QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 22:17 (GMT+7)
Tiếp tục đổi mới công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên đào tạo ở các học viện, trường sĩ quan quân đội

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò rất quan trọng; là biện pháp chủ yếu để giải quyết số lượng, cải thiện cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Để không ngừng nâng cao chất lượng  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các học viện, trường sĩ quan quân đội (gọi tắt là nhà trường), chúng ta phải thực hiện đồng bộ các khâu: xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tạo nguồn và tuyển chọn học viên; tổ chức quá trình đào tạo; bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo. Trong các khâu đó, công tác tạo nguồn và tuyển chọn học viên vào trường có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp tới chất lượng đào tạo tại trường và bố trí, sử dụng cán bộ sau khi ra trường. Làm tốt công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên sẽ bảo đảm được số lượng nguồn dồi dào, phong phú về cơ cấu, chất lượng nguồn cao, tạo cơ sở cho việc tuyển chọn học viên đủ số lượng, bảo đảm chất lượng “đầu vào” theo tiêu chuẩn quy định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các nhà trường. Đó là tiền đề cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau đào tạo, phát huy vai trò của cán bộ được đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng cán bộ trong quân đội. Mặt khác, tạo nguồn cũng là quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đạt được các điều kiện tiêu chuẩn về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn theo cương vị, chức trách và sắp xếp, bố trí cán bộ đúng cương vị được đào tạo. Ngược lại, việc bố trí, sử dụng học viên tốt nghiệp đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của cán bộ cũng chính là tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cấp học, bậc học cao hơn.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan cán bộ các cấp, các ngành, các nhà trường trong quân đội đã quán triệt và triển khai thực hiện công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng từng bước được nâng lên. Công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên đào tạo từ cấp phân đội đến cấp chiến thuật- chiến dịch, chiến dịch- chiến lược được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, đúng quy chế của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Các đơn vị đã chú trọng tổ chức bồi dưỡng văn hoá, ngoại ngữ, cử cán bộ đi thực tế đơn vị theo cương vị chức trách, tổ chức ôn văn hoá, ôn luyện trước khi thi tuyển; tổ chức tuyển chọn nguồn được thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm dân chủ, đúng nguyên tắc. Các nhà trường tổ chức tuyển chọn học viên đào tạo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định; tuyển chọn được số lượng học viên vào trường đạt chỉ tiêu kế hoạch, chất lượng tuyển chọn nhìn chung được bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định... Nhờ vậy và cùng với tổ chức quá trình đào tạo nghiêm túc, chúng ta đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ đạt tiêu chuẩn chất lượng theo nhiều trình độ, cấp học với nhiều phương thức, loại hình đào tạo. Đây là cơ sở quan trọng để thường xuyên bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng, cải thiện cơ cấu đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong những năm qua.   

Tuy vậy, công tác tạo nguồn và tuyển chọn học viên còn những hạn chế, bất cập. Đó là: quy định đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn có lúc chưa kịp thời, chưa sát với thực tế nguồn; một số đơn vị có biểu hiện chạy theo số lượng, thụ động dựa trên tình hình chất lượng thực tế, chưa có nhiều biện pháp để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn. Công tác tạo nguồn nhìn chung còn bị động, lúng túng, nhất là nguồn đào tạo cấp trung đoàn, nguồn đào tạo sau đại học và nước ngoài. Quá trình tuyển chọn học viên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa đúng quy trình, quy định, chưa quan tâm đúng mức đến việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ. Bố trí, sắp xếp cán bộ sau đào tạo còn nhiều trường hợp chưa đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo; đào tạo chưa gắn với sử dụng, gây nhiều lãng phí trong đào tạo, sử dụng cán bộ... Những mặt hạn chế, thiếu sót trong công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. 

Yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới, tiến trình cải cách giáo dục-đào tạo (GD- ĐT) quốc gia, đổi mới và nâng cao chất lượng GD- ĐT trong quân đội đang đặt ra những đòi hỏi rất cao cho  công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên vào học ở các học viện, nhà trường quân đội.  Để nâng cao hơn nữa chất lượng “đầu vào”, theo chúng tôi, cần tiếp tục đổi mới công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên. Muốn vậy, phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.   

Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp, các ngành, các nhà trường trong quân đội cần quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chính sách về GD- ĐT và công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết số 86/NQ- ĐUQSTW ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác GD- ĐT, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó khâu tạo nguồn và tuyển chọn học viên đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các nhà trường; đồng thời tạo được sự thống nhất về chủ trương, quan điểm, nguyên tắc trong công tác tạo nguồn và tuyển chọn học viên vào trường. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp, từng ngành, các học viện, trường trong đổi mới công tác tạo nguồn và tuyển chọn học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ sau đào tạo, cũng như trong suốt quá trình phát triển của cán bộ, thực hiện phương châm "đào tạo gắn với sử dụng", nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.  

