Chủ Nhật, 24/11/2024, 07:40 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong khi không ít người cho rằng, CNXH đang thoái trào, thì vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thế giới lại chứng kiến một xu thế mới nổi lên, đó là sự phát triển theo xu hướng XHCN của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh. Khu vực này vốn được coi là “sân sau” truyền thống của Mỹ, nhưng lại không đi theo sự chỉ đạo của Mỹ. Với đường lối chính trị theo hướng tả, một số nước trong khu vực, đặc biệt là Vê-nê-xu-ê-la, Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đang thực hiện những cải cách kinh tế - xã hội tiến bộ: quan tâm đến đời sống của tầng lớp dân nghèo; thực hiện quốc hữu hoá nhiều ngành kinh tế trọng điểm...; và bản thân Tổng thống Hugo Chavez khẳng định: đất nước ông sẽ theo con đường đi lên CNXH.
Thực tế trên đã làm cho giới nghiên cứu lý luận trên thế giới và Việt Nam có những nhận định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trường phái lạc quan coi Vê-nê-xu-ê-la là xu thế tất yếu của thời đại, là đòn phản kích mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đế quốc, cưỡng lại xu thế thoái trào, làm hồi sinh CNXH ở thời kỳ mới. Nhiều người coi đây là phong trào cánh tả tiệm cận với CNXH, đang đi theo con đường XHCN, nhưng là CNXH đổi mới. Trường phái bám chắc nguyên tắc “lý luận truyền thống” coi đây là phong trào nhất thời, mang đậm nét dân tộc, thực hiện các chính sách được lòng dân; đáp ứng những bức xúc của xã hội trước xu thế toàn cầu hoá và sự phân hoá, cách biệt giàu nghèo.
Những ý kiến đó đúng và chính xác đến đâu, phải qua thực tiễn kiểm nghiệm; nhưng dù sao, sự phát triển của phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh nói chung, ở Vê-nê-xu-ê-la nói riêng, đã cho thấy sự chuyển biến ở những mức độ khác nhau, rất ấn tượng trong đời sống chính trị quốc tế, theo chiều hướng có lợi cho cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Năm 1998, Hugo Chavez giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên ở nước này. Từ đây, phong trào cánh tả bắt đầu lan rộng, nhiều nhà lãnh đạo của các đảng hoặc liên minh cánh tả ở châu Mỹ Latinh lần lượt lên nắm quyền điều hành đất nước thông qua bầu cử dân chủ. Từ năm 1998 đến nay, lực lượng cánh tả đã lên nắm quyền ở 13 quốc gia, chiếm gần 65% trong tổng số 560 triệu dân, 80% tổng diện tích khu vực. Và mới đây, màu sắc cánh tả hiện diện thêm ở một quốc gia Trung Mỹ, là El Salvaldor, với sự kiện Mauricio Funes, lãnh đạo Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Farabundo Marti (FMLN) giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng ba vừa qua. Đặc biệt, trong năm 2006, cùng với thắng lợi dồn dập của các đảng phái cánh tả ở Chile, Ecuador, Nicaragua, việc Tổng thống Hugo Chavez tái đắc cử lần thứ ba ở Vê-nê-xu-ê-la và Tổng thống Lula da Silva tái đắc cử lần thứ hai ở Brazil cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin của nhân dân vào đường lối cải cách tiến bộ vì dân chủ, dân sinh của lãnh đạo cánh tả ở hai quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn nhất khu vực này. Lula da Silva và Hugo Chavez là hai chính trị gia tiêu biểu đại diện cho hai trường phái cánh tả “phái tả ôn hoà và phái tả cấp tiến” ở Mỹ Latinh, nên sự kiện tái đắc cử của hai ông có tác động tích cực lên những nước do lực lượng cánh tả nắm quyền.
