QPTD -Thứ Bảy, 13/08/2011, 22:07 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Không quân nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự

Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), thành lập ngày 20 tháng 8 năm 1959. Trong 50 năm qua, trường SQKQ đã đào tạo được hàng vạn sĩ quan phi công quân sự (PCQS), cán bộ, nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không; trong đó, nhiều cán bộ, phi công, chiến sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh, lập công xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; không ít cán bộ trưởng thành, phát triển, hiện đang đảm nhận trọng trách trong Quân chủng PK-KQ và trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được, năm 2005, Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hiện nay, trường SQKQ là trung tâm duy nhất của quân đội có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học chuyên ngành PCQS, huấn luyện dù- tìm kiếm cứu nạn đường không; đào tạo nhân viên các chuyên môn kỹ thuật hàng không; đào tạo chuyển loại và bay nâng cao kỹ thuật lái cho phi công phản lực chiến đấu của Quân chủng PK-KQ và sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu.

 Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo PCQS, thông qua việc đẩy mạnh thực hiện những nội dung chủ yếu sau:

1- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn cho học viên. PCQS là nghề có tính đặc thù cao: tiêu chí tuyển chọn hết sức khắt khe; người học phải thường xuyên rèn luyện trong điều kiện khắc nghiệt, phức tạp, tỷ lệ thải loại cao. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, ngoài các yêu cầu về bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng dũng cảm, tinh thần kỷ luật cao, trình độ chuyên môn giỏi, sức khỏe tốt, điều quan trọng có tính quyết định là người học viên PCQS phải xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn trong suốt quá trình học tập và rèn luyện. Để có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, trước hết, người học viên phải có nhận thức đúng về nghề nghiệp, có quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, để rèn luyện, phấn đấu không ngừng vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ điều đó, Nhà trường đã thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị- tư tưởng, rèn luyện, hun đúc lòng yêu nghề cho học viên và tạo điều kiện để họ học tập, rèn luyện trở thành PCQS. Ngay trong giai đoạn sơ tuyển, Nhà trường đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương nơi tuyển quân tổ chức tuyên truyền nội dung, chỉ tiêu tuyển sinh, giới thiệu sơ bộ về quá trình hình thành, phát triển của Nhà trường, những yêu cầu cần thiết khi tham gia tuyển sinh, nhằm giúp các thí sinh có định hướng ban đầu đối với nghề PCQS.

Giai đoạn học lý thuyết là giai đoạn quan trọng nhất để học viên PCQS đối chiếu cũng như hiện thực hoá ước mơ của mình về nghề bay. Trong giai đoạn này, việc định hướng tốt động cơ nghề nghiệp không chỉ giúp học viên củng cố vững chắc lòng yêu nghề, mà còn tạo cơ sở cho việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, tâm lý; phát triển năng lực, trình độ, kỹ năng, kỹ xảo trong nghề nghiệp. Vì vậy, cùng với việc duy trì thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch giáo dục chính trị, tư tưởng theo quy định, Nhà trường cũng đẩy mạnh giáo dục định hướng cho học viên về giá trị, niềm tự hào của tuổi trẻ khi trở thành người cán bộ, sĩ quan PCQS, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của người PCQS đối với đất nước, quân đội. Nội dung này được Nhà trường lồng ghép trong các chương trình học tập trên lớp với rèn luyện ở đơn vị và các hoạt động giáo dục chính trị ngoại khoá, như: tham quan các di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nói chuyện truyền thống, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp của các phi công lớp trước…, để học viên giữ vững quyết tâm, củng cố lòng yêu nghề, say mê học tập và rèn luyện.

