QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:18 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 4 tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Trường Quân sự Quân khu 4 tiền thân là Trường Quân chính Chiến khu 4, được thành lập ngày 11 tháng 2 năm 1946. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ, kịp thời bổ sung cho các chiến trường, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với đặc điểm là trường quân sự của một quân khu có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước, Nhà trường luôn thực hiện tốt việc quán triệt các quan điểm, đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng trong công tác xây dựng Nhà trường và đào tạo cán bộ; đảm bảo cho học viên qua đào tạo tại Trường có đủ kiến thức, phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, Nhà trường luôn bám sát thực tiễn, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm trên chiến trường, đưa vào giảng dạy kịp thời.

Bước sang thời kỳ mới, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, quán triệt tư duy mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo (GD,ĐT); trọng tâm là đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục. Mặc dù lưu lượng học viên lớn, nhiều đối tượng, cấp học, bậc học và loại hình đào tạo khác nhau, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng Nhà trường đã phát huy sức mạnh tổng hợp, khắc phục khó khăn, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nhờ đó, hằng năm, bình quân tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường đạt 99,2%, trong đó có 78% khá, giỏi; đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo cương vị, chức trách được giao. Thực hiện Chỉ thị 882/CT-TL của Tư lệnh Quân khu, từ năm 2000, Nhà trường đã triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, quận, thị xã, sở, ban, ngành của tỉnh...(đối tượng 2). Đây là nhiệm vụ mới, nhưng với cách làm phù hợp, Nhà trường đã tổ chức tốt 20 khóa cho gần 1000 cán bộ; kết quả kiểm tra các khóa đều có 100% đạt khá, giỏi, trong đó có 25% trở lên giỏi. Thực hiện chủ trương của Quân khu, kết hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đối tượng 2 tại Trường Quân sự Quân khu với tổ chức tại các tỉnh, Nhà trường đã cử nhiều giáo viên đến giúp đỡ địa phương giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Với những thành tích đã đạt được, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong những năm gần đây, Trường đã 3 lần được Bộ Quốc phòng tặng cờ luân lưu, 5 lần được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ đơn vị xuất sắc trong các phong trào thi đua.

Để có được thành tích đó, một nguyên nhân quan trọng là Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự và GD,ĐT của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Quân khu về GD,ĐT, nhất là Nghị quyết 93/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương về “Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy”. Trong quá trình quán triệt, học tập Nghị quyết, Nhà trường chú trọng tổ chức cho cán bộ, giáo viên thảo luận, đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển Nhà trường trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 93/ĐUQSTƯ và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy cấp trên, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ XXII đã xác định quyết tâm: “Xây dựng Nhà trường xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng quân sự, chính trị của Quân khu. Tiếp tục nâng cao chất lượng GD,ĐT, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu trong giai đoạn cách mạng mới”. 
Theo tinh thần đó, Nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp GD,ĐT; tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với đặc điểm địa bàn, sát với yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu và thực tế nhiệm vụ, chức trách của từng đối tượng đào tạo. Chương trình, nội dung GD,ĐT tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang; những tư duy mới về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong tình hình mới, nhất là việc xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện. Chú trọng nâng cao trình độ của học viên trong tổ chức, quản lý, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của từng địa bàn. Huấn luyện, bồi dưỡng học viên sĩ quan chỉ huy thành thạo công tác tham mưu tác chiến, biết tổ chức thực hiện các biện pháp sẵn sàng chiến đấu ở địa phương, đơn vị; đồng thời, có khả năng chỉ đạo, điều hành huấn luyện, diễn tập theo phân cấp. 
