QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:20 (GMT+7)
Trung Đông trong những toan tính chiến lược của một số nước

Ngày 14-8 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết 1701 về một lệnh ngừng bắn ở miền Nam Li-băng giữa quân đội I-xra-en và lực lượng kháng chiến Héc-bô-la. Đến nay, nguy cơ tái diễn xung đột ở miền Nam Li-băng tuy vẫn còn hiện hữu, nhưng an ninh đang từng bước được lập lại và theo nghị quyết của LHQ thì một lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và quân đội Li-băng sẽ đảm nhiệm vai trò duy trì an ninh, trật tự ở khu vực này; I-xra-en phải rút quân và lực lượng Héc-bô-la sẽ phải giải giáp vũ khí. Chiến tranh đã qua đi, nhưng dư luận vẫn bức bối, bởi hậu quả của nó vô cùng nặng nề và còn kéo dài đối với đất nước Li-băng và toàn khu vực, mà nguyên nhân xuất phát từ những toan tính chiến lược của I-xra-en và một số nước.

Trung tuần tháng 7, với lý do để giải thoát 2 binh sĩ I-xra-en bị lực lượng vũ trang Héc-bô-la bắt cóc, I-xra-en đã tiến hành chiến dịch quân sự qui mô lớn vào miền Nam Li-băng. Các tướng lĩnh quân đội I-xra-en cho biết, mục tiêu của chiến dịch này là triệt phá toàn bộ, hay ít nhất là tiêu diệt một phần lớn lực lượng vũ trang Héc-bô-la – lực lượng mà họ cho là “anh em sinh đôi” với tổ chức Ha-mát đang nắm quyền ở Pa-le-xtin – và thiết lập một “vùng đệm an ninh” ở khu vực miền Nam Li-băng. Qua hơn 4 tuần lễ, quân đội I-xra-en đã chiếm được hầu hết khu vực miền Nam Li-băng, phá hủy một số kho tàng và một số địa điểm mà họ cho là các căn cứ đóng quân của Héc-bô-la; còn về lực lượng thì Héc-bô-la bị thiệt hại không nhiều. Không những thế, các cuộc giáng trả bằng tên lửa của Héc-bô-la vào I-xra-en ngày càng quyết liệt, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dân chúng nước này. Đánh giá về chiến dịch quân sự, dư luận I-xra-en cho rằng, quân đội đã phạm phải sai lầm, khi quá tin tưởng vào sức mạnh quân sự của mình, chủ quan không nắm bắt các thông tin tình báo về khả năng tổ chức, trang bị, vũ khí và phương thức tác chiến của Héc-bô-la, nên tuy có ưu thế hơn về vũ khí, trang bị hiện đại, nhưng đã thất bại trong một chiến dịch quân sự, được các quan chức I-xra-en ngạo mạn tuyên bố là thừa khả năng để “đánh nhanh thắng nhanh”. Nguy hại hơn, cuộc chiến tranh đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Li-băng và quân đội I-xra-en tiến hành các cuộc không kích  vào các mục tiêu nhạy cảm, như trạm quan sát của đại diện LHQ ở miền Nam Li-băng làm chết 4 nhân viên, hay các khu vực đông dân cư, nhất là cuộc không kích vào làng Qhana ngày 30-7, giết hại hàng trăm thường dân vô tội, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã gây phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Hành động đó như một bằng chứng tội ác, làm cho không chỉ nhân dân Li-băng mà cả các nước A-rập và thế giới căm giận, lên án I-xra-en xâm lược. Hành động đó đã làm dấy lên phong trào chống quân đội I-xra-en xâm lược, bảo vệ đất nước ở Li-băng phát triển rất mạnh mẽ; nhiều tổ chức tình nguyện đã hăng hái bổ sung cho lực lượng Héc-bô-la hoặc tham gia chiến đấu bên cạnh lực lượng này. Nhiều quan chức Chính phủ Li-băng trước đây không có thiện cảm, nay đã lên tiếng ủng hộ lực lượng Héc-bô-la, coi lực lượng này đang chiến đấu bảo vệ  nhân dân Li-băng khỏi sự chiếm đóng của quân đội I-xra-en xâm lược. Và điều đáng nói nữa, lực lượng Héc-bô-la đã tiến hành chiến tranh du kích, với nhiều hình thức và thủ đoạn tác chiến linh hoạt, hiệu quả, gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng I-xra-en và gây tai họa cho một số người dân vô tội bị thiệt mạng.
