QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:38 (GMT+7)
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn và Nam bộ

Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ vào tháng Tám 1945 đã diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, do không nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng; nhưng đã nhanh chóng giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa đã để lại bài học sâu sắc về tính chủ động, sáng tạo cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức, chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

  

Cùng với Sài Gòn - Gia Định, nhân dân các tỉnh Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong điều kiện việc chỉ đạo Tổng khởi nghĩa của Trung ương chưa đến kịp, nhưng do Đảng bộ Nam Kỳ đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 (tháng 5-1941), cùng với tinh thần cách mạng của nhân dân đang lên rất cao..., nên đến ngày 28-8-1945, hai địa phương cuối cùng (Hà Tiên, Đồng Nai) đã giành được chính quyền, kết thúc thắng lợi Tổng khởi nghĩa một cách nhanh chóng.

Ngày 15-8-1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ thành lập Ủy ban khởi nghĩa; Bí thư Xứ ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa. Tuy thành lập tổ chức lãnh đạo khởi nghĩa sớm, nhưng phải 10 ngày sau, khởi nghĩa mới nổ ra tại Sài Gòn và sau đó là ở tất cả các tỉnh Nam Bộ. Vì sao có tình hình như vậy? Bởi vì, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức Hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm ở gần Sài Gòn, bàn việc khởi nghĩa; nhưng trong Hội nghị đã có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: số đông cán bộ tán thành phải nhanh chóng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, vì tình hình thế giới, trong nước, tiến trình chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa và thời cơ rất thuận lợi cho cách mạng; còn một số ít cán bộ lại không đồng tình với chủ trương khởi nghĩa. Họ cho rằng: ngoài miền Bắc chưa khởi nghĩa mà trong Nam Bộ đã khởi nghĩa là phiêu lưu, dễ rơi vào tình cảnh bị đàn áp như cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940)... Do không đạt được sự đồng thuận, nên Hội nghị Xứ ủy mở rộng tạm ngừng; đồng thời, giữ nguyên chủ trương, đường lối đã được Trung ương Đảng xác định từ trước và tiếp tục hoàn tất công tác chuẩn bị của Ủy ban khởi nghĩa; bám sát tình hình, nếu được tin Hà Nội khởi nghĩa thì Xứ ủy lập tức họp lại để quyết định ngày khởi nghĩa cho Sài Gòn và chỉ định ra Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ; đưa Việt Minh ra công khai ở Sài Gòn và cổ vũ mạnh mẽ cho Mặt trận Việt Minh.

Trong thời gian chưa khởi nghĩa, các công việc chuẩn bị tiếp tục được hoàn tất một cách khẩn trương: tăng cường số lượng các đội Công đoàn xung phong và Thanh niên xung phong; mua sắm, phân phát vũ khí cho các đội tự vệ, xung phong; tổ chức lễ tuyên thệ cho Thanh niên Tiền phong và diễu hành ở Sài Gòn. Chiều tối 19-8, Việt Minh tổ chức mít tinh tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, trình bày chương trình hành động trước hàng vạn người ở trong và bên ngoài rạp... Ngày 20-8, Xứ ủy Nam Kỳ nhận được tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, thì ngay sáng ngày 21-8, Xứ ủy triệu tập gấp Hội nghị mở rộng. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến chưa nên khởi nghĩa vì sợ quân Nhật sẽ theo lệnh Anh đàn áp, mặc dù đã có báo cáo của đồng chí Phạm Ngọc Thạch về kết quả gặp Thống chế Nhật Tê-ra-u-chi tại Tổng hành dinh Đông Nam Á của quân Nhật ở Sài Gòn, Tê-ra-u-chi hứa sẽ không can thiệp.

Thời gian rất khẩn trương. Hội nghị chuẩn bị theo đề nghị của đồng chí Bí thư Xứ ủy là giao cho Tỉnh ủy Tân An lãnh đạo khởi nghĩa thí điểm, chiếm tỉnh lỵ vào đêm 22 rạng ngày 23-8, nếu Nhật không can thiệp thì Sài Gòn và các tỉnh còn lại sẽ khởi nghĩa. Hội nghị đã  bàn, quyết định cách thức khởi nghĩa ở thành phố, dự kiến việc huy động lực lượng quần chúng ở ngoại thành Sài Gòn (còn gọi là Vành đai đỏ) vũ trang kéo vào thành phố và dự kiến thành phần chính quyền cách mạng lâm thời Nam Bộ...

Sáng 23-8-1945, sau khi khởi nghĩa ở Tân An thắng lợi, Hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập gấp, quyết định tối ngày 24-8 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Các lực lượng gồm khoảng 40.000 đội viên Xung phong được phân công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố, hoàn thành nhiệm vụ nhanh gọn, không có đổ máu, trong khoảng thời gian 3 giờ (từ 19 đến 22 giờ), trừ một vài nơi như Ngân hàng Đông Dương, sân bay và một phần Quân cảng. Cũng ngay trong đêm 24-8, hàng chục vạn người ở ngoại thành Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một kéo vào nội thành Sài Gòn, với đủ mọi loại vũ khí trong tay như: súng, súng săn, giáo mác, tầm vông, mũi chĩa... Ngoài ra, để bảo đảm cho việc tuyên truyền của cách mạng được tốt, một hệ thống loa truyền thanh gấp rút được thiết lập trên các đại lộ, đường phố chính của Sài Gòn.

