QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:53 (GMT+7)
Tình hình tai nạn giao thông đường bộ trong quân đội – nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Tai nạn giao thông đang là một hiểm họa đối với xã hội, gây thiệt hại lớn về người, phương tiện và tác động mạnh đến tâm lý, tình cảm, an sinh cộng đồng. Những năm gần đây ở nước ta, cùng với đà phát triển nhanh của kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông, số vụ tai nạn giao thông, nhất là giao thông đường bộ xảy ra ngày càng nhiều, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng; số người chết và bị thương có chiều hướng gia tăng. Quân đội là một lực lượng tham gia giao thông thường xuyên với số lượng người và phương tiện không nhỏ. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã rất nỗ lực, có nhiều biện pháp nhằm khắc phục, kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ; tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Theo thống kê, năm 2006, toàn quân xảy ra 496 vụ tai nạn giao thông đường bộ (trong đó có 315 vụ = 63,51% do quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng gây nên), làm chết 549 người, bị thương 490 người, hỏng 54 xe ô tô, 378 xe mô tô. So với năm 2005, số vụ, số quân nhân gây tai nạn, số quân nhân chết và bị thương, thiệt hại về tài sản năm 2006 đều tăng. 6 tháng đầu năm 2007, toàn quân đã xảy ra 277 vụ tai nạn giao thông; làm chết 209 người, bị thương 284 người, hỏng 29 ô tô, 198 mô tô. So với 6 tháng đầu năm 2006, số vụ, đối tượng vi phạm và số quân nhân chết, bị thương 6 tháng đầu năm 2007 cũng đều cao hơn. Những số liệu trên có thể còn chưa đầy đủ, nhưng đã nói lên tính chất nguy hại của những vụ việc xảy ra, gây ảnh hưởng xấu tới việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

Qua tìm hiểu công tác nắm, quản lý tình hình và điều tra, giải quyết các vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong quân đội dẫn đến tai nạn, do cơ quan chức năng tiến hành, chúng tôi nhận thấy, các vụ việc xảy ra do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan. Hiện nay, quân đội ta tham gia giao thông trong bối cảnh chung: hệ thống giao thông quốc gia đang phát triển mạnh mẽ; nhiều tuyến đường được mở mới, nhiều đoạn được sửa chữa, nâng cấp, nhưng phần lớn chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều tuyến đường đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hẹp, xấu; nhiều tuyến có độ dốc lớn, cua gấp, hạn chế tầm nhìn; tình hình khí hậu, thời tiết ở nhiều vùng diễn biến phức tạp cũng gây nên mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường. Trong khi đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, mật độ cao. Hệ thống tín hiệu, biển báo chưa được lắp đặt đồng bộ, đầy đủ, nhất là những tuyến đường ngoài thành phố, thị xã, khu đô thị; một số nơi, tuy đã lắp đặt, nhưng hoạt động không thường xuyên, bị mờ hoặc vật chắn che khuất, bị hư hỏng, chưa kịp khắc phục. Ngoài ra, mặc dù các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống xe, máy, nhưng tình trạng kỹ thuật không bảo đảm cũng là một thực tế, đôi khi nằm ngoài khả năng chủ quan của người điều khiển phương tiện...
