QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:35 (GMT+7)
Toàn cầu hóa kinh tế đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Xét về bản chất, toàn cầu hóa kinh tế (TCHKT) được coi là giai đoạn cao của quá trình phát triển lực lượng sản xuất, của phân công lao động, của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và của kinh tế thị trường trên phạm vi toàn thế giới. Vì vậy, TCHKT đang lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia và trở thành xu thế tất yếu của đời sống kinh tế thế giới, trực tiếp tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh. TCHKT đã mở cửa cho thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước có thể tham gia thương mại quốc tế, thu hút đầu tư và các nguồn lực, nhất là các nguồn lực khoa học - công nghệ bên ngoài, phát huy các nguồn lực bên trong nhằm phát triển kinh tế theo tiềm năng, thế mạnh của mình. TCHKT còn góp phần tăng cường và củng cố các thiết chế quốc tế, tạo sự đan xen các lợi ích, từ đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế. Đó là những mặt tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia tận dụng để kiếm lợi trên nhiều mặt. Các nước chậm tiến, chậm tham gia vào quá trình TCHKT phải chịu sự ràng buộc, chi phối của các qui tắc kinh tế do các nước tiên tiến, các nước hội nhập trước đề ra. Thực tế, họ đã phải chịu thua thiệt và ít nhiều đã trả giá cho sự hội nhập. Không ít nước chậm phát triển, từ sự lệ thuộc vào kinh tế đã bị ảnh hưởng về chính trị, xã hội, suy yếu về quốc phòng, an ninh, mất độc lập, tự chủ. Từ đó cho thấy, tác động của hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần nghiên cứu để giữ vững độc lập dân tộc, hòa bình và ổn định của đất nước.

