QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:33 (GMT+7)
Tổng cục Kỹ thuật đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chiến lược và tính chất đặc thù của mình, các đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) đóng quân phân tán trên 22 tỉnh, thành trong cả nước. Loại hình đơn vị của Tổng cục đa dạng (kho, trạm, xưởng, xí nghiệp sữa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), trung tâm, trường, viện, đoàn vận tải...). Nhiều đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội chậm phát triển; tình hình an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội trên địa bàn có những diễn biến phức tạp. Các đơn vị kho tàng, do tính chất nhiệm vụ (bảo vệ, cất giữ vũ khí, trang bị) thường đóng quân phân tán, hoạt động trong môi trường khó khăn, độc hại, nguy hiểm, xa các trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá, điều kiện đi lại khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Đối với khối nhà máy, trạm, xưởng, ngoài việc sửa chữa tại chỗ, còn phải tổ chức khảo sát VKTBKT tại đơn vị và sữa chữa cơ động ở các đơn vị trong toàn quân. Có những đội sửa chữa hằng năm xa đơn vị đến 6 tháng... Trong hoàn cảnh ấy, việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí của các đơn vị trong Tổng cục gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn tới tình trạng bộ đội vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, mất an toàn kho tàng, vũ khí trang bị, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Mặt khác, hằng năm, TCKT còn tiếp nhận hàng trăm chiến sĩ mới và tuyển chọn công nhân viên quốc phòng ở các vùng quê khác nhau. Đáng chú ý là, hiểu biết của họ về pháp luật còn ít, nhất là số thanh niên ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thêm nữa, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), quản lý, rèn luyện kỷ luật ở một số đơn vị chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả hạn chế... Những vấn đề trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của bộ đội.

Trước yêu cầu xây dựng Tổng cục vững mạnh toàn diện, Đảng uỷ, chỉ huy TCKT đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, kế hoạch và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về triển khai công tác PBGDPL trong quân đội. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường công tác PBGDPL, làm cơ sở để đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống vi phạm, tội phạm; tạo chuyển biến toàn diện về tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong toàn Tổng cục.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng uỷ, chỉ huy Tổng cục, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Tổng cục đã từng bước xây dựng, hoàn chỉnh, thống nhất quy chế hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PBGDPL trước mắt và lâu dài. Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục có Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn kho tàng, VKTBKT, quản lý, xây dựng đơn vị và an toàn giao thông. Đến nay, 100% đầu mối trực thuộc Tổng cục có nghị quyết và kế hoạch thực hiện nội dung này. Đồng thời, Chủ nhiệm Tổng cục ra Chỉ thị về “Thực hiện các biện pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông trong toàn Tổng cục”; Ban Chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm của Tổng cục triển khai Chương trình 138 về phòng, chống tội phạm trong Tổng cục. Hằng năm, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, cục Chính trị Tổng cục đều xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn đề cương học tập; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện công tác PBGDPL sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng loại hình đơn vị...
Chương trình, nội dung tuyên truyền, PBGDPL của Tổng cục tập trung trang bị cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng kiến thức, nhận thức về những vấn đề cơ bản của các Luật, Bộ luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, nhất là các văn bản pháp quy mới ban hành; chú trọng các điều luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh mới được sửa đổi, bổ sung; các quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập, thanh lý, xử lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất VKTBKT; các quy định của quân đội và Tổng cục về  phòng gian, giữ bí mật, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối kho tàng, VKTBKT. Ngoài những nội dung theo quy định, các cơ quan, đơn vị tự biên soạn chuyên đề sát với nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của mình, trong đó hướng vào tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng để bộ đội nâng cao cảnh giác trước các âm mưu phá hoại kho tàng, VKTBKT và những tác động tiêu cực ở địa bàn đóng quân và ở đơn vị, nhất là các địa bàn trọng điểm, từ đó chủ động phòng tránh, ngăn ngừa không để xảy ra vi phạm.  
