QPTD -Chủ Nhật, 30/10/2011, 22:12 (GMT+7)
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự

Đường sắt Việt Nam là một ngành kinh tế đặc thù, gắn bó mật thiết với quốc phòng. Trải qua hơn 120 năm xây dựng, nhất là từ khi Đảng lãnh đạo, Ngành đã từng bước phát triển; các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam luôn sát cánh cùng với đồng bào cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu bảo vệ các tuyến đường huyết mạch, giữ vững mạch máu giao thông đường sắt thông suốt, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, Ngành có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, tổ chức, phương thức hoạt động và đã nhiều lần đổi tên.  Từ đầu năm 2003, thực hiện Quyết định số: 34/2003/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngành có tên gọi là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Tổng công ty 91)- một trong các Tổng công ty quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Hiện Tổng công ty đang quản lý và khai thác 6 tuyến đường sắt (bao gồm 2 tuyến liên vận quốc tế), chạy qua địa bàn 34 tỉnh, thành phố, nối liền các khu dân cư với các khu vực trọng điểm về kinh tế, quốc phòng-an ninh của đất nước; với tổng chiều dài 3.142km, trong đó có 1790 cầu, 39 hầm, 287 ga, trạm; quản lý, khai thác trên 370 đầu máy và hơn 6000 toa xe các loại với tổng số hơn 4,3 vạn cán bộ, công nhân viên. Trong tương lai, chúng ta sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam hiện đại, cũng như các tuyến đường sắt Đông - Tây, Hà Nội - Đồng Đăng được làm mới theo đường tiêu chuẩn nối liền với tuyến đường sắt xuyên á, liên thông với nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Như vậy, có thể thấy ngành Đường sắt Việt Nam có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới. Hiện nay cũng như tương lai, công tác vận tải phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh đất nước, nhất là việc vận chuyển lực lượng, phương tiện, trang thiết bị vật chất, hậu cần- kỹ thuật quân sự với khối lượng lớn, số lượng nhiều, tốc độ nhanh, độ an toàn cao chủ yếu vẫn phải dựa vào mạng lưới đường sắt.

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược đó, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Đường sắt Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, từng bước tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, kinh doanh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn, cơ chế chính sách và sự cạnh tranh gay gắt về thị phần vận tải... song được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương có liên quan và sự nỗ lực vươn lên của  đội ngũ công nhân Đường sắt, đến nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc và đạt được những thành tựu rất khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, năng lực vận tải và chất lượng phục vụ ngày một nâng cao, không ngừng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hoá cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đồng thời bảo đảm vận tải an toàn, bí mật, kịp thời cho các đơn vị quân đội. Riêng năm 2006 doanh thu toàn Ngành đạt 5.382 tỷ đồng, tăng 13, 2 %; lãi thực hiện 53,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 265 tỷ đồng, thu nhập bình quân tăng 7,9 % so với năm 2005. Vận chuyển hàng hoá đạt 9 triệu 125 ngàn tấn, vận chuyển hành khách đạt 11.559 ngàn người, doanh thu vận tải đạt 2.637,7 tỷ đồng. Tầu Thống Nhất đi đúng giờ đạt 99,45%, đến đúng giờ đạt72, 75%. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xác định rõ: "Huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ tiếp tục xây dựng ngành Đường sắt Việt Nam phát triển bền vững. Đầu tư cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng Đường sắt theo hướng đồng bộ và hiện đại; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực phương tiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý, điều hành vận tải, bảo đảm giao thông vận tải đường sắt thông suốt, kịp thời, an toàn và hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh- quốc phòng và bảo vệ môi trường". Để thực hiện các mục tiêu trên, Tổng công ty đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh trong mọi hoạt động của Ngành và xác định rõ công tác quốc phòng, quân sự  là một nhiệm vụ quan trọng của Ngành, có vai trò bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho các đơn vị trong Ngành luôn ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đường sắt lần thứ IX (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đề ra. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết TW 8 (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về Dự bị động viên, Nghị định 119/ 2004/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương... Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, công nhân viên trong Ngành nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới. Hằng năm, Đảng uỷ, Tổng giám đốc có nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về công tác quốc phòng, an ninh để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cho các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, quân sự được giao. Ngành, mà trực tiếp là Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) các cấp thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và cơ quan quân sự địa phương nơi đứng chân thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng cán bộ theo quy định. Đến nay, hầu hết cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị (đối tượng 2, 3) đã được học tập, giáo dục và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh theo đúng chương trình, nội dung, quy định cho từng đối tượng. Công tác học tập, huấn luyện, hội thao, diễn tập quân sự hằng năm đều được tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo,  triển khai kịp thời, đồng bộ từ cơ quan đầu ngành đến các đơn vị cơ sở. Trước khi bước vào mùa huấn luyện, 100% cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quân sự và các cán bộ tự vệ các cơ quan, đơn vị được tập huấn công tác quân sự, chính trị tại trường quân sự các địa phương. Các đơn vị tự vệ trong Ngành hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện quân sự, kết quả đạt khá, giỏi. Cuối năm có sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự của từng cơ quan, đơn vị thành viên để rút kinh nghiệm và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời cho những năm tiếp theo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, quân sự, Tổng công ty tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cho các đơn vị thành viên đẩy mạnh tiến trình xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế BCHQS các cấp từ cơ quan Tổng công ty đến các đơn vị thành viên theo đúng Hướng dẫn số: 1107/HD-TM ngày 28/ 7/ 2005 của Bộ Tổng tham mưu. Đến nay, 51/117  cơ quan, đơn vị thành viên đã có quyết định thành lập BCHQS, các đơn vị còn lại tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng ra quyết định  trong thời gian tới. Đồng thời tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên (DBĐV) bảo đảm có số lượng đủ, chất lượng cao, vừa phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị. Hiện tại, Tổng công ty  đã xây dựng được  02 tiểu đoàn, 21 đại đội, 212 trung đội tự vệ (trong đó có 2 đại đội pháo 37 ly, 11 trung đội súng phòng không 12,7 ly, 3 trung đội thông tin liên lạc) với tổng số gần 5.500 cán bộ, chiến sĩ tự vệ, chiếm tỷ lệ 12% tổng số cán bộ, công nhân viên. Các đơn vị tự vệ từ cơ quan Tổng công ty đến các đơn vị thành viên đều được xây dựng, củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh đủ sức làm nòng cốt trong sản xuất và bảo vệ sản xuất, bảo vệ an toàn giao thông đường sắt trong mọi tình huống, nhất là ở những địa bàn xung yếu như các tuyến đường sắt qua biên giới, đường sắt qua các thành phố, khu công nghiệp lớn, qua đèo Hải Vân, khu rừng lá Ninh Thuận, Bình Thuận... Công tác đăng ký, quản lý lực lượng DBĐV và đăng ký thống kê số lượng, chất lượng phương tiện, thiết bị đầu máy, toa xe để lập kế hoạch động viên được các đơn vị quan tâm và chấp hành nghiêm túc. Trong công tác vận chuyển quân sự, Tổng công ty luôn ưu tiên dành các phương tiện tốt để vận chuyển bảo đảm đúng thời gian, địa điểm, an toàn, bí mật. Công tác khám tuyển, gọi thanh niên nhập ngũ luôn hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Cùng với những việc làm trên, Tổng công ty rất coi trọng và chủ động phối hợp với các địa phương nơi đứng chân, tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị tự vệ của Ngành đã xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch chiến đấu bảo vệ cơ quan, đơn vị, được các cơ quan quân sự địa phương phê duyệt và đưa vào nội dung huấn luyện, diễn tập hằng năm.

