QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:44 (GMT+7)
Trường sĩ quan Đặc công tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo
Trường sĩ quan Đặc công, tiền thân là Trường bổ túc cán bộ Đặc công, được thành lập ngày 20 tháng 7 năm 1967. Sự ra đời của Trường đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức xây dựng lực lượng Đặc công; khẳng định vị trí quan trọng của Nhà trường trong công tác huấn luyện, đào tạo, bổ túc cán bộ, phát triển lực lượng và nghệ thuật tác chiến đặc công trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Trải qua 40 năm xây dựng, trưởng thành, nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của Nhà trường luôn được phát triển, từ bổ túc, đào tạo cán bộ theo chương trình ngắn hạn, đến nay đang đào tạo sĩ quan dài hạn, bậc cao đẳng, đại học với đủ ba chuyên ngành (đặc công bộ, đặc công nước và đặc công biệt động); đồng thời tiếp tục đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng cán bộ từ phân đội đến cấp trung đoàn, chuyển loại cán bộ chính trị đặc công; đào tạo trung cấp võ, mũi trưởng, mũi phó đặc công… và hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đặc công. Ngoài ra, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế giúp một số nước bạn về đào tạo sĩ quan phân đội và giáo viên đặc công. Cùng với nhiệm vụ GD-ĐT, Nhà trường luôn thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Bốn mươi năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ của Nhà trường cũng luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhà trường đã đào tạo, bổ túc hàng vạn cán bộ quân sự, chính trị đặc công, bổ sung cho các đơn vị đặc công trong toàn quân, kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến đấu trên các chiến trường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với những thành tích trong công tác GD-ĐT, xây dựng, chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, 2 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Nhà nước Cộng hòa Cu-ba tặng Huân chương ANTONIO MCEO; Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng 2 Huân chương ít-xa-la; Nhà nước Căm-pu-chia tặng Huân chương Ăng co; và nhiều phần thưởng cao quý khác. Để tiếp tục phấn đấu xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bổ túc cán bộ đặc công; trung tâm nghiên cứu khoa học đặc công của Binh chủng Đặc công và của quân đội, Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, gần đây nhất là Nghị quyết 86-ĐUQSTƯ, ngày 29 tháng 3 năm 2007 Về công tác GD-ĐT trong tình hình mới; chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công, tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp dạy và học, nhằm tạo sự chuyển biến toàn diện trong công tác này, bảo đảm vừa đạt chuẩn mặt bằng kiến thức bậc đại học theo ngành và nhóm ngành tương ứng trong danh mục đào tạo bậc đại học của Nhà nước, vừa bảo đảm mục tiêu đào tạo theo chức vụ và yêu cầu thống nhất về kiến thức quân sự đối với sĩ quan cấp phân đội đặc công; rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực hành chức trách ban đầu. Nhà trường thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, như tổ chức hội thảo khoa học về xây dựng quy trình, chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học; tổ chức tọa đàm, trao đổi ở các khoa giáo viên, các hệ quản lý học viên; lấy ý kiến đóng góp của học viên, qua đó phát huy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm của mọi cán bộ, giáo viên, học viên để tìm ra phương pháp dạy tốt, học tốt. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn tổng kết các trận đánh hay của bộ đội Đặc công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, kết hợp với nghiên cứu những phát triển mới về phương tiện, thủ đoạn tác chiến, vũ khí, trang bị... trong các cuộc chiến tranh xảy ra gần đây trên thế giới, để xây dựng hệ thống giáo trình, giáo án huấn luyện phù hợp với đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội Đặc công. Nhà trường cũng phối hợp với các trường ở trong và ngoài quân đội nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, phương pháp giảng dạy, quản lý và điều hành huấn luyện. Tổ chức các đoàn cán bộ xuống đơn vị cơ sở trong binh chủng để khảo sát, nắm tình hình kết quả đào tạo của Nhà trường, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cơ sở để nghiên cứu, điều chỉnh chương trình, nội dung, cải tiến phương pháp dạy và học cho phù hợp. Thời gian qua, Nhà trường đã tăng thời gian cho nội dung "Phương pháp huấn luyện các chuyên ngành đặc công” và bổ sung thêm một số nội dung về tác chiến biển đảo, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống khủng bố...