Đặc trưng lớn của kinh tế khu vực Mỹ Latinh là sự phát triển thăng trầm theo chu kỳ. Từ thế kỷ XIX, Mỹ Latinh phát triển kinh tế theo chủ nghĩa tự do, trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nước tư bản và do đó kinh tế bị suy thoái trầm trọng. Để phục hồi nền kinh tế, các nước Mỹ Latinh đã hướng nền kinh tế đất nước mình theo chủ nghĩa Nhà nước. Tuy nhiên, do đánh giá quá cao vai trò sự điều tiết của Nhà nước, nên chiến lược này bị thất bại. Chi phí để duy trì các Công ty Nhà nước thua lỗ đã đặt gánh nặng lên nền tài chính quốc gia, khiến các nước này phải vay nợ nước ngoài để bù đắp những khoản thua lỗ.
Nhằm thoát khỏi tình trạng nói trên, theo sáng kiến của các thể chế kinh tế quốc tế (IMF, WB), các nước Mỹ Latinh thực hiện cải cách kinh tế theo mô hình chủ nghĩa tự do mới. Sau gần 30 năm áp dụng mô hình này, phần lớn các nước Mỹ Latinh lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày một trầm trọng hơn. Riêng kinh tế, Vê-nê-xu-ê-la tăng trưởng âm kéo dài 12 năm, nợ nước ngoài lên đến 32 tỷ USD. Do mô hình kinh tế tự do mới hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu, nên một trong những công cụ mà đa số các nước áp dụng là phá giá mạnh đồng tiền nội địa, khiến lạm phát phi mã (tỷ lệ lạm phát trung bình của khu vực Mỹ Latinh là 495%, riêng Argentina là 3080%). Điều đó đã làm cho sự phân hoá giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội, tình trạng đói nghèo và các tệ nạn xã hội không ngừng tăng lên.
Tình trạng kinh tế - xã hội như vậy đã tạo nên bầu không khí bất bình ngày càng tăng và sẵn sàng bùng nổ ở các nước Mỹ Latinh. Chính trong bối cảnh đó đã hình thành các phong trào xã hội rộng lớn, thể hiện nhu cầu bức thiết của đông đảo các tầng lớp nhân dân đòi phải có sự thay đổi. Đây là cơ sở xã hội khách quan cho sự hình thành xu thế thiên tả và thúc đẩy xu thế này trở thành trào lưu cánh tả hiện nay ở Vê-nê-xu-ê-la nói riêng và ở Mỹ Latinh nói chung.
Ở châu Mỹ Latinh, một trong những nhân tố rất quan trọng, quyết định một hướng đi, một quá trình phát triển của sự nghiệp cách mạng, đó là vai trò của cá nhân lãnh đạo, thủ lĩnh, người đứng đầu; họ là người tập hợp và dẫn dắt phong trào đấu tranh của các tầng lớp quần chúng nhân dân. Phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh, nhất là ở Vê-nê-xu-ê-la, không thể phát triển mạnh mẽ được nếu thiếu vắng vai trò lãnh đạo như Tổng thống Hugo Chavez.
Ngày 2-2-1999, Hugo Chavez nhậm chức Tổng thống. Từ đó đến nay, chính quyền Hugo Chavez đã phải trải qua 14 cuộc bầu cử, trưng cầu ý dân, trong đó có cả cuộc trưng cầu dân ý theo yêu cầu của phe đối lập. Điều đó cho thấy rõ: việc giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền tiến bộ vì dân trong hoàn cảnh đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập càng khó hơn nhiều. Ở các nước tư bản, các lực lượng tiến bộ, sau khi giành được chính quyền, muốn thực hiện các mục tiêu của mình phải từng bước thay đổi hiến pháp. Nhưng thay đổi đến mức nào để thực hiện các lợi ích cho nhân dân, phải được tính toán, có bước đi phù hợp, nhằm giành thắng lợi từng bước trong tiến trình cách mạng. Mặc dù gặp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực đế quốc và các lực lượng đối lập trong nước hơn 10 năm qua, nhưng do thực hiện các chính sách hợp lòng dân nên chính quyền của Hugo Chavez vẫn đứng vững và tiếp tục những cải cách kinh tế - xã hội vì lợi ích của đại đa số nhân dân.
