Thứ Năm, 24/04/2025, 18:28 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (CNXLMT) là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động trong lĩnh vực môi trường, như: điều tra xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường hóa, độc xạ; quan trắc cảnh báo môi trường trong hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia; nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa trang, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu(SSCĐ)...; đồng thời, làm nhiệm vụ trực SSCĐ, phòng chống khủng bố và các nhiệm vụ đột xuất được giao.
Những năm đầu mới thành lập, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về trang bị, phương tiện, nguồn nhân lực, trình độ nghiệp vụ... Nhưng, với sự quan tâm, giúp đỡ của trên, cộng với ý thức tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn của lãnh đạo, chỉ huy và của cán bộ, đảng viên trong đơn vị, Trung tâm đã có sự phát triển tương đối toàn diện cả về tổ chức, trang bị, phương tiện hoạt động và trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy thường xuyên được củng cố, kiện toàn đồng bộ là đảm bảo quan trọng cho đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Nhờ đó, Trung tâm đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hóa học trong tham gia các Công ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học và an toàn phóng xạ; tham gia hoạt động khoa học công nghệ và môi trường (KHCNMT); đặc biệt là thực hiện các dự án về điều tra, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, xử lý đất nhiễm chất độc điôxin ở Việt Nam. Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. 15 năm liên tục (từ 1993 đến 2007) Trung tâm luôn đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Trung tâm vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 1996), hạng Nhất (năm 2003), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2008) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác...
Để có được kết quả trên, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm CNXLMT đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu là tập trung nâng cao chất lượng chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của đơn vị. Theo đó, Đảng ủy Trung tâm đã chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), Chỉ thị số 19 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác khoa học công nghệ trong quân đội, Luật Bảo vệ môi trường và Chỉ thị 97/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy Trung tâm đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi quân nhân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khoa học công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; đi sâu làm rõ các nội dung trong lĩnh vực KHCNMT và những yêu cầu đặt ra đối với Trung tâm, để từ đó vận dụng vào từng mặt công tác cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ được giao của từng quân nhân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn đi đôi với tăng cường quản lý, duy trì kỷ luật; trong đó, coi trọng việc xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ Phòng hóa và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của đơn vị, của Binh chủng...; qua đó, nêu cao tinh thần cách mạng, ý thức, trách nhiệm của mỗi người.
Công tác cán bộ luôn là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành nhiệm vụ của Trung tâm. Do vậy, để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cùng với việc đề đạt, báo cáo xin trên bổ sung cán bộ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã chủ động, tích cực tạo nguồn nhân lực bằng nhiều giải pháp, như: tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp; cử cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên ngành KHCNMT đáp ứng xu hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn tại chỗ, thông qua thực tiễn nghiên cứu, thực hiện các dự án, đề tài khoa học về chuyên ngành... Với nhiều giải pháp tích cực, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã có sự trưởng thành quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tình hình, nhiệm vụ. Nếu năm 1998, Trung tâm mới có 48% cán bộ có trình độ đại học, thì đến nay, 100% cán bộ của Trung tâm đã có trình độ đại học, 53% có trình độ sau đại học, trong đó có nhiều người là những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực KHCNMT. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm thường xuyên được bổ sung, chất lượng ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường đội ngũ đảng viên cho các phòng, ban, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các chi bộ và toàn Đảng bộ. Hằng năm, qua phân tích chất lượng, có 85% trở lên đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 100% tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đối với nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng ủy, Ban giám đốc Trung tâm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, trình độ điều tra, xử lý ô nhiễm môi trường của cán bộ trong đơn vị. Trên cơ sở nắm vững đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể của từng địa bàn, từng dự án... lãnh đạo và chỉ huy Trung tâm đã luôn chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác khảo sát thực tiễn, lập kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổ chức huấn luyện chuyên ngành, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện thu gom, xử lý môi trường ở các khu vực nhiễm chất độc, xạ tồn lưu trong chiến tranh. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ, Trung tâm đã chủ động đổi mới phương pháp nghiên cứu, huấn luyện, trên cơ sở phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường quốc gia... để huấn luyện chuyên sâu nghiệp vụ KHCNMT; đồng thời, chú trọng tổ chức huấn luyện theo phương thức: vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, vừa trực tiếp tham gia xử lý các tình huống ô nhiễm môi trường do các chất hóa, phóng xạ và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh... trên phạm vi toàn quốc. Theo hướng đó, Trung tâm đã trực tiếp thực hiện các dự án về khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 4, 5, 7, 9; điều tra, phát hiện được gần 500 tấn chất độc và đạn chứa chất độc CS trên địa bàn 31 tỉnh, thành phố từ Quân khu 4 đến Quân khu 9; trực tiếp xử lý an toàn hơn 300 tấn chất độc CS, phương tiện vật liệu nổ và hàng vạn mét khối đất nhiễm chất độc điôxin tại sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng... Bên cạnh đó, cán bộ của Trung tâm còn trực tiếp xử lý an toàn, hiệu quả nhiều sự cố khác như: tiêu hủy hơn 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; xử lý 350 tấn gà chết gây ô nhiễm môi trường do nhiễm vi rút H5-N1; tham gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp; xử lý các sự cố tràn dầu; phân tích, xử lý nhiều vụ nhiễm hóa chất độc lạ ở Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế... góp phần làm sạch môi trường tại các địa phương để nhân dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Trong lĩnh vực nghiên cứu, Trung tâm đã tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, nghiên cứu tìm ra công nghệ xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta; đồng thời, đã nghiên cứu, tiến hành cải tiến, hiện đại hóa để nâng cao tính năng, kéo dài tuổi thọ các trang bị, khí tài phòng hóa (các loại xe tiêu tẩy, xe hóa xạ nghiệm, xe thả khói); đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng thành công các đề tài cấp Bộ Quốc phòng về cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới của một số quân, binh chủng. Trung tâm còn nghiên cứu, sản xuất hàng ngàn thiết bị lọc nước và khử trùng cho các đơn vị quân đội và nhân dân ở vùng bị lũ, lụt; kiểm tra, khảo sát, tư vấn thiết kế, lắp đặt, hướng dẫn công nghệ xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn cho nhiều bệnh viện, cơ sở sản xuất quốc phòng, kinh tế... Đồng thời, Trung tâm còn tham gia điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường trong các đơn vị quân đội, khu công nghiệp, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nguồn phóng xạ sử dụng trong ngành y tế và công nghiệp; phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc và phân tích môi trường, dự báo và trực tiếp xử lý chống ô nhiễm, góp phần làm trong sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân...
Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, cùng với những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, vấn đề môi trường, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường đang là "bài toán khó" đối với nhiều quốc gia nói chung và với Việt Nam nói riêng, đòi hỏi sự phấn đấu của các cấp, các ngành, sự quan tâm của Nhà nước và Quân đội. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao, Trung tâm CNXLMT đang triển khai toàn diện các mặt công tác, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Hai là, tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước".
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác có hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế.
Đại tá, TS. Phạm Ngọc Cảnh
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011