QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 00:24 (GMT+7)
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần trong tình hình mới
Phương thức bảo đảm hậu cần (BĐHC) là tổng thể các phương pháp, hình thức về tổ chức và BĐHC nhằm giải quyết đúng đắn, hợp lý các mối quan hệ giữa các tổ chức lực lượng hậu cần và các nguồn cung cấp; đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu hậu cần cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Bảo đảm vật chất là nội dung quan trọng của BĐHC; xét về hình thức, có bảo đảm bằng tiền, bằng hiện vật và kết hợp bảo đảm bằng tiền với bảo đảm bằng hiện vật theo phân cấp. Tuỳ tình hình đất nước, nhiệm vụ quân đội từng thời kỳ, đặc điểm, yêu cầu bảo đảm mỗi loại vật chất ở từng cấp, đơn vị... mà xác định phương thức bảo đảm vật chất hậu cần (VCHC) cho phù hợp, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, nguồn BĐHC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong xây dựng, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).

Sau 20 năm đổi mới, phương thức bảo đảm VCHC trong quân đội đã thay đổi căn bản, mang lại hiệu quả to lớn. Từ bảo đảm bằng hiện vật sang kết hợp giữa bảo đảm bằng tiền để khai thác tại chỗ với bảo đảm bằng hiện vật theo phân cấp, đã rút, giảm được tổ chức biên chế (con người, kho tàng, trang thiết bị); tiết kiệm ngân sách đầu tư xây dựng, bảo quản hệ thống kho tàng; giảm khối lượng lớn hàng hóa và chi phí xây dựng trong vận chuyển; giải quyết được tình trạng hàng tồn kho, hạn chế lãng phí, hư hỏng và tổn thất VCHC; phát huy khả năng hậu cần tại chỗ, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương trên địa bàn đóng quân, vừa là cơ sở để xây dựng thế trận, chuẩn bị tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ, cho phép giảm đáng kể lượng vật chất dự trữ cho SSCĐ của quân đội; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các đơn vị (về lao động, cơ sở vật chất, trang bị...), khuyến khích đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX) tạo ra của cải; khơi dậy tính năng động, sáng tạo của hậu cần các cấp, dần xóa bỏ tư tưởng “lĩnh trên, cấp dưới”, ỷ lại, trông chờ vào hậu cần cấp trên; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hậu cần sản xuất, kinh doanh năng động hơn, chủ động trong bảo đảm cho bộ đội; hệ thống tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế kỹ thuật hậu cần và ứng dụng khoa học-công nghệ vào công tác hậu cần được tăng cường... Tuy nhiên, việc đổi mới phương thức BĐHC có lúc, có mặt còn lúng túng, lúc phân cấp quá rộng, lúc lại tập trung về trên quá cao, hệ thống các biện pháp quản lý tiền- hiện vật có trường hợp chưa chặt chẽ, đồng bộ. Từ đó, bảo đảm VCHC còn bộc lộ những hạn chế là: việc phân cấp tạo nguồn VCHC ở các cấp thực hiện chưa triệt để; có ngành, có mặt hàng vẫn còn mang nặng cơ chế “kế hoạch hoá bao cấp”; chất lượng hàng hóa sản xuất, mua sắm tạo nguồn có thời điểm, có mặt hàng chưa đạt yêu cầu, thời gian chậm đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bộ đội; quản lý cơ sở vật chất, kinh phí hậu cần có đơn vị chưa chặt chẽ, còn để hư hỏng, thất thoát và sử dụng sai mục đích, cá biệt có trường hợp còn vi phạm nguyên tắc chế độ; phong trào TGSX phát triển chưa đồng đều, hiệu quả kinh tế chưa cao...

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO; yêu cầu xây dựng quân đội, ngành Hậu cần ngày càng đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm VCHC phù hợp với thực tiễn. Phát huy những kết quả đạt được sau 20 năm đổi mới phương thức bảo đảm VCHC, thời gian tới, ngành Hậu cần quân đội tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng (BQP); tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chỉ huy các cấp với công tác hậu cần nói chung, đổi mới và hoàn thiện phương thức bảo đảm VCHC nói riêng.
 Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là cơ sở nền tảng bảo đảm định hướng phát triển vững chắc, lâu dài của công tác hậu cần. Trên cơ sở tình hình đất nước, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, trình độ phát triển của quân đội và điều kiện của từng địa bàn, đơn vị trong từng thời kỳ… mà đổi mới và hoàn thiện phương thức bảo đảm VCHC cho phù hợp, nhằm bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhu cầu VCHC cho quân đội trong huấn luyện, xây dựng chính quy, SSCĐ và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Quá trình đó đòi hỏi phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy và nâng cao vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của cán bộ và cơ quan hậu cần các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những thiếu sót, khuyết điểm; thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, chống tham ô, lãng phí trong mọi khâu. Trước hết, mọi cán bộ, cơ quan hậu cần phải “làm kiểu mẫu về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy.
Hai là, nghiên cứu thực hiện phân cấp bảo đảm VCHC hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BĐHC.
Phân cấp bảo đảm hợp lý có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo đảm VCHC kịp thời, đầy đủ, đồng bộ cho các nhiệm vụ. Đổi mới, mở rộng phân cấp bảo đảm VCHC không có nghĩa là tất cả các loại vật chất, cấp nào, đơn vị nào cũng được bảo đảm “tiền tệ hóa” hoặc “khoán trắng”, bảo đảm đủ kinh phí cho cấp dưới là xong. Thời gian tới, việc phân cấp tạo nguồn cần mở rộng hơn, cả về mặt hàng và cấp đơn vị được trực tiếp tạo nguồn để phát huy tối đa nguồn vật chất tại chỗ; song phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, chính quy trong toàn quân. Theo đó, những mặt hàng thông dụng có sẵn trên thị trường, nghiên cứu từng bước tăng dần tỷ lệ phân cấp cho các đơn vị. Về dự trữ SSCĐ, tăng dự trữ các mặt hàng quý hiếm trong nước chưa sản xuất được, ưu tiên các đơn vị ở vùng trọng điểm, vùng khó khăn; giảm dự trữ các mặt hàng thông dụng ta có khả năng sản xuất và có sẵn trên thị trường; trong đó không dự trữ một số mặt hàng (nhất là ở cấp chiến lược, chiến dịch). Về lương thực, những đơn vị đóng quân tập trung, có điều kiện TGSX lớn, có máy xay xát, phương tiện vận chuyển, hiện đang tổ chức tạo nguồn tập trung ở cấp chiến dịch, cần rà soát, tính toán đủ các loại chi phí ở các khâu để điều chỉnh lại phân cấp tạo nguồn, bảo đảm nguồn cung ứng vững chắc và giá sản phẩm phải hợp lý. Các sư đoàn đóng quân trên phạm vi rộng, giao cho trung đoàn tự khai thác bảo đảm; bộ đội địa phương phân cấp đến huyện đội; một số đơn vị binh chủng đóng quân phân tán như thông tin, ra đa, phòng không... có thể phân cấp đến tiểu đoàn, thậm chí đài, trạm lẻ tự khai thác tại chỗ để bảo đảm. Những chủng loại xăng, dầu có trên thị trường trong nước như xăng Mogar 92, 95, Điêzen và dầu, mỡ, thông dụng thì phân cấp triệt để đến cấp trung đoàn, huyện đội và tương đương. Xăng, dầu sử dụng cho xe chỉ huy, xe đi công tác lẻ, các đơn vị phải phân cấp triệt để bằng tiền đến cấp trung, lữ đoàn, đơn vị độc lập; ưu tiên phân cấp cho những đơn vị vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó bảo đảm, tính chất công việc phức tạp, đến cấp đồn biên phòng, đơn vị kỹ thuật (nơi có nguồn bảo đảm xăng, dầu); tránh vận chuyển nhiều từ đơn vị cấp trên đến đơn vị cấp dưới và luân chuyển nhiều lần qua kho.
Những mặt hàng có yêu cầu chất lượng, chính quy cao như quân phục, giày, mũ... do cấp chiến lược tạo nguồn là chủ yếu; song cũng nghiên cứu, từng bước phân cấp cho cấp chiến dịch có điều kiện tự sản xuất các mặt hàng tạp trang của đơn vị mình. Quân trang đặc thù và một số mặt hàng tiếp tục bảo đảm bằng tiền cho sĩ quan ở cấp sư đoàn trở lên.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác mua sắm tạo nguồn VCHC.
