QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:36 (GMT+7)
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Vệt Nam - Lào lên tầm cao mới
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng về tự nhiên, văn hóa, xã hội và lịch sử, có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu đời. Đặc biệt, trong cách mạng giải phóng dân tộc, hai dân tộc luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ trong cùng một chiến hào chống kẻ thù chung, giành lại độc lập, tự do cho mỗi nước. Tình cảm đồng chí, anh em chí tình, chí nghĩa đó đã xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, thủy chung.

Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước (4-1975) và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập (12-1975), hai nước cùng tập trung xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc XHCN và cùng chăm lo, củng cố vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, coi đó là quy luật phát triển và là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng mỗi nước. Ngày 18-7-1977, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Lào trong giai đoạn mới của cách mạng hai nước, là cơ sở pháp lý vững chắc để hai nước tiếp tục tăng cường, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống. Ba mươi năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng hai nước tiếp tục dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, to lớn, quý báu và có hiệu quả. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc thăm viếng, hội đàm về tình hình của cách mạng mỗi nước, tình hình khu vực, quốc tế cùng quan tâm; trao đổi, bàn bạc về phương hướng, biện pháp nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao hiệu quả hợp tác. Trong khuôn khổ các chuyến thăm, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Lào đã ký nhiều hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận quan trọng; điển hình là các Hiệp ước về hoạch định biên giới (1977); Hiệp định vận tải đường bộ (1996); Hiệp định về hợp tác chống ma túy (1998); Thỏa thuận về quy chế sử dụng cảng Vũng áng (2001); Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ (2002); Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật từng năm và 5 năm; Thỏa thuận về chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật giai đoạn 2001-2010... Các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước ký kết là những văn kiện chính trị, khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, tạo cơ sở để hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện cả bề rộng và chiều sâu. Những năm gần đây, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước không ngừng được cải thiện, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 137 triệu USD/năm trong nửa đầu thập kỷ này lên 240 triệu USD năm 2006. Hoạt động đầu tư cũng phát triển mạnh mẽ, Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai trong số 30 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Lào; đáng chú ý là các dự án đầu tư có quy mô lớn ngày càng tăng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: thủy điện, khai khoáng, giao thông-vận tải, lâm nghiệp. Chỉ tính riêng giai đoạn 2001-2005 đã có 34 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào, với tổng số vốn lên đến hàng tỷ USD, tiêu biểu là dự án thủy điện Xê-ka-mản 3 với số vốn ban đầu là hơn 300 triệu USD. Việt Nam cũng viện trợ không hoàn lại cho Lào hơn 560 tỷ đồng (tương đương 37 triệu USD), giúp Lào hoàn thành 8 dự án đầu tư, 19 chương trình quy hoạch chuẩn bị đầu tư và 15 chương trình hỗ trợ cho các ngành, địa phương. Lào cũng đã có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn gần 17 triệu USD.

Hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng là một mặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Trước đây, nhân dân và quân đội hai nước đã cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, nên đây là điều kiện, tiền đề hết sức thuận lợi để hai nước tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này. Những năm qua, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký nhiều nghị định, thỏa thuận và tổ chức nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Trong đó, hợp tác đào tạo cán bộ là lĩnh vực chiến lược, được quân đội hai nước hết sức quan tâm. Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp Quân đội nhân dân cách mạng Lào đào tạo, bổ túc hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, trong số đó, nhiều người đã trưởng thành và đang đảm nhiệm những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo, quản lý kinh tế, quốc phòng, an ninh của Lào. Riêng năm 2006, Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng cho gần 1 nghìn cán bộ Lào về các chuyên ngành quân sự, chính trị, hậu cần-kỹ thuật quân sự, góp một phần quan trọng vào chiến lược xây dựng cán bộ của Quân đội nhân dân cách mạng Lào. Trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch, phản động, quân đội hai nước đã tăng cường tổ chức tuần tra, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và bảo đảm an ninh biên giới, phòng chống các loại tội phạm, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và công nghệ quân sự, quân đội hai nước đã tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, sửa chữa, phục hồi, nâng cấp, cải tiến vũ khí, trang bị; từng bước nghiên cứu các phương tiện, vũ khí, trang bị mới, góp phần quan trọng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang hai nước. Bên cạnh đó, quân đội hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin về lĩnh vực quân sự, quốc phòng; tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh cho thương, bệnh binh; phối hợp tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hàng nghìn hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong chiến tranh ở Lào...
Những thành tựu đạt được trong quan hệ hai nước thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ Việt Nam-Lào trong quá trình phát triển của cách mạng mỗi nước. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (10- 10- 2006) của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh,  đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em luôn dành cho Lào sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 
Trong giai đoạn tới, Việt Nam và Lào tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới do hai Đảng đề xướng và lãnh đạo, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa tích cực phát huy nội lực, vừa chủ động mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế để phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản “trở thành nước công nghiệp”; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển đất nước có “nông nghiệp, công nghiệp phát triển có mặt hiện đại”. Cách mạng hai nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội to lớn nhưng cũng không ít nguy cơ, thách thức rất gay gắt, nhất là, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá trên tất cả các lĩnh vực, hòng xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam và Lào. Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi hai nước chúng ta trong khi tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện lên tầm cao mới, coi đây là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước.
Trước hết, quan hệ hai nước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai các quan điểm, đường lối trong chính sách đối ngoại của mỗi nước; mục tiêu, phương hướng tăng cường hợp tác Việt Nam-Lào đã được hai Đảng, hai Nhà nước thông qua, góp phần phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý thức tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hợp tác bình đẳng cùng có lợi, nhưng dành sự ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau, phù hợp với tính chất quan hệ đặc biệt; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác tương xứng với tiềm năng của hai nước, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng phải vừa kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp trong quá khứ, vừa phải tiếp tục được đổi mới phương thức, nội dung, cơ chế hợp tác phù hợp trong điều kiện mới, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD vào năm 2010 và 2 tỷ USD vào năm 2015. Hai nước tập trung đầu tư nghiên cứu dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sê-ka-mản 1, với tổng vốn đầu tư 535 triệu USD, để có thể khởi công trong năm 2007.
Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, quốc phòng, Bộ Quốc phòng hai nước đã có kế hoạch hợp tác trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Theo đó, quân đội hai nước cần tổ chức các cuộc thăm viếng, tọa đàm ở các cấp, nhằm thống nhất các chương trình, kế hoạch, phương thức và cơ chế hợp tác; tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; về xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phối hợp trong phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tiếp tục phát huy thế mạnh và khả năng trong hợp tác đào tạo cán bộ, chú trọng đổi mới nội dung, chương trình và quy trình đào tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng đào tạo. Trong đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, nhất là những vấn đề mới, phát triển mới về phương pháp, biện pháp tác chiến chiến dịch, chiến lược, phương thức đối phó với chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao..., từ đó nâng cao khả năng tư duy, trình độ chiến thuật, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam tăng cường hợp tác giúp Lào trong việc xây dựng nhà trường, kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện để Lào có thể từng bước tự đào tạo, bổ sung nguồn cán bộ kịp thời cho mình. Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tuần tra biên giới, xây dựng các “Đoàn kinh tế-xã hội” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch dân cư, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng biên giới hai nước thực sự hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, quân đội hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, phát triển khoa học-kỹ thuật và công nghệ quân sự, nhất là việc quản lý, khai thác, sử dụng các loại vũ khí, khí tài và các trang, thiết bị hiện đại; từng bước nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới, góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, hợp tác quốc phòng, quân sự giữa Việt Nam và Lào cũng cần được tiếp tục tăng cường thông qua các hoạt động hợp tác đa phương, nhất là thông qua các tổ chức, các diễn đàn kinh tế-chính trị-an ninh của khu vực, như diễn đàn khu vực các nước ASEAN (ARF) nhằm phát huy vai trò tích cực của mình, cùng với các nước đối tác tăng cường hợp tác trong phòng, chống những thách thức an ninh khu vực và toàn cầu, như: các thảm họa về môi trường, các loại dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động khủng bố; phòng, chống thiên tai, phối hợp  cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức tuần tra chung trên biên giới..., góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước cũng như an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5-9-1962 – 5-9-2007), chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, đã đặt nền móng, dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Lào. Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước nguyện quyết tâm cùng nhau gìn giữ, thúc đẩy quan hệ  hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, xứng đáng với lời dạy của Người: “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Đại tá Phon-xả Phi-la-vông
Tùy viên Quân sự Đại sứ quán
Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
 

Ý kiến bạn đọc (0)