QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:34 (GMT+7)
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu Làm tốt công tác quốc phòng trong quá trình phát triển

Tổng công ty (TCT) Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (tiền thân là Công trường đóng thuyền biển - thành lập năm 1966), thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN), là một doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động đa chức năng, đa ngành nghề; trong đó, trọng tâm là đóng mới tàu thủy có trọng tải đến 100.000 tấn, sửa chữa các loại tàu biển, phương tiện thủy; sản xuất vật liệu hàn; chế tạo thiết bị cẩu, thiết bị cơ khí; vận tải biển; xây dựng, nạo vét luồng lạch...Với chức năng, nhiệm vụ đó, TCT có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN) của đất nước. Hiện nay TCT có 22 công ty thành viên, với trên 12.000 cán bộ, công nhân viên, địa bàn hoạt động chủ yếu ven sông, cửa biển, trải dài từ Quảng Ninh đến Phú Yên... 

Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng quản trị Tập đoàn VINASHIN, TCT đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kiện toàn tổ chức biên chế, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nên đã có bước phát triển nhanh, bền vững trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ bản...; đạt được những kết quả  khá toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một cơ sở cách đây 5 năm, chỉ sửa chữa và đóng mới tàu sông có trọng tải nhỏ, đến nay TCT đã đóng thành công tàu hàng 6.500 tấn, tàu chở dầu 13.500 tấn, tàu chở sà lan Lash 10.900 tấn. Đặc biệt, vừa qua, TCT đã tiến hành bàn giao tàu chở hàng 53.000 tấn số 1, có trọng tải lớn nhất mà Việt Nam đóng mới thành công cho tập đoàn Graig-Vương quốc Anh; ngày 26-2-2008, TCT đã khởi công đóng mới tàu chở 6.900 ô-tô cho Tập đoàn Hoegh Autolines - Vương quốc Na-uy; đang chuẩn bị bàn giao tàu 53.000 tấn số 2 và hạ thủy tàu 53.000 tấn số 3. Đồng thời, triển khai thực hiện hàng loạt hợp đồng đóng mới tàu đa chức năng, tàu chở dầu cho các nước Đức, Hà Lan, Pháp...; đóng mới tàu 56.200 tấn cho Nhật Bản, kho chứa, xuất dầu 150.000 tấn cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam... Đây là thành tựu quan trọng mà TCT đã đóng góp cho sự phát triển của ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, khẳng định uy tín và vị thế của TCT không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới; khẳng định hướng đi chiến lược đúng đắn, đầu tư phát triển bền vững của Tập đoàn nói chung và TCT nói riêng trong tiến trình CNH, HĐH đất nước. Từ năm 2005 đến nay, giá trị tổng sản lượng của TCT tăng trưởng năm sau đều cao hơn năm trước, với tốc độ bình quân 30%/năm. Doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách đều tăng. Riêng năm 2007, TCT nộp ngân sách Nhà nước 62.000 triệu đồng; tạo việc làm cho 8.684 người (tăng 3000 so với năm 2006), bảo đảm việc làm ổn định đến năm 2012; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân 2.870.800 đồng/người/tháng. Ngoài ra, TCT còn ưu tiên tiếp nhận lao động là những hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa, giao đất cho công ty, gia đình chính sách, con thương binh, liệt sĩ, người khuyết tật... Những kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh đã tăng cường tiềm lực mọi mặt, tạo thế và lực mới để TCT tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới; đồng thời, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt và triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu phấn đấu: xây dựng TCT đến năm 2010 trở thành TCT mạnh của Tập đoàn kinh tế VINASHIN (có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, kinh doanh đa ngành nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 50.000 lao động với thu nhập bình quân 400USD/người/tháng; đạt giá trị tổng sản lượng 5.000 tỷ đồng, bảo đảm phát triển bền vững, tăng lợi nhuận, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước), TCT đã và đang tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện nhiều dự án lớn. Đó là: dự án nâng cấp một phần năng lực sản xuất của TCT với tổng mức đầu tư 579 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng TCT giai đoạn 2 bảo đảm cho TCT có khả năng đóng mới tàu trọng tải 150.000 tấn; nâng cấp và hoàn thiện hệ thống sản xuất vật liệu hàn với tổng mức đầu tư là 135,28 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn/năm, sản xuất các loại que hàn, dây hàn tự động và bán tự động, dây hàn lõi thuốc chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế... Thực hiện phương châm “Đi trước đón đầu”, TCT đã đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất-kỹ thuật, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư các dây chuyền thiết bị, máy móc có công nghệ hiện đại phục vụ cho ngành đóng tàu như: máy cắt Plasma CNC, máy cắt tôn điều khiển CNC, máy lốc tôn, máy ép chấn tôn thủy lực, xe nâng tự hành...; ứng dụng phần mềm shipcontruction trong phóng dạng vỏ tàu. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, TCT luôn chú trọng kết hợp phát triển sản xuất, kinh doanh với yêu cầu tăng cường QP-AN phù hợp với đặc thù của TCT trong thời bình và thời chiến; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành có liên quan và cơ quan quân sự địa phương để tổ chức thẩm định dự án, tuân thủ theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN của địa phương. Các công ty thành viên cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các đơn vị quân đội, công an chăm lo xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) ngày càng vững chắc trên địa bàn, nhất là trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện và vững mạnh về QP-AN.

