Chủ Nhật, 24/11/2024, 05:01 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trường Quân sự Quân khu 2 được Quân khu giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (BDKT QP-AN) cho cán bộ đối tượng 2 trên địa bàn từ năm 2000; tháng 6-2008, bổ sung thêm nhiệm vụ BDKT QP-AN cho cán bộ đối tượng 2 thuộc các cơ quan, tổ chức Trung ương đứng chân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Cùng với nhiệm vụ đó, Trường còn phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo cho nhiều đối tượng: cán bộ, hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong Quân khu. Trong khi đó, biên chế, tổ chức của Nhà trường không tăng, đội ngũ giáo viên có mặt còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn...Xác định đây là nhiệm vụ mới, quan trọng; đồng thời, cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nên Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, cùng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, Nghị định 116/ 2007/NĐ-CP của Chính phủ về "Giáo dục QP-AN" cho mọi cán bộ, giáo viên, công nhân viên quốc phòng.
Từ năm 2000 đến nay, Trường đã tiếp nhận, quản lý và tổ chức được 63 lớp BDKT QP-AN cho 2.481 cán bộ thuộc 9 tỉnh trên địa bàn Quân khu; mở 7 lớp bồi dưỡng cho 355 cán bộ thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội. Qua kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, 100% học viên đạt yêu cầu trở lên; trong đó, 97,8% khá, giỏi. Các lớp BDKT QP-AN đã giúp cho cán bộ về học nắm được những nội dung cơ bản về đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; có kỹ năng quân sự cần thiết; nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; biết vận dụng những kiến thức đã học vào cương vị, chức trách của mình, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ngành, cơ quan, địa phương thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối tượng 2 về BDKT QP-AN tại Trường bao gồm cán bộ cấp cục, vụ, viện ở các cơ quan Trung ương; cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành của tỉnh (thành phố) và cán bộ cấp huyện. Đó là những người có trình độ, đã trải qua thực tiễn và có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế-xã hội (KT-XH). Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định, để thực hiện tốt nhiệm vụ BDKT QP-AN, cần tiến hành đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, trong đó, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, có chất lượng là chìa khóa đảm bảo cho sự thành công. Theo đó, Nhà trường đã lựa chọn những giáo viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn vững, có khả năng sư phạm tốt, có kinh nghiệm giảng dạy để xây dựng đội ngũ giáo viên BDKT QP-AN. Để nâng cao trình độ cho đội ngũ này, Nhà trường tăng cường đưa đi học tập, bồi dưỡng ở các trường trong và ngoài quân đội, tham gia các lớp bồi dưỡng do cấp trên tổ chức; đồng thời, thực hiện tốt chế độ tập huấn, bồi dưỡng để thống nhất về phương pháp giảng dạy, soạn giáo án, xây dựng đề cương môn học, nâng cao khả năng sư phạm cho giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Mặt khác, Nhà trường còn khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ tự nghiên cứu, học tập, cập nhật kiến thức nâng cao trình độ, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, tự tin và phát huy thế mạnh về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Căn cứ vào khả năng của từng người, Trường thành lập các tổ giáo viên chuyên sâu và giao chuyên đề cụ thể nghiên cứu cho từng đồng chí; sau khi chuẩn bị xong giáo án đều thông qua tổ và Ban tổ chức lớp học. Mỗi tổ có từ hai đến ba đồng chí cùng tham gia nghiên cứu chuyên đề, qua đó vừa phát huy được khả năng độc lập của cá nhân, vừa tập trung được trí tuệ tập thể, bổ sung hoàn chỉnh giáo án và phương pháp giảng dạy. Các tổ, Khoa chủ động kiểm tra việc soạn giáo án, thống nhất đáp án, biểu điểm, tổ chức dự giờ, bình giảng, chuẩn bị đồ dùng học tập chu đáo. Riêng các chuyên đề về an ninh, Nhà trường chủ động liên hệ mời giáo viên Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh trực tiếp giới thiệu cho các lớp học.
Hằng năm, Trường còn thực hiện tốt nền nếp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi tại Trường và tham gia các cuộc thi do cấp trên tổ chức; qua đó, động viên, khuyến khích giáo viên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Năm 2007, Nhà trường có năm đồng chí đạt danh hiệu Giáo viên dạy Giỏi cấp Bộ Quốc phòng; bốn đồng chí đạt danh hiệu Nhà giáo Giỏi toàn quân. Năm 2008, có sáu đồng chí đạt danh hiệu Giáo viên dạy Giỏi cấp trường. Năm 2009, có ba đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cùng với công tác giảng dạy, Trường còn đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đi đôi với việc tìm tòi, phát huy sáng kiến trong giảng dạy (năm 2008, có năm sáng kiến dự thi Quân khu; trong đó, có hai sáng kiến dự thi toàn quân). Những đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của Nhà trường.
