QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:26 (GMT+7)
Tổng công ty Viễn thông Quân đội nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực phục vụ quốc phòng-an ninh, tham gia phát triển kinh tế-xã hội

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong quân đội, ngày 02-3-2005 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 43/2005/QĐ-TTg và ngày 06- 04- 2005 Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 45/2005/QĐ-BQP thành lập Tổng công ty Viễn thông Quân đội (TCTVTQĐ) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Viễn thông Quân đội (tên giao dịch VIETTEL). Đây là sự ghi nhận của cấp trên đối với hướng đi đúng đắn, sáng tạo, sự phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao trong 10 năm qua của VIETTEL; khẳng định vị thế của TCTVTQĐ trong thời kỳ mới. Là một doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng, có tính đặc thù, TCTVTQĐ không những là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn, phát triển, hiện đại hóa, bảo đảm tính bền vững hệ thống thông tin liên lạc (TTLL) quân sự, mà còn là đối tác tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính- viễn thông (BCVT), mang lại lợi ích xã hội, cả về kinh tế, quốc phòng- an ninh (QP-AN). Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đó, Tổng công ty (TCT) xác định phải đẩy mạnh kết hợp nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), gắn với tăng cường năng lực phục vụ nhiệm vụ QP-AN; xây dựng TCT vững mạnh toàn diện...Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh của TCT chủ yếu là các loại dịch vụ BCVT;  phát triển các sản phẩm phần mềm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, internet; xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị BCVT... Hoạt động kinh doanh của TCT phụ thuộc rất lớn vào việc kết nối với Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) và chịu tác động lớn sự phát triển của công nghệ. Thêm vào đó, thị trường dịch vụ BCVT đang trong giai đoạn bùng nổ, tốc độ tăng trưởng rất cao (15-20%/năm), sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, nhất là trong điều kiện nước ta đang trong xu thế tăng cường hội nhập quốc tế. Đó là chưa kể đến nhu cầu đầu tư lớn (hàng ngàn tỷ đồng/ năm) nhưng nguồn lực của TCT còn mỏng yếu, vốn ít, nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật còn mỏng, đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, tỷ lệ cán bộ có chuyên môn giỏi, chuyên gia đầu ngành còn ít; kinh nghiệm quản lý, điều hành SXKD còn nhiều bất cập, địa bàn hoạt động trải rộng khắp cả nước, phạm vi kinh doanh gồm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới... Tuy nhiên, TCTVTQĐ đang đứng trước những thuận lợi lớn, nhất là về cơ sở vật chất kỹ thuật, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm hoạt động SXKD đã đuợc khẳng định trong những năm qua, cũng như thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước mang lại (chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, đầu tư nước ngoài tăng nhanh, nhu cầu dịch vụ BCVT ngày càng lớn) và tận dụng những lợi thế từ ngành Viễn thông thế giới (giá cả các dịch vụ viễn thông, thiết bị hạ tầng giảm nhiều, các dịch vụ mới tăng trưởng mạnh, khai thác viễn thông có lợi cho người mua)...

