Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:50 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Năm 2007 đã đi qua với bức tranh toàn cảnh của thế giới có đan cài những gam mầu sáng, tối: “tổng thể là hoà bình, hoà hoãn, hợp tác, phát triển; cục bộ là xung đột, chiến tranh”; thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau:
1- Hoà bình và phát triển; hội nhập, liên kết khu vực và quốc tế về kinh tế, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội vẫn là xu thế chủ đạo, có phần nổi trội, sâu sắc hơn các năm trước.
Nổi bật là, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khoá 62 đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, cấp bách liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển của thế giới. Đó là, Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a đã đạt được thoả thuận về lịch trình đàm phán một Nghị định thay thế Nghị định thư Ki-ô-tô (hết hiệu lực vào năm 2012); là các cam kết hợp tác, hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, chống đói nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ; các đề xuất, các cam kết cải tổ LHQ theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động trong thời kỳ mới. Đại hội đồng LHQ khoá 62 đã đánh dấu một thời kỳ hợp tác và đấu tranh đa phương sôi động nhất trong lịch sử của tổ chức này và tạo xung lực mới để LHQ tiếp tục phát triển, thực sự là một tổ chức quốc tế hàng đầu trong bảo đảm hoà bình, an ninh và phát triển.
Cùng với xu thế toàn cầu hoá thông qua LHQ và các tổ chức quốc tế khác, xu thế liên kết, nhất thể hoá trong từng khu vực, liên khu vực cũng tiếp tục phát triển. Các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, liên khu vực đều hoạt động sôi động, hoặc mở rộng quy mô, hoặc điều chỉnh tổ chức, cơ chế tăng cường hiệu quả hợp tác, liên kết toàn diện hay trên từng lĩnh vực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 13, tổ chức tại Xin-ga-po, nguyên thủ các nước thành viên đã thông qua Hiến chương. Đây là một bước tiến có tính lịch sử của Hiệp hội, khẳng định tư cách pháp nhân; nâng cao uy tín, vị thế để ASEAN tiếp tục đà phát triển và giữ vững vai trò là lực lượng trung tâm trong các cơ chế hợp tác kinh tế và bảo vệ an ninh khu vực, liên khu vực mà ASEAN tham gia. Hiến chương cũng tạo cơ sở để ASEAN gắn kết và vững mạnh hơn, tiến tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội vào năm 2015.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức gần đây, nguyên thủ 27 nước thành viên của EU đã ký thông qua bản Hiệp ước Li-xbon, chấm dứt cuộc khủng hoảng thể chế lớn nhất của Tổ chức này kể từ năm 2005; đồng thời, tạo cơ hội để EU tiếp tục thực hiện ước mơ xây dựng một “châu Âu nhất thể hoá”.
Các tổ chức khu vực khác ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, các tổ chức liên khu vực như APEC..., cũng đều tiến hành hội nghị cấp cao, triển khai các hoạt động đa dạng, phong phú, hợp tác, đấu tranh cho an ninh, ổn định và phát triển.
Năm 2007, cục diện quan hệ nước lớn “nhất siêu đa cường” tiếp tục thể hiện sâu sắc đặc điểm hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh, xoay quanh việc thiết lập trật tự thế giới đơn cực hay đa cực. Trong quan hệ giữa các nước lớn, mặt hợp tác, hoà dịu có phần nổi trội hơn (như Trung Quốc-Nhật Bản, Trung Quốc-EU, Trung Quốc-Nga- Ấn Độ...). Tuy nhiên, quan hệ Mỹ- Nga có phần diễn biến xấu. Mỹ luôn gây sức ép với Nga về dân chủ, thúc đẩy chiến lược “Đông tiến” nhằm mở rộng biên giới NATO tới sát biên giới của Nga. Chủ trương triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa (NMD) ở một số nước Đông Âu, làm cho quan hệ Mỹ-Nga trở nên căng thẳng. Nga coi NMD của Mỹ ở Đông Âu đe dọa an ninh quốc gia Nga, nên đã tuyên bố thực hiện các biện pháp trả đũa, như rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, phát triển các tên lửa “siêu hiện đại” để sẵn sàng chống trả. Tuy nhiên, vì lợi ích chiến lược, cả Mỹ và Nga sẽ không đẩy bất đồng giữa họ đến đối đầu quân sự. Trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, trước việc Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa bắn hạ vệ tinh, đưa nước này trở thành nước thứ ba (sau Mỹ và Nga) nắm được kỹ thuật này, Mỹ ráo riết thực hiện chiến lược kiềm chế, ngăn chặn không để nước này trở thành mối đe dọa đến ngôi vị bá chủ của Mỹ, làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc thêm phần gay gắt.
