QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:14 (GMT+7)
Tìm hiểu về giáo dục quân sự-quốc phòng thời nhà Trần
Theo các nhà nghiên cứu về Lịch sử giáo dục Đại học và Trung học Việt Nam, thì nền giáo dục dưới thời phong kiến ở nước ta có 3 ngành học  chính, quan trọng. Đấy là, ngành Phật học, ngành học về quân sự – quốc phòng, ngành học về nhà giáo và văn chương. Nhìn vào lịch sử quân sự – quốc phòng của dân tộc ta thấy ở mọi triều đại đều có những tài năng quân sự và nhân tài quân sự. Đặc biệt, trong thời nhà Trần (1226-1400) có những vua anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; có những tướng lĩnh anh hùng như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản. Bên cạnh đó là những anh hùng xuất thân từ tầng lớp thứ dân như bà hàng nước thôn Chuế Cầu, Trưởng trại Quy Hóa Nguyễn Thế Lộc, các cụ bô lão trong Hội nghị Diên Hồng... tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc. Có thể nói, giáo dục quân sự - quốc phòng đã góp phần quan trọng khiến triều Trần, ngay từ khi mới thành lập, đã chấm dứt được tình trạng hỗn loạn cuối triều Lý, khôi phục và củng cố chính quyền Trung ương, lập lại trật tự chính trị –xã hội. Tiếp đó, nửa cuối thế kỷ XIII, triều Trần đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt lập nên võ công hiển hách trong ba lần kháng chiến chống quân Mông- Nguyên xâm lược (1258, 1285, 1288) - một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhận thấy, những bài học kinh nghiệm về giáo dục quân sự- quốc phòng của thời nhà Trần không những mang giá trị lịch sử, mà còn có giá trị tham khảo, phục vụ cho công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân ta hiện nay, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN , như Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng X đã chỉ ra, chúng tôi xin đề cập một số điểm chính.

Chú trọng giáo dục ý thức về nhiệm vụ giữ nước cho toàn dân. Trong mỗi con người Việt Nam: già, trẻ, trai, gái, người có địa vị xã hội, người dân bình thường, người có học, người thất học, trong các tập thể cộng đồng làng-xã, dòng họ, các vùng định cư ở đồng bằng hay miền núi, ở thành thị hay nông thôn, ý thức về nhiệm vụ giữ nước được truyền thụ, nâng niu từ đời này qua đời khác. Xuất thân từ nghề đánh cá ven biển, thuộc tầng lớp bách tính, thứ dân, khi vừa mới thành lập, triều Trần đã phải lo tổ chức và lãnh đạo nhân dân chống lại ba cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của giặc Mông- Nguyên, một đế chế phong kiến hung hãn và lớn mạnh bậc nhất thế giới đương thời, nên rất hiểu thế nào là lòng dân. Tiêu biểu nhất là quan điểm của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cho nhân dân là cơ sở để giành thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ đất nước: “Chúng chí thành thành”. Cho nên, ông chủ trương “khoan thư sức dân”, phải tranh thủ sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân, để cả nước “nhân dân ai cũng là binh”, nhằm mục đích “phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh”. Do đó, triều Trần đã hết sức chú trọng việc giáo dục, bồi dưỡng, khơi dậy và phát huy tinh thần cảnh giác đề phòng giặc ngoại xâm, ý thức giữ nước trong tướng sĩ và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung giáo dục này được thể hiện đầy đủ và sinh động trong bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn.