Đi đôi với đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, TCT còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhằm tạo sự đồng bộ cho phát triển và nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thương trường. TCT chăm lo đến công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực từ đội ngũ cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật đến công nhân lao động trực tiếp; đề bạt cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực và trình độ cao vào chức vụ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, phân xưởng; cử các kỹ sư, cử nhân kinh tế tham gia các khóa đào tạo văn bằng 2 hệ đại học tại các học viện, nhà trường trong nước; gửi công nhân kỹ thuật đi học các lớp chuyển giao công nghệ ở các nước công nghiệp phát triển: Ba Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Italia. Đội ngũ công nhân có tay nghề cao không chỉ phục vụ thiết thực cho phát triển của TCT, mà còn là nguồn lực đáng kể phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), nhất là khi có chiến tranh xảy ra.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của TCT đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những năm qua TCT thường xuyên quan tâm thực hiện nhiệm vụ QP-AN và đạt được kết quả quan trọng. Công tác giáo dục QP-AN được triển khai tích cực, tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong TCT. Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) của TCT và các đơn vị thành viên được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Lực lượng tự vệ và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) được xây dựng theo đúng quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ (DQTV) và Pháp lệnh về DBĐV. Trong quá trình xây dựng lực lượng, TCT đã chú trọng cả về tổ chức, biên chế, quy mô, thành phần lực lượng và thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ chính sách đã ban hành. Các phương án, kế hoạch tác chiến-trị an, động viên quốc phòng của TCT thường xuyên được rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn. Chính sách hậu phương quân đội, chính sách xã hội, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo được quan tâm. Năm 2007, TCT đã đóng góp trên 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 5; tài trợ cho Đoàn chiến sĩ Điện Biên thành phố Hải Phòng về thăm chiến trường xưa; hỗ trợ các Trung tâm thương bệnh binh khu vực phía Bắc... Những việc làm thiết thực đó của TCT đã góp phần ổn định KT-XH, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ QS, QP của TCT cũng còn nhiều bất cập và hạn chế. Đó là, nhận thức của một số cán bộ, công nhân viên trong TCT về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay chưa thật đầy đủ, rõ ràng; còn biểu hiện coi trọng kinh tế, xem nhẹ quốc phòng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác QS, QP ở một số công ty thành viên mới được thành lập, sáp nhập chưa được kiện toàn... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác QS, QP, TCT tập trung làm tốt một số nội dung cơ bản  sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục QP-AN, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đảng ủy, Ban Giám đốc TCT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, công ty thành viên phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương, tổ chức tốt việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Quốc phòng, Pháp lệnh DQTV và Pháp lệnh về DBĐV... tới mọi cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, làm cho mọi cán bộ, công nhân viên nhận thức đúng, đầy đủ về yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh nơi các công ty thành viên đứng chân để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ giám đốc, phó giám đốc, bí thư và phó bí các doanh nghiệp, các trưởng phòng, ban của TCT; phấn đấu 100% cán bộ chủ chốt trong các đơn vị thành viên đều được bồi dưỡng kiến thức QP-AN.

Hai là, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế BCHQS các cấp, nâng cao chất lượng lực lượng tự vệ, lực lượng DBĐV đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thời gian tới, TCT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực rà soát, củng cố, kiện toàn BCHQS các cấp, nhất là các công ty thành viên mới được thành lập, bảo đảm đơn vị nào có tổ chức lực lượng tự vệ đều phải có BCHQS. Chuẩn bị tốt mọi mặt về cơ sở vật chất, nhân lực để thành lập tiểu đoàn tự vệ của TCT. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ, lực lượng DBĐV, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, TCT biên chế 1 đại đội tự vệ 150 người, tổ chức 3 trung đội (1 trung đội cơ động và 2 trung đội chiến đấu tại chỗ). Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và quản lý tài sản, bảo đảm an toàn lao động, an toàn phòng cháy, chữa cháy và sẵn chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Các phòng, ban, phân xưởng đều xây dựng các tổ tự quản, tổ an ninh; BCHQS của TCT thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương nơi đứng chân, xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện quân sự cho cán bộ, công nhân viên, đảm bảo đúng, đủ nội dung và thời gian theo quy định; xây dựng các phương án tác chiến trị an, phương án bảo vệ cơ quan, đơn vị, phương án phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn. Phát huy sức mạnh của các tổ chức, các đơn vị trong TCT tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác đăng ký, quản lý lực lượng DBĐV, thống kê số lượng, chất lượng, phương tiện kỹ thuật, lập kế hoạch động viên đúng quy định, bảo đảm sẵn sàng động viên khi có lệnh. Phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi đứng chân, tích cực tham gia xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên địa bàn ngày càng vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Trần Quang Vũ

Tổng giám đốc Tổng công ty

 

Ý kiến bạn đọc (0)