QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:18 (GMT+7)
Tổng Công ty Viễn thông Quân đội kết hợp nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng-an ninh

Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp (DN) duy nhất của quân đội hoạt động trong lĩnh vực viễn thông; vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) các dịch vụ bưu chính, viễn thông (BCVT) phục vụ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), vừa bảo đảm thông tin vu hồi phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh quốc gia (gọi tắt là QP-AN); giữ gìn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên để sẵn sàng bổ sung cho quân đội khi có nhu cầu.

Tuy ra đời sau so với nhiều DN viễn thông của Việt Nam, nhưng Viettel đã khẳng định hướng đi đúng đắn, phát triển nhanh, vững chắc. Điểm nổi bật, xuyên suốt của Viettel là, ngay từ khi mới thành lập đã xây dựng được chiến lược phát triển mà hạt nhân là kết hợp kinh tế với quốc phòng (KT- QP), quốc phòng với kinh tế, nhằm không ngừng phát triển SXKD, gắn với tăng cường năng lực phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Việc kết hợp KT- QP của Viettel được thực hiện từ trong chủ trương, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của DN, cũng như trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực, từ xây dựng cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo, bố trí, sử dụng nhân lực; trang bị kỹ thuật đến lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp...

Theo đó, hoạt động SXKD của Viettel được phát triển theo hướng đa ngành nghề, lấy BCVT là chủ đạo; trong đó, phát triển mạng lưới và các loại hình dịch vụ mà dịch vụ điện thoại di động là khâu then chốt, băng thông rộng là nền tảng, phát triển hạ tầng mạng lưới trên cả nước với băng thông rộng có dung lượng lớn, độ bền vững cao, vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy của Viettel xác định rõ các nội dung bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN, gồm: vu hồi mạng thông tin quân sự (TTQS); cung cấp hạ tầng cho mạng TTQS ở những vùng mà mạng TTQS chưa vươn tới; xây dựng một số ứng dụng quân sự trên mạng thông tin công cộng; tiếp thu và đào tạo công nghệ mới để chuyển giao cho Bộ Quốc phòng; đào tạo, gìn giữ và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm dự bị cho Bộ Quốc phòng khi có nhu cầu; tham gia tư vấn, khảo sát, thiết kế, xuất, nhập khẩu thiết bị và xây lắp các công trình TTQS; đóng góp cho ngân sách quốc phòng, góp phần hiện đại hóa quân đội; thực hiện các chính sách xã hội đối với các chương trình của Bộ Quốc phòng, giải quyết một số chính sách cho con em cán bộ trong quân đội.

Nhờ có chủ trương, định hướng đúng và biết phát huy thế mạnh của một DN KT-QP, nhất là về tổ chức, kỷ luật, tinh thần đoàn kết, chấp nhận gian khổ, quyết tâm vượt qua khó khăn và cách làm “quyết đoán, nhanh, triệt để”... Viettel đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển.

 Với phương châm “mạng lưới trước, kinh doanh sau”, Viettel đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông vững chắc, rộng khắp, dung lượng lớn, tạo tiền đề cho phát triển SXKD và tăng cường năng lực phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Trong đó, mạng truyền dẫn được xác định là trọng tâm của hạ tầng viễn thông được đầu tư phát triển nhanh, ổn định. Ngay từ buổi đầu bước vào thị trường viễn thông sôi động, Viettel đã chủ động, nhạy bén “đi tắt, đón đầu”, mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới, phát triển các loại hình dịch vụ. Khâu đột phá đầu tiên của Viettel là tập trung khảo sát, thiết kế, xây dựng tuyến cáp quang Bắc-Nam 1A với gần 2.000 km; đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới SDH ghép bước sóng trên một sợi quang, tốc độ 5 GB/s, qua đó nâng dung lượng lên gấp 2 lần (từ 2 sợi lên tương đương 4 sợi), đã làm thay đổi một bước quan trọng về chất mạng TTQS. Cùng với đó, Viettel thực hiện liên kết với ngành Đường sắt xây dựng đường trục cáp quang 1B dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam, liên kết với ngành Điện lực xây dựng tuyến cáp quang 1C trên cột cao áp (dung lượng gấp 80 lần tuyến cáp quang 1A) và các tuyến cáp quang về đến các huyện, xã. Đến nay, Tổng Công ty đã xây dựng được 4 tuyến đường trục cáp quang, tạo thành “xa lộ” thông tin với công nghệ tiên tiến, là mạng truyền dẫn lớn nhất Việt Nam (trên 38.000 km cáp quang), dung lượng lớn nhất, số trạm nhiều nhất (hơn 6.000 node); vùng phủ sóng lớn nhất, tới  cấp xã trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Mạng Viettel cung cấp cho mạng TTQS hàng ngàn ki-lô-mét sợi quang, hàng trăm luồng truyền dẫn đến những nơi mà mạng TTQS chưa vươn tới. Có thể nói, mạng kinh doanh của Viettel phát triển tới dâu, mạng TTQS vươn ra tới đó, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm về QP-AN nhưng chưa được phủ sóng quốc gia. Mạng lưới của Viettel đã trở thành hạ tầng thứ hai của mạng TTQS, thực hiện vu hồi trong thời bình và sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ QP-AN trong mọi tình huống.

