QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:29 (GMT+7)
Trường Kỹ thuật Tăng thiết giáp - 30 năm phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo

Cách đây 30 năm, ngày 1/5/1976 Trường Kỹ thuật Tăng thiếp giáp (TTG) được thành lập, nhưng tiền thân của Nhà trường là Đội huấn luyện đặc biệt mang biệt danh 557 được thành lập từ tháng 12/1959, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ, thợ kỹ thuật ngành Quân giới cho chiến trường. Sau đó Đội huấn luyện đặc biệt lần lượt mang các phiên hiệu: Đội huấn luyện 557 (7/1961); Trường 557 (12/1966), lúc đó chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra rất ác liệt, Nhà trường phải sơ tán trên nhiều địa phương khác nhau: hai lần ở Hà Tây, Thanh Hóa và ngoại thành Hà Nội. Vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, Nhà trường đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, thợ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật quân giới cho toàn quân, hàng trăm thợ quân giới cho quân đội các nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Qua hoạt động thực tiễn, đội ngũ cán bộ, thợ quân giới đã đóng góp tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta nói chung và nhiệm vụ xây dựng ngành Quân giới nói riêng. Đồng thời góp phần xây dựng, vun đắp truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa ba nước Đông Dương. Với những thành tích về huấn luyện, đào tạo, phục vụ chiến đấu của mình, Nhà trường có vinh dự lớn được đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1968.

