QPTD -Thứ Năm, 28/07/2011, 22:42 (GMT+7)
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội trong thời kỳ mới

Công tác tuyên truyền đặc biệt (TTĐB) là một bộ phận của công tác vận động cách mạng của Đảng; một nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong lực lượng vũ trang (LLVT). Thực hiện tốt công tác TTĐB trong thời kỳ mới sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhận rõ điều đó, xuất phát từ đường lối đối ngoại và chủ trương tăng cường hội nhập kinh tế, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong quân đội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, biện pháp tiến hành công tác TTĐB. Ngày 31-12-1996, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 201/ĐUQSTW "Về tăng cường công tác TTĐB trong tình hình mới". Tiếp đó, Tổng cục Chính trị đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, phương châm, nguyên tắc, nội dung và phương thức tiến hành công tác TTĐB trong từng nhiệm vụ, sát với từng đối tượng, trên từng hướng, từng địa bàn, từng tình huống, thời điểm cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị và các hướng dẫn của trên, các đơn vị đã quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TTĐB; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động, nhất là ở các đơn vị, địa phương vùng biên giới, hải đảo, các địa bàn trọng điểm, chiến lược, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Công tác TTĐB đã bám sát tình hình trong nước và mọi diễn biến quốc tế có liên quan; quán triệt và thực hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng - an ninh (QP-AN), đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với công tác dân vận và hoạt động đối ngoại; kết hợp nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền một cách sáng tạo, phù hợp và đưa lại hiệu quả thiết thực. Công tác TTĐB đã thể hiện là một mũi tiến công chính trị sắc bén, một phương thức đấu tranh có hiệu quả, góp phần ngăn ngừa và làm thất bại âm mưu, hành động của các thế lực thù địch lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện chủ trương đổi mới, hội nhập của Đảng và Nhà nước ta để tiến hành các hoạt động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả chủ yếu trên, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác TTĐB vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một số cấp ủy Đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở, chưa nhận thức hết vai trò của công tác TTĐB trong tình hình mới, nên chưa triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung, yêu cầu đặt ra. Trong tiến hành công tác TTĐB, ở một số đơn vị, địa phương sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng có lúc, có việc chưa đồng bộ, nội dung, phương thức hoạt động chưa đổi mới, do đó, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế...

Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện hơn. Điều đó mang lại cả cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn trong tiến hành công tác TTĐB của quân đội. Lợi dụng mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nấp sau các vấn đề hợp tác, thương mại, kinh tế, xã hội, nhân đạo, các thế lực thù địch sẽ đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, ra sức lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta quyết liệt hơn... Đứng trước tình hình đó, để lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác TTĐB của quân đội trong thời kỳ mới đạt kết quả cao, các cấp, các ngành và các đơn vị trong toàn quân cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần coi trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của công tác TTĐB trong thời kỳ mới. Các cấp ủy Đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ: công tác TTĐB ngày nay chính là sự kế tục và phát triển của công tác binh - địch vận trước đây; là một bộ phận quan trọng trong công tác vận động cách mạng của Đảng; là một mũi tiến công chính trị, tư tưởng có hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh của chính nghĩa, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với độc lập, chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Đồng thời, công tác TTĐB còn góp phần thiết thực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đối với LLVT, công tác TTĐB là một nhiệm vụ thường xuyên; một mặt hoạt động của CTĐ, CTCT; trong đó cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp giữ vai trò nòng cốt. Do vậy, cần đề phòng mọi biểu hiện xem nhẹ hoặc buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo; khắc phục kịp thời những nhận thức và cách tổ chức thực hiện theo “đường mòn”, lối cũ.

Thứ hai, phải luôn nắm vững nhiệm vụ công tác TTĐB trong thời kỳ mới. Nổi lên hiện nay là tuyên truyền, vận động và đấu tranh với các thế lực thù địch, những lực lượng và những người được sử dụng trong âm mưu, hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phá hoại sự ổn định chính trị của đất nước; làm cho họ nhận rõ sự thật và chính nghĩa của ta, từ đó tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp của nước ta và công pháp quốc tế, tôn trọng các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa nước ta với các nước. Bằng công tác TTĐB, làm triệt tiêu những ý đồ, tư tưởng của các lực lượng chống phá, giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật, cảm hóa những người bị lôi kéo về với chính nghĩa, nhân dân. Đồng thời, công tác TTĐB trong thời kỳ mới phải tích cực tham gia phòng chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; kết hợp với công tác dân vận để góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động khủng bố, bạo loạn, can thiệp vũ trang của các thế lực thù địch.

