Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:08 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trung tâm giáo dục quốc phòng (GDQP) Hà Nội 2 thành lập ngày 27 tháng 7 năm 1999, theo Quyết định số 2630/ QĐ/BGD&ĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm là: tổ chức GDQP cho học sinh, sinh viên (HS,SV) khu vực Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDQP cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự. Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở trường Đại học Sư phạm 2 và địa phương nơi đứng chân.
ý thức đầy đủ nhiệm vụ của mình, những năm qua cán bộ, giáo viên công nhân viên của Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của Trung tâm trước đòi hỏi ngày càng cao của công tác GDQP trong tình hình mới. Hiện nay, Trung tâm tổ chức GDQP cho HS,SV của 12 trường đại học, cao đẳng, 6 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông với quy mô mỗi năm từ 10.000 đến 11.000 sinh viên và 6.000 đến 6.500 học sinh. Năm 2006, Trung tâm đã tổ chức GDQP cho 11.228 sinh viên và 6.650 học sinh. Kết quả học tập tại Trung tâm luôn được các trường, các địa phương đánh giá cao; các khóa học đều có từ 96% trở lên đạt yêu cầu, trong đó trên 65% khá, giỏi. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cán bộ, giáo viên của Trung tâm còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; nhiều đề tài cấp bộ và cấp nhà trường đã được ứng dụng vào thực tế, đạt hiệu quả cao. Nổi bật là, đã thực hiện đề tài cấp bộ “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP cho HS,SV hiện nay”; biên soạn hoàn chỉnh chương trình chi tiết GDQP cho HS,SV theo chương trình khung của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo với 5 giáo trình, tài liệu GDQP...
Để có được kết quả đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là Trung tâm luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, trên cơ sở sử dụng các phương tiện hiện đại. Thực tế hiện nay ở các trung tâm GDQP, đa số giảng viên có chuyên môn quân sự vững vàng, đủ khả năng đảm nhận các nội dung GDQP qui định. Tuy nhiên, một số đồng chí do chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về phương pháp sư phạm, trình độ sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại còn hạn chế nên ngại nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào giảng dạy, vẫn sử dụng phương pháp truyền thống dưới hình thức độc thoại. Trước tình hình đó, Trung tâm đã tập trung trước hết vào việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng các trang bị, thiết bị hiện đại cho đội ngũ giáo viên. Nội dung bồi dưỡng bao gồm các vấn đề về công nghệ thông tin, phương pháp phối hợp giữa thuyết trình với sự hỗ trợ của phương tiện trình chiếu bài giảng; bồi dưỡng cho giáo viên biết chuẩn bị giáo án với dẫn chứng minh họa từng nội dung bằng các công cụ lập trình. Cùng với đó là các kiến thức lý luận về dạy, học, về tâm lý học, giáo dục học và một số nội dung về logic hình thức, phương pháp nghiên cứu khoa học...
Như chúng ta đã biết, phương pháp dạy, học là tổng hợp các cách thức hoạt động của người dạy và người học, là cách thức hợp tác giữa giáo viên và HS,SV trong việc truyền đạt và tiếp nhận kiến thức. Đổi mới phương pháp dạy, học là đổi mới cách thức giảng dạy phù hợp với quá trình nhận thức của người học. Do đó, việc đổi mới không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn phương pháp giảng dạy cũ bằng phương pháp mới, mà là sự vận dụng linh hoạt những phương pháp giảng dạy truyền thống, kết hợp giữa phương pháp truyền thống với phương pháp mới có sự trợ giúp của các phương tiện hiện đại. Thực tiễn cho thấy, cùng với năng lực thuyết trình của giáo viên, các bài giảng được thực hiện với sự hỗ trợ của phim ảnh, đồ họa qua phương tiện trình chiếu sẽ lôi cuốn, kích thích người học khám phá, thông qua hình ảnh trực quan sinh động. Thay vì lý thuyết trừu tượng, chung chung, các phương tiện, mô hình hiện đại làm cho sinh viên tập trung, hứng khởi hơn và quan trọng là nắm bản chất vấn đề nhanh hơn, sâu hơn. Ví dụ, trước đây ở Trung tâm GDQP Hà Nội 2, khi giới thiệu nguyên lý bắn của súng bộ binh hay giới thiệu một số loại binh khí kỹ thuật chiến đấu bằng lý thuyết, sinh viên không hình dung được đầy đủ, còn khi có máy chiếu đa năng, tất cả các chuyển động từng bộ phận của súng, đạn đều được thể hiện rõ; kết thúc bài giảng, sinh viên đều nắm chắc và có ấn tượng sâu sắc với bài học.
