Thứ Năm, 24/04/2025, 10:59 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cùng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, hạ sĩ quan…, từ năm 1996, Trường Quân sự Quân khu 7 được giao nhiệm vụ chỉ huy, quản lý Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ chủ yếu là: tổ chức GDQP-AN cho học sinh, sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDQP-AN cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn. Đây là mô hình giáo dục mới, do vậy, trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, Trường vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ, vừa củng cố tổ chức, nỗ lực khắc phục khó khăn về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình; nhờ đó đã đạt được kết quả tốt đẹp. Đến nay, Trường đã tổ chức được 124 khóa học cho 25 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn theo phân luồng, với 74.916 sinh viên. Kết quả kiểm tra cuối khóa có 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi chiếm 64,9%. Ngoài ra, Trường còn giúp đỡ các trường trung học phổ thông trên địa bàn huấn luyện quân sự theo chương trình quy định, với lưu lượng mỗi năm trên 5.000 học sinh, góp phần giáo dục lòng yêu nước, trang bị kiến thức QP-AN và nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cho học sinh, sinh viên.
Từ năm 2000, Trường được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các vụ, viện, bộ, ban, ngành của trung ương; cán bộ cấp huyện, quận, thị xã; giám đốc sở, ban, ngành cấp tỉnh,... (đối tượng 2) của 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu. Với nhận thức, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Nhà trường đã tập trung mọi nỗ lực, tích cực làm công tác chuẩn bị và nhanh chóng triển khai thực hiện. Đến nay, Trường đã tổ chức được 41 khóa cho 3.600 cán bộ; kết quả kiểm tra cuối khóa: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 88,2% khá, giỏi. Nội dung bồi dưỡng đã tập trung quán triệt quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới; công tác quản lý nhà nước về QP-AN; về kết hợp kinh tế với QP-AN, xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc... Ngoài ra, Trường còn tổ chức được 1 lớp bồi dưỡng giáo viên GDQP cho các trường Quân sự của các tỉnh (thành phố) thuộc Quân khu và 2 khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Thông qua bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN của đội ngũ cán bộ chủ chốt được nâng lên rõ rệt. Đối với học sinh, sinh viên, môn học GDQP-AN không chỉ trang bị kiến thức, ý thức quốc phòng và kỹ năng quân sự, mà còn rèn luyện, xây dựng nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng. Kết quả đó đã thể hiện nhận thức, quan điểm đúng đắn và sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công nhân viên chức và chiến sĩ của Trường đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng đặt ra nhiều vấn đề; nhất là, sự phối hợp giữa địa phương và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Quân khu với Trường, trong điều kiện số cán bộ trong diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rất đông và đa dạng. Thực tiễn cho thấy, đa số các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ thị về công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN; cử cán bộ tham gia bồi dưỡng đúng thành phần, thời gian quy định. Song, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chấp hành chưa nghiêm túc, nhất là việc cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN chưa đầy đủ, chưa đúng đối tượng quy định. Mặc dù đã có quy định về phân cấp quản lý giữa địa phương và Trung ương, nhưng một số đơn vị thành viên của các bộ, ngành còn lúng túng giữa bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo ngành hay theo địa phương, dẫn đến việc một số cơ quan của bộ, ngành Trung ương đứng chân trên địa bàn thực hiện chế độ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cũng chưa nghiêm túc. Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt đạt kết quả tương đối tốt. Tuy vậy, hình thức tổ chức cũng chưa thống nhất. Trong những điển hình, cần ghi nhận sự nỗ lực, chủ động của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Cách làm của Tập đoàn là phối hợp với Trường Quân sự Quân khu, tổ chức lớp riêng cho cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp thành viên. Do đó, đến nay Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt theo quy định.
Từ thực tiễn tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong những năm qua, Trường đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực. Đó là:
Trước hết, phải tổ chức quán triệt sâu sắc các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục QP-AN trong toàn Trường, nhất là với đối tượng trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ. Trong đó, tập trung quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW của Bộ Chính trị Về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới và Nghị định số 15/NĐ-CP của Chính phủ Về Giáo dục quốc phòng; và gần đây là Chỉ thị 12-CT/TW ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và Nghị định 116 /2007/NĐ-CP ngày 10-7- 2007 của Chính phủ Về giáo dục quốc phòng-an ninh. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên Nhà trường đối với nhiệm vụ GDQP-AN trong tình hình mới.
