QPTD -Thứ Tư, 10/08/2011, 23:03 (GMT+7)
Toàn quân phấn đấu thực hiện tốt chủ trương xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội

Trong năm qua, cùng với nhân dân cả nước, quân đội đã thực hiện tốt phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", với nhiều hình thức phong phú và thiết thực. Trong 10 năm trở lại đây, toàn quân đã đóng góp trên 300 tỷ đồng cho hoạt động này. Từ năm 1975 đến nay, các đơn vị đã tiến hành tìm kiếm, quy tập hơn 580.000 hài cốt liệt sĩ; nhận phụng dưỡng 1.402 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhận đỡ đầu hơn 1.000 con liệt sĩ, con thương binh nặng; bố trí việc làm cho hơn 7.000 con thương binh, vợ và em liệt sĩ; tặng 24.000 sổ tiết kiệm và phương tiện sản xuất với giá trị hơn 30 tỷ đồng tới các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn... Trước những tác động phức tạp của điều kiện kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới, những việc làm trên càng thể hiện sâu sắc ý thức chính trị, tình cảm cách mạng và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường tình cảm đồng đội, mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân; tạo ra sự đảm bảo quan trọng về chính trị, xã hội để củng cố, tăng cường sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội là một trong những hình thức "Đền ơn, đáp nghĩa" rất thiết thực đã được toàn quân thực hiện trong những năm qua. Tính từ 1994 đến 2007, các đơn vị đã tham gia xây mới, sửa chữa hàng vạn Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2007), Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) và Bộ Quốc phòng (BQP) đã phát động Chương trình xây dựng 1.000 Nhà tình nghĩa, trong 2 năm 2006 và 2007, Chương trình đó đã được toàn quân hưởng ứng tích cực và hoàn thành vượt mức kế hoạch với 1.743 nhà. Việc làm đó đã góp phần thiết thực giải quyết khó khăn, ổn định đời sống cho các đối tượng chính sách cần tập trung quan tâm. Tuy nhiên, dù đã có sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội, song trên thực tế, điều kiện nơi ở của một bộ phận các gia đình thương binh, liệt sĩ, quân nhân và người có công với cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo... Hiện nay, cả nước còn trên 500.000 hộ khó khăn về nhà ở, nhiều người chưa có nhà, hoặc phải ở nhà tạm bợ, dột nát... Trong số đó có các hộ thuộc diện gia đình chính sách, gia đình quân nhân.

Nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", ngày 23 tháng 6 năm 2008, ĐUQSTƯ đã ban hành Chỉ thị số 244/CT-ĐUQSTƯ "Về lãnh đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong thời gian tới (2008 - 2010)". Cùng với việc: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chính sách hậu phương quân đội và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng trong tình hình mới, Chỉ thị đã nhấn mạnh: "Thực hiện có hiệu quả chương trình toàn quân xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội trong 2 năm 2008 và 2009".

Ngay sau khi có Chỉ thị 244/CT-ĐUQSTƯ, Tổng cục Chính trị đã tổ chức quán triệt, hướng dẫn tổ chức thực hiện tới tất cả các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị trực thuộc đã thành lập Ban Tổ chức vận động thực hiện Chương trình xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội. Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong toàn quân đã chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình chặt chẽ, đúng với mục đích, yêu cầu đã xác định, phù hợp với thực tế tình hình địa bàn công tác và tình hình đơn vị. Nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, trách nhiệm làm cơ sở cho thực hiện, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các đơn vị đã chú trọng quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu; phổ biến nội dung, phương pháp tiến hành Chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội tới mọi cán bộ, chiến sĩ; tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng, lực lượng trực tiếp tổ chức thực hiện. Trong tổ chức thực hiện, các đơn vị đã tiến hành một cách đồng bộ, chặt chẽ; thường xuyên phối hợp, trao đổi với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân địa phương để cùng xác định các đối tượng được trao tặng Nhà tình nghĩa. Qua thực tế tổ chức thực hiện cho thấy: chủ trương xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội đã tạo được sự đồng thuận cao và sự hưởng ứng tự giác, tích cực của hầu hết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Ở nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền và nhân dân, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp công, góp sức cùng quân đội thực hiện tốt chủ trương này.

Việc xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội hiện nay có sự phát triển mới về phương thức tổ chức thực hiện. Đây là chủ trương được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quân. Bên cạnh sự hỗ trợ về kinh phí của Bộ Quốc phòng, nhiều đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đóng góp từ tiền lương, ngày công lao động, hỗ trợ thêm nguyên vật liệu xây dựng; thêm vào đó là sự ủng hộ về kinh phí của các doanh nghiệp quân đội, kinh phí đóng góp của chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương và từ khoản tiền tiết kiệm của các gia đình chính sách. Tính đến hết tháng 5 năm 2009, đã có 67 doanh nghiệp quân đội tham gia ủng hộ với số tiền hơn 21 tỷ đồng cho Chương trình này; tiêu biểu là: Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, Công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty Thái Sơn (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Đông Bắc... Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã tham gia hàng vạn ngày công, đóng góp nhiều tỷ đồng vào thực hiện Chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội.

