QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:14 (GMT+7)
Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh

Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam là một doanh nghiệp an ninh-quốc phòng, được thành lập ngày 01 tháng 6 năm 1989 theo Nghị định 58/NĐ-HĐBT, ngày 01/6/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Quyết định số 188/ QĐ-QP, ngày 20 tháng 6 năm 1989 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 8 năm 2005, Tổng công ty chuyển từ Quân chủng Phòng không-Không quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Hiện nay, Tổng công ty gồm có: Công ty bay dịch vụ miền Nam (sân bay Vũng Tàu); Công ty bay dịch vụ miền Bắc (sân bay Gia Lâm) và Xí nghiệp Hải Âu (đóng tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mức tăng trưởng bình quân đạt 8-10%/ năm, tỷ suất lợi nhuận/ doanh thu đạt khá. Năm 2006, doanh thu đạt 720.425 triệu đồng, lợi nhuận đạt 157.209 triệu đồng, nộp ngân sách 68.445 triệu đồng. Ngoài nhiệm vụ sản xuất- kinh doanh,Tổng công ty còn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN), cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lụt; diễn tập, trinh sát, cảnh giới... và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.  Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đạt hiệu quả kinh tế cao trong khối các doanh nghiệp của toàn quân và là một trong ba hãng hàng không có thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và khu vực. Nhiều năm liên tục gần đây, Tổng công ty đạt tiêu chuẩn Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, Tổng công ty tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được giao với các giải pháp cơ bản sau:
1. Tập trung đầu tư, đổi mới phương tiện máy bay, trang thiết bị kỹ thuật và  công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại và đồng  bộ; tạo bước đột phá mới về phát triển dịch vụ bay trong nước và quốc tế. Với đặc thù là một đơn vị kinh doanh dịch vụ bay phục vụ công tác thăm dò, khai thác dầu khí trên biển và phục vụ bay cho Chương trình MIA, bay khảo sát địa hình, bay du lịch, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống bão lụt và bay thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt khác... đặt ra cho Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam phải "đi tắt, đón đầu" thực hiện đổi mới phương tiện bay và trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ để đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nắm bắt xu thế phát triển đó, Tổng công ty đã và đang tích cực huy động mọi nguồn vốn, tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực, tự đầu tư  hàng trăm tỷ đồng để mua sắm máy bay trực thăng đời mới hiện đại như: MI-172, Super- Puma L2, EC-155... và các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như: các thiết bị dẫn đường, định vị vệ tinh, đài dẫn đường, hệ thống chiếu sáng đường băng... Tổng công ty còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới đường băng, sân đỗ, nhà ga, bến bãi, xưởng sửa chữa... để đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ sản xuất-kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS-QP), bảo vệ Tổ quốc. Đi đôi với tăng cường mua sắm máy bay và trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ mới, công tác bảo đảm an toàn bay luôn được Tổng công ty đặt lên hàng đầu, với phương châm "tất cả cho những chuyến bay an toàn, năng suất và hiệu quả ", lấy an toàn bay là điều kiện sống còn, là yếu tố quan trọng, trực tiếp quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Để công tác bảo đảm an toàn bay được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực, Tổng công ty đã thường xuyên giáo dục, quán triệt làm cho mọi người trong đơn vị hiểu rõ và tự giác chấp hành đúng các quy trình, quy tắc, chế độ bảo đảm an toàn bay và coi đó là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng. Nhờ đó, công tác an toàn bay luôn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Từ năm 2002 đến nay, Tổng công ty đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hàng chục nghìn chuyến bay, nhất là các chuyến bay đặc biệt, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng khen ngợi; được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng, tín nhiệm. Từ thực tiễn hoạt động của Tổng công ty những năm qua cho thấy, chủ trương tăng cường đầu tư, đổi mới đội máy bay hiện đại và các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và đạt hiệu quả thiết thực, không chỉ đem lại hiệu quả  kinh tế cao mà còn tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để Tổng công ty đẩy mạnh phát triển dịch vụ bay ở trong nước và quốc tế;  đồng thời, góp phần quan trọng củng cố và nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, QP-AN của đất nước.