Nhận rõ vai trò, vị thế, vận hội mới, cũng như những khó khăn, thách thức đang đặt ra; được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, TCT đã định hướng phát triển SXKD cho cả trước mắt và lâu dài, thực hiện SXKD đa ngành nghề, lấy BCVT là chủ đạo. Trong đó, phát triển mạng lưới- dịch vụ theo hướng Di động là khâu then chốt, băng thông rộng là nền tảng; đẩy mạnh phát triển mạng lưới trên cả nước với băng thông rộng dung lượng lớn, tính ổn định, bền vững cao, phấn đấu trở thành doanh nghiệp BCVT hàng đầu tại Việt Nam và có thương hiệu trên thế giới. Trên cơ sở qui hoạch tổng thể từng giai đoạn phát triển mạng lưới, TCT tiến hành lựa chọn và ứng dụng đúng công nghệ mới và dịch vụ kinh doanh, tin hóa các loại hình dịch vụ; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng mạng lưới và các dịch vụ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên sâu và tính chuyên nghiệp cao, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng hệ thống quy chế, chính sách, cơ chế vận hành; kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức, chính sách, tư tưởng, sử dụng đòn bẩy kinh tế, khuyến khích phát triển tài năng, kích thích tăng năng suất lao động, hiệu quả SXKD.
Những năm qua, TCT đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới, phát triển thuê bao, mở rộng hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ viễn thông, có công nghệ tiên tiến. Đây là  khâu trọng tâm, có ý nghĩa quyết định quá trình phát triển của doanh nghiệp đến năm 2010 và những năm tiếp theo. 
Mạng truyền dẫn được xác định là hạ tầng của hạ tầng viễn thông, được ưu tiên phát triển với tốc độ nhanh, cùng với sự hợp tác dùng chung hạ tầng với ngành Điện lực và ngành Đường sắt đã tạo ra mạng truyền dẫn của TCT tương đương với VNPT và tăng gấp đôi năng lực đường trục quốc gia, kể cả trong nước và quốc tế. Đường trục trong nước đang hoạt động với tốc độ rất cao, vùng phủ sóng truyền dẫn tới 64/64 tỉnh, thành phố trên cả nước, riêng truyền dẫn đường trục và nhánh về các tỉnh đều có vu hồi; đường trục quốc tế hoạt động qua một vệ tinh và hai cáp quang qua nước bạn. Hiện nay  tổng chiều dài cáp quang của TCT lên hơn 10.000 Km, phấn đấu đến năm 2010 đưa mạng truyền dẫn VIETTEL đạt dung lượng hàng đầu Việt Nam, quang hóa 100% đường trục về các tỉnh và trên 90% các huyện, hạ tầng truyền dẫn về tới cấp xã, phường, vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa phục vụ nhiệm vụ QP-AN.  
Mạng điện thoại di động với thương hiệu 098 được coi là Dự án trọng điểm có ý nghĩa quyết định sự phát triển của TCT để trở thành nhà khai thác hàng đầu tại Việt Nam, tiếp tục được đầu tư phát triển với tốc độ cao, đồng bộ. TCT đã nhạy bén trong việc tận dụng cơ hội để đàm phán mua được những thiết bị viễn thông có công nghệ tiên tiến của các hãng nổi tiếng trên thế giới với giá rẻ và được thanh toán chậm, đầu tư chi phí thấp để cạnh tranh được với xu thế giá cước viễn thông ngày càng giảm; tự triển khai xây lắp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu tiến độ; hệ thống kênh phân phối độc lập, rộng khắp; sau khi hoàn thành phủ sóng trên toàn quốc mới khai trương và tổ chức kinh doanh; với phương thức tính cước theo BLOK 6" có lợi nhất cho khách hàng, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo; hệ thống đại lý rộng khắp, gần 2000 trạm phát sóng mạng 098 đã phủ sóng tới cả những nơi biên giới hải đảo xa xôi phục vụ cho QP-AN, KT-XH; dung lượng của mạng lớn đã góp phần tạo sự bùng nổ của phát triển thuê bao di động. Riêng năm 2005 có gần 2 triệu thuê bao mới, là mạng có tốc độ thuê bao phát triển thuê bao nhanh nhất tại Việt Nam; dự kiến đến năm 2010 phủ sóng trên 90% số dân trong cả nước, dung lượng mạng đạt trên 8 triệu thuê bao, chiếm thị phần từ 25-30% của ngành BCVT.
Mạng điện thoại cố định tiếp tục phát triển, trong đó hạ tầng cố định giữ vai trò quan trọng cả trước mắt và lâu dài, nhất là trong khi mật độ điện thoại cố định của nước ta còn thấp (7%), tạo cơ sở để phát triển điện thoại cố định trên toàn quốc; tổng đài nội hạt được lắp đặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước với dung lượng hơn 200.000 thuê bao và sẽ tăng trên 1 triệu thuê bao những năm tới.
Mạng điện thoại đường dài trong nước được tiếp tục đầu tư phát triển bằng công nghệ VOIP 178 đã tạo ra ưu thế về giá cả, mở rộng tới hầu hết các địa phương trong cả nước và cùng với phương thức phục vụ hoàn chỉnh đã thu hút hàng triệu khách hàng lựa chọn sử dụng, tạo nguồn thu đáng kể cho TCT. Tuyến liên lạc quốc tế với 3 tổng đài, đã kết nối trực tiếp với  242 nước và sẽ vươn tới tất cả các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới với sản lượng từ 300- 400 triệu phút/năm, chiếm thị phần từ 20- 30% của ngành BCVT. 
Đối với mạng đường trục Internet IXP, VIETTEL là một trong 3 doanh nghiệp có đường trục quốc tế với dung lượng lớn thứ hai tại Việt Nam. Mạng truy cập Internet băng rộng ISP được đầu tư xây dựng với lợi thế truyền dẫn trên toàn quốc và được lắp đặt các trạm internet cùng vị trí với trạm phát sóng di động, nên đã tiết kiệm được chi phí và tăng được mật độ phủ, tạo điều kiện nâng cao tốc độ phát triển dịch vụ này. Hiện nay, dịch vụ Internet băng rộng (DSLAM) đã có mặt tại 64 địa phương trong cả nước với dung lượng trên 40.000 thuê bao. 