Viết “Hịch tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn trước hết nhằm xây dựng những tư tưởng đúng đắn, những phẩm chất cao đẹp làm nền tảng cho một tinh thần quyết tâm vì nước, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm trong hàng ngũ tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân. Ông xác định lập trường địch, ta một cách dứt khoát: “ Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung...”. Xuất phát từ lập trường đó, ông kịch liệt phê phán những kẻ: “Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn”. Ông truyền ngọn lửa yêu nước và  căm thù giặc cho toàn dân: “Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”. Để xây dựng ý thức cao đẹp về nhiệm vụ giữ nước cho các tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân, Trần Quốc Tuấn đòi hỏi trước hết là sự trung nghĩa. Từ đó, ông đề xuất một loạt những khái niệm đạo đức như anh hùng, vinh dự, sỉ nhục... nhằm biến chủ nghĩa yêu nước của dân tộc và hào khí Đông A thành một nội dung xuyên suốt: ý thức về sự mất còn của dân tộc. Theo ông, anh hùng và vinh dự bao giờ cũng phải gắn liền với những chiến công diệt giặc, giữ nước. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn là một bản tổng luận hùng văn không những  bồi dưỡng những tư tưởng đúng, những tình cảm tốt đẹp cho các tướng lĩnh, binh sĩ và toàn dân, mà còn nhằm đả phá tư tưởng cầu an hưởng lạc trong xã hội. Ông đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ thân “mang trọng trách, ăn lộc lớn của triều đình” mà “Lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh: hoặc thích rượu ngon, hoặc mê gái đẹp...”. Tư tưởng cầu an hưởng lạc thường nảy sinh trong điều kiện hòa bình, đất nước trong thời gian dài không có chiến tranh... Đây chính là một nguy cơ, nó len lỏi trong hàng ngũ triều thần, tướng lính, binh sĩ và nhân dân. Vì thế, giáo dục ý thức quốc phòng- quân sự cho toàn dân không thể không đả phá quyết liệt tư tưởng này. Đánh bại tư tưởng cầu an hưởng lạc, mất cảnh giác trong nhiệm vụ giữ nước không chỉ là bài học riêng của triều Trần. Chính vì thế, hiệu quả của việc giáo dục ý thức quân sự – quốc phòng dưới thời nhà Trần thật lớn. Khi quân Mông – Nguyên lăm le xâm lược nước ta, đông đảo nhân dân Đại Việt, nam- phụ- lão - ấu, nhất tề xăm lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” nhằm  biểu lộ quyết tâm diệt giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Tăng cường giáo dục quân sự - quốc phòng cho nhân dân theo phương pháp dân gian, truyền thống. Giáo dục tri thức quân sự –quốc phòng, kỹ thuật, chiến thuật quân sự cho toàn dân theo phương pháp dân gian, truyền thống đã có từ lâu đời ở nước ta, được phát triển mạnh vào thời nhà Trần. Trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang, nhà Trần đã rất coi trọng giáo dục quân sự, luyện tập võ nghệ cho toàn dân để “người người ai cũng giống Bàng Mông, cũng như Hậu Nghệ”. Phương pháp này, một mặt phổ cập rộng rãi tri thức, kỹ thuật, chiến thuật quân sự- quốc phòng trong nhân dân; mặt khác, tuyển chọn được những tài năng, nhân tài quân sự trong dân gian mà không phải trải qua một trường lớp đào tạo chính quy nào. Trước tiên, những người có chức trách trong làng-xã, động-bản phát hiện ra những người, thường là trai tráng, có khả năng quân sự bẩm sinh (có sức khỏe, cơ thể to lớn) hoặc những người đã lập được những công tích xuất sắc với cộng đồng, như hạ được thú dữ, đánh bại bọn trộm cướp chẳng hạn. Sau đó, những người này được thử thách thông qua các sinh hoạt cộng đồng, thường là các tục lệ, lễ hội như tục xăm mình, thi bơi chải, đánh vật, vác cây, chạy bộ, đi săn... Tiêu chuẩn đánh giá chính là sự vượt trội của cá nhân: ai thua, ai thắng trong các cuộc thi với những thử thách, rèn luyện như thế. Những người thắng cuộc được đánh dấu bằng một nghi thức công nhận và tôn vinh mang tính chất tín ngưỡng hay tôn giáo của từng địa phương, kèm theo phần thưởng (nặng về vinh dự hơn giá trị vật chất). Từ đó, những người này được làng- xã, động – bản tin cậy, giao phó trọng trách. Cứ như vậy, từ lễ hội phát triển thành phong trào rèn luyện võ nghệ; và rồi lễ hội được mở năm này, năm khác... là để đánh giá kết quả của phong trào rèn luyện. Sự sôi động, cuốn hút, náo nức  diễn ra khắp làng trên, xóm dưới, động cao, bản thấp dưới thời nhà Trần. Nhiều tài năng quân sự xuất hiện từ phương pháp giáo dục, đào tạo dân gian này như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thế Lộc, Yết Kiêu, Dã Tượng, v,v. Đặc biệt, nhà Trần còn biết kết hợp phong trào rèn luyện võ nghệ dân gian của từng địa phương với việc giáo dục võ nghệ cho các gia đồng, gia nô theo bài bản của các thân vương, hầu vương trong các điền trang, thái ấp. Trường hợp Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tổ chức học tập võ nghệ cho gia nô, gia đồng và thanh thiếu niên địa phương quanh điền trang Bà Liệt, sau đó mộ được hàng vạn binh là thanh niên, thiếu niên tham gia cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ II (1285) là một minh chứng sinh động.