Đáng chú ý là, từ năm 2005, Hugo Chavez nhiều lần tuyên bố tiến trình cách mạng ở Vê-nê-xu-ê-la là để đưa đất nước tiến lên “CNXH thế kỷ XXI” và đầu năm 2009, Ông lại giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý cho phép Tổng thống đương nhiệm được quyền ứng cử nhiều nhiệm kỳ.
Sự ủng hộ của các lực lượng cánh tả ở Mỹ Latinh đối với tiến trình cách mạng ở Vê-nê-xu-ê-la giữ vị trí vô cùng to lớn. Mỹ Latinh là nơi diễn ra nhiều cuộc họp thường niên của các đảng, lực lượng cánh tả, các lực lượng dân tộc tiến bộ trong khu vực cũng như các diễn đàn chính trị – xã hội quốc tế của các Đảng Cộng sản, đảng cánh tả. Các cuộc họp và diễn đàn này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thức tỉnh ý thức chính trị trong quần chúng nhân dân các nước Mỹ Latinh, mở đường định hướng cho xu thế cánh tả Mỹ Latinh. Diễn đàn Sao Paulo (ra đời tháng 7-1990 theo sáng kiến của Đảng Lao động Brazil), là diễn đàn thường niên của các đảng, phong trào cánh tả Mỹ Latinh và các khu vực trên thế giới. Chủ đề của Diễn đàn là phê phán mô hình chủ nghĩa tự do mới, tìm kiếm giải pháp thay thế nhằm bảo đảm phát triển bền vững của các quốc gia, thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội, hội nhập quốc tế, tăng cường đoàn kết quốc tế giữa các lực lượng cánh tả, tiến bộ. Hội thảo quốc tế “Các đảng chính trị và xã hội mới” (diễn ra từ năm 1997 theo sáng kiến của Đảng Lao động Mexico) với sự tham gia của các chính đảng, Đảng Cộng sản, Đảng cánh tả Mỹ Latinh để trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chính trị vì một xã hội mới, phát triển về kinh tế, công bằng về xã hội. Hội nghị quốc tế “Toàn cầu hoá và các vấn đề phát triển” (do Cuba đăng cai, tổ chức thường niên từ 1999) quy tụ các lực lượng cánh tả, tiến bộ, các chính khách, nhân sĩ, các nhà nghiên cứu có quan điểm tiến bộ, đại diện cho các tổ chức quốc tế và khu vực, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc. Hội nghị đi sâu phân tích các khía cạnh toàn cầu hoá và những tác động của nó đối với các nước đang phát triển, kinh nghiệm của các nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hoá,v.v.
Về nhân tố thúc đẩy phong trào cánh tả ở Vê-nê-xu-ê-la, không thể không nhắc đến vai trò Cuba - Nhà nước XHCN đầu tiên ở Tây bán cầu - trong việc giúp đỡ, ủng hộ các đảng, các lực lượng cánh tả Mỹ Latinh cả về vật chất lẫn tinh thần. Dù khó khăn mọi bề, nhưng hằng năm Cu ba vẫn nhận đào tạo miễn phí hàng nghìn sinh viên cho các nước Mỹ Latinh và duy trì hàng vạn giáo viên, bác sĩ làm nhiệm vụ quốc tế ở các quốc gia thuộc khu vực này.
Có rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển phong trào cánh tả ở Vê-nê-xu-ê-la và Mỹ Latinh trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng trực tiếp và sâu xa nhất là những nhân tố nội tại, bên trong. Chính sự thất bại của chủ nghĩa tự do mới và sự bất lực của chủ nghĩa tư bản trước các vấn đề to lớn về kinh tế - xã hội đã khiến nhân dân các nước Mỹ Latinh phải lựa chọn hướng mới và chính phủ mới, có khả năng đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ.