Chiến thắng 30/4/1975 đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới: xây dựng CNXH. Từ đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới của quân đội nói chung và ngành Quân giới nói riêng. Ngày 1/5/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Trường công nhân Kỹ thuật 2 (nay là Trường Kỹ thuật TTG) với nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật cơ khí cho các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng và cho toàn quân. Đây là thời điểm lịch sử, một cái mốc quan trọng để từ đó ngày này hằng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Nhà trường.
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật cơ khí được 6 năm, Nhà trường đã đào tạo được hàng ngàn thợ các loại: tiện, nguội, gò, hàn, rèn, phay, bào có tay nghề bậc 2/7. Với thành tích đạt được trong nhiệm vụ đào tạo ở giai đoạn này, Nhà trường được Nhà nước trao tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba và 2 Huân chương Chiến công hạng Hai.
Vào những năm 1977 - 1979, các thế lực phản động quốc tế tiếp tục thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt, hòng làm suy yếu tiến tới thôn tính nước ta. Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quân đội ta được củng cố, đầu tư phát triển về nhiều mặt, được trang bị nhiều loại vũ khí, kỹ thuật hiện đại, trong đó có xe TTG. Tình hình trên đòi hỏi Bộ đội TTG phải có đội ngũ thợ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ tay nghề cao để làm nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, khí tài, xe máy TTG, đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do đó, tháng 2/1981 Bộ Quốc phòng ra Quyết định chuyển Trường công nhân Kỹ thuật 2 thành Trường đào tạo thợ sửa chữa vũ khí và TTG trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, nhưng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, quản lý chuyên sâu, tháng 4/1982 Tổng cục Kỹ thuật có Quyết định điều chỉnh nhiệm vụ: Nhà trường chuyển sang chuyên đào tạo thợ sửa chữa xe TTG cho toàn quân. Từ thời điểm đó đến nay Nhà trường đã đào tạo ra hàng chục ngàn thợ và nhân viên sửa chữa, bảo quản TTG với các chuyên ngành: sửa chữa cơ tăng, sửa chữa vũ khí, khí tài quang học TTG, sửa chữa thiết bị điện và thiết bị đặc biệt TTG, sửa chữa thiết giáp bánh lốp, bánh xích; nhân viên bảo quản vũ khí, khí tài TTG. Thời gian đào tạo cũng rất đa dạng với nhiều hệ khác nhau: sơ cấp 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng; trung cấp 3 năm, 2 năm rưỡi; trung cấp ngắn hạn tập trung 1 năm. Đội ngũ thợ do Nhà trường đào tạo đã thực sự đóng vai trò nòng cốt để bảo quản, sửa chữa TTG cho toàn quân và làm cơ sở cho nhiều đồng chí sau một thời gian công tác ở đơn vị được tuyển chọn đào tạo tiếp trở thành cán bộ chính trị và cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học.
Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo được: giai đoạn trước khi thành lập Trường (1959 - 4/1976) đào tạo được 4.406 thợ sửa chữa, bảo quản ngành Quân giới; giai đoạn (5/1976 - 1980) đào tạo được 2.004 nhân viên, thợ gia công cơ khí; giai đoạn (1981 - 2005) đào tạo được 5.932 thợ sơ cấp các loại, 403 trung cấp dài hạn 3 năm, 183 trung cấp ngắn hạn 1 năm và đào tạo hàng trăm học viên quốc tế cho 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Có được những kết quả trên là do Nhà trường đã quán triệt sâu sắc các quan điểm về giáo dục-đào tạo của Đảng, Nhà nước, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật và sau này là Bộ Tư lệnh TTG và biết kế thừa, phát huy những kinh nghiệm, truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước. Cho dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trong điều kiện biên chế, tổ chức chưa thật ổn định; yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao; quân số đào tạo tăng, đối tượng học viên đa dạng. Trong khi đó vũ khí, trang bị kỹ thuật huấn luyện, đồ dùng phục vụ dạy học thiếu và đang tiếp tục xuống cấp do khai thác phục vụ huấn luyện, đào tạo với tần suất lớn, trên chưa kịp bổ sung, thay thế. Điều kiện kinh phí bảo đảm phục vụ huấn luyện, đào tạo và phục vụ đời sống sinh hoạt của bộ đội còn nhiều khó khăn hạn hẹp. Song Nhà trường luôn đoàn kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, giữ vững ổn định về mọi mặt, đặc biệt là giữ vững ổn định về chính trị, tư tưởng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục-đào tạo.
Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, Nhà trường đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Vận dụng đúng đắn các quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương pháp, các mối kết hợp trong huấn luyện, đào tạo, gắn Nhà trường với đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy xây dựng kế hoạch, chương trình, điều hành, quản lý huấn luyện chặt chẽ cho phù hợp với từng đối tượng.
Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên được Nhà trường xác định đây là lực lượng trọng yếu, có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng đào tạo. Người thầy vừa là người truyền thụ kiến thức, vừa là nhà giáo dục đạo đức, phong cách công tác. Từ đó Nhà trường tập trung xây dựng kế hoạch, quy hoạch kiện toàn và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý một cách cơ bản, toàn diện, cân đối giữa yêu cầu trước mắt và lâu dài . Hằng năm, Nhà trường tích cực tuyển chọn, cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở bậc học cao hơn tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; tổ chức các lớp tập huấn tại chức, tại trường, mời giáo viên các trường đại học về giảng dạy. Tăng cường hoạt động phương pháp, giảng thử, giảng mẫu, bình giảng, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, rút kinh nghiệm, bảo đảm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phát triển một cách toàn diện và chuyên sâu. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ giáo viên của Nhà trường đã được nâng lên một bước, cả về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm và năng lực thực tiễn. Đến nay đội ngũ giáo viên đã có 97,3% đạt trình độ đại học, cao đẳng trở lên, tăng 2,6% so với năm 2004. Trong đó có 3 nhà giáo ưu tú, 5 giáo viên được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục- đào tạo, 6 giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân, 20 giáo viên dạy giỏi cấp Binh chủng và hàng trăm lượt giáo viên dạy giỏi cấp Nhà trường. 100% giáo viên, cán bộ quản lý có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.
Đối với học viên, Nhà trường đã làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phương pháp học tập, trong đó có hoạt động xây dựng kế hoạch tự học tập, đồng thời theo phân cấp đã tổ chức tốt kế hoạch tự học tập của học viên. Trong học tập Nhà trường kết hợp tốt giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính, kết hợp chặt chẽ học với rèn, tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm. Từng khóa tổ chức cho học viên đi thực tập tại các đơn vị TTG trong toàn quân. Nhờ vậy, kết quả học tập ngày một nâng cao, 100% học viên tốt nghiệp ra trường đều có trình độ chuyên môn vững, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sau mỗi khóa tốt nghiệp về đơn vị công tác một thời gian nhất định, Nhà trường cử các đoàn khảo sát đến tận các phân đội sửa chữa TTG trong toàn quân để kiểm tra, rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung chương trình, điều chỉnh nội dung đào tạo cho các khóa tiếp theo. Vì vậy, hầu hết các chương trình đào tạo cho từng đối tượng đều đạt 6 tiêu chí: lô gích, gắn kết, thích hợp, cân đối, cập nhật và hiệu quả. Đến nay, chương trình đào tạo của Nhà trường ngày càng hoàn thiện và hòa nhập với mặt bằng kiến thức chung của các trường có bậc thợ đào tạo tương đương trong toàn quân và toàn quốc. Mặt khác, Nhà trường phát huy nội lực, dành nhiều công sức xây dựng cơ sở vật chất như phòng học, thao trường, bãi tập phục vụ huấn luyện, đào tạo, đặc biệt là phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kịp thời nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo môi trường giáo dục-đào tạo lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, sáng kiến cải tiến đồ dùng dạy học và biên soạn giáo trình, tài liệu. Do đó, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả dạy- học. Đồng thời Nhà trường thiết lập được mối quan hệ gắn kết giữa các thành phần cùng tham gia vào quá trình giáo dục- đào tạo, bao gồm: giáo viên, học viên, cơ quan và cán bộ quản lý giáo dục. Mối liên kết ấy đã tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo và xây dựng Nhà trường theo tiêu chí chính quy, mẫu mực.
Những năm tới, thời cơ và thách thức đang đặt ra đối với Nhà trường, mặc dù nhiệm vụ đào tạo nặng nề hơn, có những yêu cầu mới cao hơn, toàn diện hơn và đa dạng hơn, tiến tới xây dựng Nhà trường có đủ năng lực đào tạo bậc học cao hơn về kỹ thuật TTG. Nhưng với truyền thống "Trung thành vô hạn, đoàn kết, sáng tạo, tự lực, vượt khó vươn lên, dạy tốt, học tốt, chính quy, mẫu mực", Nhà trường có những lợi thế rất cơ bản, đội ngũ giáo viên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đã và đang được đào tạo theo hướng cơ bản, từng bước được chuẩn hóa. Lực lượng học viên có động cơ học tập tốt, kiến thức đầu vào cao hơn. Đội ngũ cán bộ Nhà trường đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, quan điểm phục vụ đúng đắn và tinh thần trách nhiệm cao. Đó là cơ sở để Nhà trường hoàn toàn có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục- đào tạo và các nhiệm vụ khác được giao, xây dựng Nhà trường theo tiêu chí trường chính quy, mẫu mực, xứng đáng là địa chỉ tin cậy, duy nhất đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị TTG trong toàn quân.
 
Đại tá Phạm Như Hà
Hiệu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)