Trong khi các nước lớn vừa hợp tác vừa cạnh tranh, đấu tranh để thiết lập trật tự đơn cực hay đa cực, thì đại đa số các nước, nhân loại tiến bộ trên thế giới vẫn kiên trì đẩy mạnh hợp tác và đấu tranh cho một thế giới công bằng, bình đẳng, bác ái, cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhìn tổng thể, bức tranh toàn cảnh thế giới 2007 vẫn là hoà bình, hợp tác và phát triển. Năm nay, tuy bị tác động bởi giá xăng dầu biến động mạnh, nhưng kinh tế thế giới, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), vẫn đạt mức tăng trưởng 5,2%, trong đó, Trung Quốc đạt 11,5% (vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản); Việt Nam đạt 8,44%; Cu-ba đạt hơn 6,4%, trở thành những “điểm sáng”, góp phần tích cực vào xu thế phát triển của thế giới.
2- Khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; khủng bố, tranh giành lợi ích, quyền ảnh hưởng tiếp tục gia tăng, đe dọa an ninh của các quốc gia, hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Năm 2007, các khu vực và thế giới vẫn chưa có bình yên, bởi nhiều “điểm nóng” cũ chưa được giải quyết đã xuất hiện các “điểm nóng” mới, những nguy cơ tiềm tàng mất ổn định mới.
Việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang mở ra triển vọng phi hạt nhân hoá và bình thường hoá quan hệ hai miền Triều Tiên, thì vấn đề hạt nhân ở I-ran tiếp tục căng thẳng, phức tạp. Bất chấp báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định: chưa có bằng chứng về việc I-ran phát triển vũ khí hạt nhân, Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng sức ép, đòi LHQ áp đặt lệnh trừng phạt mới chống I-ran; đe doạ tiến công quân sự nếu I-ran không ngừng ngay các chương trình làm giầu u-ra-ni, làm cho quan hệ Mỹ- I-ran hết sức căng thẳng. Tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, tình hình an ninh tiếp tục diễn biến phức tạp; xung đột, bạo lực không ngừng gia tăng và ngày càng khốc liệt; số lượng binh lính Mỹ và NATO bị thiệt mạng tiếp tục tăng cao (đến đầu tháng 11-2007, có 3.849 lính Mỹ bị thiệt mạng tại I-rắc); phong trào phản đối chiến tranh, đòi Mỹ rút quân về nước ngày một dâng cao ở nước Mỹ và trên thế giới, làm cho uy tín của Chính quyền Tổng thống G.W. Bu-sơ sụt giảm nghiêm trọng. Lộ trình hoà bình Trung Đông giữa I-xra-en và Pa-le-xtin tiếp tục rơi vào bế tắc; với sự can thiệp của Mỹ và phương Tây, Chính quyền Ten A-víp tiếp tục đẩy mạnh sử dụng sức mạnh quân sự làm cho xung đột giữa I-xra-en và các nước A-rập thêm gay gắt. Thêm vào đó, xung đột quân sự trong nội bộ Pa-le-xtin (giữa nhóm Pha-ta của Tổng thống M.Ap-bát và nhóm Ha-mát của Thủ tưởng I. Ha-ni-u-ê) làm cho tình hình thêm phức tạp, triển vọng thành lập một nhà nước Pa-le-xtin độc lập trở nên xa vời. Trung Đông vẫn là “lò lửa nguy hiểm”, đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.
Ngoài khu vực Trung Đông, còn có hàng chục “điểm nóng” rải rác khắp nơi trên thế giới. Đó là nội chiến hay xung đột vũ trang ở Xri-lan-ca, Nê-pan, Phi-líp-pin, miền nam Thái Lan; xung đột ở Xô-ma-li, Ê-ti-ô-pi; khủng hoảng nhân đạo ở Đa-phơ (Xu-đăng)...; khủng hoảng và bất ổn định chính trị (do hậu quả của “cách mạng màu sắc”) diễn biến gay gắt ở Cô-xô-vô, U-crai-na, Gru-di-a, v.v. Ngoài ra, trình trạng chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng; ô nhiễm, suy thoái môi trường; các thảm họa thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch HIV/ AIDS, dịch cúm gia cầm; tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tình trạng đói nghèo, phân hoá giàu - nghèo cao độ..., tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp.
Năm nay, cùng với “cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu” của Mỹ và phương Tây, chủ nghĩa khủng bố tiếp tục điều chỉnh, gia tăng hoạt động, tinh vi, nguy hiểm hơn, trở thành mối hiểm họa đe doạ đến an ninh, ổn định toàn cầu. Các tổ chức khủng bố đã mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, chiến thuật đa dạng hơn, theo hướng phân tán, độc lập, nhỏ lẻ…Dư luận cho rằng, để chống khủng bố đạt được kết quả, bên cạnh nỗ lực của quốc gia cần có sự hợp tác khu vực và quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ của nhau; chống khủng bố phải tiến hành toàn diện, bao gồm cả các biện pháp giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra khủng bố là đói nghèo, áp bức, bất công; kiên quyết phản đối một số nước phương Tây mượn danh chống khủng bố để tiến hành các hoạt động quân sự, chiến tranh chống nước khác, để thực hiện mưu đồ bá quyền.
3- Các nước tiếp tục điều chỉnh chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, xây dựng quân đội tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu chiến tranh cục bộ hiện đại.
