QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:52 (GMT+7)
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội

Doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội. Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNQĐ, định hướng doanh nghiệp (DN) hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Quân đội. 

 

Hầu hết các DNQĐ được hình thành từ các cơ sở sản xuất bảo đảm hậu cần, sửa chữa vũ khí, khí tài quân sự; các đơn vị quân đội đứng chân trên những địa bàn chiến lược, chủ yếu ở vùng rừng núi, biên giới, biển đảo thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Là một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các DNQĐ hoạt động trên nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đất nước, gắn với nhu cầu bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP)... Cùng với quá trình kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế của quân đội, các DNQĐ từng bước được củng cố, bố trí, sắp xếp lại phù hợp với thế bố trí chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đến cuối năm 2001, toàn quân có 169 DN với tổng số vốn nhà nước 4.789 tỷ đồng (bình quân một DN là 29 tỷ đồng). Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của bước khởi đầu thực hiện hạch toán sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, phần lớn các DNQĐ đã năng động, sáng tạo, tìm được hướng phát triển phù hợp, bám trụ và đứng vững trên các địa bàn chiến lược; từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, gắn với hạ giá thành, đáp ứng về số lượng, chất lượng sản phẩm quốc phòng, tham gia cạnh tranh cung cấp hàng kinh tế dân sinh trong nước và xuất khẩu. Hoạt động SXKD của các DNQĐ có nền nếp, hiệu quả ngày càng được nâng cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc gìn giữ và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội và tham gia phát triển kinh tế- xã hội đất nước. 

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN’’, ĐUQSTƯ đã ra Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNQĐ; BQP xây dựng các đề án sắp xếp DNNN  trực thuộc BQP đến năm 2010 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tiếp đó, Thường vụ ĐUQSTƯ ban hành Quyết nghị số 123/QN-ĐU và Quyết nghị số 347/QN-ĐU về sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNQĐ giai đoạn 2006- 2010. BQP đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; đồng thời, giao cho Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển DNQĐ và cấp ủy các cấp rà soát, đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển của DN thuộc cấp mình quản lý; xác định phương án sắp xếp, đổi mới DN và báo cáo BQP. Theo đó, tiến trình sắp xếp, đổi mới DNQĐ được cụ thể hoá trong từng giai đoạn; BQP vẫn quản lý các DN sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị quân sự, các DN hoạt động trên địa bàn thuộc dự án Khu kinh tế-quốc phòng, các DN thực hiện nhiệm vụ kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng (viễn thông, khai thác, dịch vụ cảng biển, cảng sông, bay dịch vụ...); một số DN sẽ từng bước cổ phần hoá.

Theo Đề án của BQP, sau khi sắp xếp lại, trên 80% DNQĐ thuộc loại hình DN QP-AN, số còn lại là DN kinh tế- quốc phòng; các DN 100% vốn nhà nước đều có quy mô vừa và lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các DN hoạt động có hiệu quả hơn, tăng sức cạnh tranh, phát huy đầy đủ quyền tự chủ hạch toán SXKD, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới DNQĐ đã bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất; chấp hành đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Chính phủ và BQP. Việc sắp xếp được thực hiện theo các hình thức: chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn  nhà nước một thành viên (100% vốn nhà nước); các công ty, tổng công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, công ty cổ phần. Theo đó, toàn quân đã tổ chức lại 49 đầu mối DN, thành lập mới 6 công ty trực tiếp phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Đến hết năm 2009, quân đội còn 115 DN 100% vốn nhà nước (giảm 59 DN), với tổng số vốn nhà nước 25.676 tỷ đồng (bình quân một DN 223,2 tỷ đồng - tăng gấp 7,6 lần so với cuối năm 2001), được giao nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ QP-AN thời bình và sẵn sàng cho thời chiến.  

