QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:18 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Công binh thi đua dạy tốt, học tốt

Thực hiện chủ trương mở rộng hệ thống nhà trường trong quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, ngày 26-12-1955, Trường Sĩ quan Công binh (thuộc Bộ Tư lệnh Công binh) được thành lập (trên cơ sở Phân khoa Công binh Trường Lục quân Trung học Trần Quốc Tuấn). Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Nhà trường đã đào tạo được gần 20.000 cán bộ, sĩ quan dự bị chuyên ngành công binh Quân đội nhân dân Việt Nam và hơn 600 cán bộ cho quân đội nước Bạn. Những lớp cán bộ này, sau khi ra trường, đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ, học viên của Nhà trường trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác, lập công xuất sắc, trở thành anh hùng, dũng sĩ trong lực lượng vũ trang (LLVT), cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Ghi nhận công lao của cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên qua các thế hệ, Đảng và Nhà nước ta đã tặng Nhà trường nhiều huân chương, huy chương, cờ thi đua các loại; Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít-xa-la; Nhà nước Cam-pu-chia tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, ngày 13-3-2008, Trường được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của Quân đội và Binh chủng, Nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết 124-NQ/ĐUBC của Đảng ủy Binh chủng về giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Nhiệm vụ của Nhà trường ngày càng nặng nề, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, với việc tiếp tục thực hiện đào tạo đa cấp, đa ngành, cả quân sự và dân sự, đào tạo cao đẳng cho Bộ Công an, đào tạo học viên quốc tế…

Trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thi đua dạy tốt, học tốt; triển khai thực hiện có chất lượng nhiệm vụ đào tạo theo quy trình, chương trình mới. Nhà trường xác định nội dung trọng tâm là không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu: xóa yếu kém, giảm trung bình, tăng khá, giỏi; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo. Trong đó, Nhà trường tập trung đổi mới nội dung, tổ chức phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, bảo đảm chất lượng đào tạo theo hướng chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại hóa... và sẵn sàng chiến đấu cao.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, sát với tình hình nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn, từng năm, từng quý và xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho từng đối tượng. Nhà trường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào tổ chức bổ túc, tập huấn cho cán bộ các cấp; tổ chức biên soạn giáo trình, lập kế hoạch và điều hành giảng mẫu, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giáo viên. Trường cũng chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát lại chương trình môn học để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo sĩ quan phân đội bậc Đại học 4 năm (theo Đề án 63), đào tạo Chỉ huy tham mưu trung đoàn, lữ đoàn công binh; đào tạo sĩ quan phân đội cao đẳng từ nguồn 801; đào tạo trung đội trưởng 3 năm; chương trình giáo dục quốc phòng- an ninh, huấn luyện thể chất cho học viên ngành cao đẳng kỹ thuật xây dựng cầu đường và xây dựng kế hoạch huấn luyện nhân viên dò tìm, xử lý bom mìn cho Bộ Công an. Cùng với việc chú trọng xây dựng, củng cố giảng đường, thao trường, Trường còn chỉ đạo tổ chức biên soạn đề cương, đề thi, đáp án, đầu bài diễn tập, nghiên cứu xây dựng đề thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, Trường xây dựng nền nếp chính quy và kỷ luật huấn luyện, thực hiện phương châm, phương pháp huấn luyện thực sự thực tế, tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, phù hợp với nghệ thuật tác chiến của quân đội và Binh chủng thời kỳ mới.

Ngoài số cán bộ được trên bổ sung, Nhà trường còn tích cực tạo nguồn, tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý và xây dựng Nhà trường ngày một vững mạnh. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên của Trường vẫn thiếu so với nhu cầu biên chế và nhiệm vụ đào tạo (bình quân 1 giáo viên giảng 542 giờ/năm, tăng 1,9 lần so với định mức). Trước thực trạng đó, Nhà trường đã thực hiện nghiêm quy trình, kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn, chức danh. Không chỉ chú trọng lựa chọn những cán bộ trẻ, có năng lực sư phạm, cử đi đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, Nhà trường còn chủ động liên kết với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Lục quân… đào tạo các lớp cao học, kỹ sư văn bằng II, các chứng chỉ sau đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ… tại Trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, khoa, ngành chủ động bố trí, sắp xếp lại lực lượng, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ; phát huy chức năng của Hội đồng phương pháp cấp khoa để giúp đỡ nhau, nâng cao chất lượng trong giảng dạy. Nhà trường tích cực chỉ đạo nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện nội dung, chương trình giảng dạy; chú trọng công tác bồi dưỡng phương pháp, ứng dụng công nghệ tin học vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên; tăng cường thí giảng, bình giảng, kiểm tra giảng. Từ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến phương pháp giảng dạy đã khơi dậy tiềm năng to lớn trong cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường. Đội ngũ giáo viên trẻ đã năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hiện tại, 100% giáo viên của Trường đều đạt trình độ đại học, trong đó hơn 40% có trình độ sau đại học, (có 3 tiến sĩ và 5 đồng chí đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ cấp cơ sở...), 95% giáo viên có chứng chỉ triết học nâng cao, chứng chỉ phương pháp dạy học đại học và nghiên cứu khoa học, 7 đồng chí đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 6 đồng chí đạt giáo viên giỏi cấp toàn quân, 4 đồng chí đạt giáo viên giỏi chuyên môn toàn quân… Đó là những hạt nhân xuất sắc, những nhân tố nòng cốt của các khoa, các tổ bộ môn trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học. Nhà trường đặt chỉ tiêu phấn đấu mỗi giảng viên giảng giỏi 1 môn và có khả năng thay thế, giảng kiêm nhiệm từ 1 đến 2 môn khác; khuyến khích cán bộ, giáo viên, học viên cùng tham gia nghiên cứu khoa học, phấn đấu mỗi năm có 2 đến 3 đề tài nghiên cứu cấp ngành, cấp cục và cấp bộ.