Theo tính toán sơ bộ của các tổ chức nhân đạo LHQ, cuộc chiến tranh mà I-xra-en tiến hành ở miền Nam Li-băng đã gây ra thảm họa nhân đạo vô cùng lớn, giết hại nhiều thường dân vô tội, hàng trăm nghìn người lâm vào tình trạng vô gia cư. Đất nước Li-băng còn chưa kịp phục hồi sau nội chiến, nay lại bị tàn phá nặng nề, phải mất nhiều chục năm mới khôi phục lại được. Hơn nữa, cuộc chiến tranh này còn khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái không chỉ ở Li-băng, mà cả ở toàn khu vực, làm cho tiến trình  hòa bình Trung Đông vốn đã khó khăn, phức tạp lại càng khó khăn, phức tạp hơn.
Dư luận cũng rất bất bình về thái độ của một số nước đối với cuộc chiến tranh này. Trong lúc cả thế giới đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để chấm dứt chiến tranh, nhất là ngăn chặn các hành động tàn sát dân thường Li-băng của quân lính I-xra-en, thì họ lại cố tình lảng tránh, bằng những tuyên bố mập mờ, như “chưa thể chấm dứt chiến tranh”, “cộng đồng quốc tế cần tìm một giải pháp lâu dài cho an ninh, ổn định ở Li-băng”. Họ coi Héc-bô-la là tổ chức khủng bố, coi cuộc chiến tranh mà I-xra-en đang tiến hành chống tổ chức Héc-bô-la ở miền Nam Li-băng là một phần của cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Việc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, nếu đó đích thực là lực lượng khủng bố, để bảo vệ an ninh cho nhân loại là điều cần thiết, nhưng nếu vì một ý đồ gì đó mà ủng hộ những thế lực hiếu chiến đem bom, đạn giết hại phụ nữ, trẻ em, những người dân vô tội là điều mà dư luận nhiều nước đang phê phán. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, những việc họ làm đó là bao che, thiên vị cho hành động quân sự của I-xra-en, nhằm thông qua nước này để tiêu diệt tổ chức Héc-bô-la, từ đó làm suy yếu và loại bỏ tổ chức Ha-mát ra khỏi chính quyền Pa-le-xtin, tạo một thế trận mới có lợi cho họ. Đánh giá về ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt tổ chức Héc-bô-la của I-xra-en, giới bình luận quốc tế cho rằng, đó là cách làm thiển cận, “thấy ngọn mà không thấy gốc”, “thấy cây mà không thấy rừng”. Héc-bô-la là một tổ chức chính trị và quân sự của người Hồi giáo dòng Si-ai ở Li-băng, ra đời từ nhu cầu kháng chiến vũ trang của nhân dân Li-băng trong cuộc chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của I-xra-en. Những năm qua, Héc-bô-la đã có nhiều đóng góp tích cực xây dựng đất nước và nhiều quan chức của tổ chức này được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội và là quan chức Chính phủ Li-băng. Vì thế tuy I-xra-en có sự tiếp sức của nước ngoài tìm mọi cách giải giáp Héc-bô-la, nhưng sẽ không thành công trong việc giải giáp phong trào này của người Hồi giáo dòng Si-ai ở Li-băng. Chừng nào còn sự chiếm đóng của nước ngoài ở Li-băng thì sẽ còn sản sinh ra không chỉ Héc-bô-la, mà còn nhiều tổ chức kháng chiến khác tương tự “Héc-bô-la” đứng lên chống lại ách áp bức, sự thống trị, đô hộ của ngoại bang.
Không riêng gì Li-băng mà toàn bộ vùng đất Trung Đông nóng bỏng luôn nằm trong những toan tính chiến lược của các nước này. Chính quyền một số nước phương Tây luôn coi chiến lược xây dựng “dân chủ Đại Trung Đông” và mới đây là “Trung Đông dân chủ mới” là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu của họ. Đối với người dân A-rập, nhìn bề ngoài, chiến lược này có vẻ mang tính tích cực, nhưng trên thực tế, lịch sử và hiện thực đã không đươc tôn trọng. Chiến lược này không suy xét tới các vấn đề nảy sinh từ những mâu thuẫn phức tạp về tôn giáo và quan hệ giữa các bộ tộc ở Trung Đông, chỉ ỷ vào sức mạnh quân sự để áp