Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:16 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công tác dân vận (CTDV) là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, một mặt công tác cơ bản của cả hệ thống chính trị, đảm bảo cho cách mạng giành thắng lợi. Với Quân đội nhân dân Việt Nam, tổ chức thực hiện tốt CTDV không chỉ là nhiệm vụ xuất phát từ bản chất, chức năng, truyền thống của mình, mà còn là tình cảm, lương tâm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Quan hệ đoàn kết máu thịt quân - dân đã trở thành nguồn sức mạnh đảm bảo để quân đội ta không ngừng trưởng thành và chiến thắng.
Bước vào thời kỳ mới, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về CTDV; đồng thời, thực hiện chủ trương đổi mới công tác dân tộc, công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã ra Nghị quyết 152/NQ-ĐUQSTƯ “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận trong thời kỳ mới”. Thực hiện Nghị quyết của Đảng và của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, CTDV của quân đội đã có sự đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về nhận thức, cơ chế lãnh đạo, cũng như nội dung, hình thức, phương pháp công tác. Vì thế, CTDV đã ngày càng đi vào nền nếp, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Trong tổ chức thực hiện CTDV, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thường xuyên bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình, xây dựng được cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, tạo chuyển biến căn bản, vững chắc và đạt hiệu quả thiết thực. Qua đó, CTDV của quân đội đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, phòng chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và có đạo. Đồng thời, thông qua tiến hành CTDV, nền tảng chính trị, tinh thần, tiềm lực vật chất, sức mạnh tổng hợp của quân đội ngày càng được nâng cao; cán bộ, chiến sĩ quân đội thường xuyên được rèn luyện, bồi đắp về mọi mặt để tiếp tục giữ vững, hoàn thiện, phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Chỉ tính riêng trong 5 năm (2003-2008), thực hiện chương trình, kế hoạch CTDV, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đoàn thể chính trị-xã hội (CT-XH), quân đội đã tổ chức 7.759 lượt tổ, đội công tác với 36.675 lượt cán bộ, chiến sĩ đến 6.645 xã, phường; đưa 1.811 cán bộ về tăng cường cơ sở (trong đó có 427 cán bộ, sĩ quan tham gia cấp ủy địa phương). Với 171.880 buổi tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho trên 25 triệu lượt đồng bào (trong đó có 22 triệu lượt đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo), các đơn vị quân đội đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân. Cũng trong 5 năm qua, toàn quân đã cử 17.799 lượt đơn vị với 504.021 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo, vùng còn nhiều khó khăn, phức tạp, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, thực hiện “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, tham gia cùng chính quyền, nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị cụ thể ở địa phương. Thông qua các hoạt động trên, các đơn vị quân đội đã góp phần tham gia xây dựng 23.303 lượt xã phường, 69.540 tổ chức CT-XH ở cơ sở vững mạnh; tổ chức kết nghĩa với 18.436 đầu mối tổ chức chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương; phát triển được 5.250 đảng viên là con em các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo; công tác tuyển quân, tuyển sinh, cử tuyển, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, theo đạo được chú trọng đúng mức… Với trách nhiệm chính trị cao và phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã tham gia có hiệu quả vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh ngăn ngừa các hoạt động chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh CT-XH trên một số địa bàn, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Quân khu 4 của các thế lực thù địch. CTDV của quân đội cũng đã góp phần cùng với các lực lượng khác trong toàn quân, kết hợp với các ban, ngành chức năng và địa phương thực hiện chủ trương xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cũ. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế-xã hội trên các địa bàn. Với tinh thần quân đội của dân, do dân, vì dân, một lòng, một dạ hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước, như: “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai”; phụng dưỡng 14.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, xây 1.000 nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, xây mới và tu sửa 6000 nhà tình nghĩa, tặng trên 2 vạn sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách… Qua đó, góp phần cùng cả nước khắc phục tình trạng nghèo đói trong một bộ phận nhân dân hoặc gặp thiên tai, di chứng chiến tranh. Thực hiện Chương trình 12 quân-dân y kết hợp, hằng năm, quân đội cử các đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đến các vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng, kết hợp vừa tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, với khám, chữa bệnh miễn phí cho trên 3,6 triệu lượt người, tiêm chủng mở rộng cho trên 5,1 triệu lượt trẻ em; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho 1.326 trạm y tế xã, xây dựng mới 400 trạm y tế; giúp các địa phương đào tạo hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế thôn, bản. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ quân đội cũng luôn có mặt kịp thời, không quản ngại hy sinh, gian khổ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong phòng chống thiên tai…, được nhân dân tin cậy. Cùng với đó, CTDV của quân đội còn tham gia có hiệu quả vào việc củng cố quốc phòng-an ninh ở địa phương. 5 năm gần đây, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức 4.232 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng với trên 635.135 lượt người tham gia; mở 290 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản với 41.445 lượt người tham gia; tham gia ngăn chặn 1.839 vụ truyền đạo trái pháp luật; huấn luyện cho hàng triệu dân quân, tự vệ, quân dự bị động viên và học sinh, sinh viên… Những việc làm đầy trách nhiệm, tình nghĩa với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội đã góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng khắc sâu trong lòng nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, CTDV của quân đội cũng còn bộc lộ những hạn chế. Một số cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, cán bộ chuyên trách CTDV chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, cũng như chức năng, nhiệm vụ CTDV, thiếu sâu sát theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác này. Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, tình huống cụ thể còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ. Nội dung, hình thức CTDV ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu chiều sâu, tính thuyết phục chưa cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên làm CTDV chuyên trách chưa thật sự gương mẫu, tiêu biểu về đạo đức, lối sống, còn vi phạm quan hệ quân dân…
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế đang đứng trước những thuận lợi, thời cơ là chủ yếu; song cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng những vấn đề “Dân chủ, nhân quyền”, “Dân tộc, tôn giáo” và những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đời sống chưa được giải quyết kịp thời, để chống phá quyết liệt cách mạng nước ta, hòng gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, CTDV của quân đội cần phải tiếp tục tăng cường, đổi mới về mọi mặt; trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện của mọi cán bộ, chiến sĩ, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, phát triển vào chiều sâu.