Do đặc thù của nhiệm vụ QS,QP, việc cổ phần hóa DNQĐ được thực hiện ở các DN hoạt động chủ yếu là kinh tế, ít ảnh hưởng đến bảo đảm QP-AN; đến nay, đã hoàn thành cổ phần hóa 24 DN và 12 đơn vị phụ thuộc công ty để thành lập 40 công ty cổ phần (đang thực hiện cổ phần hóa 6 công ty, 9 đơn vị phụ thuộc). Việc thực hiện cổ phần hóa bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình theo quy định của Chính phủ và BQP. Hệ thống tổ chức Đảng trong các công ty cổ phần vẫn được tổ chức chặt chẽ từ Đảng ủy công ty đến chi bộ cơ sở; hoạt động của các cấp ủy, các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị của công ty cổ phần được duy trì đúng nguyên tắc, chế độ. Đối với đất quốc phòng tại các DNQĐ cổ phần hóa, các công ty thực hiện cổ phần hóa được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng (ký hợp đồng thuê đất với BQP, thời hạn tối đa 50 năm, giá thuê đất xác định theo giá quy định của chính quyền địa phương hằng năm). Về sở hữu vốn trong công ty cổ phần, vẫn duy trì đa dạng sở hữu, cổ phần của người lao động vẫn do người lao động sở hữu; không có hiện tượng tư nhân hóa. Việc giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư được lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các DN cổ phần đặc biệt quan tâm. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và BQP, các DN cổ phần hóa đã giải quyết đúng chế độ, chính sách cho người lao động dôi dư theo quy định của Chính phủ (quân nhân giải quyết theo quy định của BQP), bảo đảm tận tình, chu đáo, có lợi nhất cho người lao động.

Các DN sau cổ phần hóa đã vận dụng cơ chế quản lý, điều hành, giám sát phù hợp, thực hiện đầy đủ quyền tự chủ hạch toán SXKD nên đạt hiệu quả cao hơn; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng so với trước khi cổ phần hóa (doanh thu tăng 37,79%, lợi nhuận tăng 267,39%, nộp ngân sách nhà nước tăng 52,64%, thu nhập của người lao động tăng 36,43%; cổ tức hằng năm tăng trung bình 15,65%).

Đáng ghi nhận là trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động, tuy  phải chịu sự tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, nhưng hoạt động SXKD của DNQĐ vẫn giữ được ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước; đã xuất hiện nhiều thương hiệu mạnh, tăng khả năng cạnh tranh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tỷ lệ DN có lãi tăng lên, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, giữ gìn và phát triển tiềm lực quốc phòng, bảo đảm tốt hơn việc làm và tăng thu nhập của người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước... Có thể thấy điều đó qua các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của DNQĐ trong 5 năm gần đây: doanh thu tăng 179%, lợi nhuận trước thuế tăng 476,5%, nộp ngân sách tăng 517%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 102%. Đặc biệt, việc chuyển công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con thành tổng công ty (của những công ty đa ngành nghề, phạm vi hoạt động rộng, quy mô vốn và lực lượng lao động lớn, có ưu thế về thị trường, thương hiệu, trình độ quản lý), đã nâng cao vị thế của công ty mẹ; nhờ đó, hoạt động SXKD của các tổng công ty đạt hiệu quả cao hơn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tăng khả năng bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN, góp phần cùng hệ thống DNNN ổn định kinh tế vĩ mô, tiêu biểu là: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Vietell), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty 15, Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam...

Bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp, đổi mới DNQĐ còn một số hạn chế: tiến độ sắp xếp, đổi mới nhìn chung còn chậm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và DN chưa thật chặt chẽ; giải quyết các thủ tục hành chính còn chậm; một số DN còn lúng túng trong sắp xếp, chưa chú trọng đầu tư đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả SXKD;...  

Phát huy kết quả, kinh nghiệm những năm qua và để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau.

Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Chính phủ, ĐUQSTƯ và BQP về sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 31-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc BQP giai đoạn 2008-2010”, Công văn số 84/TTg-ĐMDN, ngày 14-01-2010 của Chính phủ về điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc BQP. Trên cơ sở đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về sắp xếp, đổi mới DNQĐ, bảo đảm đúng quy trình, nguyên tắc, quy định. Cấp ủy, chỉ huy các DN thuộc diện sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của DN mình. Quá trình sắp xếp DN cần gắn kết chặt chẽ với kiện toàn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và củng cố tổ chức đảng các cấp; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể cấp ủy lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác đảng, công tác chính trị, các tổ chức quần chúng, nhất là công đoàn cơ sở trong DN, đảm bảo hoạt động đúng chức năng, có hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi của người lao động.  