Về nguyên nhân chủ quan. Qua nghiên cứu một số vụ tai nạn giao thông điển hình trong quân đội (năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007), chúng tôi thấy, lỗi nghiêm trọng nhất thuộc về ý thức của quân nhân khi tham gia giao thông. Trong hầu hết các trường hợp, quân nhân đều vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở mức độ này hay mức độ khác. Phổ biến là các lỗi: chủ quan, khinh xuất, không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát các phương tiện cùng tham gia giao thông, nhất là phương tiện chạy ngược chiều (hầu hết số vụ); phóng nhanh, lấn đường; điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu, bia; chở quá số người theo quy định. Đáng chú ý, tai nạn giao thông xảy ra không trừ một đối tượng nào (có cả sĩ quan cấp tá, cấp úy, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và hạ sĩ quan, chiến sĩ). Điều đó cho thấy, mọi quân nhân đều có nguy cơ mất an toàn giao thông, nếu không có ý thức phòng, tránh. Liên quan đến ý thức tham gia giao thông, một nguyên nhân rất quan trọng khác là công tác quản lý quân nhân và phương tiện tham gia giao thông của quân nhân ở một số đơn vị còn có biểu hiện lỏng lẻo. Khá nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra trong thời gian quân nhân đang nghỉ phép hoặc đi công tác lẻ. Một số đơn vị có tình trạng, quân nhân (theo quy định) không được mang xe máy vào doanh trại, nhưng vẫn đối phó bằng cách gửi xe trong nhà dân hoặc thuê, mượn xe khi cần. Hiện tượng điều khiển xe máy thiếu bằng lái và các điều kiện cần thiết khác (giấy tờ xe, mũ bảo hiểm) còn khá phổ biến. Một số lái xe ô tô quân sự tay lái còn non, khi vận hành, gặp tình huống phức tạp trên đường đã xử lý lúng túng, gây tai nạn. Nhiều trường hợp, quân nhân điều khiển phương tiện ngay sau khi uống rượu, bia, không làm chủ được ý thức, hành vi và phương tiện.
Tựu trung, có nhiều nguyên nhân, nhưng xét cho cùng, nguyên nhân chủ quan, lỗi của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vẫn là chính. Từ đó cho thấy, nếu quân nhân có ý thức cao trong việc chấp hành Luật Giao thông, đề phòng tai nạn, chủ động lường trước những yếu tố khách quan, cẩn trọng khi điều khiển phương tiện giao thông, chắc chắn rằng, tai nạn giao thông trong quân đội sẽ ít xảy ra; nếu xảy ra, mức độ nghiêm trọng của thiệt hại sẽ được hạn chế.
Từ thực trạng, nguyên nhân nêu trên, chúng tôi cho rằng, việc khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm và mất an toàn giao thông trong quân đội là một yêu cầu không thể xem nhẹ đối với các đơn vị hiện nay.  
Để thực hiện điều đó, cần coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng là một trong 4 nội dung trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007 do Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng xác định. Qua theo dõi công tác này ở các đơn vị những năm gần đây, chúng tôi thấy Luật Giao thông đường bộ được hầu hết các đơn vị tổ chức cho bộ đội học tập theo đúng kế hoạch, nội dung, thời gian quy định của trên. Tuy nhiên, ở không ít đơn vị, việc tổ chức học tập còn mang tính hình thức, đối phó với sự kiểm tra của cấp trên, thậm chí nặng về thanh toán chương trình hơn là tìm cách để đưa Luật thực sự đi vào đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Cách tổ chức học tập theo kiểu đó chẳng những hạn chế nhận thức, ít tạo sự chuyển biến về tư tưởng, ý thức mà còn gây nên thái độ coi thường của bộ đội về nội dung của Luật. Cần thấy rằng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức về luật, và cũng không dừng lại ở việc hình thành ý thức ở mỗi quân nhân, mà quan trọng hơn là phải chuyển biến thành hành động cụ thể trong hoạt động thực tiễn, thành nét văn hóa ứng xử, thành một biểu hiện của tính kỷ luật của quân nhân; rộng hơn là thành một nội dung thuộc về bản chất của người quân nhân cách mạng.