Xu hướng điều chỉnh chiến lược quốc phòng của các nước là tập trung phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, mở rộng quan hệ đối ngoại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh, thêm bạn bớt thù, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, ổn định để xây dựng, phát triển, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.
Xu hướng xây dựng tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, sức mạnh quân sự mang tính tổng hợp: giữa sức mạnh “cứng” (nhân lực, vật lực, vũ khí, trang bị kỹ thuật...) với sức mạnh “mềm” (ý chí, tinh thần, tâm lý, đường lối, chính sách, học thuyết, chiến lược...); giữa quân sự với chính trị, kinh tế, đối ngoại và các mặt khác; giữa sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, thời đại. Trong xây dựng quân đội, tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế, hiện đại hoá vũ khí, trang bị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ chính trị-quân sự đặt ra, yêu cầu của chiến tranh cục bộ hiện đại.
Trong “báo cáo quốc phòng”, Mỹ coi xây dựng quân đội hiện đại hàng đầu thế giới là đảm bảo quan trọng nhất để Mỹ “chống khủng bố toàn cầu”, bảo vệ lợi ích quốc gia và vị thế bá chủ thế giới. Để đạt mục tiêu đó, Mỹ tập trung hoàn thành kế hoạch điều chỉnh bố trí quân sự toàn cầu đến 2010, chú trọng đến các khu vực trọng điểm chiến lược là Trung Đông, Trung Á, Đông Nam Á... Tiếp tục xây dựng hệ thống NMD ở châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, phát triển vũ khí vũ trụ, vũ khí hạt nhân công suất nhỏ; củng cố các liên minh quân sự, nhất là NATO, liên minh Mỹ-Nhật Bản; tăng cường mở rộng quan hệ quân sự với các nước, tạo các “chân rết” để phục vụ chiến lược chống khủng bố và kiểm soát, ngăn chặn không để xuất hiện đối thủ tiềm tàng đe dọa đến an ninh và vị thế bá chủ của Mỹ. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh chiến lược “dân chủ hoá Đại Trung Đông”, từ đó thực hiện chiến lược “dân chủ hoá toàn cầu”; lấy vấn đề “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để can thiệp nước khác và truyền bá các giá trị của Mỹ. Chiến lược của Mỹ bị dư luận lên án, phản đối vì đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước và thế giới.
Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược xây dựng nền quốc phòng hiện đại, xây dựng quân đội tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu phòng thủ, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Từ quan điểm chiến lược “trỗi dậy hoà bình”, Trung Quốc chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế; tích cực, chủ động “xây dựng thế giới hài hoà”, chống đơn cực, chống bá quyền; đồng thời, trên nền tảng “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”, chú trọng xây dựng “mô hình Trung Quốc”, từng bước nâng cao uy tín, khẳng định vị thế “cường quốc có trách nhiệm” trên thế giới. Trong xây dựng quốc phòng, Trung Quốc nhấn mạnh tư duy phát triển hài hoà giữa xây dựng quốc phòng với xây dựng kinh tế, phát triển khoa học; phát triển hài hoà giữa “nước giầu” với “binh mạnh” để thực hiện mục tiêu “Trung Hoa trỗi dậy”. Tư duy đó được cụ thể hoá trong “Phương hướng chiến lược xây dựng quân đội 2006-2011” của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc: xây dựng khả năng thông tin hoá; xây dựng hệ thống phòng thủ quân dân sự có hiệu quả; đẩy mạnh tác chiến binh chủng hợp thành; ưu tiên phát triển lực lượng không quân, hải quân và tên lửa chiến lược; hợp lý hoá mô hình lực lượng ở các cấp; nâng cao chất lượng tổng hợp quân đội mang tính chuyên nghiệp hoá…, đủ khả năng đánh thắng trong cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Nước Nga đang dần khôi phục lại uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Tổng thống Nga V. Pu-tin đã chỉ rõ, hiện nay, Nga phải xây dựng một nền quốc phòng mạnh, quân đội hiện đại, đủ sức đối phó với các thách thức, nguy cơ. Bộ Quốc phòng Nga đề ra “Kế hoạch quân sự đến năm 2020”, trong đó, tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển, nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng, nhất là lực lượng hạt nhân chiến lược; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện biên chế tổ chức quân đội theo mô hình chuyên nghiệp hoá; cải cách nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo, huấn luyện trong quân đội, công tác giáo dục quốc phòng cho nhân dân, xây dựng đội ngũ quân nhân có trình độ và tố chất cao.
Năm 2008, những nguy cơ, thách thức, mối đe dọa đối với hoà bình, ổn định của thế giới, an ninh của các quốc gia, dân tộc sẽ vẫn tồn tại và phát triển. Song, xu thế hợp tác đấu tranh cho hoà bình và phát triển vẫn sẽ là xu thế chủ đạo, chi phối chiều hướng vận động của thế giới. Với vai trò là một Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và sự phát triển của cộng đồng thế giới.
ĐỒNG ĐỨC
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011