QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:15 (GMT+7)
Tỉnh miền núi Bắc Kạn khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh

Tỉnh Bắc Kạn được tái lập ngày 1-1-1997, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Bắc Thái và sát nhập thêm 2 huyện của tỉnh Cao Bằng; diện tích tự nhiên gần 5 ngàn km2; số dân gần 30 vạn người, với 7 dân tộc, trong đó dân tộc Tày chiếm 55,3%. Cơ cấu hành chính của Tỉnh gồm 7 huyện, 1 thị xã, trong đó có 7 huyện vùng cao và 103/122 xã đặc biệt khó khăn. Là tỉnh vùng cao, miền núi, hệ thống cơ sở hạ tầng của Bắc Kạn còn nhiều khó khăn; kinh tế chậm phát triển; mặt bằng dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại; hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số chưa thật ổn định, vững chắc. Những năm gần đây, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Bắc Kạn và một số tỉnh vùng Đông Bắc có những diễn biến phức tạp, tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật... trong đồng bào các dân tộc thiểu số có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó còn có những khó khăn khách quan như cơ sở vật chất và kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, còn ít những chính sách phù hợp để thu hút đầu tư và nhân tài... Đó là những thách thức không nhỏ và trực tiếp tác động tới quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên địa bàn Tỉnh.

Phát triển KT-XH kết hợp với củng cố, tăng cường QP-AN là một trong những quan điểm cơ bản của Đảng ta đã được khẳng định qua các kỳ đại hội. Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay, thấu suốt và thực hiện tốt quan điểm này có ý nghĩa rất quan trọng và cũng là yêu cầu khách quan không chỉ với Bắc Kạn nói riêng, mà với tất cả các địa phương trong cả nước nói chung.
Với nhận thức đó và ý thức được tình hình, đặc điểm, địa bàn, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng quân, dân toàn Tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Tỉnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn 1991- 1996 mức tăng trưởng bình quân hằng năm mới đạt 5%, thì nhịp độ phát triển những năm 1997 - 2000 đã tăng gấp 2 lần (9,9%) và tốc độ tăng trưởng 5 năm tiếp theo (2001 - 2005) đã đạt tới 12%, như mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ VIII đề ra.
Ngành Nông nghiệp được cấp ủy và chính quyền các cấp chú trọng chỉ đạo phát triển bằng nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, cụ thể như: tăng vụ gieo trồng, đưa giống cây mới (lúa, ngô) có năng suất cao vào gieo trồng, áp dụng chính sách trợ giá mới cho sản phẩm nông nghiệp, mở rộng và tu sửa hệ thống thuỷ nông…. Nhờ vậy, năng suất cây trồng ngày càng được nâng cao, đưa tổng sản phẩm lương thực năm 2005 lên 124 nghìn tấn, tăng hơn 27 nghìn tấn so với năm 2000, đến nay bình quân lương thực đầu người đạt 420kg, cao hơn 150 kg so với năm 1996, an ninh lương thực được đảm bảo. Đàn bò và đàn lợn phát triển ở mức nhanh. Nhiều ngành nghề mới như nuôi trồng thuỷ sản với giống tôm càng xanh, cá chim trắng nước ngọt cũng bắt đầu phát triển, đưa thêm sản phẩm mới vào thị trường nông sản.
Lâm nghiệp là thế mạnh của Tỉnh đang trong đà tăng trưởng do thực hiện chủ trương giao đất đồi rừng, gắn việc chăm sóc, bảo vệ cây rừng, mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu giấy, dược liệu và cây lấy gỗ … với lợi ích thiết thực của người sản xuất đã tăng thêm thu nhập cho nhân dân và nâng độ che phủ đất rừng từ 45,25% năm 1996 lên gần 54% năm 2006. Thành quả đó còn có giá trị lớn đối với việc cải thiện hệ sinh thái, phát triển bền vững môi trường sống trên địa bàn Bắc Kạn và các vùng xung quanh.
Đi đôi với phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp là cuộc vận động định canh, định cư đối với hàng ngàn hộ gia đình cư dân bản địa và dân di cư từ các nơi khác tới sinh sống. Các dự án định canh, định cư được thực hiện bằng nhiều biện pháp đã ổn định sản xuất và đời sống cho hơn 5 nghìn hộ. Thành tựu đó đã góp phần phân bố dân cư hợp lý, tạo thế liên hoàn giữa các địa bàn trong thế trận chiến tranh nhân dân để củng cố QP-AN ngay từ cơ sở.