Trước hết, CTDV của quân đội cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng đắn và thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đường lối phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân, đặc biệt là với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, vào sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật Nhà nước; không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đang lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để nói xấu Đảng và chế độ, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Hai là, CTDV của quân đội cần hướng trọng tâm vào tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, quốc phòng - an ninh. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm CTDV, cán bộ tăng cường cho cơ sở, các đội công tác cần nâng cao hơn nữa năng lực tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp phù hợp để góp phần xây dựng, củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của chính quyền, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể CT-XH địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, đảng viên là người địa phương, người dân tộc thiểu số, người có đạo, tiếp tục phấn đấu xoá tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, triển khai các phương án phòng chống “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, phương án tác chiến trị an, bảo vệ địa phương, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh. Đồng thời, các đơn vị cần tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội , định canh, định cư, xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai…
Ba là, CTDV của quân đội cần tích cực đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hình thức dân vận, như: kết nghĩa, hành quân dã ngoại kết hợp làm CTDV, tổ chức các tổ, đội công tác, cán bộ tăng cường cơ sở, tổ chức các chương trình phối hợp hoạt động với các ban, ngành, các tổ chức CT-XH cho phù hợp với từng loại hình đơn vị, cần phát huy vai trò hệ thống “chiến sĩ dân vận”, thực hiện xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; đồng thời, tích cực nghiên cứu vận dụng các hình thức CTDV mới cho phù hợp với hoạt động của quân đội trong tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là của cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp về CTDV của quân đội trong tình hình mới. Mọi hoạt động của các lực lượng, các đội CTDV trong quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ của cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội. Chỉ huy các cấp trực tiếp chỉ đạo CTDV của đơn vị; cơ quan chính trị, cán bộ chính trị cần làm tốt vai trò tham mưu và giúp lãnh đạo, chỉ huy tổ chức thực hiện CTDV; đồng thời, phát huy tốt vai trò của các đoàn thể quần chúng, các đoàn viên, hội viên tham gia có hiệu quả vào CTDV của đơn vị. Gắn việc thực hiện tốt CTDV với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, sự vững mạnh của các tổ chức quần chúng. Thường xuyên chăm lo, xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm CTDV, nhất là các đội công tác và cán bộ tăng cường cơ sở, đảm bảo đủ cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ, chiến sĩ làm CTDV phải được bồi dưỡng toàn diện; có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, có nhận thức sâu sắc về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về CTDV. Chú trọng bồi dưỡng phương pháp, tác phong công tác sâu sát cơ sở, gắn bó máu thịt với nhân dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”1. Lời dạy của Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ làm CTDV phải nắm chắc đặc điểm, tình hình cơ sở; phải luôn theo sát diễn biến của địa phương, không được chủ quan, hời hợt, phiến diện; phải thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện, có dự báo chính xác; từ đó tham mưu đề xuất được những chủ trương, giải pháp phù hợp, giúp lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể địa phương giải đáp đúng nguyện vọng của nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có những ai thực sự sống trong dân, thường xuyên gần gũi, giao tiếp với nhân dân mới hiểu được lòng dân và có như vậy, sự tuyên truyền, giác ngộ mới thấm sâu vào nhân dân. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ làm CTDV cần phát huy hơn nữa phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), nhất là với các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo sinh sống.
Năm là, coi trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến ở từng cơ quan, đơn vị; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích cao trong CTDV; kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện nặng về hành chính quân sự; cán bộ dân vận nắm dân không chắc, qua loa, đại khái, chung chung.
Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 152/NQ-ĐUQSTƯ và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) là dịp để các đơn vị trong toàn quân đánh giá đúng những kết quả CTDV của đơn vị mình; đồng thời tìm ra được nhiều hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả CTDV của quân đội trong thời gian tới.
Thiếu tướng Phạm Quang Vinh
Cục trưởng cục Dân vận
________________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, Tập 5, tr . 699.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011