QPTD -Thứ Hai, 28/11/2011, 23:34 (GMT+7)
Trường cao đẳng nghề số 8 Quân đội với công tác dạy nghề, thực hiện chính sách xã hội

Trường dạy nghề quân đội khu vực miền Nam được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập từ tháng 9 năm 1991. Tháng 12 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) ký quyết định nâng cấp thành Trường cao đẳng nghề số 8. Những năm qua, Trường đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ của Bộ quốc phòng, Bộ LĐ-TB-XH; đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; tích cực thực hiện công tác chính sách xã hội.

Trường cao đẳng nghề số 8 đóng quân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thuộc miền Đông Nam Bộ, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và các trọng điểm kinh tế chiến lược phía Nam, nơi có số lượng đối tượng chính sách rất lớn; đồng thời, cũng có nhiều trung tâm dạy nghề, nhiều cơ sở sản xuất có sự thu hút, cạnh tranh nguồn lao động cao. Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường xác định phải bám sát yêu cầu phát triển của xã hội; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao trách nhiệm, tình cảm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, chiến sĩ trong thực hiện công tác chính sách đối với các đối tượng đào tạo nghề của Trường. Trong mọi hoạt động, Nhà trường không đặt lên hàng đầu mục đích kinh tế, mà chú trọng trước hết tới mục đích tạo nghề, tạo việc làm cho các đối tượng bộ đội xuất ngũ; thương binh, con liệt sĩ; con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng trọng điểm về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Thông qua công tác dạy nghề, tạo việc làm, Nhà trường thực hiện có hiệu quả các chủ trương kết hợp củng cố quốc phòng-an ninh với phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết khó khăn, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tham gia thiết thực vào các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội... trên địa bàn. Với mục đích trên, cơ cấu học viên được Nhà trường tuyển chọn vào đào tạo những năm qua thường xuyên có từ 30% đến 40% là bộ đội xuất ngũ; số còn lại thuộc diện chính sách xã hội.
Hiệu quả công tác đào tạo nghề đối với các đối tượng chính sách phải được đánh giá ở việc xã hội đón nhận các ngành, nghề đào tạo ra sao và các đối tượng đào tạo được giải quyết việc làm như thế nào. Nhận thức rõ vấn đề đó, Nhà trường thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các đơn vị quân đội, như Vùng 4, Vùng 5 Hải quân; Binh đoàn Tây Nguyên; Quân khu 5, Quân khu 7,  Quân khu 9; Trường sĩ quan Lục quân 2; các đơn vị thuộc Bộ Tổng tham mưu để tiếp nhận quân nhân xuất ngũ có nhu cầu học nghề về đào tạo. Đồng thời, Nhà trường thường xuyên cử cán bộ đi điều tra thực tế về nhu cầu ngành nghề và lao động ở các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Nhà trường xây dựng chỉ tiêu, ngành nghề cũng như nội dung, phương pháp đào tạo sao cho sát với yêu cầu thực tế của xã hội. Hiện nay, Nhà trường tổ chức trên 20 chuyên ngành đào tạo với nhiều ngành nghề khác nhau, gồm: lái xe, thợ sửa chữa, xây dựng, tin học, điện dân dụng, máy công nghiệp... Từ tháng 12 năm 2006, khi được nâng cấp thành Trường cao đẳng nghề, Nhà trường tập trung phát triển các chuyên ngành mũi nhọn như: cơ - điện tử; điện tử công nghiệp; điện công nghiệp; công nghệ hàn; cắt, gọt kim loại. Mỗi khóa học, Nhà trường đã tiếp nhận hàng trăm học viên là con em các dân tộc thiểu số vào học văn hóa, kết hợp với học nghề, nhằm tạo nguồn cán bộ cho địa phương, nguồn cử tuyển đào tạo cán bộ quân đội.
