QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:33 (GMT+7)
Triển vọng phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên
Ngày 14-7-2007, Cộng hoà dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên tuyên bố, nước này đã hoàn thành việc đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Dông Piêng, theo tinh thần thoả thuận mà vòng đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã đạt được hồi tháng 2-2007. Ngày 16-7- 2007, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) En Ba-ra-đây xác nhận, CHDCND Triều Tiên đã đóng cửa toàn bộ năm cơ sở hạt nhân thuộc tổ hợp Dông Piêng; các thanh sát viên của IAEA đã kiểm chứng và đang tiến hành các công việc thanh sát tại tổ hợp hạt nhân này. Dư luận khu vực và thế giới đánh giá cao, coi đây là bước đi tích cực đầu tiên của Bình Nhưỡng, mở ra triển vọng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Tháng 2- 2007, sau một thời gian dài bị gián đoạn, vòng 5 của cuộc đàm phán 6 bên được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về những bước đi đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo thỏa thuận này, CHDCND Triều Tiên đồng ý sẽ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân lớn nhất của nước này ở Dông Piêng và niêm phong toàn bộ các cơ sở tại đây; cho phép các thanh sát viên của IAEA trở lại giám sát việc đóng cửa và niêm phong các cơ sở hạt nhân ở Dông Piêng. Đổi lại, Mỹ sẽ phải trao trả cho CHDCND Triều Tiên số tiền 25 triệu USD mà Mỹ đã phong toả của nước này tại ngân hàng Banco Delta Asia (BDA), Ma-cao, Trung Quốc (cuối năm 2005); Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga sẽ trợ giúp CHDCND Triều Tiên về kinh tế, bao gồm: 50 nghìn tấn nhiên liệu hoặc viện trợ kinh tế có giá trị tương đương và 950 nghìn tấn nhiên liệu hoặc viện trợ kinh tế tương đương, khi CHDCND Triều Tiên có những bước phi hạt nhân hoá tiếp theo. Thoả thuận cũng nhất trí thành lập 5 nhóm công tác về các vấn đề: phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; bình thường hóa quan hệ Mỹ-CHDCND Triều Tiên; bình thường hóa quan hệ Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên; hợp tác kinh tế,  năng lượng và xây dựng cơ chế hoà bình, ổn định ở Đông Bắc Á.

5 tháng đã trôi qua, trải qua nhiều phiên đàm phán hết sức khó khăn, nhiều khi tưởng chừng thỏa thuận bị rơi vào bế tắc, cuối cùng tài khoản 25 triệu USD của CHDCND Triều Tiên bị Mỹ phong toả tại ngân hàng BDA cũng đã được giải toả, thông qua một ngân hàng nhà nước của Nga. Ngày 3-7-2007, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Kiết Trì tại Bình Nhưỡng về tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Chăng In đã yêu cầu các bên liên quan nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện thoả thuận đạt được về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; cho rằng, có nhiều dấu hiệu giải toả căng thẳng tại khu vực. Về phần mình, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên cũng tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết đã đạt được và ngay sau khi nhận được chuyến hàng viện trợ nhiên liệu đầu tiên (1/10 số nhiên liệu viện trợ theo cam kết), nước này đã cho đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Dông Piêng. CHDCND Triều Tiên cũng cam kết hợp tác với IAEA trong việc giám sát quá trình đóng cửa và niêm phong lò phản ứng hạt nhân Dông Piêng. Trong báo cáo gần đây, Giám đốc IAEA En Ba-ra-đây đánh giá cao sự hợp tác của CHDCND Triều Tiên; cho biết, Bình Nhưỡng đã nhất trí với những biện pháp “ngăn ngừa và giám sát” của các thanh sát viên IAEA, đồng ý cho IAEA lắp đặt (và bảo dưỡng nếu cần thiết) các thiết bị giám sát cùng các thiết bị kỹ thuật khác để theo dõi và xác minh việc đóng cửa các cơ sở  hạt nhân cũng như những thiết bị được niêm phong. CHDCND Triều Tiên  cũng đồng ý sẽ cung cấp cho IAEA danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân của mình và cho phép các thanh sát viên IAEA tiến hành giám sát việc đóng cửa các địa điểm này.
