QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:21 (GMT+7)
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình \\"Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển và hải đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ biên giới Tổ quốc\\"

Địa bàn biên giới, ven biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên địa bàn này.

Tuy nhiên, thực trạng địa bàn vùng biên giới, ven biển và hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn và nhiều vấn đề bức xúc: cơ sở hạ tầng kém phát triển, tỷ lệ đói nghèo, mù chữ, thất học, tỷ lệ tử vong do bệnh tật còn cao; tình hình du canh, du cư, nạn nghiện hút, buôn lậu, vượt biên trái phép và các tệ nạn xã hội khác chưa được ngăn chặn có hiệu quả; một số khu vực biên giới chưa có dân cư trú, sản xuất nên đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới Tổ quốc.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN vùng biên giới, ven biển, hải đảo, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động số 895 (ngày 27/ 10/ 2000) về "Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển và hải đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ biên giới Tổ quốc". 5 năm qua, Hội NDVN và BĐBP đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc; quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân, cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Tổ chức phát động phong trào nông dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới gắn với các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội NDVN phát động: phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân xây dựng gia đình nông dân văn hóa, tham gia xây dựng làng (ấp, bản), xã văn hóa; phong trào nông dân tham gia đảm bảo QP-AN và các cuộc vận động xã hội khác. Hội NDVN đã phối hợp với BĐBP tích cực vận động nông dân các dân tộc phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Hai ngành đã tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ cho gần 600.000 lượt hội viên, nông dân; vận động 490 hộ định canh, định cư ổn định sản xuất và đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho 17.852 hộ. Hai ngành đã phối hợp triển khai dự án giao thông nông thôn, dự án trồng rừng, dự án định canh, định cư, tạo việc làm cho trên 30.000 lượt hội viên, nông dân, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân các dân tộc. Riêng BĐBP đã tổ chức nhiều cuộc hành quân dã ngoại giúp nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định và phát triển sản xuất, làm đường giao thông liên thôn, liên bản được 904 km; tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn  phí cho 258.946 lượt người nghèo. Hai ngành đã vận động hội viên, nông dân, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền 2,9 tỷ đồng, xây dựng 853 nhà tình thương, tình nghĩa tặng những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng. Phối hợp tổ chức xóa mù chữ cho 9.524 con em nông dân vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; phối hợp tổ chức 1.170 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Để tăng cường bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, Hội NDVN và BĐBP đã phối hợp tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã biên giới, ven biển và hải đảo; xây dựng, củng cố tổ chức Hội và các đồn biên phòng trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở: tổ dân phòng, tổ tuần tra, ban thanh tra... Hai ngành đã vận động hội viên, nông dân tham gia 11.741 buổi tuần tra biên giới cùng với lực lượng biên phòng, qua đó đã phát hiện 11.087 vụ vi phạm pháp luật, 1.087 vụ vi phạm biên giới, 77 vụ vượt biên trái phép. Hội viên nông dân đã cung cấp cho đồn biên phòng 25.542 nguồn tin, trong đó có 18.768 nguồn tin có giá trị, giúp BĐBP khám phá hàng trăm vụ vi phạm pháp luật. Hai ngành phối hợp hòa giải 9.550 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nông dân. Thông qua hoạt động phối hợp giữa Hội NDVN với BĐBP đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển và hải đảo đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng đang tồn tại một số bất cập. Đó là: Hiệu quả tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp chưa đồng đều, chưa bền vững; một số nơi chưa chủ động đề ra nội dung, mục tiêu cụ thể phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương, có nơi còn hình thức, thiếu chiều sâu và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Hình thức tổ chức, tập hợp nông dân, đưa nông dân tham gia vào các hoạt động của Chương trình chưa phong phú, đa dạng và chậm đổi mới; chưa tạo được động lực để phát huy vai trò to lớn của cán bộ, hội viên thực hiện các nội dung, mục tiêu của chương trình. Chưa thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung nội dung, biện pháp tiến hành và phát huy khả năng của mỗi bên trong quá trình thực hiện. Việc kiểm tra, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình hay điển hình tiên tiến chưa cụ thể, kịp thời, nên hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện không cao. ở từng cấp, hai ngành chưa có sự phối hợp điều tra, khảo sát để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chương trình, dự án đầu tư để hai ngành trực tiếp đảm nhận tham gia phát triển kinh tế, VH-XH, củng cố QP-AN nhằm tạo chuyển biến toàn diện ở từng địa bàn, từng khu vực biên giới cũng như ven biển, hải đảo.