Công nghiệp, dịch vụ và du lịch là những ngành kinh tế giữ vai trò tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Dựa trên cơ sở tiềm năng thế mạnh về nguyên liệu, nguồn nhân lực và lợi thế thị trường của Bắc Kạn, Đảng bộ Tỉnh đã xác định kế hoạch phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp dài hạn và ngắn hạn; ban hành chính sách thu hút vốn đầu tư cho những nhà máy trọng điểm như: xi măng, luyện gang, lắp ráp và đóng mới ô tô… Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo Luật Doanh nghiệp, tạo nên xu thế phát triển mới ngày càng cao của công nghiệp dịch vụ và du lịch. Nếu giá trị công nghiệp giai đoạn 1997 - 2000 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 22,6%, thì giai đoạn 2001 - 2005 tăng lên gần 30% và giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 tăng 2,1 lần so với năm 2001.
Cơ sở thương mại phát triển rộng khắp từ Thị xã đến Trung tâm các huyện, thị và vươn rộng tới các xã, bản làng xa xôi, hẻo lánh để thực hiện tốt việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng chính sách và bảo đảm thu mua một số mặt hàng nông sản cho nông dân. Thủ tục đăng ký kinh doanh được giải quyết thông thoáng, kịp thời, tạo điều kiện cho hàng hoá được lưu thông thuận lợi trên khắp các địa bàn của Tỉnh. Số doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tăng nhanh, nâng số vốn đầu tư lên hơn 4 nghìn tỷ đồng năm 2006.
Du lịch là ngành ''công nghiệp không khói'' được xác định là một trọng điểm phát triển kinh tế của Tỉnh, chủ yếu thu hút khách tham quan khu vực hồ Ba Bể là vườn di sản của ASEAN và là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cùng các di tích lịch sử, văn hóa khác. Nhiều hoạt động giới thiệu cảnh đẹp và giá trị du lịch của vùng này được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mời chào khách bốn phương; công tác tổ chức, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ du khách được coi trọng. Nhờ vậy, những năm qua số lượng du khách và doanh thu du lịch hằng năm đều tăng đáng kể (20%).
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng giành được nhiều kết quả, làm biến đổi cơ bản hệ thống đường giao thông, mạng lưới cấp điện và thông tin trên địa bàn Bắc Kạn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân và phục vụ QP-AN cơ động lực lượng, bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy tác chiến thuận lợi và nâng cao chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Năm 2006, đường ô tô và đường điện thoại đã vươn đến trung tâm các xã trong Tỉnh, đến nay có 100% số xã sử dụng điện lưới quốc gia, làm cho bộ mặt các địa phương ngày càng khởi sắc. Riêng thị xã Bắc Kạn được xây dựng với nhịp độ khẩn trương theo quy hoạch hiện đại và đồng bộ, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu tạo nên diện mạo mới của Thị xã và phát huy vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Tỉnh đối với sự phát triển chung của Tỉnh. Cơ sở vật chất của trung tâm các huyện và hệ thống trường học, bệnh xá, trạm phát thanh - truyền hình được xúc tiến xây dựng theo kế hoạch.
Với sự cố gắng của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, kinh tế đã và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thay thế tình trạng thuần nông, tự cấp, tự túc.
 Trên lĩnh vực giáo dục, quán triệt quan điểm của Đảng ta coi giáo dục- đào tạo là quốc sách hàng đầu để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và xuất phát từ thực tế của Tỉnh, nhiều  Đảng bộ đã xác định và chỉ đạo thực hiện tốt những chủ trương đẩy nhanh tiến bộ về đào tạo lực lượng lao động, chú trọng chỉ đạo xây dựng kiên cố trường, lớp, tăng thêm trang thiết bị giáo dục, nhất là cho vùng đặc biệt khó khăn, từng bước chuẩn hoá đội ngũ giáo viên theo tiêu chí của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Đồng thời mở rộng và nâng cao hệ thống trường, lớp các cấp từ mẫu giáo đến các cấp phổ thông, dạy nghề, cao đẳng. Nhờ vậy, kết quả phát triển giáo dục đạt được cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 1998, Bắc Kạn được công nhận thanh toán nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2005 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Quy mô đào tạo được mở rộng, thành lập mới Trường Dân tộc nội trú, Trường Trung học phổ thông chuyên và Trường dân lập, nâng cấp Trường trung học sư phạm thành Trường cao đẳng sư phạm, mở nhiều lớp tại chức cao đẳng và đại học… Nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo lên 10,6%. Đã có một số giáo viên và học sinh đạt danh hiệu giỏi cấp quốc gia.