Tích cực đổi mới phương pháp, đa dạng hoá hình thức, tìm ra cách làm phù hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL là vấn đề luôn được cấp uỷ, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan chính trị các cấp, các đơn vị chú trọng. Hầu hết các đơn vị đã kết hợp nội dung PBGDPL với chương trình giáo dục cơ bản và ngoại khoá, bằng nhiều hình thức sinh động, linh hoạt như: lồng ghép vào nội dung thông báo chính trị, nói chuyện thời sự, sinh hoạt, đọc báo hằng ngày, tổ chức diễn đàn thanh niên, giao lưu, toạ đàm, thi tìm hiểu, sân khấu hoá Hội thi “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và PBGDPL”; xây dựng và phát huy tác dụng của “tủ sách pháp luật”. Cụ thể hoá yêu cầu chấp hành kỷ luật, pháp luật, bảo đảm an toàn kho tàng, VKTBKT và an toàn đơn vị thành các chỉ tiêu phấn đấu trong phong trào thi đua Quyết thắng, gắn với các đợt thi đua đột kích như: thực hiện Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; phong trào “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú kết hợp với xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; đặc biệt, đã triển khai sâu rộng phong trào “Xây dựng địa bàn an toàn, đơn vị an toàn” trên các khu vực, địa bàn đơn vị đóng quân... Đoàn Thanh niên phát động xây dựng các mô hình chi đoàn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật; không có quân nhân đào, bỏ ngũ; huấn luyện giỏi, công tác tốt, kỷ luật nghiêm, dân vận tốt; chú trọng tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự cho chiến sĩ mới; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong hai ngày nghỉ cuối tuần; quán triệt, xây dựng tính tự quản, tự giác chấp hành kỷ luật, pháp luật đối với những đơn vị hoạt động độc lập, các đội cơ động sửa chữa và cá nhân đi công tác lẻ; có biện pháp quản lý quân nhân ra ngoài doanh trại... Cán bộ, nhân viên làm công tác chuyên môn, công tác quản lý được phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật thuộc chuyên ngành đảm nhiệm. Cơ quan chính trị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong khối Pháp chế của Tổng cục tổ chức tuyên truyền, giáo dục các chuyên đề về pháp luật như: các nghị định của Chính phủ liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt; Luật Phòng chống tham nhũng... Thanh tra quốc phòng, phòng Điều tra Hình sự của Tổng cục thường xuyên tổng hợp thống kê tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, thông báo đến các đơn vị để rút kinh nghiệm. Cơ quan Pháp chế cùng Uỷ ban Kiểm tra Đảng các cấp tích cực kiểm tra, xử lý kịp thời, dứt điểm những vi phạm pháp luật và tội phạm; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng quy định. Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan chính trị các cấp tăng cường tổ chức kiểm tra, phúc tra kết quả giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, nắm bắt tình hình tư tưởng bộ đội, kịp thời tham mưu, đề xuất nội dung tuyên truyền, động viên, giải quyết những vướng mắc về tư tưởng. Năm 2006, đã kiểm tra 10 đơn vị thuộc cục Quân khí và một số đơn vị thuộc cục Quản lý xe máy. Qua kiểm tra, nhìn chung lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng có nhận thức đúng về công tác PBGDPL trong quân đội và trong Tổng cục. Các đơn vị đã thực sự coi công tác PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, của người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên và của các tổ chức quần chúng. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã đề ra quy chế, quy định về cấm uống rượu, bia buổi trưa, trong giờ hành chính; về quản lý, sử dụng mô tô, xe máy, tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội, thực hiện mục tiêu “đoàn kết, dân chủ, kỷ luật”. Các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung xử lý những vụ việc trọng điểm; thông qua công tác điều tra, xét xử để tuyên truyền, giáo dục, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là các tội: làm thất thoát tài sản, trộm cắp VKTBKT; đào, bỏ ngũ; vi phạm quy định về điều kiển phương tiện giao thông đường bộ; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người, an toàn kho tàng...