Hai là, xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện tốt sự phối hợp giữa Trường với các cơ quan hữu quan. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức và chất lượng GDQP-AN. Thực tế vừa qua cho thấy: giữa Hội đồng GDQP-AN Quân khu, các địa phương và Trường đã có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng, thống nhất. Tuy nhiên, do trên địa bàn có nhiều đầu mối, nên không tránh khỏi sự phức tạp nảy sinh trong quá trình phối hợp. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện tốt sự phối hợp, Ban chỉ huy Quân sự và cán bộ chuyên trách làm công tác quốc phòng của bộ, ngành và cơ quan, tổ chức phải thường xuyên chủ động và tích cực đôn đốc thực hiện kế hoạch đã thống nhất. Đương nhiên, để thực hiện có hiệu quả sự phối hợp đó, yêu cầu phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của Hội đồng GDQP-AN Quân khu. Trong đó, cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức phối hợp, theo dõi, tổng hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ba là, không ngừng chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Với nhận thức đội ngũ cán bộ, giáo viên là nhân tố cơ bản, quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo nói chung và GDQP-AN nói riêng, Trường đã hết sức quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên. Trong đó, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kinh nghiệm và phương pháp sư phạm. Đến nay, số cán bộ, giáo viên của Trường có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 72,2%, trong đó có 12,2% có trình độ sau đại học; hầu hết có trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Trường đã ưu tiên tuyển chọn những giáo viên có kinh nghiệm, uy tín, có trình độ học vấn cao. Cùng với đó, Trường còn thực hiện chế độ thỉnh giảng, mời những đồng chí có trình độ chuyên sâu ở các sở, ban, ngành ngoài quân đội tham gia giảng dạy một số chuyên đề theo quy định. Trước yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, Trường đã thường xuyên duy trì chặt chẽ chế độ tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; trong đó, chú trọng bồi dưỡng phương pháp sư phạm, những vấn đề về quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng. Bên cạnh đó, Trường tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và tiếp cận những phương pháp giảng dạy hiện đại.
Bốn là, trên cơ sở chương trình quy định, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm địa bàn và đối tượng. Trường tập trung trang bị cho người học kiến thức cơ bản về quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân; nhận thức về chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và một số kỹ năng quân sự cần thiết... Trên cơ sở chương trình, nội dung bồi dưỡng, GDQP-AN quy định, Trường nghiên cứu kết cấu phù hợp, sát với đặc điểm tình hình địa bàn, chú trọng các chuyên đề về dân tộc, tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, về công tác dân vận, công tác xây dựng cơ sở... Ngoài ra, còn trang bị cho người học biết tổ chức thực hiện các biện pháp về phòng thủ dân sự để sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, môi trường...
Bên cạnh đó, Trường luôn coi trọng, khuyến khích giáo viên nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là việc vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực, khêu gợi vấn đề cho người học tìm hiểu, thảo luận. Qua đó, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự say mê, hứng thú của người học. Điều quan trọng là phát huy được tính dân chủ trong thảo luận, liên hệ chặt chẽ với thực tiễn và nêu ra được các kinh nghiệm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Mặt khác, Trường luôn coi trọng công tác kiểm tra, xác định đó là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy, học. Kết thúc mỗi khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ và GDQP-AN cho học sinh, sinh viên, Trường đều thực hiện chế độ kiểm tra, viết thu hoạch, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của từng người, thông báo đến cơ quan, đơn vị nơi công tác. Đồng thời, qua đó rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Kết quả và những bài học kinh nghiệm trên là cơ sở quan trọng để Trường Quân sự Quân khu 7 tiếp tục phấn đấu giành kết quả cao hơn nữa; xứng đáng với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước trao tặng.
Đại tá PHẠM XUÂN THU
Hiệu trưởng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011