QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:25 (GMT+7)
Tổng công ty xây dựng Trường Sơn tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng đơn vị dự bị chiến lược vững mạnh

Hơn 32 năm hoạt động trên mặt trận sản xuất kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng, Binh đoàn Trường Sơn (BĐTS)- Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (TCTXDTS) đã khẳng định sự tồn tại và phát triển, đạt hiệu quả toàn diện. Phần lớn những công trình mà BĐTS -TCTXDTS thực hiện là những công trình trọng điểm của đất nước, có ý nghĩa kinh tế- xã hội kết hợp củng cố quốc phòng- an ninh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của  TCTXDTS đúng định hướng, đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng; quy mô sản xuất được mở rộng, năng lực về vốn, công nghệ được nâng lên gấp nhiều lần; tốc độ tăng trưởng hằng năm tương đối khá, năm sau cao hơn năm trước (năm 2007 giá trị sản xuất tăng 12,7% so với năm 2006); năng lực quản lý, điều hành có bước chuyển biến đáng kể; quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổng công ty luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp; kết hợp tốt giữa SXKD với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Binh đoàn công binh dự bị chiến lược vững mạnh. TCTXDTS đã được công nhận là doanh nghiệp (DN) có thương hiệu mạnh, được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000. Vị thế và uy tín của TCTXDTS ngày càng được nâng cao, giành được sự tín nhiệm của một số đối tác trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam...

Bên cạnh những kết quả đạt được, TCTXDTS còn bộc lộ những mặt hạn chế. So với xu thế phát triển chung của DN Nhà nước thì sự phát triển của TCTXDTS còn chậm; mức tăng trưởng hằng năm chưa cao; vốn, thiết bị, công nghệ, nhân lực, cơ chế quản lý còn những hạn chế. Tổ chức biên chế của Tổng công ty đang trong quá trình hoàn thiện... 

Để bảo đảm sự phát triển bền vững của DN, không ngừng nâng cao hiệu quả SXKD gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đơn vị công binh dự bị chiến lược vững mạnh, BĐTS-TCTXDTS đã và đang tập trung thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau.

Một là, tăng cường công tác tiếp thị, mở rộng thị trường, bảo đảm đủ việc làm. Đây là yêu cầu vừa cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài cho quá trình phát triển của Tổng công ty. Do vậy, Tổng công ty thường xuyên chú trọng xây dựng chính sách và kế hoạch phù hợp cho từng năm và từng thời kỳ, nhằm đa dạng hóa công việc, kết hợp tìm việc có giá trị lớn với vừa và nhỏ để hỗ trợ lẫn nhau, tạo sự ổn định việc làm chung, không để thiếu việc làm. Phấn đấu từng bước làm tổng thầu và chủ đầu tư những dự án lớn. Tiếp tục đầu tư có chiều sâu cho công tác thị trường, tìm kiếm việc làm đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về lợi nhuận. Tăng cường liên danh, liên kết với các DN mạnh cả trong và ngoài nước, nhằm tăng sức cạnh tranh trong tìm việc làm. Ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng công trình mang tính lưỡng dụng, như: giao thông, thủy điện, thủy lợi, nhiệt điện và các công trình  trọng điểm của Nhà nước, Quân đội đã được phê duyệt. Trong thời gian qua, nhờ có định hướng đúng và bước đi phù hợp, nên mặc dù thị trường xây dựng bị cạnh tranh quyết liệt, nhưng TCTXDTS luôn bảo đảm đủ việc làm cho các DN thành viên. Riêng năm 2007, Tổng công ty đã trúng thầu và được chỉ định thầu 152 công trình với giá trị 2.143 tỷ đồng (tăng 1,6 lần so với năm 2006), bảo đảm đủ việc làm trong năm và gối đầu những năm tiếp theo. Các công trình mà Tổng công ty đang tham gia thi công đều là những công trình trọng điểm của Nhà nước, như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Bản Chát (Lai Châu), Thủy điện Buôn Kuốp, Buôn tuaSrah, Srêpốk 3 (Đắk Lắk); đường Trường Sơn Đông, đường cao tốc Nội Bài- Bắc Ninh, Quốc lộ 1 A (đoạn Cầu Giẽ- Ninh Bình), đường Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương, Củ Chi- Đức Hòa...

