QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:17 (GMT+7)
Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh và những vấn đề đặt ra

Thừa Thiên-Huế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là một địa bàn xung yếu về quốc phòng-an ninh (QP-AN), giữ vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ của Quân khu 4 và cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang (LLVT) Thừa Thiên-Huế với truyền thống anh hùng, cách mạng “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” đã làm nên những chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, quán triệt sâu sắc và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, nhân dân và các LLVT Thừa Thiên-Huế đang tập trung sức vào nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đồng thời luôn luôn chăm lo củng cố QP-AN, kết hợp chặt chẽ KT-XH với QP-AN, QP-AN với KT-XH và đối ngoại trong điều kiện mở cửa, hội nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược ‘diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trong những năm qua, nền kinh tế của Tỉnh tăng trưởng khá cao, tương đối ổn định và có tính bền vững; tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân trong 5 năm 2001-2005 đạt 9,6%; GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 580 USD. Tốc độ đầu tư tăng nhanh, cơ cấu đầu tư chuyển biến tích cực, tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm. Kết cấu hạ tầng KT-XH có bước phát triển vượt bậc; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đều khắp, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, tạo thế và lực mới góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hội nhập và tăng cường tiềm lực quốc phòng trên địa bàn. Nhiều công trình quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn phát triển KT-XH với thế bố trí quốc phòng được triển khai xây dựng, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như sân bay Phú Bài, bến số 1 cảng Chân Mây, hầm đường bộ Hải Vân, đường Hồ Chí Minh, khu du lịch Lăng Cô, đường phía Tây thành phố Huế, đường Tự Đức-Thủy Dương, cửa ngõ Bắc, Nam qua thành phố Huế, hồ Truồi, Thảo Long, cửa khẩu Hồng Vân-Cu Tai, A Đớt-Tà Vàng; các cầu Chợ Dinh, Gia Hội, Trường Hà, Tuần, Hòa Xuân, khu công nghiệp Phú Bài; công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền, xi măng Long Thọ II... Các tuyến đường giao thông từ tỉnh đến các huyện, đường liên huyện, liên xã, đường tuần tra biên giới... được tập trung đầu tư nâng cấp, đã chấm dứt tình trạng độc đạo, chia cắt giữa các vùng, miền, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm cơ động lực lượng, phương tiện của địa phương và LLVT đối phó kịp thời với các tình huống, cả chống thiên tai, lũ lụt và khi có chiến sự xảy ra.
Thừa Thiên-Huế đã triển khai các dự án định canh, định cư, điều chỉnh bố trí dân cư ở một số địa bàn trên tuyến biên giới, vận động nhân dân xây dựng các làng, bản sát biên giới, vừa để sử dụng hợp lý và hiệu quả lao động, đất đai, phát triển KT-XH miền núi, biên giới, vừa tạo lập thế trận phòng thủ bảo vệ địa phương ngày càng vững chắc ở địa bàn trọng yếu về QP-AN. Tại vùng ven biển cũng có sự điều chỉnh dân cư theo kế hoạch xây dựng các tiểu vùng kinh tế; đó là tiền đề để xây dựng lực lượng và thế trận chiến đấu của quân và dân ở vùng này.
Hệ thống bưu chính-viễn thông có bước phát triển vượt bậc với chất lượng, hiệu quả cao. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, trên 80% thôn, bản, 100% đồn biên phòng có máy điện thoại; đã lắp đặt các tuyến cáp quang quan trọng từ Huế đến huyện miền núi biên giới A Lưới, các huyện ven biển, tuyến cáp quang dọc đường sắt, hệ thống viễn thông VIETTEL đang đi vào hoạt động. Điều đó đã tạo thuận lợi cho việc đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, biên giới để phục vụ phát triển kinh tế, đời sống dân sinh, đồng thời rất tiện lợi cho việc quản lý, nắm tình hình các địa bàn, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Tỉnh cả trong lĩnh vực kinh tế, QP-AN và trong phòng, chống thiên tai, lũ lụt.
