QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:34 (GMT+7)
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng-an ninh trong thời kỳ hội nhập
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HKVN) được thành lập ngày 27-5-1995 theo Quyết định số 328/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hợp nhất các doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp của ngành Hàng không dân dụng, lấy Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) làm nòng cốt. Là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, Tổng công ty HKVN có nghĩa vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh và góp phần tham gia các nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh (QP-AN)

Những năm gần đây, hòa chung với tiến trình đổi mới của đất nước, Tổng công ty HKVN đã có những bước phát triển vượt bậc trong xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị-kỹ thuật, đổi mới đội máy bay... và đào tạo được hàng nghìn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, phi công có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, phát triển nhiều loại hình kinh doanh, du lịch, dịch vụ hàng không có hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện kế hoạch 5 năm (2001-2005), Tổng công ty đã vận chuyển được 22.187.876 lượt hành khách, tăng bình quân 15,4%/năm, vượt 1,3%; vận chuyển 389.000 tấn hàng hóa, tăng bình quân 16%/năm, vượt 15,5%. Tổng công ty bắt đầu nâng tầm quốc tế của mình khi thị phần vận tải hành khách quốc tế tăng khá, đạt 41,6-43,3%, trong khi kế hoạch 5 năm là 39-42%. Doanh thu của Tổng công ty đạt 73.784 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.156 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 8,6%, tổng nộp ngân sách Nhà nước 3.101 tỷ đồng. Năm 2006, các hoạt động trong lĩnh vực hàng không có những khó khăn không nhỏ: giá nguyên liệu tăng 18,6% làm tăng chi phí gần 900 tỷ đồng; thị trường thuê máy bay khó khăn, giá thuê tăng cao nên VNA không thể thuê được máy bay theo kế hoạch; các loại phí và giá dịch vụ tại các cảng hàng không cũng tăng. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với nhiều hãng hàng không khác tham gia khai thác thị trường Việt Nam. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành; đặc biệt là bằng nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, sự kiên định và triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả của Tổng công ty, các chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch năm 2006 vẫn được thực hiện vượt mức. Tổng doanh thu đạt trên 17.400 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch, tăng 12,4% so với năm 2005. Lợi nhuận trước thuế đạt 304 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 184 tỷ đồng, vượt 5,7% so với kế hoạch.

