QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:05 (GMT+7)
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 – bước phát triển mới của nghệ thuật tiến công thành phố

Cách đây tròn 40 năm (1-1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đã cùng với lực lượng quần chúng cách mạng mở cuộc Tổng tiến công (TTC) và nổi dậy, đồng loạt đánh vào hầu hết các đô thị, căn cứ quân sự, cơ quan chính quyền Mỹ-ngụy trên khắp miền Nam. Đây là đòn tiến công chiến lược bất ngờ nhất, quy mô lớn, rộng khắp, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật đánh địch trong thành phố của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trước đây, trong kháng chiến chống Pháp, nhất là những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, chúng ta đã tiến hành đánh địch trong thành phố, nhưng chủ yếu ở thế phòng thủ, đánh lại các cuộc tiến công của địch. Trong cuộc TTC và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân và dân ta hoàn toàn ở thế chủ động tiến đánh vào hầu hết các đô thị, vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu, đầu não được phòng thủ kiên cố của địch. Nghệ thuật đánh địch trong thành phố của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này đã để lại nhiều bài học quý báu cả thành công lẫn chưa thành công. Dưới đây chúng tôi xin bàn về một số nội dung tiêu biểu của nghệ thuật này:

1. Về nghệ thuật chọn hướng tiến công chiến lược. Trong kế hoạch Đông-Xuân 1967-1968, ta có ý định mở các đợt hoạt động quân sự như các Đông-Xuân trước, nhưng có nâng chỉ tiêu diệt địch ở mức cao hơn (diệt 3-5 lữ đoàn Mỹ, 3-5 sư đoàn ngụy, giải phóng từ 8-10 triệu dân ở nông thôn). Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục hướng cuộc tiến công vào địa bàn nông thôn, rừng núi và đánh theo cách đánh cũ thì không tận dụng được thời cơ, không tạo được bước ngoặt lớn, chiến tranh vẫn tiếp tục giằng co và kéo dài. Hơn nữa, trước đối tượng địch có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng tiếp ứng nhanh, chiếm ưu thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển... như quân Mỹ thì phương án bao vây để tiêu diệt chiến lược đội quân này là không hiện thực. Để giáng đòn mạnh, bất ngờ, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra cục diện mới- một bước ngoặt của cách mạng miền Nam, Đảng ta chủ trương “hướng sức mạnh chủ yếu của chiến tranh cách mạng vào các thành phố, thị xã, thị trấn, vào trung tâm đầu não địch”1. Đây là quyết định đúng đắn, táo bạo và rất sáng tạo của Đảng ta. Thành phố, thị xã là sào huyệt, đầu não chiến tranh, trung tâm chỉ huy, nơi dự trữ nhiều trang bị kỹ thuật, hạ tầng cơ sở của địch-là chỗ mạnh nhất của chúng, nhưng chỗ mạnh nhất cũng là nơi địch đang có sơ hở. Đánh vào đây là đánh vào tim, óc, huyết mạch, dạ dày của địch, nơi hiểm yếu và nhạy cảm nhất, sẽ tạo ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, cả trong nước và quốc tế, cả quân sự và ngoại giao, làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta; vì thế, thắng lợi sẽ có tầm chiến lược. Thực hiện chủ trương trên, các chiến trường, các địa phương, nhất là tại các chiến trường trọng điểm đã khẩn trương làm công tác chuẩn bị, điều động lực lượng, tổ chức lại chiến trường..., theo yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tại Khu trọng điểm Sài Gòn-Gia Định, ta tổ chức thành 5 phân khu; đồng thời là 5 mũi tiến công vào nội đô, gồm: Phân khu 1, hướng Tây Bắc; Phân khu 2 và 3, hướng Tây và Tây nam; Phân khu 4, hướng Đông Bắc; Phân khu 5, hướng Bắc và khu nội thành của khối biệt động thành. Đêm 30  rạng sáng ngày 31- 1- 1968 (Tết Mậu Thân), quân và dân ta đã đồng loạt tiến công vào 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn... trên toàn miền Nam. Những đòn tiến công vào tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, bộ Tổng Tham mưu ngụy... tại Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế của quân và dân ta là một bất ngờ lớn, khiến cho địch trên chiến trường không kịp trở tay; giới lãnh đạo Mỹ ở Oa-sinh-tơn ngày đó phải “sững sờ, choáng váng”. Đây là lần đầu tiên trong suốt bao năm ròng kháng chiến, chúng ta đã đưa được chiến tranh vào thành thị, đã biến hậu phương, hậu cứ của địch thành chiến trường. Điều mà chính giới Mỹ vô cùng kinh ngạc là, trong lúc lực lượng Mỹ-ngụy và chư hầu còn đông tới 1 triệu 20 vạn tên, có số lượng trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại khổng lồ; chiếm đóng trên những căn cứ phòng thủ vững chắc, thì bị ta bất ngờ tiến công vào hang ổ của chúng, giành thắng lợi lớn chưa từng có. Như vậy, việc lựa chọn hướng tiến công là địa bàn đô thị để đánh đòn quyết định, tạo hiệu quả tối đa trong điều kiện so sánh lực lượng kém hơn địch là một bước phát triển mới, sáng tạo, độc đáo trong tư duy chiến lược của Đảng ta, một mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự trong chiến tranh cách mạng Việt Nam.

