QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:40 (GMT+7)
Tín ngưỡng, tôn giáo với vấn đề quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Tín ngưỡng, tôn giáo là một hiện tượng xã hội, văn hoá, đạo đức, tâm linh đã ra đời và tồn tại lâu dài trong lịch sử của xã hội loài người; đã ăn sâu vào đời sống của một bộ phận nhân dân trong nhiều quốc gia, dân tộc, trở thành một bộ phận của nền văn hoá các quốc gia, dân tộc khác nhau và có mối liên hệ quốc tế đa chiều, đa dạng...Trải qua những biến cố lịch sử, cùng với những biến động sâu sắc của các lĩnh vực trong đời sống xã hội, tôn giáo vẫn tồn tại trong các quốc gia, các dân tộc với những hình thức phong phú và luôn tác động đến đời sống con người trên nhiều phương diện, trong đó có khía cạnh an ninh, quốc phòng.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Ngoài 6 tôn giáo lớn được Nhà nước thừa nhận như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hoà Hảo (với số lượng tín đồ chiếm gần 1/4 dân số trong cả nước), đa phần người Việt Nam đều theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và cùng với nhiều phong tục, lễ hội khác. Sự đan xen, hoà đồng nhiều tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những nét đặc trưng của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Thấu hiểu sâu sắc nhu cầu đó,  Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương-giáo và giữa các tôn giáo; khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống hành vi vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc.
Trước xu hướng phát triển đa dạng và phức tạp của tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, Nghị quyết Đại hội X của Đảng tiếp tục xác định rõ: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo.
Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy, các tôn giáo ở nước ta được hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, được Nhà nước tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu tôn giáo chính đáng như: tự do sinh hoạt tôn giáo, bảo hộ nơi thờ tự; có trường đào tạo chức sắc tôn giáo, được đưa đi đào tạo ở nước ngoài; có kinh sách, ấn phẩm tôn giáo; được giao lưu quốc tế; các tín đồ hoàn toàn tự do sinh hoạt tín ngưỡng tại gia đình và nơi thờ tự hợp pháp... Ngoài việc các tổ chức, cá nhân các tôn giáo được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường theo khuôn khổ pháp luật, các tôn giáo ở Việt Nam còn được giao lưu quốc tế mà không bị cản trở. Hiện nay cả nước có 22.195 cơ sở thờ tự các loại, trong đó có nhiều cơ sở được xây dựng mới và trùng tu rất khang trang. Những ngày lễ lớn của các tôn giáo được tổ chức trọng thể ở mọi miền đất nước... đã thu hút hàng triệu tín đồ; có lễ hội diễn ra với sự tham gia của hàng trăm nghìn người mà vẫn được tổ chức chu đáo, an toàn.
Qua đó khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hơn thế, còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo, đồng bào có đạo hoạt động theo đúng pháp luật Nhà nước, như Pháp lệnh về tôn giáo qui định: đồng bào các tôn giáo là công dân của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, có quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Với quan điểm, chính sách tôn giáo đúng đắn, cởi mở của Đảng đã làm cho tuyệt đại đồng bào có đạo và đa số chức sắc tôn giáo không chỉ đồng tình, ủng hộ mà còn phấn khởi, hăng hái, tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; tự giác chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội (KTXH), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường sức mạnh quốc phòng- an ninh (QP, AN), góp phần cùng toàn dân giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề mới nổi cộm mà căn nguyên của nó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều hiện tượng mê tín dị đoan cũng như hoạt động truyền đạo trái pháp luật có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới. Điều đáng lo ngại là một số tôn giáo lạ, tà đạo, tạp giáo đã nhen nhóm phát triển nhanh như tà đạo "Vàng Chứ" trong dân tộc Mông, tà đạo "Thìn Hùng" trong dân tộc Dao ở Tây Bắc, tà đạo "Tin lành Đề-ga" ở Tây Nguyên và một số giáo phái khác ở Tây Nam Bộ... Tình trạng các tôn giáo lạ đang thâm nhập và phát triển ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Nguy hiểm hơn, một số phần tử xấu đội lốt tôn giáo đã gieo rắc vào nhận thức của đồng bào những điều sai trái. Họ  lừa mị, tuyên truyền xuyên tạc bóp mép chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, hòng làm cho đồng bào bỏ những phong tục, tín ngưỡng truyền thống, bỏ việc thờ cúng ông bà, tổ tiên để theo đạo mới. Họ xúi giục đồng bào bỏ cả bản làng, nhà cửa, ruộng nương để đến "vùng đất hứa", tạo ra làn sóng di cư tự do lớn, làm cho việc sản xuất bị bê trễ, cuộc sống yên bình của người dân bị xáo trộn nghiêm trọng. Không chỉ gây hậu quả lớn về KT-XH, trong lĩnh vực QP,AN cũng xuất hiện những biểu hiện bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ đe dạo an ninh cộng đồng và an ninh quốc gia trên nhiều khía cạnh. Những năm gần đây,vấn đề không bình thường là một số tổ chức Tin lành trá hình, ví như cái gọi là tổ chức Tin lành Đề ga...không được pháp luật thừa nhận và cho phép hoạt động. Thế nhưng chúng vẫn lén lút hoạt động, phát triển mạnh ở một số địa bàn cư trú. Sự phát triển của đạo Tin lành này và một số tà đạo khác đã tạo ra những bất ổn trong nội bộ nhân dân, sự chia rẽ, mất đoàn kết giữa những người, dòng tộc theo tín ngưỡng truyền thống và những người, dòng tộc bỏ tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống theo đạo "Tin lành"... Từ thực tế điều tra và những chứng cứ thu được của các cơ quan chức năng cho thấy, một số tổ chức phản động đội lốt tôn giáo đã thâm nhập sâu vào các địa bàn miền núi, biên giới, lấy cớ truyền đạo, ngấm ngầm tuyên truyền, tán phát tài liệu phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc, tôn giáo nói riêng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xúi giục, kích động, lôi kéo đồng bào theo đạo mới gây bạo loạn chính trị, làm mất ổn định trong vùng, chia rẽ khối  đoàn kết cộng đồng các dân tộc, tôn giáo. Mặt khác, tổ chức "Tin lành Đề ga" cấu kết với các tổ chức phản động trong và ngoài nước tổ chức móc lối, nuôi dưỡng lực lượng ngầm, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số và tàn quân FULRO vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia lập ra những trại tị nạn để tập hợp lực lượng chống đối, chờ thời cơ đưa trở lại Việt Nam để chống phá Nhà nước ta.
