QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:42 (GMT+7)
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và lộ trình tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Đảng, Nhà nước ta từng bước bổ sung, sửa đổi chính sách người có công với cách mạng. Kế thừa và phát triển Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (năm 1994), các pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, văn bản hướng dẫn thi hành và tổng kết thực hiện chính sách, Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ( Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH 11). Hệ thống văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở pháp lý và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã pháp điển hóa chính sách ưu đãi người có công phù hợp với sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Các đối tượng thụ hưởng chính sách được mở rộng và phân định rõ ràng hơn; bổ sung thêm một số chế độ ưu đãi mới; tạo được mối tương quan hợp lý giữa các mức trợ cấp cho các đối tượng khác nhau và trong cùng nhóm đối tượng chính sách; xây dựng mức nền của trợ cấp ưu đãi (mức chuẩn) không dựa vào tiền lương tối thiểu chung mà theo mức sống trung bình của xã hội, được điều chỉnh theo định kỳ; phân cấp trách nhiệm trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công phù hợp hơn với xu hướng của quá trình cải cách hành chính... Qua hơn ba năm thực hiện, những đổi mới về chính sách ưu đãi người có công đã khẳng định sự đúng đắn, thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn tính ưu việt của chế độ ta, truyền thống đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, được nhân dân và đối tượng chính sách đồng tình, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy còn có những bất cập tồn tại, như: tư duy về xây dựng chính sách chưa mang tính tổng thể, toàn diện, có nội dung chưa phù hợp với những biến đổi và phát triển của kinh tế-xã hội; có quy định về chính sách còn bất hợp lý; một số điều kiện hưởng chính sách chưa được cụ thể hóa kịp thời nên việc tổ chức thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất; chưa phân cấp mạnh quyền hạn gắn với trách nhiệm... Những hạn chế, vướng mắc đó cần được phân tích, khắc phục, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, “ thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”, bảo đảm đời sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của xã hội, quá trình hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công phải thường xuyên điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi, không ngừng nâng cao mức thụ hưởng chung. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi, bảo đảm cho các chính sách luôn phù hợp với điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khắc phục bất hợp lý tồn tại, bảo đảm tính thống nhất của chính sách và quá trình tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

Theo hướng đó, xin nêu một số phát hiện và kiến nghị nhằm tiếp  tục hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với một số đối tượng có công, trực tiếp liên quan đến những người đã, đang và sẽ phục vụ trong quân đội và có ảnh hưởng quan trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ  quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong tình hình mới.

Một là, đổi mới quan niệm về thời điểm được xác nhận liệt sĩ; cụ thể hóa tiêu chuẩn liệt sĩ gắn với phân cấp quyền hạn, trách nhiệm xác nhận liệt sĩ; điều chỉnh trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ, đảm bảo phù hợp, cân đối với các chính sách trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.  Theo quy định hiện hành, người hy sinh chỉ được xác nhận là liệt sĩ, được báo tử và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. ở đây, sự đồng nhất giữa ghi nhận (cấp bằng “Tổ quốc ghi công”) như là điều kiện có ý nghĩa quyết định việc xác nhận liệt sĩ đã làm nảy sinh nhiều vướng mắc. Trước hết, đó là sự không kịp thời và không có sự quy định thống nhất về thời gian, kể từ ngày đối tượng hy sinh cho đến ngày được cấp bằng “Tổ quốc ghi công”, do thủ tục hành chính của việc xác nhận phải qua nhiều cấp (từ cơ sở đến Chính phủ và ngược lại); hơn nữa, thời gian triển khai của các đơn vị cũng khác nhau. Có khi, cùng một vụ việc, nhưng có thể thời điểm công nhận liệt sĩ khác nhau (vì không cùng đơn vị), hoặc người bị thương được xác nhận và hưởng chế độ thương binh trước, người hy sinh thì phải chờ (?). Có trường hợp bằng khen thưởng, tuyên dương công trạng ghi là liệt sĩ, nhưng lại chưa được xác nhận là liệt sĩ vì chưa được báo tử, do chưa có bằng “Tổ quốc ghi công”. Cũng do chờ đợi lâu nên đã tạo ra những khoảng trống về chính sách đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, chế độ tiền lương và phụ cấp không được chi trả, chế độ liệt sĩ chưa đến thời điểm nhận (khoảng cách này dài hay ngắn lại tùy thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước). Sự thiếu thốn về tinh thần cùng với lo lắng, chờ đợi chính sách đã làm cho tâm lý của thân nhân gia đình liệt sĩ thêm nặng nề. Thực tế đó đã dẫn đến sự không công bằng; hạn chế tính kịp thời động viên tinh thần cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng; trong khi các nguy cơ tự nhiên, xã hội vẫn thường xuyên xảy ra, điều đó cũng đã dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Để khắc phục bất hợp lý trên, nên chăng cần tách việc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” khỏi thủ tục xác nhận liệt sĩ; quy định rõ thời gian tối đa của quá trình thủ tục hành chính xác nhận liệt sĩ và thống nhất thân nhân liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi từ tháng liền kề tháng liệt sĩ hy sinh. Cơ sở để thực hiện đề xuất này là cần cụ thể hóa rõ ràng các điều kiện để dựa vào đó có thể xác định được ngay những hành vi hy sinh được công nhận là liệt sĩ; cần phải phân cấp thẩm quyền xác nhận liệt sĩ theo hướng thống nhất với thẩm quyền xác nhận thương binh, bệnh binh, gắn với nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được trao quyền. Cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương không nên làm nhiệm vụ xem xét, xác nhận với từng trường hợp cụ thể mà cần đề cao vai trò quản lý, kiểm tra, chỉ đạo đối với cơ quan quản lý nhà nước ở cấp dưới trong quá trình tổ chức thực hiện với tinh thần thực sự vì đối tượng chính sách.

Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh mức trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ, bảo đảm cân đối với trợ cấp có tính chất bồi thường tai nạn lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, phù hợp với thực tế số lượng liệt sĩ tăng thêm hằng năm không nhiều, tổng số lượng đối tượng có công với cách mạng ngày càng giảm và điều kiện, cơ chế kinh tế mới, thực sự góp phần ổn định đời sống của gia đình liệt sĩ. Tổ chức thực hiện tốt quy định: thân nhân liệt sĩ vừa được hưởng chế độ ưu đãi người có công, vừa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; chủ động xử lý vướng mắc phát sinh về mức thụ hưởng của thân nhân liệt sĩ trước thời điểm hiệu lực của chính sách đồng hưởng cả hai chế độ nêu trên.

Hai là, đổi mới quan niệm bệnh binh và chế độ đối với bệnh binh. Theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, quân nhân có thời gian phục vụ nhất định, chưa đến tuổi nghỉ hưu, trong điều kiện, hoàn cảnh xác định của pháp luật, mất sức lao động 61% trở lên được xác nhận là bệnh binh, thực hiện xuất ngũ và được hưởng trợ cấp ưu đãi theo nhóm tỷ lệ mất sức lao động. Văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ ngày 01/1/2007) quy định bệnh binh còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Việc quy định bệnh binh đồng hưởng cả hai chế độ như trên là một tiến bộ, bảo đảm công bằng về chính sách. Tuy nhiên, quan niệm về bệnh binh và chế độ đối với bệnh binh hiện hành cũng chưa phù hợp với điều kiện mới.

Bệnh binh là quân nhân không đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ. Trước đây, khi mọi chế độ đều chi từ ngân sách, chưa tách quỹ lương, quỹ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, bệnh binh xuất ngũ, hưởng chế độ, không tham gia hoạt động và tiếp tục hưởng lương trong hệ thống các cơ quan Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, với nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh, bệnh binh được quyền tham gia lao động, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có thể hưởng chế độ hưu trí nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Rõ ràng tư duy (ý thức) về bệnh binh theo quy định hiện hành chưa phản ánh được thực tiễn cuộc sống, cần phải được đổi mới.

Nhận thức mới về bệnh binh đòi hỏi tất yếu phải đổi mới cách thức thiết kế chế độ đối với bệnh binh. Bệnh binh được hưởng chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; đồng thời, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc được tính nối bảo hiểm xã hội tùy theo các điều kiện cụ thể (nội dung này đã được ghi về nguyên tắc trong dự án Luật Sĩ quan (1999) sửa đổi). Để bệnh binh đúng là đối tượng có công, vấn đề hết sức quan trọng là xác định nguồn gốc bệnh tật dẫn đến mất sức lao động có xuất phát từ môi trường hoạt động quân sự hay không; nghiên cứu, ban hành quy định các loại bệnh tật có thể phát sinh để từng bước chuyển các điều kiện xác nhận bệnh binh từ yếu tố thời gian sang môi trường, hoàn cảnh hoạt động quân sự là chủ yếu. Khi thực hiện quy định bệnh binh vừa hưởng chế độ ưu đãi, vừa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo quy định hiện hành, hoặc có thể tính nối theo đề xuất trên đây, cũng rất cần chú ý xử lý những vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chính sách và ổn định xã hội.