2. Về nghệ thuật kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học về sức mạnh, về so sánh lực lượng địch-ta trong chiến tranh cách mạng miền Nam, Đảng ta đã khẳng định, chiến tranh nhân dân ở miền Nam là một cuộc tiến công toàn diện của cách mạng vào bộ máy thống trị của bọn Mỹ và bè lũ tay sai. Sức mạnh đó không đơn thuần là sức mạnh của đòn tiến công quân sự, mà là sức mạnh tổng hợp mọi mặt về chính trị-tinh thần, về quân sự, về thế và lực của nhân dân và đất nước... Do đó, để giành thắng lợi quyết định trong cuộc tiến công chiến lược này, Đảng ta chủ trương kết hợp chặt chẽ đòn tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, phối hợp ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, mà trọng điểm là ở các địa bàn đô thị trên toàn miền Nam, nhằm tạo ra sức mạnh to lớn “đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc”2. Đây là sự chỉ đạo kiên quyết, nhạy bén, sắc sảo và vô cùng sáng tạo của Đảng ta. Tuy nhiên, tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất phức tạp; giai đoạn đó diễn ra dài hay ngắn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của ta và sự đối phó của địch. Trong tình hình lúc đó, địch đang lâm vào thế bị động phòng ngự và tiến, thoái lưỡng nan về mặt chiến lược, thì những cố gắng chủ quan và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của ta có tác dụng quyết định trực tiếp. Trong đó, việc chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cả về ý chí quyết tâm, về lực lượng, thế trận và giữ bí mật tuyệt đối ý định hành động..., giữ vai trò rất quan trọng. Căn cứ vào chủ trương trên, ta đã tập trung triển khai nhiều biện pháp xây dựng, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch TTC và nổi dậy; xây dựng, củng cố, huấn luyện các đơn vị LLVT, nhất là trình độ đánh tiêu diệt và khả năng phối hợp với lực lượng chính trị trên địa bàn; triển khai hệ thống bảo đảm và mạng lưới giao liên từ căn cứ tới vùng ven và vào nội thành... Bên cạnh đó, các cơ sở chính trị ở các địa phương và đô thị được gấp rút phát triển và tổ chức chặt chẽ; các tổ chức đảng và đoàn thể cách mạng được kiện toàn về mọi mặt. Riêng tại Sài Gòn, ta đã xây dựng thêm được hàng trăm cơ sở chính trị, hơn 400 điểm ém, giấu lực lượng sát ngay các mục tiêu trọng yếu; động viên hàng vạn lượt người tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực từ căn cứ vào vùng ven. Tại Khu 5, ta đã xây dựng được đội quân chính trị lên tới 20 vạn người. Tại Trị- Thiên, Khu ủy đã gấp rút mở các lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ và quần chúng cốt cán, làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy trên địa bàn... Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, bí mật và quyết tâm cao, nên khi được lệnh TTC, ta đã kết hợp tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam. Các đòn tiến công của ta đã đánh trúng các cơ quan đầu não của địch, làm cho chúng hoàn toàn bị bất ngờ, tê liệt; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nổi dậy làm chủ nhiều khu phố, nhiều đô thị tiếp thêm sức mạnh cho đòn tiến công quân sự giành thắng lợi. Tận dụng thời cơ do đòn tiến công và nổi dậy ở đô thị tạo ra, LLVT tại chỗ đã hỗ trợ quần chúng ở nhiều vùng nông thôn nổi dậy phá tan từng mảng hệ thống ngụy quyền các cấp, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng. Đặc biệt, tại Huế-thành phố lớn thứ ba ở miền Nam - chỉ sau một tuần tiến công và nổi dậy, quân giải phóng đã làm chủ phần lớn Thành phố. Tuy nhiên, ở một số nơi, do đòn tiến công quân sự chưa đủ mạnh để tạo chỗ dựa vững chắc cho nổi dậy của quần chúng, nên về toàn cục, phong trào nổi dậy đã diễn ra không đều, thậm chí ở một số nơi không có nổi dậy của quần chúng, địch dần hồi phục lại và phản công quyết liệt. Đây là bài học quý giá đối với chúng ta, để bảy năm sau, mùa Xuân năm 1975, với nghệ thuật TTC và nổi dậy đỉnh cao, chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