Mạng bưu chính được đầu tư phát triển trên toàn quốc, cung cấp các dịch vụ phát hành báo chí và chuyển phát nhanh, bưu phẩm, bưu kiện, tạo tiền đề cung cấp các dịch vụ khác. Hiện nay, mạng bưu chính VIETTEL là mạng lớn thứ hai sau VNPT với 91 bưu cục, 24 tuyến phát, vùng phủ khắp cả nước, làm cơ sở thực hiện kinh doanh đa dịch vụ, phấn đấu chiếm thị phần từ 7-10% bưu chính trong cả nước.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, đưa các công ty: Tư vấn thiết kế, Xây dựng công trình, Thương mại và xuất nhập khẩu, Thu cước và dịch vụ trong những năm tới trở thành các doanh nghiệp hạch toán độc lập, có sức cạnh tranh cao và khả năng chuyên môn hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng làm nền tảng phát triển các dịch vụ viễn thông, trọng tâm là quy hoạch xây dựng trụ sở của TCT và các doanh nghiệp thành viên trên hầu hết các địa phương trong cả nước. 
Điểm nổi bật của TCTVTQĐ là kết hợp tốt nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế từ trong định hướng chiến lược phát triển SXKD, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng thời kỳ, gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao hiệu quả SXKD với tăng cường năng lực phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đến nay, mạng lưới của TCT được xác định là hạ tầng thứ hai của thông tin quân sự, thực hiện vu hồi trong thời bình và sẵn sàng chuyển sang phục vụ chiến đấu khi có tình huống (năm 2005 đã thực hiện vu hồi cho mạng thông tin quân sự tại 9 điểm trên các địa bàn trọng điểm về QP-AN, 12 đồn biên phòng và các khu kinh tế- quốc phòng nơi chưa được phủ sóng quốc gia; truyền gần 3.000 trang báo Quân đội nhân dân tới các địa chỉ in ấn, phát hành báo chí tới gần 2.000 đơn vị quân đội); cung cấp hạ tầng cho mạng thông tin quân sự, cấp mới 107 luồng truyền dẫn, nâng tổng số luồng truyền dẫn phục vụ quân sự, quốc phòng lên 176 luồng, tương đương 5.000 kênh thoại; cung cấp dịch vụ cho các đơn vị quân đội; xây dựng ứng dụng quân sự trên mạng công cộng của TCT; thu nhận, đào tạo và giữ gìn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho quân đội (hiện nay có trên 1.500 cán bộ kỹ thuật về viễn thông và công nghệ thông tin); tham gia khảo sát, thiết kế, nhập khẩu thiết bị và xây lắp các công trình thông tin quân sự; thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa với các đối tượng có công với cách mạng; trong các đợt tuyển dụng đều dành tỷ lệ nhất định để giải quyết một số chính sách cho con em cán bộ quân đội vào làm việc tại TCT; đóng góp cho ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, TCT vinh dự được cấp trên giao trọng trách đảm nhiệm xây dựng Câu lạc bộ bóng đá Thể công VIETTEL phát triển vững chắc, phấn đấu lên hạng chuyên nghiệp và thi đấu ổn định trong những năm tới...
Nhờ có định hướng chiến lược đúng đắn, bước đi phù hợp, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của mọi cán bộ, nhân viên TCT đã mang lại hiệu quả toàn diện, cả về KT-XH, QP-AN. Năm 2005, TCT hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ SXKD, doanh thu đạt 3.167, 7 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 397 tỷ đồng, nộp ngân sách 319 tỷ đồng; lao động bình quân trên 4.000; thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/ tháng; đầu tư các dịch vụ viễn thông và xây dựng cơ bản 1.366 tỷ đồng; năng lực SXKD tăng 1,6 lần so với năm 2004; dự kiến đến năm 2010 đưa doanh thu của TCT đạt từ 15.000 đến 17.000 tỷ đồng, đưa tổng số thuê bao lên từ 8 đến 10 triệu. Điều quan trọng là, TCT đã phát triển mạng lưới dịch vụ viễn thông với công nghệ tiên tiến, tạo bước phát triển cho lâu dài, kết hợp tốt nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, bảo đảm tính bền vững hệ thống TTLL quân sự; đồng thời đưa lại lợi ích xã hội rất cao cả về kinh tế, QP-AN, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực BCVT. Quan hệ hợp tác trong và ngoài quân đội được tăng cường, mở rộng; thị phần viễn thông chiếm tỷ trọng đáng kể; vị thế của TCT ngày càng được khẳng định và là nhà khai thác, cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh, có tiềm năng thứ hai tại Việt Nam; được công nhận là doanh nghiệp có thương hiệu mạnh; là doanh nghiệp hoạt động tài chính lành mạnh, vốn được bảo toàn và không ngừng phát triển; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và qui định của Bộ Quốc phòng trong hoạt động SXKD; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao nộp của doanh nghiệp. TCT kết hợp chặt chẽ giữa phát triển SXKD với xây dựng cơ sở nội lực, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng Văn hóa VIETTEL gắn với xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên và người lao động trong "mái nhà VIETTEL"... Đây là những tiền đề vững chắc, tạo cơ sở để TCT tiếp tục phát triển trở thành một doanh nghiệp mạnh của Nhà nước trong quân đội, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu BVTQ trong tình hình mới và tham gia phát triển KT-XH thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
 
Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân
Tổng Giám đốc
        
 

Ý kiến bạn đọc (0)