QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:14 (GMT+7)
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gắn phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh trên biển

Tổng công ty (TCT) Hàng hải Việt Nam được thành lập theo Quyết định 91/TTg ngày 7-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng, nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ hàng hải, xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị, vật tư chuyên ngành; cung ứng lao động hàng hải, liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật và giải pháp công nghệ về hàng hải tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của TCT phần lớn là các doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt trong ngành Hàng hải Việt Nam và đứng chân chủ yếu ở các địa bàn chiến lược-cửa ngõ ra vào bằng đường biển của đất nước. Bởi vậy, TCT Hàng hải Việt Nam luôn có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt là trên hướng biển.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên hướng biển trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên, sĩ quan, thuyền viên trong TCT đã và đang tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển TCT Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, nhằm đưa TCT sớm trở thành tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực, đa sở hữu, kinh doanh đa ngành, trong đó vận tải biển, quản lý và khai thác cảng và dịch vụ hàng hải là chính, giữ vai trò chủ lực trong ngành Hàng hải Việt Nam, phục vụ  đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn, cơ chế, chính sách và do bị chia sẻ sản lượng, thị phần, cùng với đó là giá nhiên liệu thường xuyên biến động theo chiều hướng tăng cao, song được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan và sự nỗ lực của toàn Ngành, TCT Hàng hải Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối bền vững, từng bước khẳng định được vị thế trên thương trường hàng hải trong nước và quốc tế.  TCT đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác trong và ngoài nước phục vụ cho chiến lược phát triển của Ngành và TCT. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng bình quân của TCT đạt từ 10-12%/ năm. Riêng năm 2007, tổng sản lượng vận tải biển đạt 24, 9 triệu tấn và 75,1 tỷ tấn km, tăng 7% về số tấn và 30% về số tấn km so với năm 2006. Tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 44,2 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2006. Tổng doanh thu  đạt 14, 6 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2006. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 865 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2006... Những thành tựu đạt được trong sản xuất, kinh doanh góp phần thiết thực tăng cường tiềm lực mọi mặt của Ngành, trong đó có tiềm lực QP-AN; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động QP-AN trong Ngành ngày càng tốt hơn. Điều đó khẳng định chiến lược xây dựng và phát triển ngành vận tải biển của TCT là đúng hướng. Trên cơ sở đó, TCT có giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn, nên từ khi thành lập đến nay, TCT luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh vận tải đường biển và công tác QP-AN được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên vùng biển của đất nước.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi nước ta đã là thành viên của WTO, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ  tư (khoá X) về Chiến lược biển đến năm 2020 đã khẳng định:  Việt Nam hoàn toàn có đủ yếu tố trở thành quốc gia mạnh về biển; nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với bảo đảm QP-AN trên hướng biển; thu hút mọi nguồn lực để khai thác, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển và bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, ngành Hàng hải nói chung và TCT Hàng hải Việt Nam nói riêng đã và đang tập trung mọi nguồn lực, đầu tư phát triển đội tàu vận tải biển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tăng các loại tàu chuyên dùng như tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng rời cỡ lớn.  TCT phấn đấu đến năm 2010, phát triển đội tàu vận tải biển đạt tổng trọng tải 2,6 triệu DWT (tấn trọng tải), độ tuổi trung bình 16 năm; định hướng giai đoạn 2010- 2020, phát triển đội tàu biển theo hướng trẻ hoá, hiện đại hoá, cơ cấu đội tàu hợp lý, nâng tổng trọng tải đội tàu thuộc TCT chiếm 40-50% tổng trọng tải đội tàu toàn quốc. Coi trọng đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng biển hiện có; đầu tư, xây dựng các bến cảng mới của các cảng: Đình Vũ, Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng), Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng container Bến Đình-Sao Mai (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Thơ, Cái Cui ( thành phố Cần Thơ)...bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hoá thông qua cảng biển đạt 50-55 triệu tấn vào năm 2010. Định hướng giai đoạn 2010- 2020, tiếp tục phát triển hệ thống cảng biển theo hướng hiện đại có quy mô lớn và hình thành được cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hoà) có tầm cỡ trong khu vực. Tiếp tục phát triển, mở rộng dịch vụ hàng hải và kinh doanh đa ngành, phấn đấu hoàn thành tốt giai đoạn đầu việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ cho hoạt động dịch vụ hàng hải tại 3 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, bảo đảm khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ; đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc... Thời gian tới, TCT tập trung hoàn thành sớm chương trình đóng mới 32 tàu biển trong nước và chương trình đầu tư phát triển đội tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển thêm 73 tàu, tổng trọng tải 1.850.000 DWT thông qua việc đóng mới, mua tàu trong và ngoài nước với cơ cấu hợp lý. Tiếp tục hoàn thành dự án đầu tư xây dựng các bến cảng cho tàu 20.000 DWT tại Đình Vũ; thực hiện chương trình chuyển đổi công năng, di dời cảng Sài Gòn ra khu vực Hiệp Phước, Cái Mép, Thị Vải và các bến 2, 3, 