Việc mua sắm hàng hóa, phương tiện, vật tư bằng ngân sách Nhà nước cấp nói chung, hàng quốc phòng nói riêng phải thực hiện theo Luật Đấu thầu (số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005) và quy chế của BQP. Vì vậy, cần sớm hoàn chỉnh các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý cho việc kết hợp giữa đặt hàng (những mặt hàng hậu cần quân đội tự sản xuất được) với đấu thầu; tiến tới hạn chế tối đa đặt hàng và chỉ định thầu, thực hiện đấu thầu rộng rãi, công khai, công bằng, dân chủ khi các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; từng bước tạo lập hệ thống tổ chức sản xuất hàng hậu cần trong nền kinh tế để xã hội hoá công tác BĐHC và thường xuyên nắm chắc tiềm năng, sẵn sàng huy động, động viên khi có tình huống. Trước mắt, có thể tổ chức đấu thầu thí điểm trong các doanh nghiệp quân đội  với một số mặt hàng quân nhu, doanh trại... Đây là vấn đề mới, cần có bước đi thích hợp, tổ chức chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu, đặc thù mua sắm từng lĩnh vực, từng mặt hàng để bảo đảm được lợi ích hiện tại và lâu dài. Trên cơ sở đó, cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức vật tư, lao động, xây dựng giá (giá sàn, giá trần) chính xác, hợp lý, sát với giá cả thị trường làm đối ứng để hội đồng giá và người chỉ huy xét duyệt giá chính thức và quản lý chặt chẽ các hợp đồng kinh tế. Quá trình xây dựng hệ thống giá, cần tổ chức hội thảo dân chủ với sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp, nhà thiết kế… trước khi quyết định.
Phải thường xuyên củng cố, kiện toàn hội đồng giá (tổ chuyên gia đấu thầu...) ở các cấp, để tham mưu cho người chỉ huy ra các quyết định đúng đắn trong việc mua sắm tạo nguồn VCHC. Cần lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, kinh tế thị trường để giúp tổ chức đấu thầu. Các doanh nghiệp quốc phòng hiện đang sản xuất hàng hậu cần phải chấp hành nghiêm các quy định của BQP, Tổng cục Hậu cần, tuyệt đối không được đặt gia công bên ngoài, “mua bán vòng vèo” trong khi doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp phải có giải pháp toàn diện, chủ động chuẩn bị để sau khi cổ phần hoá, hoạt động “bình đẳng trong sân chơi chung” và đứng vững trong cơ chế thị trường.
Bốn là, rà soát, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế- kỹ thuật hậu cần.
Đổi mới phương thức bảo đảm VCHC phải dựa trên những quy định về chỉ tiêu chất lượng, định mức tiên tiến, tiêu chuẩn hợp lý. Hiện nay, định mức, tiêu chuẩn hậu cần đang triển khai thực hiện theo Thông tư số 74/2006 của liên Bộ Quốc phòng-Tài chính- Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 123/2003/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn VCHC đối với quân nhân tại ngũ và một số tiêu chuẩn do BQP ban hành. Về tiêu chuẩn chất lượng, một số mặt hàng hậu cần (thuốc quân y, xăng, dầu...) được quy định theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, quốc gia; có mặt hàng do BQP, ngành quy định; nhưng nhìn chung còn thiếu và không còn phù hợp, nhất là trang bị hậu cần bảo đảm cho huấn luyện dã ngoại, SSCĐ vừa không đồng bộ, lạc hậu, chất lượng thấp, cồng kềnh, nặng, trong khi mẫu mã chậm được nghiên cứu cải tiến, hằng năm khả năng ngân sách chưa đáp ứng để sản xuất thay thế theo niên hạn sử dụng. Do đó, cần sớm rà soát, nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chỉ tiêu chất lượng và định mức, tiêu chuẩn hậu cần để làm cơ sở đánh giá, xác định chính xác chất lượng, giá cả hàng hóa; đồng thời, làm cơ sở để thương thảo, ký kết các hợp đồng kinh tế, chuẩn hoá và thống nhất trong bảo đảm. Quá trình xây dựng phải quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước, kinh phí của ngành; ưu tiên nghiên cứu cải tiến các vật chất, trang bị hậu cần bảo đảm cho SSCĐ, xây dựng chính quy.