Hai là, tập trung đầu tư tăng năng lực thiết bị, công nghệ, gắn với tăng năng lực vốn cho SXKD. Trong lĩnh vực xây dựng, thiết bị công nghệ là lực lượng chủ yếu tác nghiệp trong thi công, đặc biệt là những công trình có khối lượng lớn, kỹ thuật phức tạp, yêu cầu tiến độ cao. Do vậy, Tổng công ty chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị thi công có công nghệ cao, tiên tiến và công suất lớn, bảo đảm sự cân đối, đồng bộ và chuyên dùng, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu phát triển sản xuất. Trong đó, ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực thiết bị công nghệ thi công các lĩnh vực: xây dựng cầu lớn, hầm đường bộ, các công trình thủy điện và các thiết bị chuyên dùng. Hằng năm, Tổng công ty đầu tư  từ 50 đến 75 tỷ đồng để mua sắm thiết bị thi công, đưa tổng số lên trên 2.100 thiết bị các loại (dự kiến năm 2008, đầu tư 80 tỷ đồng để mua sắm thiết bị thi công). Bên cạnh đó, Tổng công ty đẩy mạnh kết hợp giữa đầu tư mua sắm mới với đầu tư khôi phục, sửa chữa và khai thác trang thiết bị thi công hiện có; tăng cường khai thác tiềm năng thiết bị trên thị trường qua hình thức thầu phụ, hoặc thuê theo công trình, theo thời gian tại các địa phương để giảm khấu hao chi phí sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, gia công, chế tạo thiết bị thi công phù hợp với quy mô công nghệ thi công các hạng mục công trình; tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng xe máy, vừa phát huy được năng lực thiết bị, vừa giữ gìn được phương tiện sử dụng lâu dài cho SXKD, góp phần tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng.

Cùng với đó, Tổng công ty hoàn thành xây dựng và thực hiện Quy chế công tác tài chính, đáp ứng yêu cầu về tài chính theo yêu cầu đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của các DN, tạo được bước đột phá về hiệu quả SXKD. Trong đó, chú trọng nâng cao nguồn vốn chủ sở hữu (phấn đấu chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng tài sản của DN), nhằm tạo tính chủ động, bảo đảm an toàn cho quá trình phát triển của DN. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế huy động vốn trên thị trường ở tất cả các nguồn, nghiên cứu phát hành trái phiếu DN trong và ngoài đơn vị, điều tiết trong Tổng công ty, nhằm bảo đảm đủ vốn cho sản xuất, giảm sức ép lãi vay ngân hàng, hoặc thiếu vốn đảm bảo cho SXKD.

 Ba là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành SXKD, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm cho từng cấp nắm chắc tình hình tài chính của mình, cấp trên nắm chắc cấp dưới, tạo cơ sở nâng cao hiệu quả kinh tế trong thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong chi phí quản lý và trong SXKD đi đôi với chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao chất lượng hạch toán kinh tế. Từng bước hoàn thiện cơ chế điều hành hoạt động SXKD, gắn trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của chỉ huy, quản lý DN; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan các cấp, gắn trách nhiệm của cơ quan với đơn vị theo ngành chuyên môn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các DN thành viên, đi đôi với xây dựng hệ thống thanh tra, kiểm toán và duy trì chế độ tự thanh tra, kiểm toán nội bộ, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN ổn định, phát triển.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức lực lượng phù hợp với nhiệm vụ SXKD và xây dựng Binh đoàn vững mạnh toàn diện, xây dựng đơn vị dự bị động viên cầu đường chiến lược vững mạnh. Theo đó, tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế từ Tổng công ty đến các công ty, xí nghiệp, đội sản xuất theo hướng "tinh, gọn, hiệu quả". Xây dựng mô hình công ty- xí nghiệp- đội sản xuất, vừa bảo đảm yêu cầu SXKD, vừa đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị dự bị động viên. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, gắn với tổ chức biên chế quân đội trong tình hình mới. Chú trọng đổi mới cơ chế hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát huy tính năng động, sáng tạo của DN để ổn định, phát triển vững chắc. Thực hiện cổ phần hoá các DN thành viên đúng định hướng, có giải pháp phù hợp, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau khi cổ phần hoá. Trong quá trình sắp xếp lại lực lượng, kiên quyết giải thể, sáp nhập những DN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Tập trung đầu tư xây dựng nguồn nhân lực, gắn với quá trình phát triển của Binh đoàn và Tổng công ty. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài. Rà soát lại quy hoạch, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý và sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ cán bộ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, chuyển loại, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân kỹ thuật có cơ cấu cân đối theo yêu cầu phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, đáp ứng yêu cầu thi công các công trình lớn của quốc gia và hợp tác quốc tế.

Năm là, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo cải thiện đời sống (cả vật chất và tinh thần) cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động. Giải quyết hài hòa 3 lợi ích (Nhà nước- DN- người lao động); trong đó, lợi ích người lao động là động lực trực tiếp; phấn đấu năm 2008 đưa thu  nhập bình quân người lao động đạt 2.500.000 đồng/tháng. Tiếp tục giải quyết tốt chính sách tồn đọng của Đoàn 559 (BĐTS là đơn vị kế thừa), thiết thực lập thành tích kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Đoàn 559- Bộ đội Trường sơn (19-5-1959 – 19-5-2009).

Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và kết quả, kinh nghiệm trong SXKD hơn 32 năm qua, BĐTS - TCTXDTS tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ vững vai trò là một DN mạnh của quân đội, một Binh đoàn cầu đường chiến lược dự bị động viên, góp phần tham gia phát triển kinh tế- xã hội,  nâng cao sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung

Tư lệnh Binh đoàn -

Tổng Giám đốc Tổng Công ty

           

 

Ý kiến bạn đọc (0)