Hơn 10 năm cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đã tiến hành quốc hữu hoá từng phần các ngành công nghiệp: xi măng, luyện kim, dầu mỏ; đẩy mạnh kiểm soát tài chính, tiền tệ, gần đây cả kinh doanh lúa, gạo. Chính phủ quốc hữu hoá dầu mỏ bằng cách buộc các công ty tư nhân (cả trong nước và nước ngoài) phải bán ít nhất 51% cổ phần cho công ty dầu khí quốc gia. Sử dụng số lợi nhuận thu được, Chính phủ đầu tư vào các chương trình xã hội, như: xoá nạn mù chữ, xoá đói giảm nghèo, cải tạo nhà ở cho người nghèo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, xây dựng trường học, mở rộng dịch vụ y tế, cải tạo môi trường sống. Ở Vê-nê-xu-ê-la đã có hơn 1,5 triệu người thoát nạn mù chữ; cả đất nước đang phấn đấu phổ cập tiểu học; Nhà nước dành cho ngân sách giáo dục 20% tổng chi ngân sách; học sinh các cấp học đến trường đều không phải đóng học phí, kể cả bậc đại học; hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí; đời sống nhân dân nói chung được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, tỷ lệ người nghèo ở Vê-nê-xu-ê-la đã giảm từ 49% (năm 1999) xuống còn 37,1% (năm 2005); tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13% (năm 2000) xuống còn 9,8% (năm 2006). Đặc biệt, trong xã hội, phụ nữ không những được đề cao trong hoạt động chính trị, xã hội mà còn được ưu đãi khi nghỉ hưu: ngoài hưởng lương theo chế độ, mỗi tháng còn được Chính phủ trợ cấp thêm 200USD.
Bằng nhiều biện pháp kiên quyết và đúng đắn trong kinh tế, được đại đa số nhân dân ủng hộ, Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đã thiết lập được trật tự kinh tế mới và nhanh chóng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan: GDP từ - 7,7% (năm 2003), đến năm 2006 tăng 10%... Dựa vào Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chia ruộng đất hoang hoá cho nông dân; đồng thời, khuyến khích họ tự nguyện lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, với sự hỗ trợ thích đáng của Nhà nước.
Ở Vê-nê-xu-ê-la, một xã hội mới đang phôi thai, hình thành – như Tổng thống Hugo Chavez nhiều lần tuyên bố - đó là xã hội XHCN; con đường tiến lên của Vê-nê-xu-ê-la không thể là chủ nghĩa tự do mới mà là con đường “CNXH thế kỷ XXI”. Nội dung cơ bản của “CNXH thế kỷ XXI” được xác định rõ: Về tư tưởng, lấy chủ nghĩa Mác, tư tưởng cách mạng, tiến bộ của Simon Bolivar làm nền tảng. Về chính trị, đường lối phát triển đất nước phải phục vụ nhân dân, vì nhân dân; nhân dân có quyền và trách nhiệm tham gia quyết định vận mệnh đất nước, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện công bằng xã hội. Về xã hội, xã hội mới đặc biệt nhấn mạnh phát triển y tế, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân, phát triển giáo dục - đào tạo. Về kinh tế, Chính phủ duy trì nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần, nhưng tập trung phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế hợp tác xã, kinh tế cộng đồng; kiên quyết giành lại chủ quyền về tài nguyên (nhất là dầu mỏ) để phục vụ nhân dân. Về đối ngoại, Nhà nước tăng cường đoàn kết với phong trào cánh tả Mỹ Latinh, với các nước Nam Mỹ; không chỉ quan hệ với các đảng Cộng sản của các nước XHCN như Cuba, Trung Quốc, Việt Nam, mà quan hệ cả với các đảng cánh tả, các nhân sĩ tiến bộ ở châu Âu; đẩy mạnh quan hệ với nước Nga và Trung Quốc, nhằm tạo thế cân bằng trên thế giới; đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Cuba…