Việc đổi mới phương pháp GD,ĐT được Nhà trường tích cực triển khai cả trong quản lý, tổ chức điều hành và giảng dạy. Phương pháp giảng dạy tích cực được vận dụng từng bước, kết hợp với phương pháp truyền thống đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những cách dạy, học theo kiểu độc thoại, thầy đọc, trò ghi dần dần được thay thế bằng phương pháp mới, gợi mở vấn đề, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của người học. Bên cạnh đó, Nhà trường còn chú trọng rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy với đối tượng là học viên quốc tế và người dân tộc thiểu số về học tập tại Trường. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng GD,ĐT, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện giảng dạy hiện đại, trong điều kiện phải tổ chức GD,ĐT cho nhiều đối tượng.
Cùng với đó, công tác bảo đảm cơ sở vật chất của Nhà trường cũng được đổi mới theo hướng hiện đại, thiết thực; nổi bật là việc tổ chức xây dựng hệ thống thao trường, bãi tập, phòng học, bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng tốt, được Cục Nhà trường và Quân khu đánh giá cao. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng được 7 thao trường huấn luyện kỹ thuật, 8 thao trường huấn luyện chiến thuật, 2 trường bắn cơ bản, 6 phòng học chuyên dùng... 
Trên cơ sở xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là khâu quyết định trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD,ĐT, Nhà trường luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên cả về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Nhà trường là cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong khi đó tổ chức, biên chế của Nhà trường không tăng, nhưng nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên lại nhiều. Giải quyết vấn đề này, Nhà trường đã chú trọng kết hợp hài hòa giữa bồi dưỡng tại Trường với gửi đi đào tạo tại các học viện, nhà trường của Bộ. Tập trung bồi dưỡng phương pháp sư phạm, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhất là đối với một số môn học mới, đối tượng mới, như bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh. Theo quy định, cấp khoa, tiểu đoàn tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện 1 lần/tuần, cấp trường 2 lần/tháng. Thông qua các buổi đó, giáo viên, học viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy, học tập. Hằng năm, Nhà trường còn tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham quan, nghiên cứu diễn tập khu vực phòng thủ ở các địa phương trong Quân khu. Mặt khác, Nhà trường chủ động liên hệ với các học viện, nhà trường của Bộ tham khảo giáo trình, tài liệu, nhằm cập nhật kiến thức, phục vụ kịp thời việc đổi mới giáo trình, tài liệu giảng dạy. Phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cán bộ, giáo viên của Nhà trường tích cực tham gia; nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao đã được ứng dụng trong giảng dạy và xây dựng đơn vị. Từ năm 2001 đến 2005, Nhà trường đã biên soạn, hoàn chỉnh 4 đề tài cấp bộ, 5 đề tài cấp quân khu, 10 đề tài cấp nhà trường; xây dựng hoàn chỉnh 48 bộ chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng học viên. Chất lượng “Tập san thông tin khoa học giáo dục-đào tạo” của Nhà trường không ngừng được nâng cao, góp phần cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy. Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập cũng được đẩy mạnh. Hằng năm, Nhà trường đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, trong đó có nội dung thi tin học, nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý giáo dục.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng GD,ĐT được Nhà trường thường xuyên thực hiện tốt là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên; gắn công tác Đảng, công tác cán bộ với việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; đẩy mạnh tự phê bình, phê bình. Mặt khác, Nhà trường thường xuyên duy trì các hoạt động thông tin tuyên truyền, chủ động định hướng nhận thức tư tưởng; xây dựng, củng cố lập trường, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của Quân đội, của Quân khu và Nhà trường trong giai đoạn mới của cách mạng, nhất là trong điều kiện nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Những năm gần đây, Đảng bộ Nhà trường luôn có 100% đảng viên đủ tư cách, trong đó có từ 80 đến 85% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nhà trường còn thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, như Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ... bảo đảm cho lực lượng này luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, đặc biệt là trong tổ chức, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các hoạt động dân vận, kết nghĩa với chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân.
Những giải pháp mà Nhà trường đã và đang thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong công tác GD,ĐT. Phát huy kết quả đã đạt được, cán bộ, giáo viên, công nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng GD,ĐT, quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang Quân khu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Lê Hữu Tần
Hiệu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)