QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:15 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” trong quân đội
Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ở các đơn vị cơ sở và yêu cầu: mỗi đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường xây dựng phong cách lao động mới; là nơi thể hiện tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người mới, nền văn hóa mới Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đề ra nhiệm vụ, phải “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường… đơn vị quân đội) đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của nhân dân”. Quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, phấn đấu làm cho các giá trị văn hóa có mặt mọi lúc, mọi nơi, trở thành yếu tố khăng khít trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội, Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng quân đội nhân dân (QĐND) vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm năm qua, vượt lên mọi khó khăn và thách thức, Cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ta. Các hoạt động xây dựng môi trường văn hoá đã bám sát yêu cầu xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hướng tới mục tiêu: nâng cao nhận thức chính trị cho mọi quân nhân; giáo dục, bồi dưỡng nhân sinh quan, thế giới quan, phẩm chất, đạo đức cách mạng; cổ vũ, biểu dương cái tốt, cái đẹp, phê phán và lên án cái xấu, cái ác, cái lạc hậu; bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”  trong thời kỳ mới.
Kết quả nổi bật của Cuộc vận động là đã tạo ra được môi trường giầu tính giáo dục vì mục tiêu xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang (LLVT). Các đơn vị đã thường xuyên duy trì phong trào tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, thực hiện nếp sống chính quy. Nhiều gương sáng điển hình của các tập thể và cá nhân xuất hiện; tỉ lệ vi phạm kỉ luật giảm, các hiện tượng quân phiệt, đào, bỏ ngũ được hạn chế đến mức thấp nhất. Một số mô hình đơn vị có môi trường văn hoá tốt ra đời, như: "Sẵn sàng chiến đấu cao, gắn với xây dựng điều lệnh tốt, kỉ luật nghiêm"; "Dạy tốt, học tốt"; "Các đồn Biên phòng là điểm sáng văn hoá vùng biên giới"; "Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm"; và đặc biệt là mô hình "7 không" của Quân khu 7, được các đơn vị trong toàn quân hưởng ứng học tập.
Thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, hệ thống sáng tạo và chuyển tải các giá trị văn hoá phục vụ đời sống bộ đội đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhiều cuộc vận động sáng tác, cuộc thi, trại sáng tác được mở ra, thu hút nhiều tác giả trong và ngoài quân đội tham gia, với nhiều tác phẩm có chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu văn hoá, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Việc bảo đảm sách, báo, phim ảnh, phát thanh, truyền hình, thông tin nội bộ… được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng doanh trại theo mô hình "Xanh, sạch, đẹp"; khuôn viên của các đơn vị được quy hoạch, chỉnh trang thường xuyên, nhằm tạo ra cảnh quan, môi trường sống quy củ và thân thiện. Nhiều đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động: không hút thuốc lá, không uống rượu, bia; kiên quyết ngăn chặn tệ nạn ma tuý, cờ bạc, các hủ tục mê tín dị đoan,v.v. Có thể khẳng định, Cuộc vận động đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ; nâng tầm nhận thức và cảm thụ các giá trị văn hoá lên cao hơn, ngang tầm phát triển của thời kỳ mới. Các mối quan hệ trong đơn vị được xử lý hài hoà, trong sáng hơn, đúng với quy định của quân đội, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Các đơn vị quân đội thực sự trở thành tổ ấm của mọi cán bộ, chiến sĩ; luôn thấm đượm tình cảm đồng chí, đồng đội, gắn kết chặt chẽ cá nhân với tập thể và mọi cá nhân với nhau. Mỗi hoạt động trong đơn vị đều mang dấu ấn của văn hoá, góp phần trực tiếp xây dựng bản lĩnh chính trị, tình cảm, trách nhiệm, tình thương yêu, tính kỉ luật và nghĩa tình đồng đội.