Trên nền tảng của mạng truyền dẫn, Viettel đã phát triển các loại hình dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ điện thoại cố định (có dây và không dây), điện thoại di động, Internet băng rộng phủ tới cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, mạng di động của Viettel với trên 8.000 trạm phát sóng đã trở thành mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất, vùng phủ sóng lớn nhất của Việt Nam, phủ sóng khắp mọi miền đất nước, trong đó có hệ thống đồn biên phòng, các khu KT- QP trên toàn tuyến biên giới đất liền và vùng biển đảo. Nhờ vậy và cùng với phương thức phục vụ thuận lợi, giá cả phù hợp, mạng di động Viettel đã thu hút hơn 20 triệu thuê bao, đứng hàng đầu về thị phần thuê bao di động Việt Nam (chiếm trên 36% thị phần).

Cùng với lĩnh vực viễn thông, Tổng Công ty chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ bưu chính trên toàn quốc, cung cấp các dịch vụ phát hành báo chí và chuyển phát nhanh, tạo tiền đề cung cấp các dịch vụ khác. Hiện nay, mạng bưu chính Viettel đã có trên 100 bưu cục, 24 tuyến phát, vùng phủ khắp cả nước. Tổng Công ty đang phấn đấu đưa dịch vụ bưu chính Viettel trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực chuyển phát và đứng đầu Việt Nam về chất lượng dịch vụ, trước hết là về con người, quản lý, chăm sóc khách hàng, kênh phân phối... vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa phục vụ các đơn vị quân đội đóng quân trên khắp mọi miền đất nước.

Sau 8 năm xây dựng mạng lưới, phát triển các loại hình dịch vụ BCVT, đến nay, Viettel đã trở thành DN BCVT có tốc độ phát triển mạng nhanh nhất, có mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam, có mạng di động đứng thứ 40 trên thế giới và là một  trong 20 DN viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới.

Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ BCVT phục vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, việc kết hợp KT-QP ở Viettel còn là SXKD đạt hiệu quả cao, tạo nguồn thu lớn, thực hiện tái đầu tư xây dựng cơ sở nội lực và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Quy mô SXKD của Tổng Công ty không ngừng phát triển; năng lực về vốn, công nghệ tăng gấp nhiều lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2000, doanh thu của Viettel là 40 tỷ đồng, đến năm 2007 đạt 16.300 tỷ đồng (tăng hơn 400 lần); tính riêng từ năm 2004 đến năm 2007, doanh thu năm sau cao gấp hơn 2 lần năm trước (dự kiến năm 2008 doanh thu đạt 32.000 tỷ đồng). Theo đà tăng trưởng doanh thu, hằng năm, Viettel thực hiện tái đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở nội lực, nhất là mua sắm bổ sung trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển các dịch vụ viễn thông, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện các chính sách của Bộ Quốc phòng và Nhà nước... Với lợi nhuận đạt từ 20-25% trên doanh thu, Viettel là DN quân đội đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước và ngân sách quốc phòng (năm 2007 nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách quốc phòng trên 90 tỷ đồng, dự kiến năm 2008 nộp ngân sách quốc phòng 150 tỷ đồng). Ngoài ra, mỗi năm Tổng Công ty còn miễn cước mạng quân sự gọi vào mạng di động Viettel gần 100 tỷ đồng. Tổng Công ty luôn chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong hoạt động SXKD, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của DN với Nhà nước, Bộ Quốc phòng; Viettel được cấp trên đánh giá là DN hoạt động tài chính lành mạnh và là DN hoạt động hiệu quả nhất của quân đội. 