Để chủ động ngăn ngừa, phòng tránh sự “lây nhiễm” những tệ nạn xã hội vào đơn vị, móc nối trộm cắp VKTBKT, đối với các kho cất chứa vũ khí chiến lược và những đơn vị ở trung tâm các thành phố, ngoài việc quản lý chặt chẽ bộ đội theo chế độ quy định, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác dân vận, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương trong công tác PBGDPL; xây dựng địa bàn an toàn, đơn vị an toàn; thu thập những nguồn tin và có kế hoạch, biện pháp quản lý, giáo dục, ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn về người, VKTBKT, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân dân. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho bộ đội học tập, tự nghiên cứu, nắm những quy định trong quan hệ với dân và phong tục, tập quán của nhân dân địa phương. Quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ và những yếu tố có liên quan, kịp thời bổ sung những nội dung cần thiết về PBGDPL cho các đối tượng. Hằng năm, Tổng cục và các đầu mối trực thuộc thực hiện có nền nếp việc tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ PBGDPL cho thời gian tiếp theo. Kết hợp chặt chẽ PBGDPL với công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương những cá nhân, đơn vị có thành tích trong việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Với những cố gắng đó, công tác PBGDPL ở TCKT những năm qua có bước chuyển biến quan trọng. Số lượng vụ việc vi phạm, tội phạm năm sau giảm so với năm trước. Riêng năm 2006 tình hình vi phạm, tội phạm ở một số lĩnh vực giảm mạnh hoặc không xảy ra, như: mất cắp VKTBKT, cháy nổ, gây rối trật tự công cộng, vi phạm các quy định về an toàn trong huấn luyện... Nhiều cơ quan, đơn vị không xảy ra vi phạm phải xử lý, tỉ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm. Kết quả trên trực tiếp góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tổng cục. 
Tuy nhiên, công tác PBGDPL ở một số đơn vị trong TCKT chưa thật sự đi vào nền nếp, còn thiếu chiều sâu. Chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn dàn trải, hình thức đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Quá trình triển khai có lúc chưa phối hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác quản lý; chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của bộ đội. Tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật tuy giảm nhưng tỷ lệ vẫn còn cao, nhất là những vi phạm  quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Nền nếp hoạt động của Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL chưa duy trì thường xuyên, chưa phát huy tốt vai trò, chức năng trong triển khai và kiểm tra, đôn đốc công tác PBGDPL tại các đơn vị.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL trong thời gian qua, TCKT rút ra một số bài học kinh nghiệm để vận dụng, nhằm thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Một là, công tác PBGDPL trước hết là công tác của cấp ủy và người chỉ huy, chính ủy và chính trị viên, nên chỉ có thể đạt kết quả tốt khi cấp ủy và người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các cấp, các đơn vị có nhận thức đúng, trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Hai là, Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL các cấp từ Tổng cục đến đơn vị là cơ quan trực tiếp đảm trách công tác PBGDPL, do đó cần được củng cố, kiện toàn về tổ chức, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu đúng thành phần, thống nhất nhận thức, hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng thành viên; không ngừng nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai hoạt động; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan pháp luật địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện từng bước xã hội hoá công tác PBGDPL trong đơn vị và trên địa bàn đóng quân.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức và phương pháp tiến hành công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất hoạt động của từng loại hình đơn vị; triển khai có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và báo cáo viên pháp luật kiêm chức.
Bốn là, bổ sung và nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung giáo dục pháp luật bằng việc xây dựng và tổ chức khai thác có hiệu quả “tủ sách pháp luật”, “ngăn sách pháp luật” và hoạt động của các thiết chế văn hóa, nhất là hoạt động của phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị.
Năm là, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với các biện pháp quản lý, giáo dục khác; nhất là xây dựng ý thức tự giác học tập nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, duy trì nền nếp, chế độ quy định, thực hiện nếp sống chính quy,... đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đại tá Thái Xuân Dương
Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục
 

Ý kiến bạn đọc (0)