Đối với nội dung lý thuyết, trên cơ sở nội dung qui định, Trung tâm nghiên cứu kết cấu chương trình theo hướng tăng thời gian thảo luận trong các phần học; gắn lý thuyết với thực hành, đưa người học đến gần hơn với thực tiễn hoạt động quốc phòng, quân sự. Phương pháp giảng dạy tích cực được đội ngũ giảng viên của Trung tâm thực hiện theo quy trình: phát tài liệu nghiên cứu cho sinh viên đọc trước - đến lớp, giáo viên đưa ra vấn đề cần nghiên cứu và hướng dẫn thảo luận - học viên chia nhóm thảo luận - giáo viên tập trung lớp, tổ chức xê-mi na, cho học viên trình bày nhận thức, quan điểm, sau đó kết luận vấn đề. Phương pháp đó đã khuyến khích, tạo điều kiện phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của HS,SV, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Việc sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại sẽ hạn chế tối đa những nhược điểm của phương pháp thuyết trình truyền thống, tạo ra môi trường học tập hứng khởi trong HS,SV. Tuy nhiên, phương pháp dạy, học càng hiện đại, đòi hỏi phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy càng phải tiên tiến, đặc biệt là những phần thuộc về kỹ năng thực hành. Những năm qua, việc mua sắm vật chất, trang bị ở Trung tâm GDQP Hà Nội 2 đã thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định danh mục thiết bị GDQP của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động mua sắm thêm nhiều trang bị, phương tiện hiện đại và tương đối hiện đại, phục vụ cho giảng dạy, như máy chiếu Overhead, Projector, máy tập bắn MBT-03, giá bắn tập, các phần mềm mở hỗ trợ cho nghiên cứu, giảng dạy môn học; phần mềm quản lý và giới thiệu chương trình GDQP cho các cấp học, bậc học; ngân hàng tài liệu tham khảo với các trích dẫn phim ảnh, tư liệu, đồ họa; phần mềm trộn đề thi trắc nghiệm khách quan... Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, sản xuất mô hình học cụ, không để tình trạng dạy chay, học chay. Hệ thống thao trường, bãi tập được đầu tư xây dựng cơ bản, đúng quy cách, sát thực tế, có đầy đủ giao thông hào, hầm ngầm, hố bắn, lô cốt, bảo đảm hoàn thành được các nội dung kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ... đã thực sự trở thành nơi rèn luyện kỹ năng thực hành kỹ thuật, chiến thuật cho HS,SV.
Tuy vậy, thực tiễn hiện nay cơ sở vật chất, trang bị cho dạy, học môn GDQP của trung tâm còn thiếu nhiều do số lượng HS, SV không ngừng tăng. Do đó, Trung tâm rất cần các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đầu tư mua sắm thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của công tác GDQP.
Thực tế cho thấy, công tác tổ chức, quản lý, rèn luyện có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả GDQP; đó là điều kiện quan trọng để hình thành, phát triển nhân cách quân nhân. Vì vậy, cùng với việc quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, vị trí, nhiệm vụ của môn học, Trung tâm còn chú trọng rèn luyện, thực hiện đầy đủ các chế độ trong ngày, trong tuần, như điều lệnh quản lý bộ đội đã quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm kỷ luật trong học tập, nhất là các vi phạm về thời gian. Những HS,SV không học đủ thời gian GDQP theo quy định, bắt buộc phải học lại. Trung tâm đã thống nhất, cùng với cán bộ khung, mỗi giáo viên khi lên lớp giảng bài đều phải quan tâm đến công tác quản lý, rèn luyện; kết hợp chặt chẽ giữa dạy kiến thức với rèn luyện học viên, nhằm tạo nên sự đồng bộ trong công tác rèn luyện, cả trong và ngoài giờ học. Trong quá trình GDQP, HS,SV được tổ chức biên chế thành từng tiểu đội, trung đội, đại đội; ăn, ở tập trung như tổ chức học tập của học viên sĩ quan, tạo điều kiện cho rèn luyện, chấp hành quy định. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện tổ chức lớp học lý thuyết dưới 100 em/ lớp, thực hành từ 30-40 em/lớp. Thực tế, sau môn học, HS,SV đã có chuyển biến tích cực về tác phong, nền nếp sinh hoạt, tính tập thể, trách nhiệm cộng đồng… góp phần xây dựng tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học-những tố chất rất cần thiết của mỗi người trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Việc quản lý hồ sơ, kết quả học tập, chứng chỉ của HS,SV được làm ngày càng chặt chẽ, khoa học, trên cơ sở tận dụng tối đa những thành tựu của công nghệ thông tin.
Để đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục, Trung tâm còn quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học. Tiểu ban khoa học được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên đã góp phần đổi mới phương pháp giáo dục. Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là tổ chức thi theo phương pháp trắc nghiệm khách quan được vận dụng, bước đầu đã cho thấy hiệu quả tốt. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, thi tin học, nhằm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao trình độ sử dụng thiết bị dạy học hiện đại. Trung tâm đã vận dụng nhiều biện pháp nhằm khuyến khích giáo viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng các phần mềm tin học để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Ngoài ra, Trung tâm còn quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khoá như: tham quan, giao lưu, nói chuyện truyền thống, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao... góp phần giáo dục toàn diện cả ý thức, tri thức quốc phòng và kỹ năng quân sự cho HS,SV.
Đại tá Lê Văn Nghệ
Phó Giám đốc
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011