Trên cơ sở nội dung, chương trình quy định của Bộ, Trường chủ động nghiên cứu, bổ sung một số chuyên đề về đặc điểm, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa bàn Tây Bắc nói chung và của các địa phương nói riêng. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN; tình hình di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật ở một số địa phương; âm mưu, thủ đoạn và biện pháp phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ở địa bàn Tây Bắc,... Những chuyên đề về KT-XH, QP-AN đều do cán bộ của Khoa và một số cán bộ lãnh đạo địa phương trực tiếp đảm nhiệm.
Để hoàn thành nhiệm vụ BDKT QP-AN cho đối tượng 2 theo kế hoạch của Hội đồng Giáo dục QP-AN Quân khu, xuất phát từ điều kiện thực tế của địa bàn, Nhà trường đã đề xuất hai hình thức tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng này. Đó là: tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung tại Trường và mở các lớp bồi dưỡng tại các tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Quân khu, Nhà trường đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp BDKT QP-AN hằng năm. Lớp bồi dưỡng tại Trường Quân sự Quân khu, dành cho các đối tượng chủ yếu là cán bộ các cơ quan, tổ chức Trung ương. Các lớp bồi dưỡng tổ chức tại địa phương dành cho cán bộ đối tượng 2 thuộc địa bàn, do một cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (phó tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị), hoặc do hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh trực tiếp phụ trách. Tuy nhiên, Trường Quân sự Quân khu thống nhất nội dung, chương trình, đảm nhiệm phân công, tổ chức giáo viên, kiểm tra đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho học viên. Cách tổ chức như vậy không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học viên vừa hoàn thành được nhiệm vụ học tập, vừa có thể giải quyết được công việc trên cương vị, chức trách của từng người, mà còn tiết kiệm được thời gian và kinh phí đi lại cho địa phương. Mặt khác, đây cũng là dịp để các Trường quân sự tỉnh đề cao trách nhiệm, học hỏi, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức; là điều kiện thuận lợi để củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.
Về phương pháp, Nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và rèn luyện, giữa học tập chính khoá với các hoạt động ngoại khoá, duy trì nghiêm các chế độ, quy định của quân đội và của Trường, của lớp, thực hiện đúng quy chế thi, kiểm tra và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với việc nâng cao hiệu quả các buổi lên lớp, Nhà trường coi trọng tổ chức thảo luận, thông tin hai chiều giữa học viên - Nhà trường ở các tổ và lớp. Trên cơ sở học viên nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến và tiến hành thảo luận để củng cố những kiến thức đã được học tập; cũng qua đó, Nhà trường lựa chọn, bổ sung những nội dung cần thiết đưa vào chương trình, hoặc tổ chức giải đáp những vấn đề mà học viên quan tâm, kịp thời rút kinh nghiệm từng ngày, từng tuần và sau mỗi khóa học. Các lớp học còn mời chuyên gia đầu ngành, báo cáo viên có trình độ và những học viên giữ cương vị, chức trách quan trọng, chuyên sâu trong một số lĩnh vực cung cấp những vấn đề có tính thời sự và một số vấn đề chuyên ngành cho học viên. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức cho học viên tham quan một số đơn vị quân đội về xây dựng nền nếp chính quy, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; thăm các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, thăm các di tích lịch sử, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của khu vực phòng thủ,…Ngoài ra, Nhà trường còn tăng cường tổ chức các hoạt động thi đua, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao ở các lớp học; qua đó, giúp học viên rèn luyện sức khỏe, xây dựng môi trường lành mạnh, đoàn kết, góp phần nâng cao kết quả học tập.
Thời gian mỗi lớp BDKT QP-AN từ 25 đến 27 ngày, vì vậy công tác đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ học tập, rèn luyện và sinh hoạt tập trung của học viên là yêu cầu cao đối với Nhà trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, Nhà trường đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản, kết hợp với sửa chữa, củng cố doanh trại, ưu tiên nâng cấp nhà ở phục vụ cho các lớp BDKT QP-AN. Phòng ở cho cán bộ về BDKT QP-AN đều có những trang thiết bị cần thiết, như: tủ, giường, máy điều hòa nhiệt độ, phương tiện nghe nhìn. Giảng đường, bãi tập, thư viện, khu thể thao-văn hóa cũng được nâng cấp, góp phần duy trì nền nếp chính quy trong học tập và sinh hoạt của học viên. Hiện nay, Trường có thể đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thao trường cho lớp học có từ 70 học viên trở lên.
Một trong những nguyên nhân quyết định chất lượng BDKT QP-AN là Trường đã thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện. Trong đó, đặc biệt nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn công tác đảng với việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Đảng bộ Nhà trường luôn có 100% đảng viên đủ tư cách, trên 80% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nhà trường còn chăm lo xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh; tổ chức tốt phong trào thi đua quyết thắng với mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, mặc dù còn có những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ BDKT QP-AN, nhưng kết quả các lớp BDKT QP-AN ở Trường Quân sự Quân khu 2 trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm chuyển biến và nâng cao nhận thức về QP-AN của các cán bộ về đây học tập. Đó là một trong những đóng góp thiết thực của Nhà trường vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá PHAN DƯƠNG TIẾN
Hiệu trưởng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011