QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:06 (GMT+7)
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập ngày 25 tháng 8 năm 2008, theo Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng: tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; thực hiện các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Tổng cục được giao thực hiện 15 nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công tác sau:

- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược và các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia,… về biển, hải đảo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành;

- Tham gia xây dựng chiến lược về quốc phòng-an ninh (QP-AN), ngoại giao liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo;

- Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương ven biển triển khai việc quản lý tổng hợp vùng duyên hải, biển và hải đảo; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng biển và hải đảo; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ (KH-CN) phục vụ quản lý, điều tra cơ bản, khảo sát, thăm dò, tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và đại dương; kiểm soát môi trường và tài nguyên biển, vùng ven biển và hải đảo;

- Quản lý tổng hợp các hoạt động hợp tác quốc tế về biển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường các vùng biển, ven biển và hải đảo…

Với chức năng, nhiệm vụ đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, gắn với tăng cường QP-AN, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo.

Triển khai nhiệm vụ được giao, Tổng cục đã nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, tập hợp được đội ngũ cán bộ (trên 500 người) dày dạn kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học biển và quản lý biển, đảo; đồng thời, tiếp quản cơ sở vật chất-kỹ thuật khá dồi dào của Bộ. Nhờ đó, hơn một năm qua hoạt động của Tổng cục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng.

Về công tác pháp chế và xây dựng pháp luật, Tổng cục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, nhằm sớm đưa công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vào nền nếp; tạo cơ sở pháp lý và động lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển KT-XH, đặc biệt là kinh tế biển, đảo; tăng cường QP-AN, ngoại giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo. Thực hiện chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XII, Chương trình công tác của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2009 “Về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo”,  bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, được Bộ Tư pháp đánh giá là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan xây dựng Luật “Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển” (dự kiến trình Chính phủ để trình Quốc hội vào cuối năm 2010); đồng thời, tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo trong khuôn khổ nhiệm vụ tổng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ năm 1976 đến năm 2008. Đến nay, 284 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến biển và hải đảo đã được Tổng cục rà soát và gửi kết quả về Bộ để tổng hợp.

Về công tác kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển, Tổng cục tập trung chỉ đạo việc rà soát bước đầu các dự án của Đề án “Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2020”; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án điều tra cơ bản do các đơn vị trong Tổng cục chủ trì, như: Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển các khu vực Bình Định-Phú Yên, Khánh Hòa-Ninh Thuận và vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) thuộc Dự án Thành lập hệ thống bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1/50.000 vùng lãnh hải và tỷ lệ 1/10.000 các khu vực cửa sông, cảng biển quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Tăng cường năng lực Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển; Xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia; Điều tra địa chất-khoáng sản vùng biển nông ven bờ; Điều tra, đánh giá triển vọng tìm kiếm băng cháy (hydrat metan) ở vùng biển Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và KH-CN, được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quản lý tổng hợp các dự án thuộc Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020”, Tổng cục đã giúp Bộ thành lập Ban Chỉ đạo đề án và chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng đề cương đề án. Tổng cục cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Bảo vệ bờ biển của Hàn Quốc về kiểm soát môi trường biển (chủ yếu là ô nhiễm dầu và ứng phó sự cố tràn dầu trên biển). Là cơ quan đầu mối quốc gia về các dự án: “Rừng ngập mặn cho tương lai ” hợp tác với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế khu vực; “Quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Ninh-Hải Phòng giai đoạn II” với Hoa Kỳ và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam và đang chuẩn bị giai đoạn III với Tổng cục Đại dương Trung Quốc; Dự án thử nghiệm “Áp dụng hướng dẫn quốc tế về quy hoạch không gian biển” và tham gia dự án ASEAN về “Đánh giá thiếu sót trong quản lý các khu bảo tồn biển ở In-đô-nê-si-a, Phi-líp-pin, Việt Nam và Ma-lay-si-a”… Tổng cục cũng đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế (Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, Tổ chức Hàng hải quốc tế,… ) về chính sách biển, quản lý tổng hợp vùng duyên hải, quản lý các vùng biển đặc biệt nhạy cảm; điều tra địa chất-địa vật lý biển, nghiên cứu và tìm kiếm băng cháy; đo đạc biển; quan trắc môi trường biển…; chỉ đạo chặt chẽ việc tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực về biển, như: Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và ven biển; Diễn đàn toàn cầu về Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo; Ủy ban liên Chính phủ về Hải dương học của Việt Nam, Ủy ban quốc tế về các khu bảo tồn biển. Từ tháng 8 năm 2008 đến hết năm 2009, các đơn vị thuộc Tổng cục đã và sẽ thực hiện khoảng 40 dự án, đề tài KH-CN, môi trường biển và quản lý biển, đảo; nhiều dự án đã được thực hiện, góp phần tích cực vào tiến trình CNH, HĐH đất nước, tăng cường QP-AN, đối ngoại.