Đối với người học, phương châm chỉ đạo xuyên suốt là “xóa yếu kém, giảm trung bình, tăng khá giỏi”. Ngay từ đầu khóa, Nhà trường đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học viên, sinh viên, đẩy mạnh các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt, công tác tốt, kỷ luật nghiêm”. Thông qua các hoạt động thi đua, lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt, tăng cường công tác quản lý, sâu sát của đội ngũ cán bộ khung, phát huy khả năng của “người thầy thứ hai” trong quản lý, giáo dục học viên. Phối hợp các phong trào thi đua với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt; tổ chức trao đổi, mạn đàm xung quanh các vấn đề nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện. Các khoa giáo viên đã tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy-học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo và bồi dưỡng năng lực tư duy, năng lực hoạt động thực tiễn của người học. Trong thực hành huấn luyện, đã chú trọng việc dành thời gian cho học viên luyện tập, tạo điều kiện đưa người tập sát thực tế chiến đấu; khuyến khích phát triển tư duy độc lập, tính sáng tạo của học viên, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Đối với học viên yếu, học viên cá biệt, chưa hoàn thành nội dung, môn học... Nhà trường chỉ đạo “học bù, thi vét”, tổ chức các tổ, nhóm học tập để học viên khá, giỏi kèm học viên yếu, từng bước nâng chất lượng đồng đều. Cùng với đó, Nhà trường xây dựng và thực hiện nghiêm các quy chế quản lý, điều hành giáo dục- đào tạo; quy chế thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện. Bước đầu, Trường triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục-đào tạo” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động và theo Chỉ thị 60/CT-TM của Bộ Tổng tham mưu. Quy trình thẩm định hồ sơ tuyển sinh và công tác đối ngoại quân sự của Trường được thực hiện đúng quy định. Đồng thời, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các đơn vị gắn kết quả học tập với bình xét, phân loại, chấm điểm đạo đức với tiêu chuẩn kết nạp đảng viên, đoàn viên; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ với rèn luyện bản lĩnh, tác phong của người chỉ huy, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ, năng lực chuyên môn, giúp cho họ khi ra trường đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, biết làm và đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ cao hơn.

Để duy trì thường xuyên và có hiệu quả phong trào thi đua dạy tốt- học tốt, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến vững chắc trong nhận thức và hành động; gắn kết chặt chẽ giữa thi đua dạy tốt- học tốt với các phong trào thi đua Quyết thắng của Nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Chính trị, cán bộ chính trị các cấp thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và duy trì có hiệu quả các hoạt động thi đua của đơn vị mình. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn củng cố, kiện toàn Hội đồng Thi đua Nhà trường và các cụm thi đua, bảo đảm việc chỉ đạo các hoạt động thi đua thường xuyên cũng như đột xuất; bổ sung, hoàn thiện quy chế chấm điểm thi đua; thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong đánh giá phong trào, nhằm động viên tính tích cực của tập thể cán bộ, giáo viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên chức... toàn Trường. Đó là những yếu tố cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phong trào thi đua luôn đúng hướng, được duy trì thường xuyên và không ngừng nâng cao chất lượng.

Trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua, bên cạnh các đợt thi đua lớn của Nhà trường, Hội đồng Thi đua, mà trực tiếp là cơ quan Chính trị còn thường xuyên chỉ đạo tổ chức các đợt thi đua đột kích gắn với cuộc vận động của các cấp, các ngành, như Cuộc vận động “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật, tốt bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; phong trào “Thanh niên Quân đội rèn đức, rèn tài, xung kích, sáng tạo xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo”, phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa”, gắn với xây dựng cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, tạo ra môi trường sống, môi trường giáo dục hài hòa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Sự kết hợp đó làm cho thi đua thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi thành viên trong Nhà trường, thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục-đào tạo.

 Đại tá, ThS. Thái Hồng Lĩnh

Hiệu trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)