Từ nay đến năm 2010, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng; KT-XH có bước phát triển mới, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp bởi sự chống phá của các thế lực thù địch. Các vấn đề dân tộc, tôn giáo, mâu thuẫn nội bộ nhân dân, nạn tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội đang là những vấn đề nhức nhối. Đời sống của đồng bào trên biên giới (mà chủ yếu là nông dân) tuy được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của các ngành, các cấp để có thể thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn vùng biên giới, để phát huy sức mạnh tổng hợp của đồng bào các dân tộc tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Phát huy những thành tích và kết quả đã đạt được 5 năm qua, bám sát thực tiễn tình hình trên các tuyến biên giới, vùng ven biển, hải đảo, từ nay đến hết 2010, các cấp Hội Nông dân và BĐBP cần phối hợp thực hiện tốt các vấn đề sau đây.
Một là, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân các dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương công tác của địa phương.
Tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, các Nghị quyết Trung ương V, Trung ương VII (khóa IX), Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới. Trên cơ sở đó để cán bộ, hội viên, nông dân các dân tộc thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông dân, với đồng bào các dân tộc và khu vực biên giới. Tăng cường giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên, của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, xác định trách nhiệm tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vùng ven biển, hải đảo.
Hai là, phối hợp tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên các tuyến biên giới, gắn với xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Chủ động phối hợp tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo đủ sức lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH và củng cố QP-AN ở địa phương, cơ sở. Thông qua các hoạt động của Hội và phong trào nông dân để bồi dưỡng, phát hiện nguồn cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, kinh nghiệm và phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở Hội, cán bộ làm công tác vận động quần chúng của BĐBP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác vận động nông dân trên biên giới.
Ba là, phối hợp vận động, tổ chức nông dân các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, hải đảo.
Trên cơ sở giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, âm mưu của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để chống phá cách mạng nước ta, các cấp Hội Nông dân và BĐBP cần chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Tập trung phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chủ trương, biện pháp và tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và đồng bào các dân tộc trên biên giới tích cực tham gia phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh, trật tự xóm (bản) khu vực biên giới".
Bốn là, phối hợp hướng dẫn nông dân các dân tộc thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH.
Phối hợp tham mưu thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển KT-XH ở khu vực biên giới. Vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia các phong trào "sản xuất kinh doanh giỏi", "giúp nhau làm kinh tế gia đình", cách thức tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống, tham gia tích cực các hoạt động xóa đói, giảm nghèo; chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa; mở rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, kinh nghiệm trong thời gian vừa qua. Tổ chức tốt việc tập huấn bồi dưỡng những kiến thức về quản lý KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, cán bộ làm công tác vận động quần chúng của BĐBP để làm tốt vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn và tổ chức cho nông dân các dân tộc phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.
(Xem tiếp trang 28)
Triển khai có hiệu quả các dự án ở vùng biên giới, hải đảo do Trung ương Hội NDVN và Bộ Tư lệnh BĐBP đảm nhận. Tiếp tục phối hợp chăm lo sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc; vận động, hướng dẫn nông dân ăn, ở hợp vệ sinh, phòng chống các loại dịch bệnh. Vận động các cháu đến tuổi đi học đến trường; tham gia phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ và tái mù chữ.
Năm là, phối hợp vận động nông dân các dân tộc tham gia xây dựng đời sống văn hóa- tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
Vận động và tổ chức để cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái. Đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị ở khu vực biên giới. Tiếp tục xây dựng và mở rộng các mô hình "Gia đình nông dân văn hóa", "Tập thể nông dân văn hóa". Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống phù hợp với tâm lý và đặc điểm văn hóa các dân tộc, kết hợp với tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để nâng cao đời sống văn hóa- tinh thần, nâng cao nhận thức, giác ngộ cho cán bộ, hội viên và đồng bào các dân tộc trên biên giới.
Hội NDVN và BĐBP cùng chung mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc Trung ương Hội NDVN và Bộ Tư lệnh BĐBP đề ra Chương trình phối hợp "vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển, hải đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, VH-XH, bảo vệ biên giới Tổ quốc" là thực hiện một chức năng cơ bản, có ý nghĩa chính trị- xã hội sâu sắc. Với kinh nghiệm từ thực tế 5 năm thực hiện, với trách nhiệm và quyết tâm cao của hai ngành, tin tưởng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ thực hiện có hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ mà Chương trình đã đề ra.
 
TS. Hà Phúc Mịch
Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
   
 

Ý kiến bạn đọc (0)