Công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo là một trong những nhiệm vụ chính trị và đối ngoại quan trọng của Tổng cục, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho toàn dân bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên-môi trường biển, pháp luật Việt Nam và quốc tế về biển, đảo. Ngay từ cuối năm 2008, Tổng cục đã tổ chức Cuộc Hội thảo “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam”; tháng 6 năm 2009 tổ chức tuyên truyền “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt nam” với nhiều nội dung và hoạt động sôi nổi, thiết thực, để lại ấn tượng tốt. Từ kết quả đó, Chính phủ đã đồng ý tổ chức hằng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt nam”. Hiện nay, Tổng cục đang tích cực tổ chức triển khai xây dựng Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam”; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam; đồng thời, ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tuyên truyền giữa Tổng cục với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường; xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền giữa Tổng cục với Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về biển và hải đảo cho nhân dân, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển và hải đảo của Việt Nam. Đặc biệt, nhân Ngày Đại dương thế giới (ngày 8 tháng 6), Tổng cục đã tổ chức toạ đàm với chủ đề “Đại dương, khí hậu và tương lai chúng ta”; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các địa phương và các ban, ngành liên quan tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam.

Cùng với đó, công tác quốc phòng, quân sự được Tổng cục coi trọng, như: đã tổ chức Ban Chỉ huy Quân sự ở các đơn vị trực thuộc; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Tổng cục tổ chức thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự.

Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của Tổng cục trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo,…”1, Tổng cục tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm:

1- Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Chương trình hành động của Chính phủ “Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X)”. Theo đó, các cấp ủy và chính quyền trong Tổng cục phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị thành viên về các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo bền vững, gắn với tăng cường QP-AN, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; cụ thể hóa quan điểm đó vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong từng cơ quan, đơn vị thành viên; xây dựng Đảng bộ Tổng cục trong sạch, vững mạnh, Tổng cục vững mạnh toàn diện; phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ.

2- Kiện toàn tổ chức bộ máy và quy hoạch cán bộ, bảo đảm số lượng và chất lượng, trọng tâm là ổn định tổ chức các đơn vị trực thuộc Tổng cục, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ khoa học phục vụ quản lý biển, đảo; tăng cường phối hợp với các trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực biển với các hình thức và nội dung phù hợp.

3- Bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Bộ về công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; triển khai toàn diện công tác chuyên ngành, trọng tâm là: công tác pháp chế và xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam; công tác quản lý nhà nước về KH-CN biển; công tác điều tra cơ bản, khảo sát thăm dò, nghiên cứu biển, hải đảo và đại dương...; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án, đề tài KH-CN trọng điểm; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và đào tạo cán bộ cho lĩnh vực KH-CN và quản lý biển, đảo.

4- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là với Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tài nguyên-môi trường biển, gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

5- Tập trung kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự các cấp; xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên bảo đảm số lượng, chất lượng; phối hợp với các lực lượng tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm vùng biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO

Phó Tổng cục trưởng

________

1- ĐCSVN-Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr 76.

 
Ý kiến bạn đọc (0)