Việc gắn Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá trong quân đội với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tạo ra nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú. Các tiêu chí cơ bản của Cuộc vận động, đồng thời cũng là mục tiêu hướng tới của các gia đình quân nhân, như: Xây dựng ý thức về một gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc; nói không với các tệ nạn xã hội; đề cao các thuần phong, mỹ tục: Kính trọng ông bà, cha mẹ, hoà thuận vợ chồng, chăm sóc con cái; đoàn kết với mọi người xung quanh… Hầu hết các gia đình quân nhân đều gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội; đa số đều được công nhận là “ Gia đình văn hoá” .
Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá mới gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã phát huy được thành tích và kinh nghiệm của 10 năm trước; đồng thời, có bước phát triển mới cao hơn cả về chất và lượng; các mô hình ngày càng rõ hơn, các điển hình tiên tiến phong phú hơn. Nhiều nội dung không chỉ phát triển về bề rộng, mà cả chiều sâu, có tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng ý thức trách nhiệm, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận, Cuộc vận động vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần phải khắc phục. Trong triển khai thực hiện, một số nơi vẫn còn mắc bệnh hình thức, đối phó, chạy theo thành tích; chưa chú ý đầy đủ đến chất lượng, hiệu quả. Bộ máy vận hành có lúc còn xơ cứng, thiếu linh hoạt; đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa thực sự năng động, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; giải quyết những vấn đề đặt ra từ đời sống của bộ đội chưa kịp thời. Việc bảo đảm tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần cho các đơn vị còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, nên nhiều lúc chưa đầy đủ; nền nếp hoạt động các loại hình văn hoá chưa thường xuyên; một số khúc mắc trong các mối quan hệ  ở đơn vị cơ sở chưa giải quyết một cách thỏa đáng…
Những năm tới, đất nước ta tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới sâu sắc và toàn diện, giao lưu văn hoá, khoa học và công nghệ diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt đời sống văn hóa, tinh thần của toàn xã hội. Mặt trái cơ chế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống; một số quan niệm đề cao chức năng giải trí, xem nhẹ chức năng giáo dục của văn hóa, văn nghệ chưa được phê phán triệt để; những biểu hiện thương mại hoá trong các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, báo chí sẽ làm nảy sinh những thị hiếu thấp kém và có thể một số sản phẩm văn hoá sẽ bị hạ thấp chức năng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ… Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình” chống phá CNXH, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Do đó, việc tập trung xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, văn hoá, làm cơ sở để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, có một ý nghĩa hết sức quan trọng; đồng thời, cũng là yêu cầu cốt lõi của Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong QĐND.
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Nghị quyết đại hội X của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 8;  Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X), toàn quân tập trung nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hoá phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng con người mới trong LLVT; nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ những phẩm chất cơ bản của người quân nhân cách mạng, làm cơ sở cho việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Từ đó, cần xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Cuộc vận động là tập trung xây dựng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng. Nhiệm vụ đó đòi hỏi phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nâng cao trình độ nhận thức lý luận, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, với việc bồi dưỡng các giá trị: Chân, Thiện, Mỹ, làm cho mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ luôn hướng tới  cái đúng, cái đẹp, cái hay, đẩy lùi cái sai, cái ác và cái xấu. Chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu thù địch, sai trái và những tác động tiêu cực từ các loại sản phẩm văn hoá độc hại. Cuộc vận động phải thực sự góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, thúc đẩy mọi tập thể, cá nhân hăng say học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng môi trường văn hoá ở đơn vị cơ sở, phấn đấu đạt 4 mục tiêu mà Cuộc vận động