QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:16 (GMT+7)
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta luôn xác định con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) là hai yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội và tiềm lực quốc phòng. Là một mặt công tác quân sự, công tác kỹ thuật (CTKT) nhằm bảo đảm VKTBKT cho lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chiến đấu và các nhiệm vụ khác cả trong thời bình và thời chiến. Nhưng, VKTBKT hiện có của ta gồm nhiều chủng loại, phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, thuộc thế hệ cũ, khả năng bảo đảm vật tư kỹ thuật ngày càng khó khăn...

Trong điều kiện đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) và cấp ủy, chỉ huy các cấp, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của toàn ngành Kỹ thuật, CTKT thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và tham gia phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Điểm nổi bật là ngành Kỹ thuật đã chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTKT đạt kết quả ngày càng cao; đồng thời, chỉ đạo tổ chức bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, tương đối đồng bộ VKTBKT cho nhiệm vụ SSCĐ (nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ trên các địa bàn trọng điểm, bảo vệ vùng trời, biển đảo, biên giới), huấn luyện, tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động khác của quân đội. Bên cạnh đó, CTKT đã triển khai đồng bộ biện pháp để duy trì số lượng, chất lượng một khối lượng lớn VKTBKT dự trữ sẵn sàng cho các tình huống (nếu xảy ra); tích cực nghiên cứu cải tiến, hiện đại hoá một số loại VKTBKT để đáp ứng yêu cầu tác chiến mới. Tổ chức và cơ chế quản lý, chỉ đạo của ngành Kỹ thuật từng bước được kiện toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ ở cả ba cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Ngành (điều lệ, quy định CTKT và hệ thống tiêu chuẩn quân sự) và đưa vào thực hiện thống nhất trong toàn quân. Các cơ sở kỹ thuật (nhà máy, xưởng, trạm, trung tâm kiểm định, trung tâm sửa chữa, kho tàng) được quy hoạch theo thế bố trí chiến lược mới và từng bước đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các nhà trường đào tạo kỹ thuật được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đủ năng lực đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của hầu hết các ngành nghề đặc thù quân sự, kể cả một phần số ngành nghề trước đây phải gửi đào tạo ở nước ngoài. Công tác nghiên cứu khoa học- công nghệ và sáng kiến cải tiến kỹ thuật đạt kết quả cao; hệ thống các cơ sở nghiên cứu được củng cố về tổ chức, các cơ sở thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu, trong đó có những phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được đầu tư xây dựng. Nền nếp chính quy của Ngành được chú trọng xây dựng và củng cố. Cuộc vận động (CVĐ) “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” được các cấp, các ngành trong toàn quân hưởng ứng tích cực, đạt hiệu quả thiết thực... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, CTKT còn những hạn chế. Một số cán bộ, thậm chí là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTKT, chưa thực sự coi đó là một mặt công tác của người chỉ huy. Vai trò chủ động tham mưu, đề xuất của ngành Kỹ thuật có lúc chưa phát huy đầy đủ, nhất là việc tham mưu về giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp nhanh và mất đồng bộ của VKTBKT. Tổ chức biên chế và cơ chế quản lý ở một số nơi thuộc Ngành chưa chấn chỉnh, kiện toàn nhằm bảo đảm hợp lý, thống nhất. Điều kiện bảo quản, cất giữ, sửa chữa VKTBKT còn nhiều hạn chế; các yếu tố vật chất phục vụ cho đảm bảo kỹ thuật còn thiếu cả trong hoạt động thường xuyên và dự trữ sử dụng lâu dài. Công tác đầu tư xây dựng tiềm lực kỹ thuật trong thời bình, nhất là về đào tạo, nghiên cứu khoa học-công nghệ, mua sắm, sản xuất vật tư kỹ thuật..., còn thiếu đồng bộ, chưa ngang tầm yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới.

Trước thực trạng đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 29-11-2007, ĐUQSTƯ đã ban hành Nghị quyết số 382/NQ-ĐUQSTW về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới. Đây là một văn kiện đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với việc xây dựng, phát triển Ngành ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi, mà còn góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước trong tình hình mới. Theo đó, phương hướng CTKT thời gian tới là “Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả CTKT nhằm bảo đảm kịp thời và đầy đủ VKTBKT có chất lượng tốt, đồng bộ cho LLVT nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; tạo được sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về nhận thức, về tổ chức, hệ thống cơ sở kỹ thuật và cơ chế quản lý chỉ đạo CTKT. Xây dựng ngành Kỹ thuật tinh, gọn, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với tổ chức lực lượng Quân đội trong tình hình mới”. Mục tiêu chính của CTKT cần hướng tới là giữ gìn, khai thác, sử dụng tốt VKTBKT; quy hoạch xây dựng hệ thống kho tàng kỹ thuật các cấp phù hợp với Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; tiếp tục đầu tư củng cố hệ thống cơ sở sửa chữa các cấp, làm chủ công nghệ sửa chữa, đẩy mạnh sản xuất vật tư kỹ thuật; đầu tư nâng cao hệ số kỹ thuật cho VKTBKT.

