QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:28 (GMT+7)
Toàn quân phấn đấu tổ chức thực hiện tốt chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam

L.T.S - Toàn quân đang tích cực triển khai việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam". Tạp chí Quốc phòng toàn dân đăng loạt bài xung quanh vấn đề này. Mở đầu là bài của đồng chí Thượng tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị-lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước XHCN và của nhân dân; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 20/7/2005 Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết 51/NQ-TW về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) đã ra Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTW lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện. Nghị quyết của ĐUQSTƯ đã khẳng định: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51 về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên là một chủ trương lớn có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nghị quyết được ban hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 27/NQ của Bộ Chính trị (khóa V), được Đại hội V, VI, VII Đảng bộ Quân đội thống nhất đề nghị Bộ Chính trị quyết định thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên và được chuẩn bị nghiêm túc, chặt chẽ cả về tư tưởng, tổ chức, nên đã tạo được sự thống nhất cao về nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong toàn quân. Mặt khác, từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, trong các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức cơ quan chính trị trong QĐND Việt Nam đều xác định phó chỉ huy trưởng về chính trị là người chủ trì về công tác Đảng, công tác chính trị và hầu hết được tổ chức Đảng các cấp tín nhiệm bầu làm Bí thư, cùng với việc thực hiện xếp hai cán bộ chính trị cấp đại đội, tiểu đoàn đủ quân, nên nhìn chung đội ngũ cán bộ chính trị trong toàn quân đã có sự trưởng thành, tích lũy được kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên.
Tuy nhiên, phải thấy rằng so với yêu cầu về tổ chức và nhiệm vụ sắp tới, đội ngũ cán bộ chính trị hiện nay ở các cấp còn thiếu, nguồn kế cận, kế tiếp mỏng. Tuổi đời cán bộ chính trị cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương so với chức vụ còn cao. Đa số cán bộ chính trị cấp sư đoàn và tương đương trở xuống chưa trải qua thời kỳ thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên. Năng lực của một số cán bộ phó chỉ huy về chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới. Một số ít cán bộ do nhiều nguyên nhân nên nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên. Mặt khác, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị là quá trình tiếp tục làm chuyển biến nhận thức, nền nếp, chế độ, nội dung và phương pháp công tác, đó là những khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Từ tình hình trên, để triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, ĐUQSTƯ yêu cầu các cấp ủy trong toàn quân trước hết phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân để quán triệt, học tập Nghị quyết của BCT, Nghị quyết của ĐUQSTƯ, tạo sự nhất trí cao trong Đảng bộ và đơn vị với nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên. Đồng thời phải có kế hoạch toàn diện cả về tư tưởng, tổ chức và chính sách trong tổ chức thực hiện với phương châm: Tích cực, chủ động, đồng bộ, vững chắc, có quy trình, bước đi phù hợp. Từng bước tạo sự phát triển mới về chất lượng chính trị của quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của người chỉ huy, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị; tránh mọi biểu hiện nóng vội, chủ quan, đơn giản, phiến diện một chiều.
Phải lựa chọn cho được những đồng chí đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị; có tính Đảng, tính nguyên tắc cao, thực sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ và đơn vị; có đủ điều kiện và tín nhiệm làm bí thư, cấp ủy để bổ nhiệm làm chính ủy, chính trị viên.
Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định người chỉ huy, người chính ủy, chính trị viên được Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho những quyền hạn trong phạm vi chức trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp ủy và người chỉ huy, cơ quan chính trị cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động của đơn vị theo phạm vi chức trách, nhiệm vụ. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phải phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp.
Người chỉ huy có trách nhiệm chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động quân sự của đơn vị. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, người chỉ huy phải báo cáo với cấp ủy cấp mình về nhiệm vụ được cấp trên giao, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo để cấp ủy thảo luận, quyết định. Khi có tình huống khẩn trương, người chỉ huy phải chủ động, quyết đoán, xử lý kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ, sau đó phải kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, người chỉ huy cấp trên và cấp mình.
Chính ủy, chính trị viên là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung công tác Đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị.
Quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy là quan hệ phối hợp công tác. Chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy phải thường xuyên chủ động quan hệ chặt chẽ với nhau trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, tin cậy, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ; cùng chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phải kịp thời báo cáo, trao đổi cho nhau biết các nghị quyết, chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên giao, thống nhất đánh giá tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, báo cáo cấp ủy, hoặc ban thường vụ cấp ủy quyết đinh; xây dựng kế hoạch, phân cấp tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện.
