QPTD -Chủ Nhật, 21/08/2011, 00:16 (GMT+7)
Trận đánh “táo bạo, bất ngờ” của Không quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh và bài học về nghệ thuật tác chiến không quân

Trận đánh “táo bạo, bất ngờ” của không quân (KQ) ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được coi là “mũi tiến công thứ 6”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Trận đánh đã thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến KQ; cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó là đỉnh cao của sự vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Đó còn là quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương về việc sử dụng lực lượng KQ (bằng máy bay A-37 thu được của địch) để tổ chức mũi tiến công từ trên không vào cơ quan đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, với mục tiêu nhằm kiềm chế sự hoạt động chiến đấu của KQ địch, đập tan những ảo tưởng “tử thủ”, chặn đường rút chạy bằng đường không của ngụy quyền Sài Gòn. Trận đánh đó đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật tác chiến KQ nói riêng và nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung về tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, có 2 đợt ta sử dụng lực lượng KQ (bằng máy bay chiến đấu thu được của địch) để tiến công, làm cho chúng hết sức bất ngờ, hoảng loạn: đợt 1, ném bom dinh Độc Lập (ngày 8-4); đợt 2, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 28-4), đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho địch hoảng loạn, sụp đổ về tinh thần. Trận đánh “táo bạo, bất ngờ” này đã góp phần tạo thế cho chiến dịch phát triển giành thắng lợi trong thời gian ngắn, ít tổn thất nhất. Thắng lợi của trận đánh đã để lại nhiều bài học quý báu về nghệ thuật tổ chức lực lượng KQ, lựa chọn mục tiêu, thời cơ tiến công và nghệ thuật tổ chức phối hợp hiệp đồng tác chiến cùng các lực lượng trong chiến dịch. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết là nghệ thuật tổ chức lực lượng KQ trong tác chiến chiến dịch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sử dụng KQ tham gia chiến dịch là quyết định hoàn toàn đúng đắn, chính xác. Do sử dụng máy bay A-37 của địch, nên sẽ tạo được bất ngờ, giảm thời gian làm công tác chuẩn bị chiến đấu, vì máy bay của ta đang bố trí ở miền Bắc. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện, có nhiều khó khăn: thời gian rất ngắn; KQ ta chưa có nhiều kinh nghiệm tiến công các mục tiêu mặt đất; việc bảo đảm kỹ thuật, chuyển loại máy bay cũng không hề đơn giản... Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đã khẩn trương lựa chọn những phi công giỏi, dày dạn kinh nghiệm trong lực lượng KQ của ta (Phi đội 4 Anh hùng), phi công của ta đã hoạt động trong lực lượng KQ của địch; đồng thời, mạnh dạn sử dụng phi công, thợ máy đã được cảm hoá, giác ngộ (là tù - hàng binh); có đủ độ tin cậy, gấp rút tổ chức huấn luyện chuyển loại. Với sự nỗ lực rất cao của Bộ đội KQ, chỉ sau 2 ngày (24 và 26-4), phi công ta đã làm chủ và bay thử thành công máy bay thu được của địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên giao. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) chúng ta sẽ có những thuận lợi cơ bản là lực lượng KQ được xây dựng, không ngừng phát triển cả về biên chế, tổ chức và vũ khí, trang bị ngay từ trong thời bình, lại tác chiến trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao... Nhưng cũng cần thấy, nếu xét về tương quan lực lượng thì vẫn kém địch. Do vậy, chúng ta cũng cần phải phát huy cách đánh sở trường của KQ ta, với tư tưởng nghệ thuật “nhỏ thắng lớn, ít địch nhiều”; trong đó, bài học về nghệ thuật tổ chức lực lượng KQ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng linh hoạt. Trong điều kiện mới, để tổ chức, sử dụng KQ trong tác chiến chiến dịch có hiệu quả, chúng ta phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề: tổ chức lực lượng KQ phải bảo đảm cân đối các thành phần, có lực lượng đi trước, đón đầu về khoa học công nghệ; từng bước trang bị cho lực lượng KQ nhiều chủng loại máy bay đa chức năng, có tầm hoạt động xa... Bên cạnh đó, phải xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ cho Bộ đội KQ, nhất là phi công và đội ngũ kỹ thuật viên ở những nước có nền khoa học công nghiệp hàng không - vũ trụ phát triển. Mặt khác, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa KQ với Hàng không dân dụng quốc gia để có những quy định về huấn luyện, kiểm tra định kỳ đối với phi công dân sự; coi đó như một điều kiện bắt buộc, nhằm nâng cao khả năng xử trí các tình huống, khi được động viên sang làm nhiệm vụ quốc phòng.