Hai là, tích cực thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa các DNQĐ đã được phê duyệt. Theo đó, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa 12 DN và 13 đơn vị phụ thuộc; chuyển đổi thành 84 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật DN; hoàn thành việc chuyển đổi 10 tổng công ty và công ty sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ- công ty con; tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, giải thể các công ty hoạt động kém hiệu quả để hình thành các DN có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả hơn. Các DN thuộc diện sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa cần chủ động rà soát, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch, biện pháp thực hiện, bảo đảm tiến độ quy định; phấn đấu đến hết ngày 30-6-2010 hoàn thành chuyển đổi DN để hoạt động theo Luật DN của Nhà nước.   

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý DN sau cổ phần hoá. Đơn vị chủ quản DN và các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động SXKD của các công ty cổ phần để có biện pháp thúc đẩy DN hoạt động đúng pháp luật Nhà nước, quy định của BQP, nâng cao hiệu quả SXKD, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của Nhà nước. Việc quản lý các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước thuộc BQP thông qua người đại diện do BQP cử tại DN. Trước mắt, hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý, điều hành tại các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước thuộc BQP; ban hành hệ thống mẫu biểu báo cáo và quy định về chế độ báo cáo đối với người đại diện vốn nhà nước thuộc BQP tại các công ty cổ phần, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý đối với DN cổ phần hóa. Mặt khác, tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với người đại diện của BQP tại các công ty cổ phần trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao; duy trì chế độ giao ban, hội nghị về công tác quản lý tại các công ty cổ phần, kịp thời nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.

Bốn là, phát huy tính chủ động, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả SXKD của DNQĐ. Thực hiện lộ trình gia nhập WTO và chịu sự tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đã và đang tạo sức ép trực tiếp đến hoạt động SXKD của các DNQĐ. Vì vậy, các DN cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, định hướng phát triển những ngành, nghề truyền thống, mũi nhọn, phát huy tiềm năng, lợi thế về tổ chức, kinh nghiệm, trang thiết bị,...để nâng cao hiệu quả SXKD, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với các DN có thế mạnh trên các lĩnh vực: xây dựng, giao thông, công trình ngầm, công nghệ thông tin, dịch vụ cảng biển, dịch vụ bay, khai khoáng... cần có chiến lược đầu tư phát triển, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ QP-AN, tăng thêm năng lực sản xuất của đất nước. Với sự phát triển đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế hiện nay, các DN cần giữ vững và từng bước phát triển vững chắc thị trường đã có trên cơ sở nâng cao chất lượng, gắn với hạ giá thành sản phẩm; chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường mới, đối tác mới, tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các DNQĐ; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và dịch vụ tới các tổ chức, nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhằm giúp DN hoạt động đúng định hướng, tận dụng thời cơ, hạn chế rủi ro để ổn định và phát triển SXKD. Cùng với việc xác định đầu tư phát triển những ngành nghề truyền thống, mũi nhọn, các DN cần thực hiện đa dạng hóa các loại hình hoạt động SXKD, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người lao động; tích cực cải tiến kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ, tạo cơ sở nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, lao động có tay nghề cao trong các DN sản xuất quốc phòng.

Năm là, tăng cường công tác quản lý tài chính DN. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách tài chính DN của Nhà nước, các cơ quan có liên quan phối hợp nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính trong DNQĐ phù hợp với đặc thù quốc phòng, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả tài chính DN. Các DN cần chú trọng nâng cao hiệu quả SXKD, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đẩy mạnh công tác kiểm toán đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra; kết hợp kiểm tra của cấp trên với tự kiểm tra của DN trong các hoạt động tài chính; kịp thời thông tin một cách đầy đủ, khách quan về hiệu quả SXKD của các DN, làm cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp có giải pháp quản lý hiệu quả, hạn chế thiệt hại, rủi ro, tạo điều kiện cho DN phát triển, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả SXKD, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước và quốc phòng, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội và tham gia phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.

 Đại tá, PGS, TS. TRẦN TRUNG TÍN

Cục trưởng Cục Kinh tế-BQP

 

Ý kiến bạn đọc (0)