Tổng thống Hugo Chavez ý thức sâu sắc rằng, để xây dựng “CNXH thế kỷ XXI”, không chỉ căn cứ vào những lời tuyên bố (dù đó là ý tưởng của người thủ lĩnh) mà phải tổ chức ra đảng lãnh đạo, phải bắt tay xây dựng đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ của đảng cầm quyền xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Đảng XHCN thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) được thành lập cách đây hơn một năm (2-3-2008); từ tuyên bố, đến Đại hội I thành lập Đảng chưa đầy 01 năm. Đảng phải là trụ cột của phong trào cánh tả hiện nay, nhưng lại do trục yêu nước chuyển hoá thành đảng chính trị. Nó ra đời từ phong trào cánh tả, được quần chúng đồng tình ủng hộ; từ thắng lợi và uy tín của Hugo Chavez trên cương vị là lãnh tụ, thủ lĩnh; từ trong lòng Chính phủ mới, Quốc hội mới, mà đảng viên PSUV chiếm đa số. Vì vậy, đây chưa phải là một chính đảng tiên phong, có đường lối cách mạng rõ ràng; mặc dù PSUV có gần một triệu người được cấp thẻ đảng trong tổng số 5,7 triệu người ghi tên ủng hộ Đảng, có cảm tình với Đảng. Như vậy, lực lượng cánh tả sau khi giành được chính quyền, thực sự điều hành đất nước, mới thấy sự cần thiết phải có đảng, có đường lối cách mạng, khoa học đúng đắn dẫn đường. Điều đáng mừng là, sự ra đời của PSUV được Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la (ra đời cách đây gần 80 năm) ủng hộ và đồng tình trên các chủ trương lớn của tiến trình cách mạng.
Hiện tại, Chính phủ của Tổng thống Hugô Chavez đang đứng trước nhiều khó khăn do hậu quả của chế độ cũ để lại: nền kinh tế mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp; 30 triệu hécta đất canh tác không nuôi nổi 30 triệu dân. Sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn rất lớn; phân hoá giàu nghèo, nạn mù chữ, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và bạo lực đường phố,... vẫn còn đó. Thế mạnh của Vê-nê-xu-ê-la là dầu mỏ, nhưng ở đây là dầu nặng, giá không cao, dễ bị ép giá; công nghiệp chế biến và vận chuyển dầu chưa phát triển đủ sức cho ngành dầu mỏ. Tuy nhiên, khó lớn nhất đối với Vê-nê-xu-ê-la và PSUV là, từ một nước tư bản, chọn con đường quá độ lên CNXH không phải bằng việc lật đổ chính quyền cũ mà thông qua bầu cử, thì việc xây dựng thể chế chính trị mới và mô hình kinh tế mới phải như thế nào? (Lý luận về con đường này, các nhà kinh điển Mác - Lê-nin chưa nói nhiều). Phải tiếp tục đà thắng lợi này bằng phương thức nào để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn của đấu tranh nghị trường: từ đối lập, đấu tranh để cầm quyền, cầm quyền rồi lại trở thành đối lập?... Trong lúc đó, các thế lực đế quốc, tư bản, lực lượng đối lập đang tìm trăm mưu, nghìn kế, rình rập những sơ hở, sai lầm của phong trào cánh tả để phản kích, hòng giành lại những gì đã mất.
Dù cách xa nửa vòng trái đất, với tình cảm quốc tế trong sáng, nhân dân ta chung vui với nhân dân Vê-nê-xu-ê-la, chia sẻ với những khó khăn của phong trào cánh tả và nhân dân Vê-nê-xu-ê-la trong tiến trình cách mạng, tìm tòi, khám phá, bổ sung, hoàn chỉnh con đường tất yếu đi lên của thời đại, đó là CNXH.
ĐỨC LƯỢNG
Nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân
.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011