đặt các nước phải đi theo quỹ đạo dân chủ do Mỹ và phương Tây đặt ra. Dư luận các nước Trung Đông gọi dân chủ theo kiểu đó là dân chủ áp đặt, dân chủ bằng bạo lực và chiến tranh, nhằm phục vụ cho lợi ích và vai trò bá chủ của phương Tây; dân chủ kiểu đó càng làm cho khu vực và thế giới mất an ninh, mất ổn định. Ba năm đã trôi qua, kể từ khi Chính quyền Mỹ phát động chiến tranh chống I-rắc, đất nước này vẫn không một ngày im tiếng súng, bạo lực nối tiếp bạo lực. Đã có hàng chục vạn người dân vô tội thiệt mạng (theo thống kê của LHQ, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2006, đã có 14.338 người dân I-rắc bị thiệt mạng vì bạo lực), hàng trăm nghìn người lâm vào thảm cảnh đói nghèo, không nơi ở, đất nước đang bên bờ của một cuộc nội chiến. Tham vọng của Chính quyền Mỹ xây dựng I-rắc thành một quốc gia “dân chủ kiểu mẫu” cho toàn khu vực Trung Đông ngày càng trở nên xa vời. Theo thống kê mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến trung tuần tháng 7- 2006, đã có hơn 2.500 lính Mỹ bị thiệt mạng và chi phí cho cuộc chiến tranh ở I-rắc và ở áp-ga-ni-xtan đã lên đến gần 1 nghìn tỷ đô-la. Mới đây, Lầu Năm Góc đã phải điều động bổ sung hàng nghìn quân Mỹ từ các nước lân cận về bảo vệ thủ đô Bát-đa trước làn sóng bạo lực mới đang gia tăng. Tình trạng mất an ninh, ổn định tại I-rắc làm cho dư luận nước Mỹ rất lo ngại. Phong trào phản đối chiến tranh ngày một dâng cao, hàng trăm cuộc tuần hành, biểu tình, với sự tham gia của hàng chục nghìn người đã nổ ra tại các thành phố lớn của Mỹ, đòi chính quyền phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Kết quả thăm dò dư luận được báo “Bưu điện Oa-sinh-tơn” và truyền hình CNN công bố mới đây cho thấy, hơn 65% người dân Mỹ cho rằng cuộc chiến chống I-rắc của Chính quyền Mỹ là sai lầm; hơn 80% cho rằng Mỹ nên rút quân ngay về nước. Dư luận của các nước A-rập thì vạch rõ, tuy bề ngoài thì nói xây dựng “Trung Đông dân chủ mới”, nhưng cách thức mà Mỹ và I-xra-en đang đối xử với  các nước Trung Đông hiện nay thì hoàn toàn phản dân chủ, người dân Trung Đông chỉ có quyền làm phận tôi tớ cho ông chủ mà thôi. Bởi vì, chiến lược “Trung Đông dân chủ mới” thực chất là chính sách thực dân kiểu mới của phương Tây, hòng độc chiếm nguồn dầu mỏ khổng lồ và biến khu vực này thành “bàn đạp” phục vụ cho chiến lược bá chủ toàn cầu của họ. Chiến lược đó sẽ mang lại kết quả cuối cùng là “lợi bất cập hại” cho khu vực và cho chính phương Tây.
Không chỉ người dân Trung Đông, mà ngay trong các nước phương Tây cũng có nhiều người phê phán chính sách này. Nhiều chính khách, cựu quan chức trong các Chính quyền Mỹ trước đây, như cựu Cố vấn an ninh quốc gia Z. Brê-din-xki, cựu Ngoại trưởng Ôn Brai..., trong các bài viết đăng trên các tạp chí của Mỹ gần đây, đều cho rằng, điều nguy hại nhất trong chính sách quân sự hóa Trung Đông là Mỹ đang tự làm mất đi hình ảnh của mình không chỉ trong các nước A-rập, mà ở cả trên thế giới. Đã đến lúc các nước phải nhìn nhận đúng thực chất những vấn đề đang diễn ra và thay đổi chính sách đối đầu hiện nay bằng chính sách đối thoại giữa các nước, kể cả với các nước mà mình cho là “thù địch”, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, đặc thù về lịch sử, tôn giáo, văn hóa các dân tộc, đảm bảo tính công bằng và sự hài hòa lợi ích của nhau, hợp tác giải quyết một cách triệt để các bất đồng đối với cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, vấn đề hạt nhân của I-ran, vấn đề an ninh, ổn định ở I-rắc..., lấy đó làm cơ sở từng bước lập lại an ninh, ổn định cho toàn khu vực Trung Đông.
 
Đồng Đức
 
 

Ý kiến bạn đọc (0)