2. Chăm lo xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, phi công, thợ máy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có số lượng đủ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Là một đơn vị kỹ thuật hàng không hiện đại, loại hình kinh doanh bay dịch vụ của Tổng công ty có tính đặc thù cao, phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước, nhất là ở những vùng núi hiểm trở và những vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là về bảo đảm an toàn bay và bảo vệ an ninh quốc gia, như bay phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí ngoài biển khơi (có nơi cách đất liền 400 km); hoặc bay cho Chương trình MIA. Đặc biệt, mỗi khi bay, tổ bay có thể phải độc lập xử lý những tình huống liên quan đến bảo đảm QP-AN của địa phương, đất nước... Điều đó, đòi hỏi tổ bay phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tay nghề cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm và cảnh giác cao trước mọi âm mưu phá hoại của thế lực thù địch... Trước yêu cầu đó, Tổng công ty tích cực triển khai xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý, phi công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có số lượng, chất lượng đáp ứng mọi yêu cầu về bảo đảm dịch vụ bay và thực hiện các nhiệm vụ QP-AN trước yêu cầu mới; tích cực đào tạo, chuyển loại cho đội ngũ phi công quân sự sang  bay dịch vụ thương mại để có đủ nguồn phi công kế cận. Hằng năm, Tổng công ty đều có kế hoạch tuyển chọn phi công và cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có triển vọng gửi đi đào tạo cơ bản, chuyên sâu ở các trường trong nước và nước ngoài;  kết hợp giữa đào tạo cơ bản, chuyên sâu với đào tạo, huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ được giao; giữa tăng cường giáo dục chính trị-tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, pháp luật... Đến nay, Tổng công ty đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về dịch vụ bay của đối tác, khách hàng trong nước và nước ngoài. Riêng đội ngũ phi công được đào tạo rất cơ bản, chuyên sâu, sử dụng thành thạo nhiều loại máy bay trực thăng hiện đại của các nước tiên tiến, thích ứng được với môi trường cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều phi công có trên 5.000 giờ bay an toàn và được cấp bằng tiêu chuẩn quốc tế, có thể độc lập tác nghiệp trong điều kiện  khó khăn, phức tạp và trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Từ năm 2000 đến nay, Tổng công ty đã thực hiện các dịch vụ bay ở nước ngoài, hằng năm thu về nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Đây là thành công lớn của Tổng công ty, đánh dấu bước phát triển mới của dịch vụ bay Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thông qua đây, đội ngũ cán bộ chỉ huy, phi công, thợ máy và nhân viên kỹ thuật được rèn luyện, học tập, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị. Với nhận thức, mỗi chuyến bay của Tổng công ty không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế, mà còn thực hiện nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc theo chức trách, quyền hạn được giao, các tổ bay của Tổng công ty đã phát hiện một số vụ tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển nước ta và thông báo  kịp thời  cho cơ quan chức năng xử lý.
3. Kết hợp đẩy mạnh phát triển sản xuất- kinh doanh với tăng cường tiềm lực, sức mạnh QP-AN trên từng  địa bàn, địa phương nơi đơn vị đóng quân. Để  thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố tiềm lực QP-AN trong tình hình mới,Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam tập trung xây dựng, phát triển trở thành doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng mạnh. Phấn đấu giữ vững và làm chủ thị trường bay dịch vụ trong nước (thị trường truyền thống), không để các đối tác nước ngoài dễ dàng xâm nhập, chia sẻ thị phần. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, Tổng công ty tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thực hiện đa dạng hoá các ngành nghề, đầu tư phát triển những ngành, nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh như: bay phục vụ nền kinh tế quốc dân (dầu khí, du lịch, chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất...); bay dịch vụ MIA, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn; dịch vụ kỹ thuật thương mại cho máy bay trong và ngoài nước (sửa chữa, bảo trì máy bay); cho thuê kho bãi, cung ứng kỹ thuật cho các đối tác trong và ngoài nước; huấn luyện nâng cao và chuyển loại phi công, thợ máy, nhân viên cho đối tác trong và ngoài nước; xuất nhập khẩu dịch vụ bay; xuất nhập khẩu, cung ứng các trang thiết bị kỹ thuật, vật tư, khí tài, xăng dầu và các sản phẩm dầu khí; mở rộng dịch vụ văn phòng, nhà khách, tài chính, ngân hàng...
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, Tổng công ty luôn quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QS,QP,AN được giao. Thường xuyên quán triệt sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác QP-AN. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ và chiến sỹ trong toàn đơn vị nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ và những yếu tố tác động đến công tác QP-AN, từ đó đề cao trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ QS, QP được giao. Duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, không để bị động, bất ngờ, kể cả khi có tình huống xấu xảy ra. Tập trung làm chuyển biến mạnh tình hình chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện cả về nội dung, chương trình và tổ chức phương pháp. Thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đóng quân thực hiện tốt công tác trị an; tích cực rà soát, bổ sung phương án tác chiến bảo vệ đơn vị, bảo vệ địa phương; phòng chống có hiệu quả âm mưu "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (quận) vững chắc và tham gia xây dựng địa bàn "an toàn vững mạnh", tạo thế và lực mới cho Tổng công ty thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Đại tá  Nguyễn Văn Mùi
Bí thư Đảng ủy - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty
 
Ý kiến bạn đọc (0)