QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:57 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 3 phát huy truyền thống anh hùng, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay

Ngày 10 tháng 4 năm 2006 đánh dấu chặng đường xây dựng, hoạt động và trưởng thành của trường Quân sự Quân khu 3 tròn 60 năm. Là một nhà trường được thành lập sớm của quân đội ta, ngay sau khi ra đời chưa đầy 2 tháng, Trường đã có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tình cảm ân cần và những điều giáo huấn quý báu của Người đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Nhà trường từ đó đến nay.

Nét nổi bật, xuyên suốt trong 60 năm qua của trường Quân sự Quân khu 3 là trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, trong chiến tranh đối đầu trực tiếp với hy sinh, gian khổ hay trong thời bình, Nhà trường đều quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự, phương hướng công tác cán bộ của Đảng và quân đội; bám sát yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để có những định hướng và chương trình hoạt động kịp thời, chính xác; góp phần thiết thực vào sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hiện nay, đồng thời làm tốt nghĩa vụ quốc tế. Qua các thời kỳ, hàng vạn cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện từ mái trường này đã xác định yên tâm công tác, phấn khởi nhận và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí được phân công đảm đương các cương vị chủ trì của các đơn vị toàn quân, nhiều địa phương, chiến trường cả nước và nước bạn. Trải qua chiến đấu và công tác, nhiều đồng chí đã trưởng thành, trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Tiêu biểu như các đồng chí: Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Phạm Khai, nguyên Bộ trưởng Điện và Than; đồng chí Trung tướng Phạm Như Hoạt và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp khác...
Với những thành tích trong đào tạo, xây dựng và công tác qua các thời kỳ, trường Quân sự Quân khu 3 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội nói chung, đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương trên địa bàn công tác nói riêng dành cho sự quan tâm, chăm sóc và những danh hiệu, phần thưởng hết sức cao quý. Đặc biệt, ngày 17 tháng 3 năm 2005 Nhà trường đã vinh dự được đón nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" mà Nhà nước trao tặng.
Truyền thống "Đoàn kết, nghiêm túc, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, dạy tốt, học tốt" và danh hiệu Anh hùng là nguồn động lực quan trọng để Nhà trường tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi thách thức, khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kỳ hiện nay.
Cùng với quá trình đổi mới toàn diện của đất nước và tác động to lớn của bối cảnh tình hình cách mạng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phương hướng xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) theo Chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã đặt ra những yêu cầu mới. Sức mạnh của nền QPTD hiện nay phải dựa trên sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế, đối ngoại với sự tham gia có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, ngành, địa phương. Đồng thời với việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác quân sự- quốc phòng (QS-QP), vấn đề nâng cao nhận thức trách nhiệm và khả năng tổ chức thực hiện công tác này đặt ra vừa cơ bản, vừa cấp thiết. Trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa trực tiếp quyết định.
Đứng trước yêu cầu chung đó, nhiệm vụ đặt ra với trường Quân sự Quân khu 3 trong những năm gần đây và hiện nay đã có sự phát triển rất lớn, với tính chất ngày càng phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Cùng với nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên là đào tạo cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật quân sự, Nhà trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ lãnh đạo địa phương đối tượng 2 (chủ chốt cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh của các địa phương trên địa bàn Quân khu). Đối tượng học viên về Trường đào tạo, bồi dưỡng gần đây rất đa dạng, số lượng tăng lên hằng năm (riêng năm 2005 có 43 đối tượng với 4.300 đồng chí). Đi cùng với sự phát triển về đối tượng và số lượng học viên đòi hỏi Nhà trường phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố đảm bảo: nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo đối tượng học viên; đội ngũ cán bộ, giáo viên; điều kiện đảm bảo vật chất huấn luyện, sinh hoạt như nơi ăn ở, giảng đường, thao trường, bãi tập; đội ngũ chiến sĩ, nhân viên phục vụ... Những yếu tố cơ bản đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường những năm đầu nhìn chung còn thiếu về số lượng, bất cập về chất lượng và thiếu cơ bản, đồng bộ.
Trước thực tế tình hình, nhiệm vụ như trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xác định các giải pháp đồng bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Một mặt, tận dụng có hiệu quả sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng cấp trên và Quân khu, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân trên địa bàn; mặt chủ yếu khác phải phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực tự giác và trí tuệ sáng tạo của tập thể Nhà trường, vượt qua các thách thức, khó khăn để phát triển. Một số vấn đề cơ bản đã được Nhà trường quan tâm thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua là: thường xuyên chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị của mọi thành viên về tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và Nhà trường; xây dựng Nhà trường thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và điều kiện đảm bảo huấn luyện; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên.