4 cảng Cái Lân ... Với cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải đường biển hiện đại, đa dạng về chủng loại, kích cỡ và  đội ngũ cán bộ, công nhân viên có năng lực, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, TCT không những đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trên hướng biển, làm giàu từ biển mà còn đáp ứng nhu cầu bảo đảm QP-AN của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Là một doanh nghiệp hàng hải nhà nước lớn nhất Việt Nam, hoạt động trải rộng trên khắp các vùng biển của đất nước và khu vực, mỗi năm TCT đảm nhận vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hoá và bảo đảm vận chuyển lực lượng, hàng hoá và các phương tiện vật chất kỹ thuật, hậu cần cho nhân dân và các đơn vị lực lượng vũ trang trên hướng biển, nên sự phát triển của TCT có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với việc xây dựng tiềm lực, sức mạnh QP-AN, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên hướng biển của từng địa phương và cả nước. Bởi vậy, cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, TCT luôn quan tâm và coi trọng công tác QP-AN, nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư của Nhà nước về bảo đảm QP-AN trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, điều hành của Ban Giám đốc, cơ quan, đơn vị thành viên và nâng cao khả năng tham mưu của Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) và cán bộ phụ trách công tác QP-AN các cấp, nhất là ở đơn vị cơ sở. Trong chiến lược xây dựng và phát triển của Ngành luôn thể hiện rõ sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi lựa chọn địa điểm xây dựng các bến cảng, kho tàng và mở các tuyến vận tải trên biển cho các dự án đầu tư về hàng hải, TCT đều chú trọng xem xét yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và yêu cầu bảo vệ trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đồng thời, trong mỗi dự án đều tính đến yếu tố kịp thời phục vụ nhiệm vụ QP-AN trong điều kiện thời bình cũng như khi có chiến tranh. Các bến cảng, đội tàu vận tải của TCT không chỉ bảo đảm vận chuyển lực lượng, lương thực, thực phẩm, vũ khí, phương tiện chiến đấu cho các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân mà còn là những lực lượng cảnh giới và sẵn sàng tham gia tác chiến trên biển cùng với bộ đội và nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Do đặc thù của một ngành kinh tế vận tải biển cần có mối quan hệ với nhiều đối tác trong nước, khu vực và trên trường quốc tế, lại phải thường xuyên hoạt động độc lập trên những vùng biển đang có diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tranh chấp chủ quyền và lợi ích trên biển, nên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong TCT rất coi trọng công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, giáo dục và bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, thuỷ thủ, thuyền viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cơ quan, doanh nghiệp từ đó nâng cao lòng yêu nước, yêu nghề và nhận thức đúng về tầm quan trọng chiến lược của biển đối với sự nghiệp phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN của đất nước trong tình hình mới mà Chiến lược biển đến năm 2020 đã đề ra; nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; Thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN được giao; thường xuyên nâng cao cảnh giác, phòng chống hiệu quả mọi âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, không để chúng lợi dụng các phương tiện, nghiệp vụ của TCT để  xâm nhập trái phép và lấy cắp thông tin, bí mật quốc gia, hoặc tổ chức buôn lậu, phá rối trật tự, an ninh trên các vùng biển và ven biển của Tổ quốc. Các phương tiện vật chất-kỹ thuật và hạ tầng cơ sở của TCT đều là những tài sản lớn của quốc gia, là một trong những mục tiêu phá hoại của các thế lực thù địch, nên TCT cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội và lực lượng vũ trang địa phương hoạt động trên biển, thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình ở các vùng biển của đất nước và khu vực, phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán lãnh hải quốc gia theo đúng luật quốc tế; đồng thời, chủ động triển khai xây dựng các phương án chiến đấu, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển và bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, TCT rất chú trọng chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ và lực lượng dự bị động viên (DBDV) vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trước mắt, tập trung kiện toàn BCHQS  các cấp từ TCT đến các đơn vị thành viên, cơ sở, bảo đảm các đơn vị  có lực lượng sản xuất đều tổ chức  lực lượng tự vệ và có BCHQS và BCH tự vệ theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ trong xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ, lực lượng DBĐV, bảo đảm có số lượng đủ, chất lượng cao, phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, đơn vị, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp. Hiện nay, TCT đã xây dựng được hàng chục hải đoàn và hàng trăm hải đội tự vệ, với tổng số trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ, chiếm trên 10 %  tổng số cán bộ, công nhân viên trong toàn TCT.  Các đơn vị tự vệ từ cơ quan TCT đến các đơn vị cơ sở đều được xây dựng củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa bàn, cơ quan, đơn vị. Đối với lực lượng DBĐV, tiếp tục được quản lý, đăng ký, thống kê số lượng, chất lượng, phương tiện vận tải, bốc xếp, máy móc, thiết bị kỹ thuật để lập kế hoạch động viên  theo đúng quy định.  Tăng cường phối hợp chặt chẽ với BCHQS  địa phương và các đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam nơi đứng chân và địa bàn hoạt động trên các vùng ven biển và biển, đảo tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện và các tuyến bảo vệ biển, đảo ngày càng vững mạnh, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển của Tổ quốc Việt Nam XHCN.

MAI VĂN PHÚC

Ủy viên Hội đồng quản trị

Tổng giám đốc Tổng công ty

 

  


 

Ý kiến bạn đọc (0)