Để thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụgiải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cấp uỷ, chỉ huy các cấp phải thực sự coi CTKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của mình. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CTKT. Từ đó, đề cao trách nhiệm, có giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo bước chuyển mạnh mẽ, vững chắc về CTKT trong toàn quân. Đặc biệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của ngành Kỹ thuật, gắn với huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện CTKT. Tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục- đào tạo, trực tiếp là Nghị quyết số 86, ngày 29- 3- 2007 của ĐUQSTƯ về giáo dục- đào tạo trong tình hình mới, tiếp tục đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp trong quân đội, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, ngành nghề để tiến hành có hiệu quả CTKT ở các lĩnh vực. Tăng cường tuyển chọn học viên gửi đi đào tạo các trường của Nhà nước và nước ngoài, ưu tiên đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ cao về khai thác, sửa chữa, cải tiến, sản xuất các loại VKTBKT.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu lý luận về CTKT. Tổ chức nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật trong thời bình và thời chiến; tổ chức ngành Kỹ thuật các cấp trong quân đội phù hợp với tổ chức quân đội trong tình hình mới, bảo đảm quản lý, chỉ đạo thống nhất, thông suốt, không chồng chéo. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học- công nghệ phục vụ CTKT, nghiên cứu ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào khai thác VKTBKT và công tác quản lý, chỉ huy của ngành Kỹ thuật....

Bốn là, thực hiện đồng bộ các biện pháp, bảo đảm VKTBKT chất lượng tốt, đồng bộ, vững chắc. Tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế tốc độ xuống cấp, đi đôi với quy hoạch sử dụng trang bị, cải tiến, hiện đại hoá và mua sắm, sản xuất VKTBKT phù hợp với cách đánh của các LLVT trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc  (nếu xẩy ra), kể cả khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đầu tư thích đáng cho việc mua sắm VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ khai thác, sử dụng thường xuyên và có dự trữ cho các tình huống. Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn ngân sách kỹ thuật, chống thất thoát, tham ô, lãng phí.

Năm là, đầu tư củng cố, nâng cấp các cơ sở kỹ thuật đáp ứng yêu cầu  trong tình hình mới. Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch hệ thống kho VKTBKT ở các cấp, phù hợp với thế bố trí chiến lược mới. Tập trung đầu tư nâng cấp các kho VKTBKT, hệ thống thiết bị, phương tiện chống cháy nổ, bảo đảm an toàn kho. Thực hiện nghiêm Nghị định 148/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vành đai an toàn kho đạn dược và vật liệu nổ. Trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ, kịp thời chấn chỉnh các cơ sở sửa chữa, kết hợp với đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sửa chữa VKTBKT và sản xuất vật tư kỹ thuật.    

Sáu là, tăng cường dự trữ cho quốc phòng và công tác chuẩn bị động viên. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương trong xây dựng lực lượng, cơ sở động viên kỹ thuật, để huy động phương tiện, cán bộ, nhân viên kỹ thuật và dây chuyền công nghệ sửa chữa VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật, sẵn sàng huy động khi có lệnh.

Bảy là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động thực hiện Cuộc vận động  "Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông" trong toàn quân đi vào chiều sâu, vững chắc. Tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu, yêu cầu của CVĐ, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi người, gắn nội dung CVĐ với phong trào thi đua quyết thắng và thực sự là phong trào thi đua rộng khắp của quần chúng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có năng lực chuyên môn khá, làm lực lượng nòng cốt thực hiện CVĐ, đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị 128/CT-BQP ngày 25-8-2007 của Bộ Quốc phòng và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ “về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”.

Bám sát phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của ĐUQSTƯ về CTKT trong tình hình mới, ngành Kỹ thuật, trước hết là cơ quan kỹ thuật cấp chiến lược, cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng các chương trình, dự án nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW theo lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2010 và 2020. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, chiến sĩ trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về CTKT trong toàn quân, đáp ứng   nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Nguyễn Châu Thanh

Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật

 

Ý kiến bạn đọc (0)