Thực hiện đường lối của Đảng về mở rộng quan hệ đối ngoại, trong đó có đối ngoại quân sự và hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội là DN viễn thông đầu tiên của Việt Nam thực hiện đầu tư ra nước ngoài, hợp tác với Bộ Quốc phòng các nước, trước hết là Lào và Căm-pu-chia. Đến nay, Viettel đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các nước bạn Lào và Căm-pu-chia, xây dựng mạng truyền dẫn, mạng di động, mạng cố định và Internet, kết nối cáp quang giữa nước ta với các nước bạn; trong đó, Việt Nam là trung tâm viễn thông của 3 nước trên bán đảo Đông Dương. Bên cạnh xây dựng mạng kinh doanh, Viettel đã hỗ trợ xây dựng mạng dùng riêng cho Bộ Quốc phòng các nước trên.

 Trong quá trình phát triển, bên cạnh việc tạo ra tiềm lực vật chất, Viettel đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, coi đó là yếu tố quyết định sự phát triển hiện tại và lâu dài; đồng thời là lực lượng dự bị sẵn sàng bổ sung cho quân đội khi có nhu cầu. Cùng với việc thường xuyên xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế “tinh, gọn, hiệu quả”, Tổng Công ty đã thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút, giữ gìn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bằng các hình thức phù hợp như: cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp trong nước và  nước ngoài; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học vào làm việc; tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích, động viên  cán bộ, nhân viên trong đơn vị tự học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Tổng Công ty luôn chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với DN... Đến nay, Tổng Công ty đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng ngàn cán bộ, nhân viên có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ và sử dụng thành thạo các trang bị tiên tiến, hiện đại nhất của thế giới; nhiều người đã phát triển thành cán bộ chủ trì, chủ chốt của các cơ quan, DN thành viên. Năm 2000, Tổng Công ty chỉ có trên 150 cán bộ, nhân viên; đến nay đã có hơn 12.000 cán bộ, nhân viên; trong đó, trên 50% là lực lượng kỹ thuật công nghệ cao (chủ yếu là viễn thông, công nghệ thông tin), tuổi đời bình quân rất trẻ (28 tuổi), hơn 60% có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, quyết định sự phát triển hiện tại và lâu dài của Viettel và là lực lượng dự bị sẵn sàng bổ sung cho quân đội khi có tình huống. 

Là DN quân đội, Viettel luôn coi trọng bồi đắp giá trị văn hoá quân sự, vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng văn hoá của Viettel với phong cách riêng biệt, chắt lọc những truyền thống tốt đẹp của quân đội vào hoạt động SXKD, đề cao tính kỷ luật, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức để phát triển trong môi trường cạnh tranh quyết liệt của hoạt động SXKD trong cơ chế thị trường. Phong cách quân sự đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của Viettel, biết đưa ra những quyết định quan trọng ở một thời điểm quan trọng. Điển hình là: quyết định đầu tư vào mạng GMS thay vì CDMA; quyết định đầu tư mạng lưới trước, kinh doanh sau; sớm chuyển hướng các dịch vụ kinh doanh như: điện thoại đường dài trong nước và quốc tế, chuyển dịch vụ VOIP sang các lĩnh vực khác, tạo bước đột phá, phá thế độc quyền trong đầu tư điện thoại di động, Internet, đầu tư ra nước ngoài, chuyển sang kinh doanh đa ngành, đa nghề, đa dịch vụ...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường năng lực phục vụ nhiệm vụ QP-AN, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đã vinh dự được Nhà nuớc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1996-2005). Năm 2007, Tổng Công ty được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để Tổng Công ty Viễn thông Quân đội tiếp tục phấn đấu trở thành DN BCVT hàng đầu ở Việt Nam và có thương hiệu mạnh trên thế giới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. 

Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân

Tổng Giám đốc

 

Ý kiến bạn đọc (0)