QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:24 (GMT+7)
Tình hình tai nạn giao thông đường bộ trong quân đội và những vấn đề đặt ra

Những năm gần đây, ở nước ta, cùng với quá trình phát triển nhanh của các phương tiện giao thông, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ xảy ra ngày càng nhiều, số người chết và bị thương có chiều hướng gia tăng. Quân đội ta có một số lượng lớn người và phương tiện tham gia giao thông. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm khắc phục, kiềm chế TNGT xảy ra. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, năm 2009, toàn quân xảy ra 469 vụ liên quan đến an toàn giao thông (ATGT), trong đó có 385 vụ TNGT đường bộ. Các tòa án quân sự đã xét xử 91 vụ án liên quan đến tội danh "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", chiếm 35,6% số vụ và 22,8% số bị cáo so với toàn bộ số vụ án trong năm.

Qua tìm hiểu công tác nắm, quản lý tình hình và điều tra, giải quyết các vụ vi phạm và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ trong quân đội, do cơ quan chức năng tiến hành, có thể nhận thấy, các vụ việc xảy ra do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Về nguyên nhân khách quan. Hiện nay, hệ thống giao thông quốc gia đang phát triển mạnh. Nhiều tuyến đường mới mở, nhưng cũng có nhiều đoạn đường cũ đã và đang xuống cấp; tuy đã được sửa chữa, nâng cấp, nhưng phần lớn chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Công tác quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chưa hợp lý, gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường. Trong khi đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, mật độ cao; hệ thống tín hiệu, biển báo chưa đầy đủ, một số nơi, tuy đã lắp đặt, nhưng hoạt động không thường xuyên, bị mờ hoặc vật chắn che khuất, bị hư hỏng nhưng chưa kịp khắc phục, nhất là những tuyến đường ngoài thành phố, thị xã, khu đô thị. Trong khi đó, cơ cấu phương tiện tham gia giao thông không đồng bộ, lượng xe lưu thông tăng nhanh; các phương tiện công cộng phát triển chưa đa dạng, chưa tiện lợi cho người sử dụng.  Mặc dù các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống xe, máy, nhưng tình trạng kỹ thuật không bảo đảm cũng là một nguyên nhân nằm ngoài khả năng chủ quan của người điều khiển phương tiện, có thể gây ra TNGT. Chất lượng nhiều cơ sở đào tạo lái xe, kiểm định hệ số an toàn các loại xe chưa tốt, còn nhiều biểu hiện tiêu cực trong đào tạo và cấp giấy phép lái xe… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng lên đối với toàn xã hội nói chung cũng như đối với quân đội ta nói riêng.

Về nguyên nhân chủ quan. Qua nghiên cứu một số vụ TNGT điển hình trong quân đội năm 2009, chúng tôi thấy, lỗi nghiêm trọng nhất thuộc về ý thức của quân nhân khi tham gia giao thông. Phổ biến là việc bản thân người tham gia giao thông không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các chỉ thị, quy định về ATGT, như: cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông; chiến sĩ ra ngoài doanh trại thuê, mượn xe máy để đi chơi; điều khiển phương tiện giao thông khi không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu,... Đáng chú ý, TNGT xảy ra với cả sĩ quan cấp tá, cấp úy, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và hạ sĩ quan, chiến sĩ. Điều đó cho thấy, mọi quân nhân đều có nguy cơ mất ATGT, nếu không có ý thức phòng, tránh.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác là, công tác quản lý quân nhân và phương tiện tham gia giao thông của quân nhân ở một số đơn vị còn lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra trong thời gian quân nhân đang nghỉ phép hoặc đi công tác lẻ. Một số đơn vị có tình trạng: quân nhân (theo quy định) không được mang xe máy vào doanh trại, nhưng vẫn đối phó bằng cách gửi xe trong nhà dân và sau đó sử dụng, hoặc thuê, mượn xe khi cần. Một số lái xe ô tô quân sự tay lái còn yếu, khi vận hành, gặp tình huống phức tạp trên đường đã xử lý lúng túng, gây tai nạn. Các đơn vị kiểm soát quân sự chưa phát huy hết vai trò phát hiện và xử lý vi phạm khi tình trạng phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện chưa đúng quy định...

Tựu trung, tình trạng TNGT và mất ATGT có nhiều nguyên nhân, nhưng xét cho cùng, nguyên nhân chủ quan, lỗi của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vẫn là chính. Từ đó cho thấy, nếu quân nhân có ý thức cao trong việc chấp hành Luật Giao thông, đề phòng tai nạn, chủ động lường trước những yếu tố khách quan, cẩn trọng khi điều khiển phương tiện giao thông, chắc chắn TNGT trong quân đội sẽ ít xảy ra, hoặc nếu xảy ra, mức độ nghiêm trọng và thiệt hại sẽ được hạn chế.