Thứ hai, về nghệ thuật lựa chọn mục tiêu, thời cơ tiến công. Đối với KQ, đây là vấn đề vô cùng quan trọng, có ý nghĩa ở cả phạm vi chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Trận đánh của KQ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, việc chọn bãi đỗ máy bay trong sân bay Tân Sơn Nhất làm mục tiêu tiến công là hoàn toàn đúng đắn, cho phép vừa có thể tiêu diệt lớn máy bay địch, vừa bảo đảm an toàn cho nhân dân và đoàn cán bộ quân sự của ta trong trại Đa - vít (nằm trong sân bay). Đây là mục tiêu rất hiểm, tuy mạnh nhưng mặt trận đối không có nhiều sơ hở. Vì, chúng cho rằng tại thời điểm này, ta không thể tổ chức được lực lượng KQ tham gia chiến dịch. Đồng thời, việc chọn đúng thời cơ tiến công nên lực lượng của ta tuy nhỏ nhưng đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Kết quả của trận đánh không những ta tiêu diệt 24 máy bay và hàng trăm sĩ quan, binh lính của KQ địch, mà nó còn có ý nghĩa lớn về chiến dịch, chiến lược; đồng thời, làm sáng tỏ thêm một vấn đề lý luận nghệ thuật quân sự “thời cơ là lực lượng, ...”. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai có đặc điểm khác với chiến tranh giải phóng là địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; các căn cứ của chúng bố trí ở ngoài lãnh thổ nước ta, thậm chí ngoài tầm hoạt động của KQ ta. Từ đó, chúng có thể chủ quan, sơ hở không tổ chức lực lượng bảo vệ, không xây dựng phương án đối phó với tình huống bị ta tiến công, nhất là bằng KQ. Đây là thời cơ để chúng ta tổ chức lực lượng cả ở mặt đất, trên không, trên biển tiến công căn cứ của địch. Mục tiêu ta chọn để đánh phá là các trung tâm máy tính, trung tâm chỉ huy và trung tâm trú quân trong căn cứ của địch. Vì những mục tiêu này bị tiến công, địch sẽ không còn lực lượng, hệ thống chỉ huy không hoạt động, buộc địch phải hạn chế hoặc ngừng tiến công đường không, trên biển và trên bộ. Việc đó đặt ra là khi sử dụng KQ tiến công, cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ để lựa chọn loại máy bay phù hợp, tổ chức tốp nhỏ, chiếc lẻ, hoạt động xen kẽ với KQ địch. Trong tổ chức thực hiện cũng cần chú ý KQ của ta không thể hoạt động quá lâu ở trên không, dễ bị địch phát hiện, tiêu diệt. Để có giải pháp hợp lý, phải luôn quán triệt tư tưởng chủ động tiến công, đánh phủ đầu, phá thế trận của địch đang chuẩn bị tiến công ta. Trong các trường hợp khác, cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và tình hình cụ thể để lựa chọn mục tiêu, thời cơ tiến công chính xác.

Thứ ba, về tổ chức phối hợp, hiệp đồng tác chiến của KQ với các lực lượng chiến dịch. Có thể khẳng định rằng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sự phối hợp của KQ với các lực lượng khác là hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Trận đánh của KQ ta diễn ra đúng vào thời điểm các mũi tiến công của ta đang vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch. Thắng lợi của trận đánh đã góp phần thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta và thúc đẩy chiến dịch nhanh chóng kết thúc thắng lợi. Vấn đề này cần được nghiên cứu, phát triển trong điều kiện mới. Bởi vì, kinh nghiệm tổ chức hiệp đồng quân-binh chủng trong tác chiến hiện đại của ta chưa nhiều. Để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là lực lượng KQ - lực lượng có sức cơ động cao, tác chiến nhanh, hiệu suất lớn và còn có khả năng đánh sâu vào trung tâm các căn cứ của địch - trước hết, phải tổ chức hiệp đồng chặt chẽ ngay trong lực lượng KQ, khi tổ chức đánh nhỏ, lẻ vào các căn cứ, đánh chặn trên các hướng tiến công, gây căng thẳng cho đối phương. Trên cơ sở đó, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác, nhất là trong các trường hợp: cơ động sơ tán, phòng tránh vũ khí công nghệ cao của địch; cơ động chuyển hoá thế trận; tăng viện và ứng cứu giải toả... Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi, lực lượng của ta bố trí cài xen với địch, nếu không có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng thì KQ sẽ khó có thể chi viện, thậm chí còn gây tổn thất cho các lực lượng khác. Trong tiến công chiến lược, lực lượng KQ có nhiệm vụ đánh chặn KQ địch đến ứng cứu, tăng viện cho lực lượng ở trận địa phòng ngự và đánh bịt đường rút chạy của địch...; đồng thời, tổ chức hiệp đồng, chuẩn bị đường băng ở những đoạn đường lưỡng dụng; bảo vệ sân bay và khu vực cất giấu máy bay... Để tổ chức hiệp đồng có hiệu quả, Tư Lệnh chiến dịch cần quy định rõ các ký, tín hiệu hiệp đồng, phương pháp xử trí các tình huống có thể xảy ra và trực tiếp chỉ huy, xử trí các tình huống diễn ra trên khu vực tác chiến chủ yếu.

Thắng lợi của trận đánh “táo bạo, bất ngờ” là kết quả của sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật tổ chức, xây dựng và chuẩn bị lực lượng; chọn mục tiêu, thời cơ và hiệp đồng chiến đấu; lấy vũ khí địch để đánh địch; huấn luyện và bảo đảm... Cùng với đó là ý chí quyết tâm cao độ, sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm của đội ngũ phi công tham gia chiến dịch.

Trận đánh của mũi tiến công thứ 6 - “táo bạo, bất ngờ” vào sân bay Tân Sơn Nhất là nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến KQ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó góp phần làm phong phú và phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

 Đại tá NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN

Trưởng phòng Tuyên huấn

Quân chủng Phòng không-Không quân

 

Ý kiến bạn đọc (0)