3. Về cách đánh. Trong Tết Mậu Thân, mục tiêu tiến công chiến lược chủ yếu không phải là các tập đoàn quân chủ lực lớn của địch, mà là các mục tiêu chính trị, cơ quan đầu não chiến tranh của chúng từ trung ương đến địa phương. Đây là những mục tiêu hiểm yếu, nằm sâu trong hậu phương và đô thị của địch, được phòng thủ chặt chẽ bằng nhiều tầng, nhiều lực lượng, nhiều biện pháp và thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đô thị có nhiều công trình kiến trúc kiên cố, xây dựng thành các khu vực, dãy phố, có nhiều chướng ngại, vật che khuất, che đỡ, khiến cho tác chiến lớn, đánh hiệp đồng binh, quân chủng khó khăn. Do đó, khi tiến công vào hệ thống dinh lũy của Mỹ-ngụy, ta không thể vận dụng cách đánh lần lượt từ ngoài vào trên từng hướng chiến lược, mà là kết hợp đánh từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong; đánh đồng loạt bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng, cả quân sự, chính trị và binh vận, cả tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, cả chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực và chiến tranh nhân dân địa phương. Đây là cách đánh độc đáo, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa bàn, quy mô sử dụng lực lượng, phù hợp trình độ, sở trường của bộ đội và nhờ đó đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Đánh như vậy sẽ làm cho địch đã bất ngờ càng thêm bất ngờ, lúng túng, không kịp phòng bị, ở đâu cũng bị đánh, địch tuy đông nhưng không có đủ lực lượng dự bị để chi viện và ứng cứu cho nhau. Thực hiện cách đánh trên, đúng giao thừa Tết Mậu Thân, pháo cối và rốc két của ta ở các địa điểm bí mật đã bất ngờ, đồng loạt dội bão lửa xuống các mục tiêu quy định, làm tê liệt các sân bay, sở chỉ huy, trung tâm truyền tin... của địch. Tận dụng thời cơ, ở đô thị, các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ bất ngờ đánh chiếm một số cơ quan đầu não trung ương và địa phương của địch, làm bộ máy điều hành chiến tranh khổng lồ của chúng bị rối loạn. Từ các bàn đạp vùng ven, các tiểu đoàn mũi nhọn nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu được phân công, hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng đặc công, biệt động chiến đấu. Một số tiểu đoàn đã tiến đánh các mục tiêu nằm sâu trong nội thành, trụ lại đánh địch phản kích nhiều ngày. Đồng thời, các đội vũ trang, bán vũ trang của các ban, ngành, đoàn thể, như thanh niên, phụ nữ... vừa cơ động đánh địch trên đường phố, vừa phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, trừ gian, đập tan chính quyền cơ sở của địch. Ở vòng ngoài, các đơn vị bộ đội chủ lực ta chủ động đón đánh, tiêu diệt, kìm chân không cho các đơn vị chủ lực địch tăng viện vào vùng ven và nội thành, giữ phía sau cho các tiểu đoàn mũi nhọn. Đặc biệt, trước Tết Mậu Thân, ta đã chủ động mở một số chiến dịch ở vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Trị-Thiên; đặc biệt, chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đã thu hút một bộ phận quan trọng quân chủ lực Mỹ lên chiến trường rừng núi, tạo thuận lợi cho ta tiến hành tiến công và nổi dậy ở các đô thị bị Mỹ-ngụy chiếm đóng. Tuy nhiên, do lần đầu tiên ta tổ chức tiến công trên địa bàn đô thị với quy mô rộng lớn nên sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tại các hướng, mũi chưa thật ăn khớp. Khi tình hình thay đổi, địch tăng cường lực lượng và phản kích mạnh, ta đã không nhạy bén xoay chuyển tình thế, điều chỉnh lực lượng, rút ra vùng nông thôn, tổ chức tiến công địch vòng ngoài để bảo toàn lực lượng và củng cố các cơ sở, mà nhiều nơi vẫn tổ chức tiến công, nên dẫn tới tổn thất. Những thành công và chưa thành công trong cuộc TTC và nổi dậy Tết Mậu Thân cùng nghệ thuật đánh địch trong thành phố là bài học thực tiễn quý giá, làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, có ý nghĩa vận dụng sâu sắc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, GS, TS. ĐỖ TRÌNH

                        

1- Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nxb ST, H. 1989, tr. 194.

2- Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 14, khóa III, tháng 1- 1968.

 

Ý kiến bạn đọc (0)