Giai đoạn thực hành bay là giai đoạn khẳng định độ vững chắc của động cơ nghề nghiệp đối với học viên PCQS. Trong giai đoạn này, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố động cơ nghề nghiệp cho học viên, với yêu cầu cao hơn cả về nội dung, hình thức, phương pháp; trong đó, tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tố chất tâm lý, tinh thần, thể lực, ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của người PCQS. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội đồng quân nhân..., trong công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng động cơ nghề nghiệp cho học viên; chỉ đạo các đơn vị quản lý học viên, nhất là Tiểu ban Phương pháp Chính trị tư tưởng- Tâm lý trong việc bám, nắm tư tưởng học viên, kịp thời phát hiện và giải quyết có hiệu quả những vấn đề về tư tưởng phát sinh trong quá trình thực hành bay; chống các biểu hiện lệch lạc. Cùng với đó, công tác tổ chức và công tác chính sách, chế độ tiêu chuẩn cho các đối tượng đều được Nhà trường quan tâm và đảm bảo theo đúng quy định. Do làm tốt các nội dung nêu trên, 100% học viên PCQS có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ nghề nghiệp đúng đắn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2- Tích cực đổi mới quy trình, chương trình đào tạo PCQS phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước đây, học viên PCQS sau khi hoàn thành giai đoạn huấn luyện lý thuyết ở Trung tâm là chuyển sang huấn luyện thực hành bay ngay trên các loại máy bay chiến đấu hiện đại. Do lần đầu thực hành bay, học viên chưa thích ứng ngay được với yêu cầu kỹ thuật phức tạp của các loại máy bay này, nên tỷ lệ bị thải loại tương đối cao. Để khắc phục tình trạng này, Nhà trường đã đổi mới quy trình đào tạo, thực hiện phương pháp huấn luyện từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp (hay còn gọi là phương pháp giờ bay tích lũy). Theo đó, trước khi chuyển sang thực hành bay máy bay chiến đấu hiện đại, học viên PCQS đều được huấn luyện thực hành bay thành thạo trên máy bay cánh quạt (máy bay trực thăng) và máy bay IAK-52, có độ cao và tốc độ vừa phải, yêu cầu thao tác đơn giản hơn so với máy bay chiến đấu; do vậy, tỷ lệ thải loại đối với học viên đã giảm đáng kể. Cùng với đó, Nhà trường cũng chú trọng đổi mới phương pháp dạy, học theo hướng tích cực, nhằm biến quá trình đào tạo PCQS trở thành quá trình tự đào tạo. Đối với phương pháp này, trong quá trình giảng dạy, giảng viên kết hợp truyền đạt kiến thức với đưa ra cho học viên những vấn đề, những nội dung cần thảo luận, nhằm phát huy tính dân chủ của tập thể và tư duy sáng tạo của người học. Những bài học, nội dung học, tiết học như vậy rất sinh động, thực sự bổ ích đối với học viên PCQS trong việc hun đúc lòng yêu nghề, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Ngoài chương trình học tập trên lớp, giảng viên cũng chú trọng giúp đỡ, tạo điều kiện để học viên PCQS tự nghiên cứu, tự rèn luyện nhằm củng cố và mở rộng kiến thức đã học. Chấp hành chỉ đạo của Tư lệnh Quân chủng, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch huấn luyện theo chương trình đào tạo mới, trong đó, giảm thời gian huấn luyện lý thuyết từ 2 năm xuống còn 1 năm; tập trung huấn luyện những nội dung cơ bản, thiết thực đối với từng đối tượng học viên PCQS, nhất là huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng trong đội hình Quân chủng, binh chủng, binh chủng hợp thành. Với phương pháp này, Nhà trường đã giảm được một phần đáng kể chi phí huấn luyện, chất lượng đào tạo PCQS được nâng cao. Nhà trường tích cực ứng dụng thành tựu khoa học- công nghệ vào công tác giảng dạy; chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng Phương pháp và các Tiểu ban Phương pháp bay ở các đơn vị trong việc theo dõi, giúp đỡ học viên; duy trì kỷ luật huấn luyện, nền nếp giảng bình rút kinh nghiệm và kiểm tra an toàn trước mỗi chuyến bay, đặc biệt chế độ giảng bình sau 8 - 10 ban bay theo quy định của Bộ Tư lệnh Quân chủng. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng quy trình, chương trình đào tạo phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo PCQS trong tình hình mới.

