QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 00:31 (GMT+7)
Tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các cấp hội nhà báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Báo chí Cách mạng là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động báo chí trong tình hình mới, một trong những nhân tố quan trọng là phải nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam.

  

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng và Nhà nước, những năm qua, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; hình thức ngày càng phong phú, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin ngày càng hiện đại. Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 15 liên chi hội, 175 chi hội trực thuộc và 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố với tổng số trên 16.800 hội viên (hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo). Cả nước có 706 cơ quan báo chí (76 báo Trung ương, 102 báo địa phương, 528 tạp chí); 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo in. Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam đã phủ sóng trên 90% diện tích lãnh thổ và phủ sóng vệ tinh đến nhiều khu vực trên thế giới; số người sử dụng Internet của Việt Nam chiếm khoảng 25% dân số.

Bằng các phương pháp, hình thức phong phú, báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình, tiên tiến, những thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước. Hệ thống báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, là diễn đàn dân chủ của nhân dân. Báo chí tích cực thực hiện chức năng phản biện xã hội, đã phát hiện, dự báo đúng nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; trên cơ sở đó, đề xuất nhiều giải pháp, góp phần khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế còn tồn tại. Báo chí còn tham gia với trách nhiệm cao vào các hoạt động của đời sống xã hội và thực sự trở thành công cụ có hiệu quả của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác. Đặc biệt, báo chí đã thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lên án những hành động vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, nhất là đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc; là vũ khí sắc bén phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, thông tin sai lệch, những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng trong chiến lược "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào sự nghiệp BVTQ Việt Nam XHCN. Bên cạnh đó, báo chí còn có đóng góp quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, các cơ quan báo chí còn chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cơ quan và nhân dân đóng góp tiền của, vật chất giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, tai nạn và những địa phương, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn...

Kết quả trên đã khẳng định hiệu quả, những đóng góp quan trọng của lực lượng báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và BVTQ; đồng thời, cũng khẳng định sự nỗ lực, chủ động, tích cực và vai trò quan trọng của cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Trong 60 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực tổ chức, đoàn kết, động viên, cổ vũ các nhà báo-hội viên phát huy tài năng, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội Nhà báo Việt Nam đã thường xuyên chủ động tham gia công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; tích cực đóng góp xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy về báo chí; đồng thời, tổ chức tốt việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo các cấp. Hội luôn quan tâm bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho hội viên. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được các cơ quan báo chí tích cực, chủ động triển khai dưới nhiều hình thức, gắn với thực hiện “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Hội Nhà báo Việt Nam còn thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, tham gia tổ chức tốt Giải báo chí Quốc gia hằng năm và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều giải báo chí khác. Đề án "Hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương, giai đoạn 2006-2010" được triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo các tác phẩm có chất lượng cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền. Cùng với đó, các cấp Hội còn thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm cho hoạt động của Hội; đồng thời, tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Các hoạt động thi đua cũng thường xuyên được quan tâm đúng mức; 5 năm vừa qua đã có 12 đơn vị được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam, 188 tập thể và 789 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, 1.208 hội viên được tặng Kỷ niệm chương...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy cảm và trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, chưa làm tốt chức năng tư tưởng-văn hoá, vai trò định hướng và làm chủ dư luận xã hội; chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, còn hiện tượng chạy theo xu hướng “thương mại hóa” hoạt động báo chí; còn không ít trường hợp thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, một số báo chí chậm đổi mới nội dung, hình thức, làm hạn chế hiệu quả tuyên truyền; năng lực, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm chính trị-xã hội-nghề nghiệp của một bộ phận những người làm báo còn bất cập. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ, phóng viên chưa đáp ứng yêu cầu; một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức của hội viên...

Trong những năm tới, hoà bình và hợp tác vẫn là xu thế lớn, nhưng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh kinh tế thương mại, đấu tranh giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường... giữa các nước ngày càng gay gắt. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội còn tiếp diễn. Trên đất nước ta, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới đất nước tiếp tục được đẩy mạnh, hội nhập quốc tế ngày càng cao. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tăng cư­ờng chống phá về nhiều mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng. Bên cạnh đó, tệ nạn tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi một cách cơ bản; tình hình tư tưởng của một bộ phận nhân dân còn diễn biến phức tạp...

Tình hình đó đặt ra cho công tác báo chí những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phải tiếp tục đổi mới tư duy, tập trung xây dựng vững mạnh, không ngừng nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong công cuộc đổi mới, xây dựng và BVTQ. Muốn vậy, trước hết, các cấp Hội Nhà báo phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về báo chí và chính sách, pháp luật của Nhà nước; trước hết, cần tiếp tục quán triệt và tập trung tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khoá IX) “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”; coi trọng công tác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó có các cấp Hội Nhà báo trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của hội viên; bảo đảm cho hội viên có nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với công cuộc đổi mới xây dựng và BVTQ hiện nay. Qua đó, chủ động, tích cực tham gia đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần tạo sự thống nhất nhận thức, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2010: đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng, kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam... Qua đó, xây dựng, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

Mặt khác, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách, cơ chế quản lý báo chí, mô hình tổ chức hoạt động báo chí. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hội viên; đa dạng hoá các hình thức giáo dục đạo đức của hội viên, nhằm xây dựng, bảo đảm các quy chuẩn đạo đức của người làm báo cách mạng.

Một vấn đề quan trọng là, Hội Nhà báo các cấp phải thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ ở các cấp Hội, bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng tốt và trách nhiệm cao đối với mọi hoạt động của Hội. Nghiên cứu đề nghị tăng cường cán bộ lãnh đạo chuyên trách trong cơ quan Trung ương Hội và Hội Nhà báo các tỉnh (thành phố) theo tinh thần của Thông báo kết luận số 221-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương. Các cấp Hội cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền về kinh phí và điều kiện hoạt động; đề xuất, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt. Mặt khác, cần chủ động tổ chức các hoạt động dịch vụ, hoạt động nghiệp vụ báo chí hợp pháp để tăng nguồn thu phục vụ cho hoạt động của Hội.

Các cấp Hội cần coi công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo-hội viên là một nhiệm vụ trọng tâm; tích cực và chủ động tham gia xây dựng giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong các học viện, nhà trường, các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, kết hợp với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

Thực hiện tốt các phong trào thi đua và tuyên truyền cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục phát huy và duy trì hình thức sinh hoạt, thi đua theo cụm các Hội Nhà báo. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nhà báo tiếp tục hướng dẫn và động viên hội viên tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức hội viên theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, gắn với thực hiện 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Xây dựng kế hoạch sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2010-2015; nghiên cứu mở rộng Giải báo chí Quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức giải báo chí chuyên ngành; tổ chức có hiệu quả các câu lạc bộ báo chí và nghiên cứu thành lập thêm một số câu lạc bộ mới ở Trung ương và địa phương.

Trên cơ sở các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với Hội Nhà báo và tổ chức báo chí các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; làm cho nhân dân thế giới, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng và đồng tình ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Mặt khác, nhận thức đúng những cơ hội và thách thức trong xu thế toàn cầu hoá truyền thông đại chúng, từ đó phát huy hiệu quả tuyên truyền; đồng thời, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chính trị-xã hội, đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Tháng 8-2010, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của những người làm báo Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng, ý thức đầy đủ vị trí, vai trò và trách nhiệm chính trị của những người làm báo, các cấp Hội tiếp tục phấn đấu nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí, góp phần giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng-văn hoá, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của nhân dân.

 LÊ QUỐC TRUNG

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

  

 

Ý kiến bạn đọc (0)