Sáng ngày 25-8, một cuộc mít tinh, tuần hành vũ trang đông tới triệu người đã diễn ra với băng cờ và các khẩu hiệu được giăng, mắc khắp nơi và cầm tay, nội dung chính là: đánh đổ thực dân;Việt Nam hoàn toàn độc lập; độc lập hay là chết; đánh đổ Bảo Đại;Chính quyền về tay Việt Minh... Đến 10 giờ, các bài nhạc Quốc tế ca,Thanh niên hành khúc được tấu lên (lúc đó trong Nam chưa biết có bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao); Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn, thông báo khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở Hà Nội ngày 19-8, Huế ngày 23-8 và hôm nay là ở Sài Gòn; đồng thời, kêu gọi quần chúng hy sinh vì độc lập, tự do, cảnh giác với âm mưu của bọn phản động. Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” được viết bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa, treo lên xung quanh lễ đài dựng ở phía sau Nhà thờ lớn, trên đại lộ Nô-rô-đôm.

Cuộc diễu hành của hàng chục vạn đồng bào đã diễn ra ngay sau diễn văn, trong tiếng nhạc của bài Lên đàng, kéo đến Dinh Đốc Lý. Từ trên lan can của Dinh Đốc Lý, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Mặt trận Việt Minh thông báo danh sách Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ, được nhân dân đón chào nhiệt liệt. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ, kêu gọi nhân dân quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Đại diện Tổng Công đoàn kêu gọi công nhân viên chức tham gia chính quyền của nhân dân, đem sức mình cống hiến cho đất nước độc lập, thịnh vượng. Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Sài Gòn và Nam Bộ tuy nổ ra có muộn hơn so với cả nước, nhưng đã giành thắng lợi trọn vẹn trong hòa bình, không có đổ máu và còn có ý nghĩa hết sức to lớn là kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa. Khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ giành thắng lợi đã đóng góp nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chỉ đạo, tổ chức tiến hành chiến tranh cách mạng Việt Nam; nhất là về tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy địa phương.

Như đã biết, khởi nghĩa ở Nam Bộ diễn ra trong điều kiện xa Trung ương, thiếu thông tin, phương tiện liên lạc không có, nhất là sự chỉ đạo không kịp thời. Nhìn lại cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cho thấy: lệnh hoãn khởi nghĩa của Trung ương vào đến Sài Gòn, chưa kịp phổ biến thì ban lãnh đạo khởi nghĩa đã bị địch bắt; khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch (mặc dù chuẩn bị chưa đầy đủ và kế hoạch đã bị lộ), nên bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp tàn bạo. Còn trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Xứ ủy chưa kịp nhận Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa đêm 13-8, kể cả tinh thần nội dung cuộc họp của Quốc dân Đại hội thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa; dẫn đến sự thống nhất chưa cao trong Ủy ban khởi nghĩa tại Hội nghị Xứ ủy mở rộng họp sớm từ ngày 16-8; Hội nghị phải đình lại để nắm thêm tình hình và chờ chỉ thị của Trung ương. Mặt khác, Đảng bộ Nam Kỳ bị tổn thất nặng từ sau Khởi nghĩa Nam Kỳ hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Nam Kỳ, Thành ủy Sài Gòn và nhiều Tỉnh ủy các tỉnh ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ bị địch bắt, giam cầm, giết hại; tổ chức cơ sở Đảng - hạt nhân lãnh đạo quần chúng - bị phá vỡ ở nhiều địa phương; phần lớn các căn cứ cách mạng đã bị lộ. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa.

Tuy nhiên, dù không nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, nhưng do Xứ ủy Nam Kỳ đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị trước đó của Trung ương Đảng, nhất là tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (5-1941), nên đã chủ động triển khai sớm các mặt chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời, nhanh chóng nắm bắt và nhận định tình hình ở Nam Bộ và trên cả nước để khẩn trương tổ chức lực lượng, phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, các địa phương. Các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Mặt trận Việt Minh đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ về mọi mặt cho khởi nghĩa, chỉ còn chờ thời cơ. Cùng với đó, Xứ ủy đã chủ động phân công lực lượng đi chiếm các vị trí trọng yếu trong thành phố, tổ chức mít tinh, ra mắt Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ để có tư cách đón, giao thiệp với quân Đồng minh vào tước vũ khí phát xít Nhật. Khẩu hiệu Độc lập hay là chết được giăng cao ở khắp các đường phố cũng là một cách biểu lộ quyết tâm chiến đấu vì độc lập dân tộc. Việc Xứ uỷ Nam Kỳ chọn tỉnh lỵ Tân An tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền để thăm dò phản ứng và rút kinh nghiệm chỉ đạo các địa phương khác... là một điển hình thành công giành chính quyền ở thành phố trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, biểu lộ rõ ràng tính sáng tạo, hiệu năng tổ chức, lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban khởi nghĩa. Tuy Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ khởi nghĩa muộn 6 ngày so với Hà Nội, 2 ngày so với Huế, nhưng cũng đã giành được thắng lợi nhanh chóng. Những vấn đề trên đã làm phong phú thêm loại hình khởi nghĩa và càng chứng tỏ sự chủ động trên cơ sở thống nhất hành động theo chủ trương chung của Đảng, kể cả khi chưa nhận được lệnh khởi nghĩa...

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam Bộ có một vị trí rất quan trọng trong thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Nó đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phát xít, thực dân và bù nhìn ở nước ta; đồng thời, tạo ra một thế mới cho việc chuẩn bị bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại của nhân dân ta trước âm mưu và hành động tái xâm lược của thực dân Pháp cùng với các thế lực phản động khác. Trong điều kiện mới, nếu chiến tranh xảy ra, việc lực lượng xâm lược thực hiện đánh chia cắt chiến lược đối với nước ta sẽ là một xu hướng đặt ra cần phải nghiên cứu, dự báo. Vì thế, những bài học về chuẩn bị, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ với tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy địa phương, vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn cho công tác xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) hiện nay.

Đại tá PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HÀ

Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)