Có thể nói, tôn giáo, tín ngưỡng vốn là những hiện tượng xã hội đặc biệt, góp phần làm cho một bộ phận đồng bào có tín ngưỡng vơi đi những bộn bề lo toan trong cuộc sống, những hẫng hụt về mặt tinh thần. Nhưng khi tôn giáo bị lợi dụng, kích động, nguy cơ nó đem lại cho xã hội và con người cũng không nhỏ, nhất là đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng  của đất nước.  Từ góc độ QP,AN và từ những bài học trong thực tế, theo chúng tôi, Đảng và Nhà nước cần tiến hành đồng bộ  những giải pháp thiết thực sau:
1.  Chăm lo, đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào có đạo hiểu rõ và nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn dân đối với việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các luật, pháp lệnh, nghị định của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo đã ban hành, làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng đi vào đời sống hiện thực của người dân, tạo cở sở, niềm tin vững chắc cho đồng bào có đạo yên tâm  làm tròn bổn phận "sống tốt đời đẹp đạo", "sống phúc âm trong lòng dân tộc", không để các thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chính sách dân tộc, tôn giáo của đồng bào để xuyên tạc, lôi kéo, kích động đồng bào có đạo vào các hoạt động phá hoại, gây mất ổn định về chính trị-xã hội ở địa phương, cơ sở, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tăng cường QP,AN cũng như đời sống của nhân dân, trực tiếp là đồng bào tôn giáo.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác dân tộc, tôn giáo; tích cực nghiên cứu, đề xuất, bổ sung và ban hành kịp thời các luật và văn bản qui phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức điều hành, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo hiến chương, điều lệ của giáo hội và tuân thủ các qui định của pháp luật . Thường xuyên chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo bình thường theo khuôn khổ pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách tôn giáo. Có kế hoạch phân công các ban, ngành, đoàn thể bám sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vụ việc phát sinh có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. 
3. Đẩy mạnh phát triển KT-XH ở các vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, trong đó có vùng đồng bào dân tộc có đạo; thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo việc làm ổn định, giúp bà con an cư, lạc nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động định canh, định cư, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống để đồng bào yên tâm xây dựng cuộc sống lâu dài trên các địa bàn miền núi, biên giới. Chăm lo phát triển sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục-đào tạo, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào  các dân tộc,nhất là đồng bào có đạo để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển KT-XH, củng cố QP,AN đất nước; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phục hồi các lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá lành mạnh cho bà con các dân tộc, tôn giáo.
4. Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở vững mạnh toàn diện; thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc, tôn giáo từ Trung ương tới cơ sở có số lượng đủ, chất lượng cao, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, nhân sĩ trí thức là người dân tộc thiểu số và các chức sắc tôn giáo tiến bộ cùng vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc có đạo nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương; chủ động phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình trạng truyền đạo trái pháp luật và  kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời theo pháp luật những tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến an ninh con người và an ninh quốc gia.
5. Chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng, củng cố các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc trên từng địa bàn, địa phương; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Ra sức xây dựng, củng cố lực lượng dân quân, tự vệ và công an thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là khi có tình huống xấu xảy ra.  Tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình " giữ vững an ninh chính trị, chống bạo loạn tại địa phương"; tăng cường kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án bảo vệ an ninh ở địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động phòng chống có hiệu quả các hoạt động tình báo, gián điệp của địch; củng cố trận địa an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, làm cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho cho đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn " diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên từng địa bàn, địa phương, góp phần cùng toàn dân giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
 
Hải Đăng
 

Ý kiến bạn đọc (0)