Chương trình xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội được xác định trong 2 năm 2008 và 2009, với chỉ tiêu: 1.000 Nhà tình nghĩa, 500 Nhà đồng đội. Quá trình tổ chức tới nay cho thấy, nhìn chung tiến độ xây dựng trong toàn quân là tích cực, khẩn trương, đạt chất lượng và hiệu quả cao. Tính đến 31 tháng 5 năm 2009, các đơn vị trong toàn quân đã bàn giao cho các đối tượng chính sách 1.577 nhà, trong đó có 976 Nhà tình nghĩa, 601 Nhà đồng đội. Theo kế hoạch đang được triển khai, trong 6 tháng cuối năm 2009, các đơn vị dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao trên 1.000 nhà cho các đối tượng chính sách. Nhiều đơn vị đã phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao trước thời gian quy định, đảm bảo về chất lượng. Tiêu biểu là các quân khu: 9, 5, 7, 4, 3, 1; các tổng cục: Chính trị, Hậu cần, Tổng cục 2, Bộ Tổng tham mưu; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ đội Biên phòng; các binh chủng: Công binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Hóa học; các binh đoàn: 16, 15; Binh đoàn Cửu Long, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Viện Khoa học Kỹ thuật Công nghệ Quân sự, Trường sĩ quan Lục quân 1, Bệnh viện Y học cổ truyền, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty Bay dịch vụ Việt Nam... Tổng kinh phí do Bộ Quốc phòng cấp và các đơn vị vận động được sử dụng để xây dựng số nhà đó sẽ là 86,811 tỷ đồng. Do được tính toán, trao đổi kỹ với các đối tượng chính sách; đồng thời, trong quá trình thi công, việc quản lý, sử dụng nguyên vật liệu hợp lý, chặt chẽ, cộng với sự đóng góp ngày công tham gia xây dựng của cán bộ, chiến sĩ, nên hầu hết số Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội do các đơn vị quân đội xây dựng đã có chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao so với hạch toán xây dựng. Các đối tượng chính sách được tặng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội đều phấn khởi, bày tỏ sự cảm động, tình cảm biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Điểm nổi bật là, tất cả số Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội được xây dựng vừa qua đã được xét duyệt chặt chẽ, trao tặng đúng tới các đối tượng chính sách theo tiêu chí đã xác định, giúp cho các gia đình có công với cách mạng, các gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng trong các đơn vị quân đội, tập trung vào các đối tượng là thương binh, bệnh binh, các đối tượng hiện đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các kho, trạm lẻ, các đối tượng nữ lớn tuổi độc thân... khắc phục tình trạng phải thuê nhà, ở nhà tạm bợ vì chưa có khả năng tự làm nhà. Qua đó, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện để họ ngày càng ổn định về cuộc sống, yên tâm gắn bó với đơn vị.

Thực hiện tốt Chủ trương xây Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội còn tạo ra hiệu quả chính trị-xã hội to lớn. Quá trình tổ chức thực hiện mang tính xã hội hóa cao đã trở thành một giải pháp động viên, giáo dục quan trọng về đạo lý "uống nước nhớ nguồn"; ý thức, trách nhiệm và tình cảm đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho cách mạng, cho quân đội trong cán bộ, chiến sĩ, các doanh nghiệp quân đội cũng như trong cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương. Việc làm đó đồng thời đã góp phần tăng cường quan hệ gắn bó, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, tăng cường các yếu tố chính trị, tinh thần đối với yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội từ 2008 đến nay, bên cạnh kết quả tích cực là chủ yếu, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, bất cập, cần có sự quan tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cấp ủy, chỉ huy, các cơ quan chức năng trong quân đội cũng như các địa phương, để giải quyết, khắc phục. Đó là việc tổ chức vận động đóng góp kinh phí để thực hiện chủ trương này ở một số doanh nghiệp, đơn vị tiến hành chưa tích cực. Do các nguyên nhân khác nhau, nhất là do thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện, nên một số ít đơn vị, học viện, nhà trường khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch được giao. Quá trình tổ chức thực hiện cũng đã nảy sinh một số vấn đề cần được điều chỉnh về chỉ tiêu giao nhà, chỉ tiêu phân bổ kinh phí xây dựng cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu cụ thể của từng địa bàn, đơn vị. Một số trường hợp thuộc diện đối tượng được cấp Nhà tình nghĩa ở các khu vực đô thị hiện chưa có đất để xây dựng, nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ có hiệu quả...

Thực tế việc thực hiện Chủ trương xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội trong quân đội vừa qua đã khẳng định một số vấn đề có ý nghĩa thiết thực, có thể vận dụng trong thực hiện Chủ trương này trong thời gian tiếp theo:

- Trước hết, trên cơ sở có chủ trương đúng, cần phải thường xuyên phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về Chủ trương này; đồng thời, phải có kế hoạch chu đáo về nguồn kinh phí bảo đảm, lực lượng tổ chức thực hiện và thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công, xây dựng.

- Chú trọng phương thức tổ chức thực hiện, bảo đảm cho chủ trương có tính xã hội hóa cao, có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu rộng. Tăng cường mối quan hệ gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, các doanh nghiệp, nhằm động viên cao nhất tình cảm, trách nhiệm, nguồn lực đảm bảo để việc thực hiện Chương trình có hiệu quả tốt, có giá trị thiết thực.

- Cùng với phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, cần ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện đơn giản trong nhận thức trách nhiệm, thiếu quan tâm đầy đủ trong tổ chức thực hiện, dẫn tới giao phó cho cơ quan, lực lượng chức năng, hành chính hóa, sự vụ hóa chủ trương xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội.

Những vấn đề cơ bản trên đồng thời cũng là những kinh nghiệm thiết thực cần được cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chức năng các cấp trong toàn quân nghiên cứu, vận dụng để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện Chủ trương xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội trong thời gian tới.

Thượng tướng BÙI VĂN HUẤN

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 

Ý kiến bạn đọc (0)