3- Tập trung nâng cao trình độ, năng lực toàn diện của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng đào tạo PCQS. Yêu cầu đối với người cán bộ, giảng viên của Nhà trường rất cao. Ngoài phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, họ còn phải là người quản lý giỏi, nhà sư phạm giỏi, phi công giỏi, nhà tâm lý giỏi. Để đạt được yêu cầu đó, Nhà trường đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Quân chủng xây dựng quy hoạch, kiện toàn tổ chức biên chế đội ngũ giảng viên của Trường, bảo đảm yêu cầu số về lượng và chất lượng. Hằng năm, trước các giai đoạn huấn luyện, Nhà trường đều xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên để bồi dưỡng các nội dung, thống nhất phương pháp huấn luyện mới. Do đặc thù và tính chất công việc, đội ngũ giảng viên cũng thường xuyên được huấn luyện bay các bài bay theo yêu cầu, được bồi dưỡng nâng cao về phương pháp sư phạm, kinh nghiệm kết hợp dạy nghề và dạy người. Thời gian qua, Nhà trường đã dành nhiều thời gian để tập huấn các nội dung thực hành trực tiếp trên máy bay, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo và bản lĩnh bay cho giảng viên. Đối với giáo viên mới vào nghề, Nhà trường chỉ đạo cho tăng giờ bay, cử các giảng viên có trình độ, kinh nghiệm bay giỏi trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ. Cùng với đó, Nhà trường cũng duy trì và thực hiện có nền nếp việc giảng mẫu, giảng thử, dự giảng, giảng kiểm tra, giảng bình rút kinh nghiệm, để đội ngũ giảng viên đúc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong công tác quy hoạch nguồn cán bộ, giảng viên, Nhà trường chỉ đạo cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên: theo dõi, lựa chọn những học viên PCQS giỏi để tạo nguồn giảng viên. Nhà trường còn phối hợp với các cơ sở hàng không trong nước và quốc tế để gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo, đi thực tế, nhằm nâng cao trình độ.

4- Thực hiện tốt các mặt bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Do trang bị kỹ thuật hàng không của Nhà trường hầu hết đã cũ, đã qua sửa chữa, tăng hạn sử dụng nhiều lần nên dễ phát sinh hỏng hóc, ảnh hưởng đến công tác huấn luyện PCQS. Trước thực trạng đó, Nhà trường đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm kỹ thuật hàng không cụ thể cho từng giai đoạn huấn luyện, nhằm bảo đảm đủ phương tiện bay, an toàn bay trong suốt quá trình đào tạo. Theo đó, Nhà trường coi trọng công tác giáo dục, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng hiểu biết khi khai thác, sử dụng kỹ thuật hàng không cho các đối tượng. Các quy trình, nền nếp, quy tắc an toàn kỹ thuật hàng không, nhất là các biện pháp nâng cao độ tin cậy của vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng như Hội thi “Máy bay, xe máy tốt, kho xưởng, đài trạm kiểu mẫu” được Nhà trường duy trì thường xuyên, có nền nếp. Tổ chuyên gia kỹ thuật đầu ngành thuộc các đơn vị huấn luyện luôn coi trọng công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tăng hạn, thay thế các thiết bị. Nhờ vậy, trong quá trình huấn luyện, các phương tiện kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ đào tạo PCQS luôn được bảo đảm tốt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Đối với công tác bảo đảm hậu cần, ngoài việc bảo đảm tốt các công trình đường lăn, sân đỗ, cứu hỏa, xăng, dầu, xe máy, doanh trại, Nhà trường luôn coi trọng bảo đảm an toàn đối với nguồn thực phẩm, duy trì đủ chế độ, tiêu chuẩn bữa ăn và khám sức khỏe định kỳ cho học viên PCQS. Các dụng cụ y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, học viên được Nhà trường đầu tư mua sắm, nâng cấp. Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp nêu trên nên nhiều năm qua, Trường SQKQ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo PCQS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN DUY CƯỜNG

Hiệu trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)