ các yêu cầu cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, sức khoẻ, có chí hướng xây dựng quân đội, Nhà trường chỉ đạo thực hiện chặt chẽ các khâu tuyên truyền, xét tuyển trên hồ sơ, cho đến công tác tổ chức tuyển sinh quân sự; trong đó, coi trọng việc thường xuyên giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, giảng viên, nhất là các đồng chí trực tiếp làm công tác tuyển sinh quân sự, nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy chế, quy định trong thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh. Mặt khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua đội ngũ cán bộ tuyển sinh của Trường và của các địa phương, Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các thanh niên đăng ký thi tuyển hiểu rõ về mục tiêu, yêu cầu đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu lục quân, giúp họ chuẩn bị tốt về mọi mặt khi chọn con đường binh nghiệp. Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, hằng năm, Nhà trường tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, chính xác các kỳ thi tuyển sinh theo đúng Quy chế Tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy định của Hội đồng Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phũng.
Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, chất lượng cao; xem đó là một trong những nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT của Nhà trường. Hiện nay, Nhà trường có 19 tiến sĩ, và trên 200 thạc sĩ. Đề án "Thành lập Trường Đại học Quân sự Trần Quốc Tuấn" đang được triển khai tích cực. Nhà trường xây dựng kế hoạch nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học lên trên 50%; đồng thời, tích cực đào tạo, bồi dưỡng để có lực lượng giảng viên trẻ thay thế số đã đến tuổi nghỉ hưu. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác GD-ĐT, Nhà trường chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực giảng dạy để mỗi giảng viên vừa có tri thức vững, tầm hiểu biết rộng, vừa có khả năng biên soạn, thiết kế bài giảng, có kỹ năng truyền đạt thông tin cho người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng vào thực tiễn. Mặt khác, Trường còn đặt ra yêu cầu cao trong việc rèn luyện để mỗi giảng viên có nhân cách mẫu mực, có phương pháp nghiên cứu và làm việc khoa học, thực sự là tấm gương sáng cho học viên noi theo; đồng thời, có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng để đội ngũ giảng viên đạt được học vị và chức danh khoa học, nâng cao tỷ lệ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ sau đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo thạc sĩ Khoa học Quân sự của Trường trong thời gian tới. Cùng với đó, Nhà trường còn thực hiện tốt chủ trương cử cán bộ, giảng viên trẻ đi xuống các đơn vị, giúp họ nắm được thực tế, qua đó có kế hoạch hoàn thiện bản thân và có những kiến nghị, đề xuất với Nhà trường về những vấn đề cần thiết.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện. Thực tế đã khẳng định, Trường SQLQ1 là một trung tâm mẫu mực về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và là địa chỉ tin cậy để các nhà trường, học viện trong toàn quân tham quan, học tập. Có được điều đó, là do, cùng với trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho học viên, Nhà trường còn thường xuyên duy trì có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các chế độ quy định cho học viên; kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng giáo dục với xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, luôn tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Trường.
Phát huy truyền thống vẻ vang của một trường Anh hùng, nơi Bác Hồ đó 9 lần về thăm và trực tiếp trao tặng Nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng "Trung với nước, hiếu với dân"; cán bộ, giảng viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, chiến sĩ của Trường SQLQ1 đang tiếp tục đoàn kết, phấn đấu xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, làm cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Thiếu tướng TRẦN QUỐC PHÚ
Hiệu trưởng Nhà trường
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011