 Thứ ba, phải quán triệt và thực hiện đúng quan điểm, phương châm, nguyên tắc tiến hành công tác TTĐB. Bất cứ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của đất nước ta đều là đối tượng đấu tranh. Song quá trình đấu tranh phải dựa trên cơ sở luật pháp và các hiệp ước, hiệp định, công pháp quốc tế. Đó là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, phải tăng cường hợp tác, tránh xung đột, đối đầu, chủ động phòng ngừa là chính; khi có tình huống xảy ra thì phải xử lý kịp thời, khẩn trương, khôn khéo, nhanh gọn, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động hoặc lấy cớ can thiệp. Trong tuyên truyền phải phân biệt rõ giữa những kẻ cầm đầu, chủ mưu, ngoan cố chống đối với những người bị lợi dụng để có nội dung, biện pháp phù hợp. Khi tiến hành công tác TTĐB cần quán triệt và thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; phải bám sát tình hình thực tế và phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, quân đội, của đơn vị và địa phương. Sử dụng biện pháp đấu tranh chính trị là chủ yếu; tích cực, chủ động nhưng phải thận trọng; kiên quyết nhưng phải mềm dẻo, kiên trì, linh hoạt, khôn khéo, kiềm chế, tránh manh động hoặc chủ quan, đơn giản làm tình hình phức tạp thêm. Cần kết hợp chặt chẽ công tác TTĐB với công tác dân vận, công tác tuyên truyền đối ngoại, hoạt động đối ngoại và các hình thức đấu tranh khác.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của thời kỳ mới. Hiện nay, cần tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng vùng biên giới, biển, đảo hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trên cơ sở các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Tích cực tuyên truyền về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta; làm cho mọi người, mọi đối tượng trong và ngoài nước nhận thức rõ nội dung, ý nghĩa của các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận, quy chế biên giới... đã được ký kết. Đẩy mạnh tuyên truyền về tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa nước ta với các nước láng giềng, giữa các đơn vị và địa phương hai bên biên giới; làm nổi bật những phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước; khẳng định những thành tựu phát triển của đất nước và của mỗi địa phương. Đồng thời, phải hết sức đề cao tinh thần cảnh giác, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hòng kích động, chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. ở những khu vực còn tồn tại tranh chấp, bất đồng, trong khi chờ đợi Chính phủ hai bên bàn bạc giải quyết, cần tuyên truyền, đấu tranh để lực lượng các bên có thái độ kiềm chế, hợp tác, không gây căng thẳng, làm tình hình thêm phức tạp.

Thứ năm, cần tích cực đổi mới và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với thời kỳ mới. Thông qua cán bộ, nhân dân địa phương, qua con đường ngoại giao, qua các hoạt động phối hợp công tác, tiếp xúc, gặp gỡ, hội đàm, giao ban biên giới,... để tuyên truyền, vận động. Thông qua các hoạt động thương mại, đầu tư, liên doanh, liên kết để tuyên truyền có hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền miệng, cần phát huy ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng như truyền thanh, phát thanh, truyền hình, phim ảnh, điện thoại,... và sử dụng mạng viễn thông, tin học; sử dụng sách, báo, ấn phẩm văn hóa, bảng tin, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu ở những khu vực có đông người qua lại...; sử dụng tờ rơi, tờ gấp bằng các thứ tiếng khác nhau khi có điều kiện tiếp xúc với đối tượng. Các cấp, các đơn vị cần từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến vào thực hành công tác TTĐB nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao hơn.   

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng thực hiện công tác TTĐB. Phải chú ý nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu của cơ quan chính trị các cấp trong đề xuất với cấp ủy Đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác TTĐB. Công tác TTĐB phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp và hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Trên từng địa bàn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các đơn vị quân đội phải làm tốt công tác tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vận động đông đảo nhân dân cùng tham gia. Cần chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt đi đôi với củng cố, phát huy tốt các phong trào quần chúng, để việc thực hiện công tác TTĐB của quân đội ngày càng có hiệu quả cao.

Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ và nắm vững quan điểm, phương châm, nguyên tắc tiến hành công tác TTĐB trong thời kỳ mới để đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động này. Đó cũng là những vấn đề mà mỗi cấp ủy Đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong toàn quân phải thấu triệt. Trên cơ sở đó mới lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động sáng tạo, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, từng nhiệm vụ, từng vùng miền, nâng cao hiệu quả công tác TTĐB, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

 Trung tướng Đàm Đình Trại

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 

Ý kiến bạn đọc (0)