Ba là, sửa đổi, bổ sung điều kiện, chế độ; thực hiện sự trợ giúp đồng bộ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Những mất mát và nỗi đau về tinh thần, sự khó khăn về vật chất của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học còn kéo dài, bức xúc, nhất là những người sinh con dị tật, dị dạng. Việc bổ sung những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vào đối tượng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện chế độ ưu đãi toàn diện hơn đối với họ là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta, tạo nên chất lượng mới trong việc bảo đảm và chăm sóc đối với bản thân người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân họ. Tuy nhiên, việc xác định tính chất đối tượng, điều kiện xác nhận cũng như cơ sở xác định các chế độ, định mức cũng chưa thật thuyết phục; quá trình chuyển tiếp giữa các văn bản quy định về chính sách và chỉ đạo thực hiện thiếu tính liên tục, còn có vướng mắc, tạo ra những trăn trở, bức xúc trong đối tượng và xã hội...

Trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu xác định rõ quan niệm đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, phân biệt rõ hơn sự giống và khác nhau giữa họ với thương binh, bệnh binh. Các điều kiện hưởng chế độ, ngoài yếu tố địa bàn hoạt động, cần kết hợp chặt chẽ giữa điều kiện y học (tỷ lệ mất sức lao động do nhiễm chất độc hóa học) và thực tế những biến đổi sinh học dẫn đến sinh con dị tật, dị dạng hoặc vô sinh; xác định quy trình trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, không để sót nhưng cũng không để xảy ra tình trạng lạm dụng và lợi dụng chính sách. Mức hưởng chế độ đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nên thiết kế theo hướng phân nhóm tương đương như bệnh binh. Sớm có giải pháp giải quyết thỏa đáng về chính sách với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được hưởng trợ cấp theo quy định của Chính phủ, nay lại bị cắt chế độ do thay đổi điều kiện hưởng theo quy định mới (trên cơ sở đã được rà soát nghiêm túc), bảo đảm tính nhất quán và liên tục của chính sách; đồng thời, tăng cường phối hợp chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, thủ tục trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đề xuất cơ sở khoa học để giải quyết hợp lý đối với những vấn đề phức tạp đang có tính thời sự, như: người đang hưởng chế độ chất độc hóa học chết do chính bệnh tật phát sinh; thế hệ cháu của người bị nhiễm chất độc hóa học; phát huy sức mạnh tổng hợp trong trợ giúp, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân của họ.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải quyết tồn đọng chính sách đối với quân nhân bị thương, hy sinh trước ngày 1-10-2005, chưa được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ theo quy định. Những năm qua, bằng nhiều văn bản quy định, với sự cố gắng và nỗ lực rất cao của các cấp, các ngành, chúng ta đã giải quyết được một khối lượng lớn tồn đọng chính sách thương binh, liệt sĩ. Nghiêm túc nhìn lại, bên cạnh những cố gắng và thành công cũng tồn tại những thiếu sót, thậm chí có cả tiêu cực. Thực tế cho thấy, còn có những trường hợp thực sự bị thương, hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng trước ngày 01-10-2005 (ngày có hiệu lực thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng), nhưng không còn đủ giấy tờ theo quy định hiện hành để hưởng chính sách. Đối với bản thân và gia đình họ, đó là một thiệt thòi, mất mát cả về vật chất và tinh thần, càng bức xúc hơn trong bối cảnh mới. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, cần phải tiếp tục thực hiện chính sách với đối tượng còn sót và phải tổ chức thực hiện theo một cơ chế mới, bảo đảm hết sức chặt chẽ, chính xác; không vì sợ sai mà không dám đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện.

Để có chủ trương, giải pháp thích hợp, sát với tình hình, trước hết cần tiếp tục rà soát, tổng hợp, đánh giá đúng thực trạng về số lượng, đặc điểm hoàn cảnh đối tượng, xác định rõ các điều kiện, khả năng và các mối quan hệ có liên quan đến tổ chức thực hiện. Xuất phát từ tính phức tạp của giải quyết tồn đọng chính sách (dễ bị lạm dụng và tiêu cực...) và do đối tượng có những đặc thù nhất định, không còn hoặc thiếu các giấy tờ hợp lệ, vì thế việc xác định các giải pháp phải bảo đảm hết sức chặt chẽ về quy trình và thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện phải công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân gắn với trách nhiệm hành chính của những người tham gia vào việc xác nhận, giám định, thẩm định, ra quyết định. Vấn đề hết sức quan trọng là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, phải kết hợp với thanh tra, kiểm tra, loại bỏ kịp thời và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những trường hợp khai man, làm trái... để hưởng chính sách ưu đãi.

Tiếp tục nghiên cứu chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là hết sức cần thiết, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, trước hết là ngành chức năng. Do vậy, cần nghiên cứu phân loại vấn đề, phạm vi và nội dung, xác định lộ trình giải quyết phù hợp, cũng như việc phân công và phối hợp thực hiện. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, nhất định chúng ta sẽ hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, trong đó những kiến nghị trong bài viết này mới chỉ là những suy nghĩ ban đầu.

Đại tá, TS. Trần Văn Minh

 

Ý kiến bạn đọc (0)