Giáo dục quân sự - quốc phòng theo phương pháp chính quy. Sử cũ ghi, Giảng võ đường có trước khi nhà Lý lập Văn Miếu đường ; có học vị Tiến sĩ cho các thí sinh văn học và cũng có học vị Tạo sĩ cho các thí sinh võ học. Điều đó cho thấy, bắt đầu từ thế kỷ XI, với sự ổn định và phát triển của Nhà nước và dân tộc, với việc thể chế hóa ngày càng chu đáo của triều đình nhà Lý, nhà Trần và sự dần dà nảy nở của nền văn hóa cung đình, bên cạnh việc giáo dục quân sự – quốc phòng theo phương pháp dân gian, truyền thống, đã hình thành một phương pháp giáo dục quân sự - quốc phòng mới. Cho đến thời điểm lịch sử này, “phương thức sản xuất châu Á” trên nguyên tắc, vẫn quy định vị quân chủ (vua) phải tập trung vào mình ba chức năng tối cao: vừa là vua, vừa là thần thánh, vừa là  thủ lĩnh quân sự. Các hoàng đế thường mang trọng trách quân sự lớn: những cuộc xuất chinh, những hoạt động quân sự quan trọng ... đều do hoàng đế hay hoàng tử thân chinh chỉ huy. Trong bối cảnh đó, việc giáo dục, đào tạo, huấn luyện quân sự –quốc phòng chất lượng cao và tốt nhất, phải dành cho vua, con vua; rồi nhân đó mở rộng ra cho hoàng thân, quốc thích (hoàng tộc) và các quan võ là triều thần và con cái được tập ấm của họ. Vậy là, từ triều Lý chuyển sang triều Trần, những cơ sở dùng để giáo dục, đào tạo, huấn luyện tri thức về quân sự –quốc phòng theo phương pháp mới đã xuất hiện và tồn tại, dành cho giai tầng bên trên, đặc biệt cho giới quý tộc, như  một viện hàn lâm quân sự. Để phần nào hình dung ra chế độ, nội dung, quy trình giáo dục, đào tạo quân sự –quốc phòng theo phương pháp này của nhà Trần, có thể  thông qua trường hợp Trần Quốc Tuấn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Trần Quốc Tuấn là con trưởng của ngành trưởng trong hoàng tộc nhà Trần nhưng không được trao ngôi báu, lại thêm cha đẻ (An Sinh Vương Trần Liễu) có thù riêng với em là đương kim hoàng đế (Thái Tông Trần Cảnh), nên An Sinh Vương Trần Liễu quyết chí tìm mọi cách rèn luyện cho con  mình (Trần Quốc Tuấn) trở thành nhân tài toàn diện để mưu “giành lại” ngai vàng. Ông đã cho tìm đủ các thầy giỏi nhất trong thiên hạ về dạy dỗ con trai mình. ở ngôi đền Bảo Lộc, xây dựng trên thái ấp An Lạc còn có ba pho tượng, thờ Trần Quốc Tuấn ở giữa và hai bên là hai thầy dạy văn, dạy võ. Chính vì có tài năng quân sự (được rèn luyện) nổi bật, nên tuy “lý lịch có vấn đề” nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn được trao chức vụ Quốc công tiết chế, tuy rằng ngành thứ vẫn cử đương kim hoàng tử Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư để kèm ông. Tài năng quân sự kỳ diệu của Trần Quốc Tuấn đã được thể hiện (thi thố) trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên, đặc biệt là trong lần thứ hai và thứ ba, trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng (năm 1288) là do ông trực tiếp chỉ huy. ông được nhân dân tôn vinh thành thánh - Đức Thánh Trần - ngoài công lao diệt giặc còn do kính phục đạo đức ngời sáng của ông: một lòng vì với nước, vì dân, không thực hiện "ý nguyện riêng" của người cha. Dưới thời nhà Trần, bên cạnh Trần Quốc Tuấn còn có những danh tướng, nhân tài quân sự khác như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư ... Điều đó chứng tỏ phương pháp giáo dục, đào tạo, huấn luyện quân sự- quốc phòng theo phương pháp chính quy, chuyên biệt  ở  “trường võ bị cao cấp” đạt chất lượng rất cao. Sang thời nhà Lê, phương pháp giáo dục, đào tạo, huấn luyện quân sự – quốc phòng chính quy, bắt đầu từ thời Lý- Trần, được hoàn thiện, phát triển. Có hẳn một tổ chức giáo dục quân sự – quốc phòng được triều đình lập ra, gọi là “Sở võ học”.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng nhiệm vụ giáo dục quốc phòng – an ninh cho nhân dân và cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Nhưng trước yêu cầu mới, vấn đề đặt ra là cần nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác này. Thiết nghĩ, những bài học kinh nghiệm về giáo dục quân sự – quốc phòng dưới thời nhà Trần vẫn mang giá trị thời sự, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục quốc phòng – an ninh hiện nay.
 
Hà Thành
 

Ý kiến bạn đọc (0)