Những nội dung và các mối quan hệ trên thực hiện tốt hay chưa tốt, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nhận thức, ý thức tập thể, trách nhiệm, kiến thức, kinh nghiệm, năng lực tổ chức, phương pháp, tác phong công tác...Điều quan trọng là người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải có nhận thức đúng đắn về tập thể và có ý thức tập thể cao. ý thức tập thể cao đó là tính đảng của người đảng viên, nhất là đối với đảng viên là người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên. Không nhận rõ vai trò và sức mạnh to lớn của tập thể, không tôn trọng sự lãnh đạo tập thể của tổ chức Đảng và không lấy đó làm cơ sở để phát huy tính năng động, sáng tạo của mình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, thì sẽ là nguồn gốc dẫn đến những sai lầm trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là hạt nhân, trung tâm đoàn kết khi bản thân có ý thức, có tính đảng và tính nguyên tắc cao. Trong hoạt động thực tiễn, chính ủy, chính trị viên phải luôn nắm chắc mọi chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên và nghị quyết của cấp ủy cấp mình; thực sự dân chủ bàn bạc, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của tập thể, kể cả những ý kiến trái với ý kiến của mình; biết khai thác, phát huy và tập trung được trí tuệ của tập thể, làm cho mọi quyết định được thông qua đều thực sự là sản phẩm của trí tuệ tập thể; đồng thời phải biết phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của bản thân, có phương pháp làm việc khoa học; là tấm gương sáng, mẫu mực trong đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, trong chấp hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và luôn nêu cao ý thức tập thể. Nếu tách mình ra ngoài tập thể, tự đặt mình cao hơn tập thể, coi thường tập thể hoặc ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể, sẽ dẫn đến thụ động hoặc quan liêu, độc đoán, giáo điều, bảo thủ... không hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao.
Cũng như chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ, chức trách khi đặt toàn bộ hoạt động của mình dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và của cấp ủy cấp mình; phải phục tùng và chấp hành vô điều kiện sự lãnh đạo của cấp trên và cấp ủy cấp mình; phải tôn trọng, gắn bó và dựa và tập thể cấp ủy để tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức trách. Mọi chỉ thị, mệnh lệnh, chương trình kế hoạch hoạt động của người chỉ huy đều phải xuất phát và dựa chắc vào các quyết định của tập thể đảng ủy, đó là tính Đảng, tính nguyên tắc cao của người chỉ huy. Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, người chỉ huy phải luôn chủ động nghiên cứu phát hiện, đề xuất kịp thời với đảng ủy những vấn đề mới nảy sinh để bổ sung và góp phần không ngừng hoàn chỉnh chủ trương lãnh đạo của Đảng cho sát với sự phát triển của tình hình nhiệm vụ đơn vị. Mặt khác, sức mạnh và hiệu lực của tổ chức chỉ huy sẽ được nhân lên khi người chỉ huy biết khai thác sức mạnh của tập thể các cơ quan giúp việc, các cấp phó và chỉ huy cấp dưới; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của họ, tạo mọi điều kiện để phát huy tính chủ động, sáng tạo của họ trong quá trình chấp hành nhiệm vụ. Nhận thức và hành động ngược lại sẽ dẫn người chỉ huy tới chỗ quan liêu, gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán, đó chính là cơ sở dẫn tới những quyết định sai lầm, làm suy yếu sự đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy.
Quá trình tổ chức thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, cũng đòi hỏi người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cần tiếp tục xây dựng, rèn luyện tác phong nói đi đôi với làm. Đây là nét đặc trưng cơ bản của phong cách làm việc Lê-nin-nít. Lời nói đi đôi với việc làm là một biểu hiện cụ thể của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa việc định ra chủ trương và tổ chức thực hiện, giữa xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Có thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa chủ trương và tổ chức thực hiện, giữa nói và làm, mới đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên và nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy cấp mình. Có thể nói, lời nói đi đôi với việc làm là những mệnh lệnh không lời đầy sức thuyết phục đối với quần chúng và cán bộ thuộc quyền, nó góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của quần chúng đối với người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên. Xây dựng tác phong nói đi đôi với làm là phải đi sâu đi sát cơ sở, sát thực tế cuộc sống của bộ đội. Sau khi có chủ trương, kế hoạch phải tích cực kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn việc thực hiện cho đúng. Phải bằng hành động thực tế, nêu gương sáng trong chấp hành đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nếp sống, lối sống của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên để mọi cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị noi theo.
Quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, các đơn vị trong toàn quân phải tiếp tục tổ chức quán triệt và tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình những nội dung cơ bản về thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, tập trung lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch của Thường vụ ĐUQSTƯ qua từng thời gian, phấn đấu đến ngày 19 tháng 5 năm 2006 toàn quân thống nhất thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam.
 
Thượng tướng Lê Văn Dũng
Bí thư Trung ương Đảng
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
 

Ý kiến bạn đọc (0)