Đối với ngành y tế, tiến hành mở rộng mạng lưới phòng bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở vật chất và cung cấp trang thiết bị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và bổ sung đội ngũ thầy thuốc, nhất là ở vùng khó khăn. Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tỉnh và các trung tâm y tế huyện, xã được xây dựng. Công tác tiêm phòng mở rộng và phòng chống các bệnh phổ biến tại địa bàn Bắc Kạn đã được tích cực thực hiện đạt hiệu quả tốt.
Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình tiến hành thường xuyên và kiềm chế ở mức tăng dân số dưới 1,4%. Sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao đều phát triển và góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới của nhân dân các dân tộc. Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai rộng khắp tại các bản làng và gia đình đã tạo ra nhiều chuyển biến tốt, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy làm cho bức tranh đời sống tinh thần ngày càng phong phú.
Nét nổi bật về mặt xã hội là phong trào xoá đói, giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả do việc đầu tư nhiều chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho đối tượng này và do kết quả tổng kết phát triển kinh tế của Tỉnh trong những năm qua mang lại. Số hộ đói, nghèo giảm từ 41,35% năm 2001 xuống còn 12,5% năm 2005 (theo tiêu chí cũ).
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH và củng cố QP-AN, một vấn đề quan trọng và có ý nghĩa chiến lược là làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược về công tác cán bộ, bảo đảm có sự kế tục giữa các thế hệ, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ. Tỉnh đã chú trọng tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo, gắn bó với nhân dân. Có chính sách cụ thể để phát hiện và tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng người có đức, có tài. Thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Đánh giá, bồi dưỡng, lựa chọn, sử dụng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân. Kiện toàn, tăng cường cán bộ ở những nơi khó khăn, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số.
Đi đôi với phát triển KT-XH, Tỉnh hết sức coi trọng tăng cường QP-AN; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Sau ngày tái lập Tỉnh, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh chỉ đạo và điều hành ngay việc quy hoạch, xây dựng cơ quan Quân sự  và Công an Tỉnh tại những vị trí phù hợp trên địa bàn, tạo thuận lợi cho việc chỉ huy và tác chiến. Tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức biên chế các đơn vị bộ đội địa phương, cơ quan quân sự các cấp, lực lượng Công an theo qui định, phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ QP-AN của địa phương.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Quân khu 1 về nhiệm vụ QP-AN, Tỉnh ủy Bắc Cạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức huấn luyện nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Định kỳ tổ chức khảo sát, rà soát đánh giá tình hình địa bàn, tích cực triển khai xây dựng Tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc. Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch tác chiến phòng thủ cơ bản và hệ thống kế hoạch bảo đảm cho tác chiến của khu vực phòng thủ. Coi trọng tổ chức diễn tập QP-AN các cấp theo cơ chế 02 để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và trình độ tham mưu, công tác hiệp đồng giữa các lực lượng, đồng thời bổ sung vào các kế hoạch tác chiến phòng thủ nội dung phù hợp với sự phát triển tình hình. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, nhất là giữa Quân đội và Công an theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thống nhất phương án xử lý về an ninh chính trị theo phương châm: “Chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời, khôn khéo, cương quyết, nhanh gọn, chính xác, sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình không để xẩy ra điểm nóng, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ”.
Tăng cường giáo dục quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt các cấp theo phân cấp. Gắn kế hoạch xây dựng quốc phòng với kế hoạch phát triển KT-XH địa phương. Tích cực xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên rộng khắp, phù hợp với nhiệm vụ tác chiến ở cơ sở. Vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội, làm trong sạch địa bàn, nhất là tệ nạn ma túy, hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có kế hoạch, phương án nhằm chủ động đối phó với mọi diễn biến phức tạp, bảo đảm ổn định tình hình trong mọi tình huống.
Chặng đường phát triển 10 năm tái lập tỉnh Bắc Kạn so với lịch sử phát triển của đất nước chưa phải đã dài, song nó đã để lại những dấu ấn lịch sử quan trọng, đem lại những đổi thay cơ bản bộ mặt KT-XH của địa phương, làm nền tảng để Bắc Kạn phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, đi vào chiều sâu trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi hoàn toàn.
 
Mai Thế Dương
Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)