Thoả thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, mà nhiều người cho rằng, thoả thuận đang đi đúng hướng, các bên liên quan đều tỏ ra có thiện chí và có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết đã đạt được. Vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm là, thỏa thuận phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên lần này liệu có  thể giải quyết được cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài và rất căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, từ đó tạo cơ sở để tiến tới việc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo này. Theo các nhà phân tích quốc tế, so với thỏa thuận về giải giáp vũ khí hạt nhân mà đàm phán 6 bên đạt được hồi tháng 9-2006, thoả thuận phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên 2-2007 thực chất và có tính khả thi hơn; bởi, cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên đều có điểm chung về lợi ích, đòi hỏi hai bên cùng phải có những điều chỉnh trong chính sách, nhượng bộ lẫn nhau để tăng cường cải thiện quan hệ giữa hai nước. Nhìn từ góc độ CHDCND Triều Tiên, chủ trương của nước này là thông qua việc cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm tạo bước “đột phá” trên lĩnh vực ngoại giao để nhận được sự đảm bảo về an ninh, chấm dứt thế bị bao vây, cấm vận và nhận được viện trợ về kinh tế. Mới đây, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên  (KCNA) đã nêu rõ, khoản tiền 25 triệu USD mà Mỹ phong toả tại ngân hàng BDA là không quá lớn đối với CHDCND Triều Tiên, nhưng việc “đóng băng” tài sản là một bằng chứng rõ ràng về chính sách thù địch của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, điều đó buộc CHDCND Triều Tiên phải có phản ứng mạnh. Đối với Mỹ, trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông đang hết sức khó khăn: an ninh ở I-rắc, ở áp-ga-ni-xtan đang ngày một xấu đi; vấn đề hạt nhân của I-ran chưa được giải quyết; dư luận trong nước đang gây sức ép đòi rút quân khỏi I-rắc và áp-ga-ni-xtan; uy tín của Chính quyền đang ngày càng xuống thấp, chỉ còn khoảng 20%, thì việc điều chỉnh chính sách từ “đối đầu” sang “đối thoại” để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên với CHDCND Triều Tiên là nằm trong ý đồ chiến lược, nhằm tạo bước “đột phá” để “ghi điểm” trong hoạt động đối ngoại của Chính quyền Tổng thống G.W.Bu-sơ cuối nhiệm kỳ. Hơn nữa, chính sách đối đầu của Chính quyền Mỹ trong vấn đề hạt nhân đối với CHDCND Triều Tiên thực chất là tàn dư của thời kỳ “chiến tranh lạnh”, hoàn toàn không phù hợp với xu thế thời đại ngày nay, không những không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng, đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế, bị dư luận lên án, phản đối. Trong trả lời báo giới về việc Chính quyền Mỹ điều chỉnh chính sách đối với CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, J. Cirincione - chuyến gia hàng đầu về hạt nhân, cố vấn của Quốc hội Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân -  đã vạch rõ, những gì đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên hiện nay chính là sự thừa nhận rằng, chính sách đối đầu của Chính quyền đối với Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân là “sai lầm chết người”, cần phải được thay đổi ngay. Ông Prichard, học giả nổi tiếng của Mỹ, trong cuốn sách viết về Bắc Triều Tiên, với tựa đề “Nền ngoại giao bị thất bại”, cho rằng, trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã đề ra nhiều quyết sách sai lầm; trong đó, quyết sách sai lầm nhất và đáng tiếc nhất chính là cấm tiến hành đàm phán song phương với Bắc Triều Tiên- chế độ bị họ coi là nằm trong “trục ác quỷ”. Prichard cũng cho rằng, Chính quyền Mỹ đang tiến hành đối thoại với Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân là một công việc mà đáng lý họ nên làm ngay sau khi kế nhiệm Chính quyền của Tổng thống B. Clin-tơn vào năm 2001.