Đối với Việt Nam, để đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tất yếu phải tham gia và chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Tham gia hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta có điều kiện thuận lợi và cơ hội cho việc khai thông, mở rộng giao lưu kinh tế quốc tế, một mặt tạo cơ hội cho ta tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài, thu hút vốn, đầu tư, công nghệ..., thúc đẩy lực lượng sản xuất trong nước phát triển, góp phần tạo cơ sở vững chắc cho tiến trình CNH, HĐH đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Mặt khác, tham gia hội nhập kinh tế chúng ta còn thực hiện được sự đan cài lợi ích, tạo thế và lực mới trong quan hệ quốc tế, khắc phục được tình trạng phân biệt đối xử, tăng cường củng cố các thiết chế quốc tế cũng như có thể sử dụng các thiết chế đó để giải quyết các tranh chấp quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích của mình vừa tăng thêm độ tin cậy cho các đối tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, là một nước có nền kinh tế chậm phát triển, chắc chắn chúng ta sẽ phải chịu sự ràng buộc, áp đặt của các quy tắc kinh tế, ảnh hưởng bởi những “chấn động” về tài chính, tiền tệ, môi trường,... của các nước đi trước và các nước tiên tiến. Trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, mặt trái của nó sẽ tác động không nhỏ tới tư duy, nhận thức và quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Chưa kể, lợi dụng sự hội nhập, các thế lực thù địch cũng ra sức thâm nhập, chống phá cách mạng nước ta với nhiều hình thức và âm mưu thâm độc. Ví dụ, dưới "áo khoác" của các nhà đầu tư, du lịch, các tổ chức phi chính phủ, chúng móc nối, chỉ đạo các thế lực phản động, bất mãn trong nước đẩy mạnh "diễn biến hòa bình", chống phá ta trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội; kích động gây rối, bạo loạn; gieo rắc lối sống thực dụng chủ nghĩa... nhằm tha hóa thế hệ trẻ, "phi chính trị hóa" quân đội, từng bước xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ CNXH trên đất nước ta. Do đó, tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế thế giới thực sự là một cuộc đấu tranh gay gắt không chỉ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mà cả chính trị, quốc phòng, an ninh. Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập, hợp tác quốc tế của Đảng, chúng ta vừa phải chủ động hội nhập kinh tế thế giới phù hợp với thông lệ quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vừa phải đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh quân sự, nhằm ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược dưới bất cứ hình thức nào, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
Do đó nhiều vấn đề cần quan tâm về quân sự, quốc phòng, an ninh, nâng cao sức mạnh quân sự thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. ở đây xin đề cập đến một số nội dung quan trọng.
Một là, cần quán triệt sâu sắc quan điểm "độc lập tự chủ" trong hoạch định đường lối và các nhiệm vụ quân sự khi chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Ngày nay bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã có những bước tiến nhảy vọt, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quân sự, làm thay đổi tư duy hoạch định đường lối, tổ chức biên chế và phương pháp tác chiến của lực lượng vũ trang... Do vậy, quán triệt sâu sắc quan điểm “độc lập tự chủ” khi hoạch định đường lối và các nhiệm vụ trong lĩnh vực quân sự phải bảo đảm cho nước ta vừa hội nhập để phát triển, vừa giữ vững được độc lập dân tộc, định hướng XHCN. Để làm được điều đó, đường lối quân sự của chúng ta vừa phải phản ánh đường lối đối nội của Đảng, vừa tuân thủ các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao. Đó là sự “tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình; làm thất bại mọi âm mưu, hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền”. Nhiệm vụ quốc phòng ngày nay không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, mà còn gắn chặt với bảo vệ an ninh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, khoa học-công nghệ, văn hóa, xã hội...
Đường lối quân sự phải thể hiện được quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là ngăn ngừa không để xảy ra chiến tranh, bảo vệ môi trường hòa bình ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đường lối và các nhiệm vụ quân sự phải dẫn dắt cho mọi hoạt động của toàn dân, toàn quân làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn tạo cớ để can thiệp vũ trang của các thế lực thù địch, đồng thời phát huy nội lực, không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Cần quán triệt sâu sắc bài học có tính nguyên tắc là phải phát huy ưu thế tuyệt đối về chính trị tinh thần của quân đội cách mạng. Phải coi trọng nhiệm vụ xây dựng chính trị, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc. Đồng thời, phải tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc từ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân luôn luôn giữ vai trò nòng cốt. Công tác đối ngoại quân sự cũng phải phục vụ cho mục tiêu nâng cao sức mạnh mọi mặt của đất nước, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.
Hai là, nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự trong điều kiện, hoàn cảnh hội nhập phù hợp với thực tiễn và khả năng của ta. Nghệ thuật quân sự là lý luận và thực tiễn chuẩn bị cũng như thực hành đấu tranh vũ trang. Toàn cầu hóa có tác động mạnh đến việc hoạch định đường lối, nhiệm vụ quân sự nên nghiên cứu và phát triển nghệ thuật quân sự có tác động của sự hội nhập kinh tế thế giới là một tất yếu khách quan. Vấn đề quan trọng là quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, cần nắm thời cơ thuận lợi, tích cực, chủ động tạo được thời cơ có lợi trong các loại hình tác chiến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đã đề ra. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong mối quan hệ chặt chẽ “lực – thế – thời - mưu”. Vận dụng linh hoạt thế mạnh của mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí, mọi hình thức và mọi quy mô tác chiến để chủ động tiến công tiêu diệt địch, lấy đó chỉ đạo quá trình “tạo lực”, “lập thế”, “tranh thời”, thực hiện nghệ thuật “lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”.
Nghệ thuật quân sự mới phải được xây dựng trên nền tảng kế thừa và phát triển những giá trị của nghệ thuật quân sự đạt đến đỉnh cao của ta trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược vừa qua, vận dụng sáng tạo trong chiến tranh hiện đại. Một mặt cần nghiên cứu tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, chọn đúng hình thức tác chiến; mặt khác, phải xác định đúng, đánh trúng điểm yếu của kẻ thù, khi mà phương thức tác chiến chủ đạo đang dựa vào kỹ thuật và phương tiện hiện đại, không cho đối phương phát huy được sở trường của chúng mà phải đánh theo cách đánh của ta. Vì vậy, cần chú trọng xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vững mạnh. Xây dựng thế trận phòng không nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc là nghệ thuật phát huy sức mạnh của ba thứ quân để tổ chức đánh địch khắp nơi, chủ động đánh địch trong mọi tình huống, bằng mọi loại vũ khí, trang bị hiện có.
Ba là, tận dụng thời cơ hội nhập, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học -  công nghệ, của sự nghiệp đổi mới, từng bước hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng. Phát triển của công nghiệp quốc phòng vừa phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước, vừa là điều kiện cần thiết để nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ phải tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực quốc phòng - an ninh quốc gia, có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, có năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật với tính năng chiến thuật, kỹ thuật và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tạo thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp quốc gia, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vấn đề quan tâm đối với công nghiệp quốc phòng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế là phải kết hợp có hiệu quả giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng để phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp quốc gia, phù hợp với nền kinh tế quốc dân. Xây dựng cơ chế hoạt động, huy động sức mạnh từ nền kinh tế quốc dân, có sự phân công nhiệm vụ và tham gia sản xuất quốc phòng của các ngành kinh tế quốc dân theo thế mạnh và sở trường của mình. Tranh thủ thời cơ hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế phù hợp với luật pháp Nhà nước, qui định của quân đội để tiếp cận nhanh công nghệ mới, thực hiện tốt chủ trương đi trước, đón đầu, không ngừng nâng cao năng lực nội sinh, đồng hóa, cải tiến công nghệ để cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị hiện có, từng bước tự sản xuất các loại vũ khí, trang bị cần thiết từ điều kiện thực tại và từ nền kinh tế của ta. Đồng thời, sớm ban hành chính sách, chế độ quy định cho các cấp, các ngành của Trung ương và địa phương triển khai thực hiện động viên công nghiệp cho phù hợp với cơ chế thị trường và phải được chuẩn bị đồng bộ, tích cực ngay trong thời bình.
 
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Đình Chiến
 

Ý kiến bạn đọc (0)