Đi đôi với nhiệm vụ phát triển sản xuất-kinh doanh, Ban lãnh đạo Tổng công ty luôn ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ QP-AN. Điều đó thể hiện rõ trong chiến lược xây dựng và phát triển của Ngành, trong các dự án, kế hoạch mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa đội máy bay, đào tạo nguồn nhân lực..., Tổng công ty đều phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong khảo sát, thẩm định để bảo đảm cả yêu cầu phát triển sản xuất-kinh doanh, lẫn yêu cầu QP-AN của đất nước. Những năm gần đây, Tổng công ty đã đầu tư thỏa đáng, hợp lý cho các mặt hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng hiện đại hóa đội máy bay và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không. Giai đoạn 2001-2005, tổng mức đầu tư mà Tổng công ty HKVN thực hiện là 15.382 tỷ đồng, trong đó có 13.188 tỷ đồng đầu tư mua máy bay gồm các loại: ATR72, Boeing 777 và Airbus 321. Theo kế hoạch này, Tổng công ty đã ký hợp đồng mua mới 3 máy bay ATR72; 4 máy bay Boeing 777 và 5 máy bay A321, nâng tỷ lệ đội máy bay do nước ta sở hữu tính theo đầu máy bay từ 27,3% năm 1997 lên 50% năm 2005. Đến nay, đội máy bay của VNA có 41 chiếc, đã được đưa vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vận chuyển người và hàng hoá cho khách hàng trong và ngoài nước; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vận chuyển người, hàng hóa và các phương tiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho các đơn vị lực lượng vũ trang bằng đường không đến các vùng, miền của đất nước. Tổng công ty còn đẩy mạnh đầu tư phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đến hết năm 2006, mạng đường bay của VNA đã tăng lên 37 đường bay quốc tế từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến 27 điểm nước ngoài, trong đó có 23 điểm bay trực tiếp. Mạng đường bay nội địa của VNA được tổ chức theo mô hình  trục-nan suốt chiều dài đất nước, với 23 đường bay đến 17 điểm, đáp ứng yêu cầu kinh doanh nội địa và phục vụ nhu cầu hoạt động quốc phòng trên các địa bàn. Thực hiện mục tiêu tự chủ về khoa học-công nghệ trong quản lý, khai thác và bảo dưỡng kỹ thuật, Tổng công ty đã thiết lập mô hình quản lý và bảo dưỡng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế (JAR-145 của châu Âu). Điều đó cho phép VNA tiếp thu toàn bộ khối lượng công tác quản lý, điều hành khai thác và bảo dưỡng kỹ thuật cho đội máy bay đang khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm QP-AN, quản lý, bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Một lĩnh vực nữa Tổng công ty luôn đặt ưu tiên đầu tư là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hàng không. Hiện nay, Tổng công ty có 15.000 lao động, trong đó 32% lao động có trình độ đại học trở lên, bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư máy bay, thợ kỹ thuật máy bay, phi công..., bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất-kinh doanh của Tổng công ty; đồng thời, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động quân sự, quốc phòng khi đất nước có chiến tranh.
Hiện nay, Tổng công ty đang triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2006-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (10-2006). Phấn đấu xây dựng Tổng công ty HKVN thành một tập đoàn kinh tế mạnh, xây dựng VNA thành hãng hàng không có tầm cỡ trong khu vực; phát huy vai trò của một đơn vị kinh tế kỹ thuật hiện đại, lấy kinh doanh vận tải hàng không làm cơ bản; đồng thời, phát triển đa dạng ngành nghề kinh doanh, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có uy tín, có khả năng cạnh tranh, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, góp phần bảo đảm QP-AN. Trong tiến trình thực hiện mục tiêu và những định hướng phát triển của mình, Tổng công ty đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Cơ hội lớn nhất là sau khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vào tháng 12-2006, Tổng công ty sẽ được tham gia vào một môi trường kinh doanh bình đẳng, có điều kiện để bảo vệ quyền lợi của Ngành và của quốc gia về lĩnh vực hàng không; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng; tham gia khai thác tự do vùng trời ở mọi khu vực và vùng lãnh thổ trong khuôn khổ WTO; khai thác và trao đổi thông tin, dữ liệu chung trên phạm vi toàn cầu về thời tiết, nguy cơ khủng bố, các lỗi kỹ thuật... và nhận được sự hỗ trợ cần thiết khi gặp khó khăn. Khi Tổng công ty tham gia IATA, việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh sẽ giúp giảm chi phí khai thác và tăng lợi nhuận cho Ngành. Bên cạnh đó, theo quy định, IATA cũng hỗ trợ các thành viên trong đổi mới khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Có thể nói, trở thành thành viên của IATA không chỉ đem lại lợi ích về mặt thương mại mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xây dựng và quảng bá tên tuổi của HKVN. Thương hiệu và biểu tượng "Vietnam Airlines" sẽ được đưa vào danh sách các hãng hàng không thành viên của IATA, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định đẳng cấp quốc tế cũng như chất lượng toàn cầu của các loại hình dịch vụ mà Tổng công ty đang cung cấp.
Đi đôi với những cơ hội, Tổng công ty cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là môi trường cạnh tranh khốc liệt với sự mở rộng của thị trường hàng không trong nước, khi Việt nam đã gia nhập WTO. Tổng công ty phải cạnh tranh với các hãng hàng không lớn có cơ sở hạ tầng vững chắc, có đội ngũ máy bay và trang thiết bị hiện đại, nguồn lực tài chính dồi dào; cạnh tranh với sự ra đời và bùng nổ mạnh mẽ của hãng hàng không giá rẻ và luật tự do hoá bầu trời đang đi vào hoạt động. Là thành viên của IATA, Tổng công ty còn phải tham gia vào các chương trình cải cách lớn của Hiệp hội, như chương trình áp dụng vé điện tử đối với khách hàng và hàng hoá mà các hãng đang thực hiện; chương trình số hoá công tác quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, đơn giản hoá các thủ tục đối với hành khách... Điều đó đòi hỏi Tổng công ty phải có giải pháp đầu tư phát triển dài hạn và đồng bộ.
Để tận dụng được những cơ hội và vượt qua những thách thức trên, Tổng công ty phải triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
1- Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, QP-AN và đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị nhận thức đúng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với tăng cường QP-AN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với nhiệm vụ phát triển của Tổng công ty, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
2- Tăng cường đầu tư phát triển đội máy bay, để đến năm 2010, VNA có 60 máy bay và đến năm 2015 có 80 máy bay (gồm các loại khai thác tầm gần, tầm trung xa, tầm xa và chở hàng), đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng không của khách hàng ở cả trong và ngoài nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đến năm 2010, có thể tự sửa chữa, đại tu về thân và cánh, 70-80% thiết bị cơ giới, 50-60% thiết bị điện tử. Đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống điều hành khai thác và bảo đảm an toàn bay; cơ sở khai thác mặt đất, kho hàng, phục vụ ăn uóng trên máy bay; dịch vụ sân bay,... Đầu tư công nghệ, đón trước các tiến bộ công nghệ thông tin trong quản lý, đồng bộ hóa và tiêu chuẩn hóa hệ thống thông tin; sớm thành lập Công ty Tin học hàng không; xây dựng Trung tâm Ngân hàng dữ liệu; đổi mới công tác quản lý bằng hệ thống tin học; tham gia cùng các bộ, ngành xây dựng cơ sở ban đầu cho nền công nghiệp hàng không của Việt Nam.
3- Tích cực, chủ động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không. Xây dựng đội ngũ lao động trong Tổng công ty đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đủ trình độ đối với các loại hình lao động hàng không, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, phi công, kỹ sư máy bay, nhân viên kỹ thuật..., đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển sản xuất-kinh doanh của Tổng công ty, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp cùng Quân chủng Phòng không-Không quân và Học viện Hàng không xây dựng trường đào tạo phi công thương mại và quân sự của Việt Nam.
4- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; thực hiện đúng Điều lệ tổ chức và cơ chế quản lý theo cơ cấu Công ty mẹ-Công ty con đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhất là với Bộ Quốc phòng trong xây dựng, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư phát triển của Tổng công ty, bảo đảm các dự án có tính toàn diện, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất những thiếu sót, sai lầm có thể xảy ra.
5- Thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ huy Quân sự các cấp từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, cơ sở; xây dựng lực lượng tự vệ trong Tổng công ty có đủ số lượng, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa bàn, địa phương nơi đơn vị đóng quân. Chuẩn bị tốt mọi mặt công tác động viên quốc phòng, sẵn sàng khi có lệnh là động viên kịp thời, đầy đủ nhân lực, vật lực theo yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm QP-AN của đất nước.
TS. Nguyễn  Sỹ Hưng
Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Tổng giám đốc Tổng công ty
 

Ý kiến bạn đọc (0)