Để học viên sau khi ra trường có đủ trình độ học vấn, thành thạo kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành đặc công; đồng thời, biết tổ chức, chỉ huy huấn luyện phân đội theo chức trách, Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp GD-ĐT, nhấn mạnh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng năng lực tư duy và rèn luyện kỹ năng thực hành; khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ học viên, nhất là học viên đào tạo ở trình độ đại học. Trong huấn luyện, thực hiện tốt phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp trong huấn luyện; gắn huấn luyện với rèn luyện, chú trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm; kết hợp huấn luyện chiến thuật cá nhân, phân đội, rèn luyện thể lực với diễn tập vòng tổng hợp sát thực tế chiến đấu; tăng cường các hoạt động ngoại khoá, nhất là các hoạt động văn hoá, thông tin, nhằm truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu, giới thiệu những trận đánh hay của Đặc công...  Đồng thời, tổ chức cho học viên đi thực tập đúng cương vị được đào tạo tại các đơn vị cơ sở trong Binh chủng, qua đó giúp họ tiếp cận với thực tế, vận dụng kiến thức đã được trang bị tại Trường vào công tác quản lý, chỉ huy. Nền nếp chính quy, kỷ luật trong dạy và học, nhất là chế độ thông qua giáo trình, giáo án, tổ chức thi, đánh giá kết quả, công tác kiểm tra, thanh tra, rút kinh nghiệm được duy trì nghiêm túc. Nhờ vậy, chất lượng GD-ĐT được nâng lên rõ rệt, năm học 2005-2006, kết quả thi tốt nghiệp đạt 100%, trong đó có 80,28% đạt khá giỏi, tăng 3,4% so với năm học 2004-2005. Năm 2006, Nhà trường đã hoàn thành Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo chỉ huy tham mưu Đặc công cấp phân đội” và chương trình khung giáo dục đại học ngành chỉ huy tham mưu Đặc công thuộc nhóm ngành khoa học quân sự, được Binh chủng và Bộ phê duyệt. Năm học 2006-2007, chấp hành Chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng về "Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục", Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã kịp thời quán triệt sâu rộng trong toàn Trường và phát động phong trào thi đua "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" với các chủ trương, biện pháp cụ thể, nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu của năm học.
 Cùng với đó, Nhà trường coi trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT. Đặc thù của một Nhà trường đào tạo nhiều đối tượng, nhiều cấp học, bậc học, đòi hỏi đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý phải có bản lĩnh chính trị kiên định, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng sư phạm và trình độ quản lý, chỉ huy, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhiệm vụ, chức trách được giao và sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm khi có yêu cầu. Mặc dù, hiện nay, trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của Nhà trường có trên 90% đại học, sau đại học, nhiều đồng chí đã trải qua các cương vị chỉ huy, xây dựng và chiến đấu tại các đơn vị trong Binh chủng Đặc công; nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT trong tình hình mới, thì Nhà trường còn phải phấn đấu hơn nữa.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường sĩ quan Đặc công lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2005-2010) đã xác định: "tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo tiêu chuẩn Nhà nước, Quân đội, kết hợp đào tạo chính quy tại các nhà trường theo chỉ tiêu với việc tổ chức đào tạo tại chức để đáp ứng mặt bằng kíến thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Phấn đấu đến 2010 có 100% giáo viên có trình độ đại học, trên 40% sau đại học, 3-5% tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ quản lý có 70% trở lên đạt trình độ đại học". Từ chủ trương đó, Nhà trường tích cực đề nghị Binh chủng bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm ở các cơ quan, đơn vị về bồi dưỡng làm giáo viên, cán bộ quản lý học viên; đồng thời, tuyển chọn trong số học viên tốt nghiệp đạt kết quả tốt, có khả năng sư phạm, đề nghị Binh chủng đưa về công tác tại các đơn vị, phấn đấu phát triển đến cán bộ đại đội, điều động về Trường để tiếp tục bồi dưỡng, bổ sung vào đội ngũ giáo viên. Để nâng cao chất lượng, Nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo, hoàn thiện đại học, sau đại học ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý đi thực tế ở đơn vị, đảm nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ huy, để rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm, chuyên môn; kết hợp với tự học tập, tự rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn. Tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy theo các đề án, chương trình đổi mới đã được Binh chủng và Bộ phê duyệt. Thực hiện tốt các chế độ quy định, nền nếp chính quy, kỷ luật trong giảng dạy, học tập, chống mọi biểu hiện vi phạm quy chế, quy định về GD-ĐT của Bộ và của Nhà trường. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; ưu tiên các đề tài về phát triển nghệ thuật tác chiến Đặc công trong điều kiện mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học. Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng thi giáo viên, cán bộ quản lý giỏi của Nhà trường và của Binh chủng. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên với xây dựng đội ngũ đảng viên; xây dựng cơ quan, hệ học viên, khoa giáo viên vững mạnh toàn diện với xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh và chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành.
Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện cũng được Nhà trường luôn quan tâm. Trong điều kiện đóng quân phân tán, kinh phí bảo đảm cho GD-ĐT hằng năm hạn hẹp, Nhà trường đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên những công trình, những trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy, học tập, như hệ thống giáo trình, giáo án, hệ thống phòng học, thao trường, bãi tập, trường bắn, các trang thiết bị, máy móc phục vụ huấn luyện. Thực hiện phương châm “trên dưới cùng lo, cùng làm”, Nhà trường tích cực huy động và sử dụng hiệu quả quỹ vốn tăng gia của đơn vị và sự giúp đỡ của địa phương, của các cơ quan, đơn vị bạn, để xây dựng, nâng cấp hệ thống đường sá, doanh trại...; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường nghiên cứu, cải tiến, phát minh, sáng chế, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT của Nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đại tá Vũ Hồng Sơn
Hiệu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)