Mạng lưới y tế từ tỉnh đến huyện, xã được quan tâm đầu tư củng cố, trong đó 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ. Hệ thống khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế mở rộng, 21 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Huế được đầu tư theo hướng trung tâm y tế chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều địa phương, cơ sở đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu như Chương trình quân dân y kết hợp, Chương trình quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, dịch bệnh nguy hiểm, Chương trình quốc gia về dân số-kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hiến máu nhân đạo... Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Quân y 268, các bệnh xá Công an, Quân sự, Biên phòng, bệnh viện dã chiến của Tỉnh đã ký kết phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm y tế khi có tình huống phức tạp xảy ra.
Giáo dục-đào tạo phát triển cả quy mô và chất lượng. Toàn Tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Hệ thống các trường dạy nghề được đầu tư và mở rộng, phục vụ tốt cho đào tạo nguồn nhân lực và xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm. Đại học Huế là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của miền Trung Việt Nam, có 73 ngành đào tạo đại học, 53 ngành đào tạo thạc sĩ, 28 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để hòa nhập với giáo dục đại học toàn cầu, tiếp tục mở rộng quy mô và cơ cấu ngành, nghề đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, bảo đảm phát triển lâu dài, vững chắc. Các trường trung học phổ thông, trung cấp-dạy nghề, đại học đã thực hiện nghiêm chương trình giáo dục quốc phòng cho các đối tượng theo quy định. Riêng Trung tâm giáo dục quốc phòng-Đại học Huế tuy mới thành lập, nhưng đã khắc phục khó khăn, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho hàng chục nghìn sinh viên đạt hiệu quả, chất lượng tốt.
 Các lĩnh vực khác, như khoa học và công nghệ phát triển, nhiều đề tài được ứng dụng phục vụ phát triển KT-XH và QP-AN; hoạt động văn hóa-thông tin được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế; công tác xóa đói, giảm nghèo được ưu tiên hàng đầu, không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo còn 7% (theo tiêu chí cũ). Tỉnh đã phát động các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tập trung xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo, gia đình có công với cách mạng, nhất là trên địa bàn hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới. Chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thường xuyên được chăm lo; phong trào “đền ơn đáp nghĩa” triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực.
Việc thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật, các cơ quan Nhà nước, trước hết là cơ quan quân sự, công an làm tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện đã đưa lại hiệu quả rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương. Nhờ đó, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận phòng thủ bảo vệ địa phương được tăng cường và củng cố. Lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, công an viên được củng cố, chất lượng chính trị nâng lên, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt xử lý các tình huống ở cơ sở. Mối quan hệ giữa LLVT với các địa phương, cơ sở chặt chẽ, nhất là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh đã vận dụng đúng đắn các quan điểm, đường lối của Đảng, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá ta, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Những thành tựu đạt được của Tỉnh trong thời gian qua đã tạo ra tiền đề vững chắc cho phát triển KT-XH, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm QP-AN. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Thừa Thiên-Huế vẫn còn trong tình trạng kém phát triển. Khoảng cách về phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người so với khu vực và cả nước còn lớn. Các lĩnh vực QP-AN còn bộc lộ một số tồn tại, nhất là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chưa sâu sắc, ý thức cảnh giác chưa cao; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân chưa thật vững chắc; chất lượng chính trị của lực lượng dân quân, tự vệ ở một số nơi còn thấp; tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội chuyển biến chưa đều, chưa mạnh... Những hạn chế, tồn tại đó cũng là những thách thức đòi hỏi Thừa Thiên Huế phải đề ra các giải pháp cụ thể để sớm khắc phục.