Để nâng cao chất lượng đào tạo theo kịp sự phát triển của khoa học-công nghệ, Nhà trường đã sớm quan tâm đổi mới công tác tổ chức đào tạo và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhà trường chủ trương, đồng thời với tăng quy mô học nghề, tăng loại hình đào tạo, phải chú trọng tận dụng trình độ khoa học - công nghệ, chuyên môn, kỹ thuật của các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, các cơ sở sản xuất trong và ngoài quân đội vào quá trình đào tạo. Tăng cường liên kết đào tạo với Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật; Trường Cao đẳng công nghệ, Trường Cao đẳng kỹ thuật Vin Hem Píc; Trường Trung cấp quân y 2 của Quân khu 7... Tuy còn nhiều khó khăn, song Nhà trường đã sớm quy hoạch, xây dựng đồng bộ các giảng đường, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, bãi dạy lái xe ô tô có thiết bị điện tử; từ năm 2000, nối mạng vi tính để chỉ đạo, điều hành hoạt động đào tạo. Phương châm học đi đôi với hành, học để đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tế của ngành nghề, đã được quán triệt và thực hiện có hiệu quả. Học viên được hướng dẫn thực hành, thực tập, đi thực tế theo yêu cầu của các chuyên ngành đào tạo. Nhà trường đã kết hợp giữa đào tạo với dịch vụ, sản xuất tại chỗ; thực hiện triển khai mạng đào tạo ở các tỉnh, thành phố trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách được đào tạo nghề.
Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm đảm bảo cho học viên có tay nghề vững, làm cơ sở để người học có thể tìm được việc làm ổn định trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong quá trình đào tạo, cùng với dạy nghề, Nhà trường còn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức; học viên được tổ chức tham gia các hoạt động  chính trị, văn hóa, xã hội; thực hiện nếp sống có kỷ luật, có văn hóa, đảm bảo để họ có thể phát triển toàn diện và từng bước hoàn thiện nhân cách. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học viên trong quá trình đào tạo và tạo việc làm sau khi đã tốt nghiệp là vấn đề được Nhà trường rất chú trọng. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc về y tế cho học viên được đảm bảo ngày càng đầy đủ, khang trang hơn. Nhà trường thực hiện thống nhất việc giảm 50% phí đào tạo đối với học viên là bộ đội đóng quân ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; thương binh, con liệt sỹ, học sinh nghèo; giảm 30% phí đào tạo đối với bộ đội phục viên, xuất ngũ, con thương binh. Đối với học viên tốt nghiệp, hằng  năm Nhà trường chủ động liên hệ với các cơ quan tiếp nhận lao động, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động để bố trí việc làm cho họ. Bình quân hằng năm số người có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm hơn 70%. Có năm, Nhà trường đã liên hệ giới thiệu được gần 9000 việc làm mới cho học viên. Những năm qua, Nhà trường đã đào tạo và tham gia giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn học viên là bộ đội xuất ngũ, con liệt sỹ, thương binh, con em đồng bào các dân tộc thuộc diện chính sách. Riêng trong năm 2006, tỷ lệ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ là 30%, các đối tượng chính sách xã hội là 70%; trong đó có 20% là con em của 24 dân tộc trên địa bàn. Năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007, Nhà trường đã đào tạo nghề cho 16.675 học viên; trong đó, có 1027 là bộ đội xuất ngũ, 1107 là con em các dân tộc thiểu số.
 Việc thực hiện ngày càng tốt hơn công tác đào tạo nghề và tham gia giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách của Nhà trường đã góp phần tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đa dạng của đời sống xã hội trên địa bàn; đồng thời, trực tiếp thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với hậu phương quân đội và người có công. Bên cạnh đó, Nhà trường còn thường xuyên thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng địa bàn, thực hiện tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Những kết quả trong đào tạo nghề, thực hiện chính sách xã hội của Nhà trường đã được cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn, các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội đánh giá cao; đồng thời, luôn tận tình tạo điều kiện, phối hợp để Nhà trường thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
 Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Nhà trường phải nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo. Cùng với việc nâng cấp lên bậc cao đẳng, Nhà trường còn được Bộ LĐ-TB-XH quyết định xây dựng trở thành một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện được yêu cầu đó, trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giáo dục, đào tạo các cấp, Nhà trường đang tích cực triển khai thực hiện Đề án đổi mới về quy trình, nội dung, tổ chức phương pháp đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng hoàn chỉnh Đề án nâng cấp trường cao đẳng nghề khu vực Đông Nam Á; nghiên cứu đổi mới, hợp tác với các trường trong và ngoài quân đội, hợp tác quốc tế về đào tạo; trong năm 2007 sẽ xây dựng bằng nghề và chứng chỉ quốc tế cho một số chuyên ngành. Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao về trách nhiệm chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới chất lượng đào tạo và sự phát triển của Nhà trường. Thực hiện được những yêu cầu trên, Nhà trường sẽ có những đóng góp tích cực hơn vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thực hiện chính sách xã hội trong tình hình hiện nay.
Đại tá Nguyễn Thiện Minh
Hiệu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)