đã đề ra; không ngừng làm chuyển biến căn bản đời sống văn hoá, tinh thần của bộ đội ở các đơn vị cơ sở, nhất là các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, gian khổ. Phấn đấu đến năm 2012, toàn quân có 80% đơn vị cơ sở đạt tiêu chuẩn đơn vị có môi trường văn hoá tốt. Đặc biệt, các đơn vị quân đội phải gương mẫu trong thực hiện các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội; phấn đấu có 95% các gia đình quân nhân được công nhận “Gia đình văn hoá”. Tiếp tục cụ thể hoá mô hình đơn vị văn hoá ở các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các học viện, nhà trường, đơn vị khoa học, kỹ thuật. Hoàn thành 3 chương trình hoạt động trọng điểm văn hoá, văn học- nghệ thuật, báo chí; sáng tạo được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội. Kiện toàn, củng cố các thiết chế văn hóa, đủ sức chuyển tải các giá trị văn hoá, nghệ thuật đến cơ sở; phấn đấu 100% tiểu đoàn đủ quân, các đại đội làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu độc lập, đồn Biên phòng có phòng Hồ Chí Minh. Tập trung ngăn chặn và vô hiệu hoá mọi sự thẩm lậu của các loại văn hoá độc hại đối với đơn vị quân đội; chủ động đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững và phát huy môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giảm các vụ việc vi phạm kỷ luật xuống mức thấp nhất. Chú ý đảm bảo các tiêu chuẩn theo hướng "trên, dưới cùng lo", có sự bổ sung từ các đơn vị theo nhu cầu bộ đội.
Để đạt được các mục tiêu cơ bản trên đây, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ huy và mọi cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, mục tiêu, nội dung của Cuộc vận động; khắc phục và phê phán kịp thời nhận thức lệch lạc cho rằng: Cuộc vận động chỉ là công việc của các cơ quan tuyên huấn, văn hoá. Phải thấy rõ rằng, đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng con người của Đảng; một bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng hiện nay. Bởi vậy, tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà các cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên và mọi cán bộ, chiến sĩ phải phấn đấu thực hiện. Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú phải kết hợp chặt chẽ với "việc tổ chức thực hiện có hiệu quả, rộng khắp, thiết thực và có chiều sâu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ đảng viên”, như Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã nhấn mạnh.
Tập trung xây dựng bản chất cách mạng, ý chí khắc phục khó khăn, tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên cho mọi quân nhân; kết hợp giáo dục chính trị với giáo dục văn hoá thành một nội dung thống nhất, bổ sung và làm phong phú hơn quá trình xây dựng người quân nhân cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức trong sáng, phong cách và lối sống đẹp,  tâm hồn phong phú phù hợp với yêu cầu của quân đội trong tình hình mới.
Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động cho phù hợp với điều kiện của đơn vị và tâm lý bộ đội; chống hình thức, đối phó, đi theo lối mòn, gò ép; học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong tổ chức các hoạt động văn hóa. Tập trung nghiên cứu đưa ra được các mô hình hoạt động trong hai ngày nghỉ cuối tuần, phù hợp với điều kiện của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội. Chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của đơn vị. Hoạt động của các thiết chế văn hóa, nhất là các đoàn nghệ thuật, tổ (đội) tuyên truyền văn hóa, bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện, điện ảnh… phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, mang lại hiệu quả thiết thực…
Để Cuộc vận động đạt được mục tiêu, yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đã xác định; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và mọi cán bộ, chiến sĩ nhằm tạo được chuyển biến tích cực, có chiều sâu trong đời sống văn hoá, tinh thần; làm cho các nhân tố chính trị, tư tưởng bắt rễ sâu hơn, vững chắc hơn trong mọi hoạt động của QĐND. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; gắn cuộc vận động trong quân đội với ngoài xã hội, tạo nên sức mạnh mới trong mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Đây là Cuộc vận động lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn bộ nhiệm vụ xây dựng QĐND trong thời kỳ mới; vì vậy, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các đơn vị trong toàn quân tiếp tục đầu tư trí tuệ và công sức, đưa Cuộc vận động đạt được những kết quả toàn diện, thiết thực hơn.
Trung tướng Phạm Hồng Thanh
Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
 
Ý kiến bạn đọc (0)