Trong những năm tới, Thừa Thiên-Huế thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tầm vóc, vị thế mới. Là tỉnh có vị thế và vai trò động lực trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tuyến kinh tế hành lang Đông-Tây; là một trung tâm thương mại-dịch vụ, giao dịch quốc tế; trung tâm du lịch quốc gia; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Thừa Thiên-Huế đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới về phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nhưng lại là một khó khăn, thách thức đối với việc bảo đảm QP-AN. Vì vậy, vấn đề cấp thiết trước mắt, cũng là cơ bản lâu dài đặt ra là phải quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt việc kết hợp phát triển KT-XH với QP-AN, QP-AN với KT-XH và đối ngoại, phấn đấu đưa Thừa Thiên-Huế trở thành tỉnh giàu về kinh tế, văn hóa-xã hội phát triển, QP-AN vững mạnh. Để thực hiện điều đó, Thừa Thiên-Huế phải phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, khai thác tốt mọi nguồn lực xã hội, quyết tâm tạo bứt phá mạnh mẽ, toàn diện về tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế: dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động, tích cực hội nhập, phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; mở rộng kinh tế đối ngoại, phát huy tốt vai trò của trung tâm thương mại-dịch vụ, giao dịch quốc tế, trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao của vùng. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ. Tạo nhiều việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giảm mạnh và vững chắc hộ nghèo; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Tỉnh tăng bình quân trên 15%; GDP bình quân đầu người đạt trên 950 USD. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trung tâm, là cơ sở, nền tảng, nhân tố quan trọng trực tiếp tạo ra sức mạnh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với nhiệm vụ trên, Thừa Thiên-Huế luôn coi trọng nhiệm vụ củng cố, tăng cường QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ công cuộc đổi mới và những thành quả cách mạng đã đạt được. Thực tế ở Thừa Thiên-Huế đã cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực QP-AN, mà phải bảo vệ an ninh trên tất cả các lĩnh vực chính trị-tư tưởng, kinh tế, văn hóa-xã hội... Do đó, trong các kế hoạch ngắn và dài hạn về phát triển KT-XH, văn hóa, QP-AN, đối ngoại, Tỉnh luôn chú trọng cả hai mặt xây dựng và bảo vệ, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nhất là trong các chương trình, dự án phát triển KT-XH và các công trình cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, nhiệm vụ QP-AN, quân sự địa phương của Thừa Thiên-Huế đặt ra yêu cầu rất cao và nặng nề. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ củng cố, tăng cường QP-AN, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện nhiệm vụ QP-AN và công tác quân sự địa phương phải gắn kết chặt chẽ với công tác đối ngoại, tạo môi trường ổn định, an toàn để thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN, nhất là trong việc thực hiện các chương trình trọng điểm, phát triển các lĩnh vực giao thông-vận tải, thủy lợi, bưu chính-viễn thông. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân nhân, “thế trận lòng dân” ngày càng đi vào chiêu sâu, trên từng địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm. Chú trọng xây dựng LLVT địa phương, nhất là lực lượng dân quân, tự vệ có tổ chức, biên chế, trang bị phù hợp, được huấn luyện chu đáo, chất lượng chính trị và độ tin cậy cao, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở cơ sở.
Từ thực tiễn lãnh đạo và kết quả cũng như những mặt tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường QP-AN ở địa phương, xin đề xuất một số kiến nghị sau:
Công tác qui hoạch vùng chiến lược phải rõ ràng, đặc biệt là qui hoạch các vùng trọng điểm về QP-AN. Kế hoạch xây dựng QP-AN trước mắt cũng như lâu dài đều phải bảo đảm phục vụ thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phân bổ lực lượng sản xuất của Trung ương cho miền Trung nói chung, cho Thừa Thiên-Huế nói riêng, nhất là các cơ sở sản xuất cơ khí, chế tạo máy, sản xuất ô tô... phải mang tính lưỡng dụng để vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng chuyển ngay thành các nhà máy quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quân sự-quốc phòng khi chiến tranh xảy ra. Tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, vì đây chính là hậu phương, là “thế trận lòng dân” của chiến tranh nhân dân.
Trung ương sớm nghiên cứu chiến lược Biển Đông, triển khai xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở dịch vụ-hậu cần ven biển, hải đảo, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế biển và bảo đảm QP-AN; sớm triển khai xây dựng đường vành đai biên giới, hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh, xây dựng các nhánh đường ngang nối với quốc lộ 1A như đường 71, 74... để tạo thế liên hoàn, chống chia cắt giữa các vùng, miền, nhất là vùng núi phía Tây của Tỉnh với vùng đồng bằng.
Bộ Quốc phòng sớm nghiên cứu, xác định mô hình mẫu về khu vực phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của tỉnh, huyện (có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương) để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện và chủ động nguồn ngân sách xây dựng. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ra các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên, nhất là việc bảo đảm ngân sách (địa phương bảo đảm đến đâu? Trung ương hỗ trợ bao nhiêu?...) cho công tác huấn luyện, hoạt động cũng như bảo đảm cơ sở vật chất (quân trang, trụ sở làm việc...) như Pháp lệnh quy định.
 
Hồ Xuân Mãn
Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)