Để làm giảm ùn tắc giao thông và TNGT ở nước ta hiện nay, cũng như làm giảm các vi phạm và tội phạm về ATGT trong quân đội trong năm 2010 và những năm tiếp theo, cần phải có những giải pháp đồng bộ, tích cực, kiên quyết của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và ý thức chấp hành của quân nhân khi tham gia giao thông. Mặt khác, mọi người tham gia giao thông phải hiểu rõ các luật định, từ đó, tự giác chấp hành và thực hiện đúng. Để làm được điều này, các cấp uỷ, tổ chức và chủ trì các cơ quan, đơn vị cần coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho mọi cán bộ, chiến sĩ; gắn việc thực hiện Luật với các biện pháp chấn chỉnh trật tự, ATGT và phòng ngừa TNGT. Đây cũng là một trong 4 nội dung trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng xác định. Thực tế ở các đơn vị những năm gần đây cho thấy, Luật Giao thông đường bộ đã được các đơn vị tổ chức cho bộ đội học tập theo đúng kế hoạch, nội dung, thời gian quy định của trên. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, việc tổ chức học tập còn nặng về hình thức, mang tính đối phó hơn là tìm cách để đưa Luật vào đời sống. Ở một số nơi, nhìn về hình thức, hệ thống biển bảng, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích đầy đủ, nhưng thực tế kiểm tra, nhiều quân nhân không nắm được các quy định cụ thể, không thuộc luật giao thông đường bộ. Chính cách làm hình thức đó chẳng những sẽ hạn chế sự chuyển biến về tư tưởng, ý thức, mà còn dễ dẫn đến thái độ chấp hành không nghiêm các nội dung luật định của quân nhân. Cần thấy rằng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức về luật, và cũng không dừng lại ở việc hình thành ý thức ở mỗi quân nhân, mà quan trọng hơn là phải tạo được sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể trong hoạt động thực tiễn, thành nét văn hóa ứng xử, thành biểu hiện tính kỷ luật của quân nhân; rộng hơn là thành một nội dung thuộc về bản chất của người quân nhân cách mạng. Để làm được vấn đề này, các cơ quan, đơn vị cần kết hợp nhiều hình thức, phương pháp, phương tiện để  tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng cho cán bộ, chiến sĩ; kết hợp nhiều kênh, nhiều hình thức, giữa trực tiếp tuyên truyền, phổ biến Luật với các hoạt động gián tiếp; giữa giáo dục chính trị-tư tưởng với nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông cho bộ đội. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tổ chức cho bộ đội nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật mới của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan đến an toàn giao thông (Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 85/CT-BQP ngày 14.6.2009 của Bộ Quốc phòng…); thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật, Ngăn sách pháp luật. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, uốn nắn và khắc phục kịp thời những sai sót trong triển khai, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để có biện pháp điều chỉnh cho sát đúng với tình hình thực tế.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quân nhân và phương tiện tham gia giao thông là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Vừa qua, các đơn vị đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này; quy định đối tượng được sử dụng xe máy, bố trí nơi để xe máy tập trung, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điều kiện đối với quân nhân sử dụng phương tiện giao thông khi ra ngoài doanh trại. Nhiều đơn vị quy định: quân nhân phải viết cam kết không vi phạm các quy định về ATGT; mọi quân nhân khi trả phép, phải có xác nhận của địa phương và gia đình về việc chấp hành luật giao thông. Để khắc phục tình trạng quân nhân không được phép sử dụng xe máy nhưng vẫn gửi hoặc mượn xe của dân để đi lại, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành của quân nhân; đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành ở địa phương và gia đình quân nhân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nơi đóng quân ủng hộ các biện pháp quản lý của đơn vị.  

Hiện nay, quân đội đang quản lý và sử dụng một số lượng xe máy rất lớn, trong đó có nhiều loại xe máy chuyên dụng, đặc chủng. Vì thế, việc đảm bảo kỹ thuật và hệ số an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông là một yêu cầu hết sức quan trọng. Để làm tốt điều đó, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác kiểm nghiệm, giám định, duy trì nghiêm các chế độ, quy định về quản lý, sử dụng xe máy, nâng cao chất lượng ngày kỹ thuật, bảo đảm 100% ô tô tham gia giao thông được dán tem kiểm định. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm soát quân sự cần tăng cường kiểm tra người và phương tiện tham gia giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và lực lượng cảnh sát giao thông để giải quyết các vụ  việc. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần gắn việc chấp hành nghiêm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; lồng ghép nội dung chấp hành các quy định về ATGT với các chỉ tiêu thi đua, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời, đề cao hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội nói chung và chấp hành Luật Giao thông đường bộ nói riêng.

Đại tá QUÁCH THÀNH VINH

Toà án Quân sự Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)