Do chú trọng thường xuyên công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác phổ biến tình hình, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, phong trào thi đua Quyết thắng "Dạy tốt, học tốt"..., Nhà trường đã xây dựng được nền tảng chính trị vững chắc làm cơ sở quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Trước những tác động phức tạp của tình hình, nhất là sự tăng cường chống phá về chính trị, tư tưởng của các thế lực phản động, thù địch và tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Nhà trường vẫn ổn định; đoàn kết nội bộ được củng cố, tăng cường; hầu hết mọi thành viên trong Trường đều phát huy cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, thực hiện tốt nhiệm vụ theo cương vị, chức trách đảm nhiệm. Tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo vốn là nét truyền thống của Nhà trường đã được kế tục và phát huy cao trong những năm gần đây. Thực hiện chương trình giáo dục quốc phòng cho đối tượng 2 là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường những năm gần đây. Để thực hiện có hiệu quả yêu cầu này, cùng các nội dung phát triển khác đặt ra cho công tác đào tạo, Nhà trường đã chủ động tổ chức cán bộ, giáo viên tới nhiều cơ quan chỉ đạo, các trung tâm đào tạo cả trong và ngoài quân đội như Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu), Trường sĩ quan Lục quân 1, Học viện Chính trị quân sự, các trường quân sự các quân khu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện đại học Mở Hà Nội, đại học Kinh tế quốc dân... để trao đổi, học tập kinh nghiệm và tổ chức liên kết đào tạo. Nếu như năm 1999 tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác quốc phòng đầu tiên, Nhà trường phải mời giáo viên Học viện Quốc phòng về giảng dạy thì sau đó 2 năm bằng tự bồi dưỡng, Nhà trường đã đảm bảo 100% nội dung và giáo viên giảng dạy. Với nỗ lực cao của Nhà trường và phối hợp với các tỉnh, thành phố, đến nay chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đối tượng 2 trên địa bàn Quân khu 3 đã đạt gần 90%. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên là một yêu cầu trọng tâm được tiến hành liên tục, tích cực những năm gần đây. Đến nay, trong đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường đã có 80,6% có trình độ đại học và trên đại học (trong đó 6,53% giáo viên có trình độ sau đại học), nhiều đồng chí đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi cấp bộ. Đây là nhân tố trực tiếp quyết định tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Các lần kiểm tra và thi tốt nghiệp cuối khóa trong 3 năm gần đây, học viên của Nhà trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ với 100% đạt yêu cầu, trong đó có từ 75% đến 85% đạt khá, giỏi.
Trong những yếu tố góp phần tạo nên sự trưởng thành của Nhà trường vừa qua, vấn đề chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, tinh thần đảm bảo cho đời sống và nhiệm vụ đào tạo; xây dựng môi trường đào tạo chuẩn mực có vai trò rất quan trọng. Điều này hiện nay đang được Nhà trường tiếp tục quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song Nhà trường đã quy hoạch cơ bản, từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, nơi làm việc, ăn nghỉ, các công trình sinh hoạt thể thao, văn hóa... Nhiều năm qua Nhà trường đã đầu tư xây dựng khu tăng gia, sản xuất tập trung với 5 ao thả cá, hàng ngàn mét vuông chuồng trại nuôi lợn, bò... tạo ra nguồn thực phẩm thường xuyên góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn. Nhà trường đã tăng cường công tác giáo dục nâng cao ý thức tự giác của mọi thành viên đối với việc xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, thực hiện nền nếp tác phong công tác khoa học. 9 quy chế do Nhà trường xây dựng và thực hiện, đã cụ thể hóa quy chế giáo dục và những quy định của cấp trên vào đặc điểm nhiệm vụ cụ thể đang phát huy tác dụng tích cực, góp phần tạo nên sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo sự tập trung, đoàn kết nội bộ. Các thiết chế văn hóa cùng với các chế độ sinh hoạt văn hóa tinh thần, các hoạt động giao lưu, thi tìm hiểu, hoạt động thể dục, thể thao... được duy trì thành nền nếp, đổi mới về hình thức tổ chức đã có giá trị thiết thực vào sự ổn định, xây dựng tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, lối sống lành mạnh đối với các thành viên Nhà trường.
Học đi đôi với hành; nhà trường gắn liền với chiến trường và xã hội là yêu cầu quan trọng của hoạt động đào tạo. Yêu cầu này càng thiết thực hơn với một nhà trường làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự- quốc phòng địa phương như Trường Quân sự Quân khu 3. Gắn bó chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trong nhiều hoạt động chính trị, xã hội vốn là một nét truyền thống tiêu biểu của Nhà trường ngày nay đang được phát huy với sự phát triển mới. Nếu các lớp cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường trước đây đã từng tham gia vận động nhân dân trên địa bàn nhận rõ âm mưu thâm độc của thực Pháp lừa gạt đồng bào Công giáo di cư vào Nam, hoặc đã từng đóng góp hơn 6 vạn ngày công tham gia lao động trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải, tham gia hơn 7,5 vạn ngày công để giúp nhân dân các địa phương trên địa bàn làm thủy lợi, chống lụt năm 1971 thì gần đây lớp cán bộ, học viên hiện tại của Nhà trường đã lao động quên mình với hàng vạn ngày công để ngăn ngừa, khắc phục hậu quả do cơn bão số 7 tàn phá trên một số tuyến đê biển của tỉnh Nam Định. Thông qua các hình thức dân vận, các chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chức đoàn thể quần chúng trên địa bàn, cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường đã tham gia cùng nhân dân trong nhiều hoạt động chính trị, xã hội: tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; tham gia giải quyết các điểm nóng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giữ gìn an ninh chính trị- xã hội... Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thường xuyên với sự tham gia tự giác, tích cực của mọi thành viên đã góp phần củng cố thêm bền chặt tình cảm gắn bó máu thịt của Nhà trường đối với nhân dân trên địa bàn, làm sáng đẹp hơn tình cảm "quân dân như cá với nước", quân với dân một ý chí. Tình cảm tin yêu, gắn bó của cấp ủy, chính quyền và nhân dân với Nhà trường, chính là nguồn cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh để Nhà trường tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới mà Đảng, quân đội và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
 
Đại tá Nguyễn Bá Thiệu
Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 3
 

Ý kiến bạn đọc (0)