Năm là, đẩy mạnh phát triển TGSX, nâng cao khả năng bảo đảm tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống bộ đội.
Lao động sản xuất là truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Nguồn tự sản xuất cung ứng của các đơn vị có vai trò quan trọng trong việc chủ động duy trì nguồn bảo đảm tại chỗ, đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo nguồn thu chính đáng để nâng cao đời sống bộ đội. Thời gian qua, phong trào TGSX trong toàn quân đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều mô hình tương đối hiệu quả, hằng năm tạo ra của cải trị giá hàng trăm tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn của BQP đầu tư, vốn tự có và vốn khác, hầu hết các đơn vị cấp trung, lữ đoàn trở lên và tương đương đã xây dựng được các điểm tăng gia, trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, theo phương pháp công nghiệp. Thời gian tới, tiếp tục phát triển đồng thời mô hình TGSX ở ba cấp (tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh), gắn với các điểm TGSX, trạm chế biến, giết mổ tập trung tại các “hậu cứ, căn cứ hậu cần” từng cấp, theo hướng thâm canh, chuyên canh, đa dạng sản phẩm. Các đơn vị có điều kiện về đất đai, ao hồ và thời tiết, khí hậu thuận lợi phấn đấu tự túc đủ thực phẩm bảo đảm cho đơn vị và một phần con, cây giống để chủ động trong sản xuất. Trong các hoạt động TGSX, phải tính toán chi phí đầy đủ, hoạch toán đúng lỗ, lãi, tránh hiện tượng “cụt vốn”, “nước sông, công lính”. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, nhân rộng các mô hình điểm trong thời gian tới. Những đơn vị có điều kiện, đã đầu tư có hiệu quả, cần tiếp tục bổ sung nguồn vốn để phát triển hơn; nơi có  điều kiện thuận lợi, mạnh dạn nghiên cứu các mô hình làm dịch vụ, nhưng phải đúng pháp luật, quy định của BQP để tạo nhiều nguồn thu, nâng cao đời sống bộ đội.
Sáu là, xây dựng tổ chức biên chế hậu cần phù hợp, tăng cường công tác quản lý, thực hành tiết kiệm; nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào thi đua của Ngành.
Đổi mới và hoàn thiện phương thức bảo đảm VCHC cho phép và cũng đòi hỏi ngành Hậu cần từng bước xã hội hoá việc sử dụng mọi nguồn lực xã hội vào công tác BĐHC, trong đó lực lượng hậu cần các cấp là nòng cốt trong tổ chức bảo đảm. Do đó, phải sớm nghiên cứu hoàn chỉnh đề án tổ chức lực lượng hậu cần phù hợp với quy hoạch tổ chức lực lượng quân đội đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, theo hướng tinh gọn, đồng bộ, thống nhất cả về tổ chức con người, trang bị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Kết hợp tiền tệ hoá với bảo đảm bằng hiện vật theo phân cấp ngày càng mở rộng; quản lý chặt chẽ mọi khâu bảo đảm VCHC. Nhanh chóng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở chỉ huy, chỉ đạo, quản lý công tác hậu cần; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, nhất là với cơ quan tài chính cùng cấp, phát huy dân chủ trong sản xuất, tạo nguồn VCHC bảo đảm hiệu quả và đúng quy định. Thực hiện công khai hóa mọi tiêu chuẩn chế độ hậu cần; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của hậu cần các cấp, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí trong mọi khâu. Để thực sự là động lực thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm VCHC, phong trào thi đua của ngành Hậu cần phải đổi mới cả nội dung và hình thức hoạt động, kết hợp với các phong trào thi đua khác ở các cấp, các đơn vị, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác BĐHC, xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm VCHC là một nội dung quan trọng, đang được thực hiện khẩn trương và triệt để theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, BQP, của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, với những kết quả và kinh nghiệm đạt được của 20 năm đổi mới; bằng quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên hậu cần, tin rằng ngành Hậu cần Quân đội sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Thiếu tướng Ngô Huy Hồng
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
 
Ý kiến bạn đọc (0)