Việc CHDCND Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Dông Piêng, cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến trình giải trừ hạt nhân và mới đây là đề xuất tổ chức đàm phán quân sự song phương với Mỹ..., đã thổi “luồng sinh khí” mới cho tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki Mun đã hoan nghênh việc CHDCND Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Dông Piêng, coi đây là “một bước đi đúng đắn và đáng khích lệ”. Hàn Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán việc thiết lập cơ chế hoà bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên để thay thế cho Hiệp định đình chiến được ký khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); cam kết tiếp tục nối lại chương trình viện trợ gạo, với tổng trị giá 152 triệu USD cho CHDCND Triều Tiên. Chính quyền Mỹ cũng đề xuất cơ chế đàm phán 4 bên (gồm Mỹ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc) để “xây dựng nền hoà bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên”. Chính phủ Nga cũng cho biết, Nga sẵn sàng cắt giảm 90% khoản nợ 8 tỷ USD mà CHDCND Triều Tiên đang nợ của Nga. Ngày 18-7-2007, vòng tiếp theo đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã được nối lại tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các bên đã thông qua tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định,  “tất cả các bên cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình” đã được nêu trong thoả thuận 13-2, dựa trên nguyên tắc “hành động đổi hành động”; 5 nhóm công tác sẽ tổ chức họp vào tháng 8 tới để thảo luận các nội dung liên quan tới tiến trình giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; nhất trí tổ chức phiên họp thứ 2 vòng 6 lần này vào đầu tháng 9-2007, để thảo luận lộ trình thực hiện thoả thuận tổng thể đã đạt được tại vòng đàm phán lần này.
Tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên đang tiến triển khả quan; tuy nhiên, các nước đều tỏ ra rất thận trọng, coi những kết quả đạt được vừa qua chỉ là “những bước đi ban đầu trên một chặng đường còn rất dài và hết sức khó khăn”; bởi, giữa các bên liên quan, nhất là giữa hai chủ thể chính là Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn chưa được giải quyết và vấn đề mấu chốt nhất chính là họ vẫn chưa tạo được sự tin cậy lẫn nhau. Trả lời báo giới về quan điểm của Mỹ đối với việc CHDCND Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Dông Piêng, trợ lý Ngoại trưởng, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Crít-xtốp-phơ Hin trong khi bày tỏ hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ thực hiện bước tiếp theo là vô hiệu hoá hoàn toàn các cơ sở hạt nhân trong thời gian tới, cũng thừa nhận “đạt được những tiến bộ đầu tiên này đã phải mất một thời gian dài, điều đó cho thấy sẽ còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn nữa để đạt được những tiến bộ khác”.  Về phía CHDCND Triều Tiên, nước này tiếp tục khẳng định, sẵn sàng bắt đầu đình chỉ toàn bộ chương trình hạt nhân, nếu Mỹ bãi bỏ mọi hình thức cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên. Ngày 15-7 vừa qua,  Phó trưởng phái đoàn CHDCND Triều Tiên tại LHQ Kim Mi-ông Kin nêu rõ, việc tiếp tục thực hiện thoả thuận 13-2 phụ thuộc vào “các biện pháp thực chất của Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt trong việc từ bỏ chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên”. Ông này cũng cho biết, các bước tiếp theo của CHDCND Triều Tiên sẽ chỉ diễn ra nếu Mỹ thực hiện các bước đi song song.
Dư luận thế giới đang hết sức quan tâm đến những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, yêu cầu các bên liên quan tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu hết sức quan trọng vừa qua, nêu cao thiện chí, trách nhiệm, hợp tác trong đối thoại, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai miền Triều Tiên, cùng nhau thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên đi tới kết quả cuối cùng, xây dựng bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc á thành khu vực hoà bình, hợp tác, phát triển và phi hạt nhân.
Đồng Đức
 

Ý kiến bạn đọc (0)