Dường như chúng ta chưa thực sự làm tốt điều đó! Chúng ta đang quan tâm nhiều hơn vấn đề "phổ biến" Luật, chứ chưa coi trọng đúng mức "giáo dục" Luật. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần đổi mới mạnh mẽ cách phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng. Phải kết hợp nhiều kênh, nhiều hình thức, giữa tuyên truyền, phổ biến Luật một cách trực tiếp với các hoạt động gián tiếp; giữa giáo dục chính trị-tư tưởng với nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng tổ chức thường xuyên các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật, Ngăn sách pháp luật. Chúng ta đều biết, từng điều luật trong các luật mang tính điều chỉnh hành vi rất cao, nhưng nếu chỉ được truyền tải đến quân nhân dưới hình thức của các văn bản, lời nói, đôi khi không hiệu quả bằng những hình tượng văn học, nghệ thuật. Do đó, cần quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng các tiểu phẩm, báo tường, hài kịch,... nhằm phê phán sâu sắc những nhận thức lệch lạc, thói quen, hành vi coi thường Luật Giao thông đường bộ của quân nhân; đồng thời, xây dựng những hình tượng điển hình trong việc chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật trong các đơn vị để mọi người cảm nhận, học tập. Nhất thiết những hành vi trái với Luật Giao thông đường bộ, vi phạm các quy định khi tham gia giao thông như: uống rượu, bia quá nồng độ cho phép; chở người quá số lượng quy định; lạng lách, đánh võng;... phải được đưa ra bằng nhiều hình thức để cán bộ, chiến sĩ bình phẩm, phê phán, qua đó tạo dựng dư luận tích cực trong tập thể, góp phần điều chỉnh ý thức, hành vi tham gia giao thông trong cơ quan, đơn vị.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quân nhân và phương tiện tham gia giao thông là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Vừa qua, hầu hết các đơn vị đều coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Một số đơn vị có quy định đối tượng được sử dụng xe máy; bố trí nơi để xe máy tập trung; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điều kiện đối với quân nhân sử dụng phương tiện giao thông khi ra ngoài doanh trại,v.v. Song, hầu hết các đơn vị còn khó khăn trong việc quản lý quân nhân ngoài giờ, ngoài doanh trại, thời gian đi phép, tranh thủ hay công tác lẻ. Chúng tôi cho rằng, quản lý về con người đối với quân nhân trong thời gian xa đơn vị, xa tổ chức đúng là yêu cầu khó thực hiện được triệt để; nhưng quản lý về ý thức, trách nhiệm, tính tự giác thì có thể thực hiện được. Vừa qua, khi giải quyết cho quân nhân đi phép hoặc nghỉ Tết, nhiều đơn vị đã có sáng kiến yêu cầu quân nhân viết cam kết không vi phạm các quy định về an toàn giao thông; khi trả phép, yêu cầu có xác nhận của địa phương, gia đình. Cách làm đó cũng có tác dụng giáo dục, quản lý, đề cao trách nhiệm đối với quân nhân, nên có thể vận dụng đối với các đơn vị khác. Để khắc phục tình trạng những quân nhân không được phép sử dụng xe máy, nhưng vẫn gửi hoặc mượn xe của dân để đi lại, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành của quân nhân; đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành ở địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nơi đóng quân ủng hộ các biện pháp quản lý của đơn vị, góp phần giáo dục bộ đội chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Giao thông - Công chính trên địa bàn, cùng nhau làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông của các phương tiện trên đường, trong đó có các phương tiện và quân nhân tham gia giao thông.
Nhằm khắc phục tình trạng kỹ thuật không bảo đảm của các phương tiện giao thông quân sự, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác kiểm định, kiểm tra hệ số an toàn xe, máy, bảo dưỡng định kỳ, chủ động khắc phục các sự cố kỹ thuật. Đối với các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc quá thời hạn sử dụng, cần kiên quyết loại bỏ, không cho phép lưu hành.
Tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” (Cuộc vận động 50) do Bộ Quốc phòng phát động, các cơ quan, đơn vị quân đội cần thường xuyên tổ chức cho bộ đội nghiên cứu, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật mới của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan đến an toàn giao thông (gần đây nhất là Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29-6-2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông); tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, lồng ghép nội dung chấp hành các quy định về an toàn giao thông với các chỉ tiêu thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời, đề cao hơn nữa sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội nói chung và chấp hành Luật Giao thông đường bộ nói riêng.
Đại tá, TS. Nguyễn Học Từ
 

Ý kiến bạn đọc (0)