Là một doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt, mặc dù còn nhiều khó khăn về bảo đảm ngân sách, kinh phí hoạt động quân sự, quốc phòng, song các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã luôn quan tâm  chăm lo và tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động trong lĩnh vực này. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ tự vệ tham gia huấn luyện quân sự, hội thao, trực sẵn sàng chiến đấu  được chấm công lao động và  bồi dưỡng bình quân từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/ ngày, theo khả năng của từng đơn vị. Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và các chính sách xã hội có liên quan được các cấp, các cơ quan, đơn vị trong Ngành quan tâm và thực hiện chu đáo. Toàn Ngành nhận phụng dưỡng thường xuyên 68 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 2006 đã vận động cán bộ, công nhân viên quyên góp, xây dựng được 9 căn nhà tình nghĩa với mức từ 15 - 41 triệu đồng/ nhà. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7), Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12), lãnh đạo các công ty, xí nghiệp đều tổ chức gặp mặt thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng chính sách và các quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành công tác tại đơn vị.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự của Ngành, qua đó góp phần xứng đáng vào sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi kiến nghị:

1. Hiện nay Bộ Quốc phòng vẫn chưa quy định cấp quyết định thành lập BCHQS cấp trên cơ sở, do đó việc chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của ngành Đường sắt còn nhiều vướng mắc, hạn chế việc điều hành thống nhất từ Tổng công ty xuống đến các đơn vị cấp cơ sở. Đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu cho thành lập BCHQS ở 3 công ty cấp trên cơ sở, vì những công ty này quản lý hơn 20 xí nghiệp thành viên đứng chân trên tất cả các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua.

2. Đề nghị Bộ Quốc phòng có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về công tác quốc phòng, quân sự đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau, nhất là các doanh nghiệp cổ phần và các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.

3. Chiến lược phát triển Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt mới, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, nối liền với các tuyến đường sắt liên vận quốc tế có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Đề nghị Bộ Quốc phòng cử chuyên gia phối hợp với ngành Đường sắt thẩm định quy hoạch và kế hoạch tổng thể về xây dựng, phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt liên vận quốc tế để hạn chế thấp nhất những sai sót, lệch lạc trong công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nguyễn Hữu Bằng

Bí thư Đảng ủy  - Tổng giám đốc

Chính trị viên BCHQS Tổng công ty ĐSVN

 

Ý kiến bạn đọc (0)