Hai là, trên cơ sở nắm chắc phương hướng, mục tiêu, quy trình đào tạo, sử dụng và phát triển của các loại hình cán bộ (gồm: chỉ huy, tham mưu; chính trị; hậu cần; kỹ thuật; nghiệp vụ chuyên môn) để xác định nội dung đổi mới công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên đào tạo. Theo đó, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp, nhằm giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Vấn đề quan trọng trước hết là phải xác định rõ: đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn học viên; quy hoạch và xây dựng, bồi dưỡng nguồn học viên của các loại hình, bậc học đào tạo; quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp sát với thực tế; hoàn thiện các khâu tuyển chọn học viên (xác định nguồn, sơ tuyển, tổ chức thi tuyển hoặc xét cử tuyển, gọi học viên nhập học). Cũng cần thấy rằng, các nội dung đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động và hỗ trợ lẫn nhau, vì vậy phải thực hiện đồng bộ và bảo đảm chất lượng từng khâu. Xác định đúng đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn là cơ sở pháp lý cho việc tạo nguồn và tuyển chọn học viên. Có thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng và bồi dưỡng nguồn mới bảo đảm được số lượng nguồn lớn, chất lượng nguồn cao, tạo thuận lợi cho việc tuyển chọn đủ học viên theo chỉ tiêu và tiêu chuẩn đào tạo.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyển chọn học viên; đối với các đơn vị phải thực hiện chặt chẽ theo quy trình, tránh quan điểm "lứa-lớp", bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, đủ số lượng (chất lượng cao chọn trước, chất lượng thấp chọn sau), không những nâng cao chất lượng "đầu vào" mà còn tạo ra động lực phấn đấu cho cán bộ có đủ tiêu chí, đạt chất lượng cao để được tuyển chọn đi đào tạo. Các nhà trường, cơ quan chức năng của Bộ cần tổ chức xét duyệt, thi tuyển và đào tạo cơ bản từ cấp phân đội đến cấp chiến dịch-chiến lược theo đúng quy chế của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển đào tạo cán bộ đối với một số ngành đặc thù quân sự, người dân tộc thiểu số, các địa bàn đặc biệt khó khăn, các địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh.

Ba là, cùng với hoàn thiện quy trình đào tạo, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, cơ quan chức năng cần chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cấp chiến lược xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn đào tạo cán bộ chỉ huy, quản lý từ cấp phân đội đến cấp chiến thuật- chiến dịch, chiến dịch-chiến lược. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tạo nguồn đào tạo cán bộ trong nước và nước ngoài; đồng thời, tổ chức tạo nguồn, bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ cho nguồn đào tạo các cấp; tổ chức tốt dự khóa cho nguồn đào tạo sau đại học và nguồn đi học ở nước ngoài. Trong đó, coi trọng nâng cao chất lượng tạo nguồn đào tạo cán bộ cấp phân đội, tuyển chọn đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn theo quy định để đào tạo theo chức vụ có trình độ học vấn bậc đại học. Thực hiện tuyển sinh đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội từ quân nhân, sinh viên đã tốt nghiệp đại học và chuyển loại cán bộ các cấp. Xây dựng các chế độ, chính sách ưu tiên tuyển chọn nguồn đào tạo là con cán bộ, đảng viên; con công nhân, nông dân, gia đình có công với cách mạng; tuyển chọn thiếu sinh quân, quân nhân, học sinh dân tộc thiểu số làm nguồn đào tạo cán bộ tại chỗ. Chú trọng xây dựng kế hoạch tạo nguồn đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn, bảo đảm đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng. Đối với các nhà trường, cơ sở nghiên cứu khoa học cần quan tâm xây dựng kế hoạch tạo nguồn đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; nguồn bồi dưỡng để được Nhà nước công nhận giáo sư, phó giáo sư. Quan tâm tuyển chọn sinh viên ở các trường đại học mà quân đội có nhu cầu, đủ điều kiện theo quy định để bồi dưỡng thành cán bộ quân đội. Tăng cường phát hiện, tuyển chọn tài năng quân sự để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ nòng cốt của quân đội. Tích cực tạo nguồn, tuyển chọn cán bộ, học viên cử ra nước ngoài đào tạo, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, nhất là những chuyên ngành kỹ thuật quân sự mũi nhọn, đào tạo kỹ sư đầu ngành...

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài quân đội có liên quan đối với công tác tạo nguồn, tuyển chọn học viên đào tạo. Trên cơ sở đó, tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc sơ tuyển, thi tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các trường quân đội; tuyển sinh con em dân tộc thiểu số vào các trường phổ thông dân tộc nội trú trên các địa bàn chiến lược để tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Đối với các đơn vị, cần làm tốt công tác chuẩn bị nguồn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn. Các nhà trường tổ chức tuyển chọn học viên đào tạo phải chặt chẽ, đúng quy chế từ cấp phân đội đến cấp chiến thuật- chiến dịch, cấp chiến dịch-chiến lược; tuyển sinh và cử tuyển vào đào tạo phải đúng quy chế của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng.

Năm là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị phục vụ cho công tác đào tạo, tạo nguồn và tuyển chọn học viên. Mặc dù trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp, nhưng cần tăng chi ngân sách cho GD- ĐT nói chung, thực hiện các chế độ, chính sách trong tạo nguồn, tuyển chọn học viên, bồi dưỡng tài năng quân sự, thu hút học viên giỏi nói riêng, tạo cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong tình hình mới.

Đại tá Lê Trọng Bình

Trưởng phòng Đào tạo-Cục Cán bộ

   

 

Ý kiến bạn đọc (0)